Dục vọng khiến con người ta trầm luân mê muội, ngược lại chủ động khắc chế kiểm soát bản thân mới giúp con người có những bước cải biến nhảy vọt.

“Truyền Tập Lục” vốn là cuốn thư sách trích dẫn nhiều lời thuyết giảng của Vương Dương Minh, được những vị đệ tử tâm huyết của ông là Từ Ái, Tiết Khản, Lục Trừng dày công chỉnh lý, biên soạn phỏng theo nội dung bài giảng trên lớp, qua câu chuyện đối đáp tâm sự thường nhật hay những ghi chép thư tín. Ngay khi cuốn sách được xuất bản, đã nhận được vô số sự mến mộ tôn sùng của nhiều bậc sĩ phu. Nội dung trình bày dưới đây là bốn trích đoạn hội thoại của Vương Dương Minh và đệ tử được tinh tuyển từ cuốn “Truyền Tập Lục”, mặc dù là những câu chuyện được thuật lại từ năm trăm năm về trước, song đến ngày hôm nay có dịp được đọc và suy ngẫm lại, vẫn còn đó vẹn nguyên nhiều giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc dành cho hậu thế.

Chúng ta hãy cùng trải nghiệm và lĩnh hội kho tàng trí huệ tinh túy của bậc triết nhân nhé!

1. Về quản lý cảm xúc

Đệ tử bộc bạch: “Nhiều khi cảm thấy vô cùng phẫn nộ, tức tối, con nên hành xử ra sao?”

Dương Minh từ tốn đáp lời: “Chỉ là thuận theo hoàn cảnh mà thích ứng, một chút ý niệm cũng không cưỡng cầu, thì tâm thế ắt phóng khoáng độ lượng, giữ vững bản thể ngay chính”.

Đại ý:

Đệ tử hỏi: Khi cảm xúc không tốt, chồng chất phẫn nộ, oán hận thì nên hành xử như thế nào?

Vương Dương Minh đáp: Hãy để mọi việc thuận theo tự nhiên, đừng để bản thân mắc kẹt trong những dòng cảm xúc, suy nghĩ chủ quan, chỉ như vậy mới bảo trì được tâm thái an yên, bình hòa.

Bộc phát cảm xúc phẫn nộ vốn dĩ là điều rất đỗi bình thường, ai ai cũng từng gặp phải. Nhưng nếu ta buông lơi, tùy ý phát tiết hết thảy tâm trạng cục xúc của bản thân, sẽ dẫn đến hậu quả không thể vãn hồi cũng như gây ra nhiều thương tổn rất khó để chữa lành, bù đắp.

Vì vậy, Vương Dương Minh luôn nhấn mạnh, khi đối diện với vấn đề khó khăn, cần đứng trên góc độ của người ngoài cuộc mà đối đãi, hành xử, thuận theo đó những cảm xúc phẫn nộ bộc phát sẽ được xoa dịu và thuyên giảm đi rất nhiều.

Tô Thức từng nói: Ta không nhìn thấy toàn bộ núi Lư Sơn vì ta đang đứng trên ngọn núi này. Hãy học cách trở thành một người đứng ngoài cuộc, đưa bản thân giải thoát khỏi mọi sự bó buộc của hoàn cảnh, để có được một kiếp nhân sinh không bị chi phối, thao túng bởi những cảm xúc nhất thời.

 2. Về phương diện công việc

Đệ tử tâm sự: “Học vấn rộng lớn uyên thâm, chỉ có điều án kiện sự vụ bộn bề lại nan giải phức tạp, không thể chuyên tâm mài dũa”.

Dương Minh chia sẻ: “Án kiện công việc chất chồng, cũng không nằm ngoài phạm vi học vấn thực tế; nếu như tách khai nghiệp vụ công tác với nghiên cứu học thuật thì cũng chỉ là trống rỗng, hư vô”.

Đại ý:

Đệ tử bộc bạch: Học vấn mà sư phụ truyền thụ sâu sắc uyên thâm, nhưng vì công tác thường nhật vô cùng bận rộn, không còn thời gian để chuyên tâm tu tập rèn luyện.

Vương Dương Minh khuyên nhủ: Học vấn không thể xa rời công tác thực tiễn, tu chỉnh, áp dụng thực hành trong công việc mới là phương pháp học tập chân chính. Nếu tách khai khỏi nghiệp vụ thực tế, thì việc học tập rèn luyện không còn tác dụng nữa rồi. Khi đề cập đến phạm trù công việc, điều mà mọi người thường nghĩ tới chính là nhạt nhẽo, vô vị lại cứng nhắc khiến tâm trí mỏi mệt sầu não. Nhưng Vương Dương Minh khẳng định rằng: Công việc chính là phương pháp tu hành tốt nhất.

Doanh nhân Nhật Bản Kazuo Inamori cũng từng chia sẻ: Tu hành trong công việc là phương thức trọng yếu nhất giúp tôi đề cao tâm tính và bồi dưỡng nhân cách, đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhất.

