Đập Tam Môn Hiệp được xây dựng trên sông Hoàng Hà. Nó còn được gọi là đập chứa nước Tam Môn Hiệp hay dự án kiểm soát nước Tam Môn Hiệp. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng, từng là niềm tự hào của chính quyền Trung Quốc. Nhưng giờ hào quang đó chỉ còn là của quá khứ…

Công trình xây dựng đập nhằm mục đích cung cấp điện, ngăn ngừa nước phía thượng nguồn gây lũ lụt. Đồng thời đập cũng tạo ra hồ chứa dự trữ nước tưới tiêu cho vùng đồng bằng thuộc hạ lưu, đảm bảo cho các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam và các tỉnh khác không bị ngập lụt. Đập được xây dựng vào tháng 4/1957 và hoàn thành vào tháng 4/1961. Tuy nhiên, ngày con đập lớn được khánh thành cũng là ngày khởi đầu của tai họa. 

Đập Tam Môn Hiệp đã đi qua lịch sử hơn 60 năm. Tuy nhiên nó đã khiến tiếng nước sông Hoàng Hà trở thành tiếng than thở nghẹn ngào của người dân lầm than dưới chế độ độc tài ĐCSTQ. Đập nước lớn này còn tồn tại đến hôm nay đã trở thành minh chứng sống cho thấy sự giả dối, hành động xấu xa hại nước hại dân của lãnh đạo Trung Cộng khi nó tuyên bố về sự vĩ đại của con đập. 

Quyền lực chính trị tối cao cũng không thể thay đổi được quy luật tự nhiên

Sau khi lên nắm quyền, Mao Trạch Đông vì muốn tạo ra hình ảnh: “Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh” (Thánh nhân xuất hiện, nước Hoàng Hà xanh), trời yên biển lặng, đã cho xây dựng đập nước lớn số một thế giới giống như một thứ son phấn điểm đô cho công lao sự nghiệp của mình. Mao đã cho mời các chuyên gia thuộc Viện thiết kế thủy điện Lenin thuộc Liên Xô thiết kế xây dựng. Ý tưởng chính của bản thiết kế chính là dự trữ nước và ngăn phù sa lại, không để bùn cát cuốn theo dòng nước xuống hạ nguồn, vốn là nguồn cơn khiến đáy sông bị đầy lên và tràn ra các vùng đồng bằng kế bên.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế Liên Xô đã không hiểu biết sâu sắc và nhận biết thực tế tình hình nước và dòng chảy của sông Hoàng Hà. Họ nghĩ rằng, đập cao, hồ chứa lớn có thể lưu giữ được toàn bộ phù sa từ thượng nguồn đổ xuống và bùn cát bị ngăn lại, dòng Hoàng Hà sẽ chảy trong xanh. Họ còn nghĩ rằng, một lần xây con đập lớn thì từ đó về sau sẽ được nhàn nhã. Họ muốn biến Hoàng Hà thành Thanh Hà, nghĩa là biến dòng sông vàng thành dòng sông xanh. Với suy nghĩ này, bản thiết kế đã được các nhà lãnh đạo Trung Cộng khen ngợi. 

Lúc đó, chuyên gia thủy lợi của Trung Quốc là Hoàng Vạn Lý đã sớm biết được mối nguy hại của con đập. Ông đưa ra những luận điểm bất đồng nên đã bị người lãnh đạo đương quyền coi là kẻ đối đầu mà đẩy ông vào hàng ngũ phe cánh hữu. Do vậy, Hoàng Vạn Lý đã bị tước đoạt học hàm giáo sư Đại học Thanh Hoa cùng chức vị nhà nghiên cứu khoa học. Ông bị đẩy xuống công trường lao động làm việc và chịu sỉ nhục. Trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, Hoàng Vạn Lý bị quy cho tội gián điệp và bị gọi là kẻ bất đồng chính kiến. Ông bị buộc phải tham gia lớp chuyển hóa, quét nhà xí và cúi đầu nghe phê bình. Là một chính quyền chuyên chế, ĐCSTQ không thể chịu được khi nghe những âm thanh bất đồng, không dễ tha thứ cho những ý kiến trái chiều. Đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ nhưng nó lại dẫn đến tai họa rất lớn về sau.

