Bà ngoại tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng có một điều khiến bà trở nên đặc biệt, đó là bà yêu chồng thương con hết mực. Bà từng nói một câu: “Không để cho người đàn ông của mình tự ti, đó là sự thể hiện tình yêu tối thiểu của phụ nữ”.

Khi được gả cho ông, bà mới vừa tròn 14 tuổi. Ngày ấy, một chiếc vòng bạc cùng đôi bông tai đã kết hợp hai con người vẫn chưa thực sự trưởng thành đến với nhau. Cuối năm 2013 bà qua đời, khi đưa bà tới nơi an nghỉ cuối cùng, ông ngoại tôi đứng trước linh vị của bà một hồi lâu, vẻ đau thương và tuyệt vọng hiện rõ trên khuôn mặt, trông ông cứ như người mất hồn vô định vậy.

Ông ngoại nhắc lại chuyện ngày xưa, ông nói rằng hôn nhân của ông bà có thể phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là khi ông chưa thực sự hiểu bà, giai đoạn sau là khi đã thực sự thấu hiểu tâm tư của bà.

Đoạn trước đã nói, bà được gả cho ông khi mới tròn 14 tuổi, lúc ấy ông là chàng công tử con nhà phú hộ giàu có. Ông chưa từng quen biết bà trước đó, khi nhìn đồ cưới của vợ lần đầu, chỉ là bộ đồ sính lễ đơn sơ, ông liền cho rằng bà xuất thân nghèo khó. Tuy nhiên đây là tín ước của cha mẹ, ông không thể không tuân theo. Thật khó tưởng tượng cuộc sống của hai con người non trẻ chưa thực sự trưởng thành lại đến ở cùng nhau. Đây cũng chính là phong tục tập quán của xã hội thời ấy.

Cưới xong, ông ngoại tỏ ra phóng túng, vô pháp vô thiên, cả ngày vui chơi bên ngoài. Ông không muốn từ bỏ thú vui câu cá, vẫn thường hay bỏ mặc bà ở nhà để cùng đám bạn đi câu, có khi đi một mạch mấy ngày mới về. Bà ngoại bẩm tính nhút nhát lại không dám lên tiếng, chỉ còn cách nhẫn chịu dùng toàn tâm toàn ý chăm sóc ông ngoại.

Cưới xong, ông ngoại tỏ ra phóng túng, thường bỏ mặc bà ở nhà để đi chơi. (Ảnh minh họa từ youtube)

Ông ngoại nói, lúc ấy ông chỉ muốn vùi dập bà trong đau thương và cô quạnh. Đương nhiên là không có chuyện lăng mạ hay bạo lực, ông cũng không phải loại người như vậy. Cách làm của ông rất khác người, ông đối xử lạnh nhạt với bà, và mỗi khi ra ngoài hễ đến bất cứ chỗ nào ông cũng kêu khổ, làm cho bà uất ức đến khóc thì mới thôi. Mọi người nghĩ xem, hồi còn trẻ có phải ông là người rất tệ bạc không?

Tuy nhiên dù ông đối xử với bà như vậy, bà vẫn yêu ông, không bao giờ để ông mất mặt. Mỗi lần hai người đi dự lễ cưới hỏi hay tang gia, yến tiệc nhà khác, bà đều chuẩn bị chu đáo không thiếu thứ gì cho ông. Bất luận trong lòng có buồn tủi ra sao, trước mặt mọi người bà vẫn tươi cười rạng rỡ. Ông sinh thời anh tuấn, bà dung mạo thanh tao, trước mặt mọi người đều tỏ ra ân ái đủ đầy trở thành một giai thoại của tình yêu.

Có thể do cuộc sống xã hội xưa kia, vợ chồng nên duyên đều qua mai mối, có những gia đình con gái gả đi nhiều năm mới quay về thăm nhà, hoặc giả nhà ngoại phải đích thân tới thăm. Vậy nên mãi đến nhiều năm sau này, khi bà sinh cho ông một cậu quý tử, cũng chính là cậu của tôi, thì người nhà bên ngoại mới tới thăm. Lúc này ông mới biết, thì ra bà không phải xuất thân nghèo khổ mà hoàn toàn ngược lại, gia phong lẫm liệt, phú quý hơn người, thậm chí còn giàu có hơn cả nhà ông.

Sau khi biết được mọi chuyện, ông mới hỏi bà tại sao không nói rõ thân phận của mình cho ông biết. Ông cũng đi hỏi mọi người sao giấu kín thân phận của bà như thế, mọi người đều bảo rằng ông là chồng mà còn không biết, mọi người sao biết được?

Nhiều hàng xóm láng giềng trước đây cũng từng khinh dễ bà, nhiều lần ức hiếp giành giật mấy củ cải trắng của bà. Sau khi biết được thân phận của bà họ liền nghĩ: “Có lẽ nào bà sẽ nhân cơ hội này báo thù hay không?”.

Tuy nhiên bà vẫn âm thầm lặng lẽ yêu ông. Ông kể khi đó bà có nói một câu mà cả đời ông không thể nào quên. Bà ngoại nói: “Không để cho người đàn ông của mình tự ti, đó là sự thể hiện tình yêu tối thiểu của người phụ nữ”.

Bị ấm ức khổ sở nhiều là vậy nhưng bà vẫn âm thầm lặng lẽ yêu ông. (Ảnh minh họa: reddit.com)

***

Kỳ thực, tình yêu là vậy. Khi yêu một ai đó người ta có thể làm tất cả vì người mình yêu, và đương nhiên không để cho người mình yêu phải tự ti cũng chính là cách thể hiện tình yêu chân thành của một người phụ nữ.

Dân gian có câu: “Xấu chàng hổ ai?” cũng chính là ý này. Hai người yêu thương nhau mà lại để cho một nửa của mình chịu thiệt thòi thì có khác gì tự mình làm xấu chính mình?

Vậy nên trong tình yêu, chăm sóc cho đối phương cũng là chăm sóc cho chính mình, chăm chồng như tựa chăm thân, chăm vợ rạng ngời cũng chính chăm ta.

Theo Secretchina
Minh Vũ biên dịch