Khi bạn gặp phiền não trong công việc, đó là cơ hội tốt để ma luyện tâm tính bản thân. Trước những hạng mục công tác khiến bạn biếng nhác uể oải, hãy coi đó là thử thách giúp cải biến điều chỉnh một thái độ làm việc tốt hơn. Ngay cả khi bạn gặp phải những ủy khuất và phẫn nộ trong công việc, thì điều đó cũng mang đến cho bạn môi trường để tôi luyện, mài giũa và phát huy phẩm chất cao đẹp của chính mình.

3. Về ý thức tự kiểm điểm

Đệ tử tâm sự: “Con có vị bằng hữu thường xuyên nổi nóng phát hỏa, luôn trách móc người khác”.

Dương Minh khuyên nhủ: “Hãy học cách tu chỉnh chính bản thân mình, không thể chỉ biết phê phán người khác, so đo vạch trần những khuyết điểm của đối phương, mà không tự nhận thấy những thiếu sót của chính mình; Nếu như ai ai cũng có ý thức tự kiểm điểm bản thân, chủ động kiếm tìm và hoàn thiện những yếu điểm, những mặt hạn chế thì sẽ không còn thời giờ rảnh rỗi để đổ lỗi, trách móc người khác nữa”.

Đại ý:

Đệ tử chia sẻ: Có một người bạn thường xuyên nổi nóng, trách móc người khác.

Vương Dương Minh đáp lời: Nếu như chỉ biết phê phán, chỉ trích người khác, mà không nhận ra những điểm thiếu sót của bản thân, thì cá nhân đó không thể cải thiện, tiến bộ được. Nếu ai ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc tự kiểm điểm thì sẽ không còn thời gian để bới móc, trách cứ lỗi lầm của người khác nữa.

Khi gặp vấn đề, con người thế gian thường giữ thói quen quy kết trách nhiệm, đổ lỗi lên vai người khác. Quả thật chỉ thông qua việc tự kiểm điểm bản thân, chúng ta mới có thể mở ra một góc nhìn công bằng chính trực mà hành xử đối đãi phân minh với người khác cũng như chính bản thân mình.

Một người cần minh bạch giá trị bản thân, nhìn nhận trực diện vào những vấn đề tồn tại và thiếu sót của chính mình, từ đó không ngừng sửa đổi hoàn thiện, mới có thể lập nên công trạng, giải quyết ổn thỏa mọi sự tình.

4. Về bản lĩnh kiểm soát bản thân

Đệ tử than vãn: “Thật khó để tự kiểm soát khống chế dục vọng của bản thân, con nên hành xử thế nào?”

Dương Minh từ tốn đáp lời: “Làm người cần có tâm hoàn thiện bản thân thì mới có thể khắc chế chính mình. Từ việc kiểm soát tốt bản thân, mới có thể sống đúng với bản chất chân chính của mình”.

Đại ý:

Đệ tử tâm sự: Đối diện với dục vọng ham muốn, con luôn luôn không thể kiểm soát mình, khống chế không vững bản thân, con nên làm như thế nào?

Vương Dương Minh chia sẻ: Mỗi người cần nuôi dưỡng chí hướng tự hoàn thiện bản thân, mới có thể kiểm soát dục vọng, khắc chế được bản thân mới có thể sống đúng với bản chất của chính mình.

Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người trầm mê trong hưởng lạc thấp kém, tầm nhìn thiển cận hạn hẹp, tiêu thụ những thực phẩm rác, sống xô bồ, thâu đêm suốt sáng truy cầu hư vinh…, ngày càng lún sâu trong dục vọng, không thể tự kiểm soát, quản thúc được bản thân mà nhảy thoát ra.

Có những khi họ hạ quyết tâm muốn thay đổi bản thân, nhưng lại vì một lần thất bại mà chán nản buông xuôi. Để rồi rất nhiều người cả ngày mê lạc trong sầu lo, đến cuối cùng trở thành một kẻ vô tích sự, chẳng thể làm nên công trạng.

Dục vọng khiến con người ta trầm luân mê muội, ngược lại chủ động khắc chế kiểm soát bản thân mới giúp con người có những bước cải biến nhảy vọt. Điều kiện tiên quyết để quản thúc bản thân chính là cần nuôi dưỡng chí hướng và tâm niệm biết trân quý giá trị của mình. Bạn cần minh bạch bản thân muốn trở thành một người như thế nào, mục tiêu cá nhân là gì, cần gây dựng thiết lập một chỗ đứng vững chắc cho chính bản thân mình.

Vương Dương Minh cũng nhấn mạnh: Không lập chí hướng, không thể hành sự trong thiên hạ.

Thật vậy, mỗi người cần có chí hướng rõ ràng mới có thể không bị dục vọng thao túng và chi phối, có thể tự khắc chế, đặt ra những nguyên tắc sống đúng đắn cho kiếp nhân sinh của chính mình.

Theo Vision Times
Quang Toàn biên dịch