Giáo sư Hoàng Vạn Lý, người được mệnh danh là Galileo của Trung Quốc, vì đưa ra ý kiến trái ngược về việc xây dựng đập Tam Môn Hiệp mà bị ĐCSTQ uy hiếp, đấu tố, phải chịu sự sỉ nhục và bất công (ảnh: Epoch Times).

Đập Tam Môn Hiệp là một công trình rất lớn nhưng lại coi thường hệ sinh thái. Cục thủy lợi cũng không nghe lời khuyên của các chuyên gia hiểu biết thực tế. Cuối cùng, lịch sử đã đưa ra câu trả lời đầy bi thương. Công trình là vọng tưởng của người muốn chế ngự thiên nhiên. Lúc mới bắt đầu, nó đã đón nhận sự thất bại, đến cuối cùng sẽ càng thất bại triệt để hơn. Thiết kế của dự án muốn cung cấp nước ngọt, giải quyết vấn đề bồi lắng phù sa nhưng lại coi thường hoàn cảnh sinh thái và cuộc sống người người dân dọc hai bên bờ sông. Kết quả là: Xây xong đập lớn thì tai họa đã nối tiếp tai họa mà đến. 

Công trình đi vào hoạt động, tai họa liền tìm tới

Vào tháng 4/1961, Đập Tam Môn Hiệp được xây dựng với độ cao dự kiến là 353 mét. Kết quả là, đập mới đi vào hoạt động được nửa năm thì lượng bùn lắng đọng trong lòng sông lên đến 1,5 tỷ tấn, khiến lòng sông chảy qua Đồng Quan đến đập Tam Môn Hiệp bị nâng lên. Vậy là bùn cát đã ngăn nước lại khiến dòng chảy tự nhiên trở nên khó khăn hơn. Điều này chính là tiền đề khiến lũ lụt xảy ra vô cùng nghiêm trọng ở vùng lân cận. Để chống lũ, người dân sống ở hai bên bờ buộc phải nâng cao bờ đê. 

Cửa Quan Trung thuộc lưu vực sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc không thể bài tiết nước, điều này khiến mực nước ngầm tại khu vực đồng bằng sông Vị tăng lên, làm cho đồng ruộng nhanh chóng xuất hiện muối hóa và đầm lầy hóa, lương thực cũng vì vậy mà giảm sản lượng. Sau một năm, nước sông Vị chảy vào Hoàng Hà ứ đọng lại tạo thành tai họa. Nước sông ứ đọng lâu đã đánh vào hai bên bờ khiến đê vỡ, làm ngập lụt 800 ngàn mẫu ruộng và một thị trấn bị buộc phải di dời. 

Vào thời Tây Hán, để quản lý dòng sông, người xưa đã đúc kết được 3 sách lược: Không tranh giành với nước, con người phát triển hài hòa với thiên nhiên, thiên nhân hợp nhất. Ngày nay, ĐCSTQ lại chọn xây dựng đập Tam Môn Hiệp để chặn ngang sông, quấy nhiễu dòng chảy tự nhiên của Hoàng Hà. Kết quả, đập lớn gây ứ tắc lớn tạo thành họa, nước sông hủy đê phòng hộ đổ vào đồng ruộng gây ngập lụt. 

“Tam sách trị sông” của Giả Nhượng đã xây dựng trên ý tưởng quản lý dòng sông là không cạnh tranh với nước để lấy đất (ảnh: Tranh “Hoàng hà vạn dặm” tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Loan).

Đập nước khổng lồ đã vi phạm quy luật khách quan của dòng chảy, chặn nước và phù sa, gây hại nhiều hơn lợi, đem đến quá nhiều hậu họa. Tháng 8/1962, đập mới đi vào hoạt động hai năm đã không thể tích trữ nước vì lượng bùn cát bồi lắng quá lớn. Các tư liệu cho biết, nhà máy thủy điện Tam Môn Hiệp bắt đầu hoạt động từ tháng 9/1960, nhưng chỉ sau một năm rưỡi, vào tháng 3/1962, vùng thượng du Đồng Quan đã tích lượng bùn đất cao đến 4,5 mét. Sông Vị trở thành dòng sông treo, không thể đi lại và gây nguy hại nghiêm trọng đến vùng đồng bằng xung quanh. Đến năm 1973, lượng bùn cát kéo dài quá cả Lâm Đồng, cách Tây An 14 km và uy hiếp đến an toàn của Tây An. 

Đập xây dựng sai quy cách, lỗ thoát cát bị bịt kín khiến cát bùn không thể trôi theo nước. Vậy là công trình lớn mới hoàn thành không lâu liền phải tiến hành sửa chữa. Sau 3 lần sửa, mục tiêu thiết kế ban đầu của con đập đã không còn lại gì. Tháng 12/1964, hai đường ống thoát nước và trầm tích đã được thêm vào ở bờ trái đập. Tháng 6/1969, đập được cải biến lần thứ, mở thêm 8 cửa thoát nước và cát bùn. Ban đầu Hoàng Vạn Lý có đề xuất là không nên bịt các lỗ thoát bùn cát và cửa nước cao 13 mét. Sau năm 1990, 4 cửa thoát lại được mở tiếp. Sau khi sửa chữa, kết quả, đập mang công dụng “trữ nước giữ cặn bùn” đổi thành “trữ lũ và xả bùn”, cuối cùng lại đổi thành “tích trữ xanh hồ đồ”. Ban đầu vốn xây đập để biến dòng sông vàng thành dòng sông xanh, giờ đã trở thành công trình không đâu vào đâu. Đập Tam Môn Hiệp đã biến thành không phải đập chứa nước, cũng không giống trạm phát điện, công năng chống lũ lại càng không đáng nói tới, ngược lại đã gây ra úng lụt. 

Đi ngược lại quy luật dòng chảy sẽ vi phạm nghiêm trọng nguyên lý của phù sa 

Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đều biết sông Hoàng Hà có lượng phù sa rất lớn. Vào cuối triều đại Tây Hán, Tư mã sử Trương Nhung người Trường An đã phát hiện ra rằng để nước chảy tự nhiên thì cát sẽ cuốn trôi đi. Ông nói, 100 lít nước sông Hoàng Hà có tới 6 đấu bùn. Đối với lượng bùn cát lớn như vậy trên sông, ông đã đưa ra cách trị thủy thế này: Giảm bớt lượng nước tưới tiêu ở thượng nguồn, tập trung nước vào sông, lấy lực nước đẩy cát đi. “Nước chảy, bệnh ứ đọng tiêu tan, lòng sông sẽ sâu xuống và mực nước liền hạ thấp. Điều này làm lợi cho đường nước nên nó không tràn sang hai bên bờ gây hại”.

Thực tế, việc xây dựng đập Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà đã vi phạm nguyên tắc này. Nó ngăn dòng chảy khiến phù sa ứ đọng, làm giảm khả năng xói mòn tự nhiên. Điều này khiến phù sa trên sông Vị và sông Hoàng Hà ứ đọng. Sông Vị chảy thông suốt hàng nghìn năm qua giờ trở thành sông treo, nước tràn ra hai bên bờ phá hủy đồng ruộng. 

Trong 35 năm từ 1960 đến 1995, tổng khối lượng phù sa tích lại trong hồ chứa đập Tam Môn Hiệp là 5,565 tỷ tấn, trong đó tại khu vực Đồng Quan là 4,545 tỷ tấn, chiếm 81,65% tổng khối lượng phù sa. Bởi vì đập nước khổng lồ đã chắn ngang sông làm cản trở quy luật dòng chảy tự nhiên của nước mang theo phù sa thoát đi. Hơn nữa, phù sa lắng xuống lại đang tiếp tục mở rộng lòng sông trên các khúc sông ở thượng nguồn. Độ cao lòng sông ở Đồng Quan đạt tới 328,6 mét vào năm 1996, cao hơn 5,2 mét so với trước khi xây dựng hồ chứa, trong khi mặt cắt ngang của lòng sông chỉ bằng 1/3 so với trước khi xây dựng hồ chứa.

Đập Tam Môn Hiệp ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sinh thái? 

Năm 1960, ĐCSTQ cho xây dựng đập Tam Môn Hiệp khiến cho khu di tích cổ Đồng Quan bị dỡ bỏ. Nơi đây xưa kia từng là khu vực giao tranh, là cửa ngõ tiến vào Quan Trung.

Tàn tích Đông Quan Môn ở Đồng Quan. Đồng Quan là cửa ngõ vào Quan Trung và luôn là chiến trường của các chiến lược gia quân sự. Vào những năm 1960, ĐCSTQ đã xây dựng đập Tam Môn Hiệp trên thượng nguồn sông Hoàng Hà và Đồng Quan đã bị phá hủy (ảnh: Internet).

Cho đến nay, phù sa của sông Hoàng Hà ứ lại trên đoạn sông từ đập Tam Môn Hiệp đến Đồng Quan vẫn chưa được xử lý. Điều này khiến hơn 500 ngàn mẫu ruộng thuộc vùng đồng bằng Quan Trung bị ngập mặn, nước ngập úng, hủy đi cái nôi di tích văn hóa cổ. Nó khiến cho vận tải đường thủy trên sông Hoàng Hà bị gián đoạn. Hơn 290 ngàn hộ nông dân sống trong lòng chảo sông bị ép di dời đến khu vực Ninh Hạ khô cằn sinh sống. Trong số ấy có tới 150 nghìn hộ phải di chuyển qua lại hơn chục lần, gây ra những thảm kịch không thể tưởng tượng được trong cuộc sống của họ. 

Đập Tam Môn Hiệp cũng là công trình gây tổn thất lớn về kinh tế. Đập cao được đem dùng vào chỗ thấp. Qua 2 lần xả lũ cho thấy công trình đã lãng phí rất nhiều nhân lực, vật lực, tài lực. Máy phát điện chỉ hoạt động bằng 1/5 công suất so với kế hoạch do vậy không đạt được mục tiêu sản xuất điện. Đập cao dùng vào chỗ thấp làm cho nó mất đi khả năng phòng lũ. Hai lần sửa chữa đã làm tăng chi phí, phí vận hành hàng năm cũng tăng theo. Theo ước tính, những thiệt hại kinh tế trực tiếp này đã vượt quá tổng chi phí của Dự án xây dựng. Tổng thiệt hại do việc xây dựng đập Tam Môn Hiệp ước tính không dưới 10 tỷ nhân dân tệ. 

Vào mùa xuân năm 2002, một cựu quan chức cấp cao của bộ phận bảo tồn nước đã dẫn một số lượng lớn các chuyên gia đến kiểm tra và tận mắt chứng kiến ​​công trình đập Tam Môn Hiệp gây ra đủ loại tai họa. Ông không thể không thừa nhận rằng đã đến lúc đưa ra quyết định tồn vong của hồ chứa nước đập Tam Môn Hiệp. Trong trận lụt đập Tam Môn Hiệp năm 2002, Thiểm Tây đã tổn thất 2 tỷ nhân dân tệ, còn tỉnh Hà Nam dựa vào nước lũ phát điện bán thu về 200 triệu nhân dân tệ. Ngày nay, đập Tam Môn Hiệp vẫn nằm tại vị trí ban đầu. Chính quyền ĐCSTQ còn điểm tô cho con đập đẹp hơn. Họ nói rằng công trình lớn thất bại chuyển thành lưu giữ làm kinh nghiệm xây đập để tham khảo về sau. Hôm nay đập lớn cũng đang lâm nguy. Một lần nữa nó cho thấy sự thất bại của ý tưởng muốn chế ngự thiên nhiên. 

Sự thật cho thấy đập Tam Môn Hiệp là một dấu hiệu cho thấy chế độ ĐCSTQ thà hy sinh lợi ích của người dân và tính mạng của nhiều người hơn là thừa nhận thất bại.

Theo Epoch Times
San San biên dịch