Sống trên đời, ai mà không mong được người khác kính trọng, được Trời Phật phù hộ, vạn sự thành công, phúc lộc dồi dào? Từ đời Tấn (265 – 420) xuất hiện một cuốn sách kinh điển của Đạo gia tên là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đã chỉ dẫn vô số người trở nên phú quý, những người tốt đặc biệt có thể chiểu theo đó mà thăng hoa tầng thứ sinh mệnh.

Tông chỉ của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên gói gọn trong 16 chữ:

“Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu,

Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình”.

Nghĩa là: Họa và phúc không có cửa nẻo mà do con người triệu vời đến cho mình. Sự báo ứng của điều thiện và điều ác như cái bóng đi theo thân hình.

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thuyết minh sự giám sát nghiêm ngặt của Thần minh đối với từng hành vi, lời nói và tâm ý mỗi người. Từ đó nhấn mạnh rằng con người cần tránh xa tội lỗi và tích luỹ điều Thiện. Cuốn sách nêu rõ hồi báo tốt đẹp mà những người hành Thiện có được:

“Người thiện lương thì ai ai cũng kính trọng. Trời giúp đỡ họ. Phúc lộc đi theo bên họ. Mọi tà quái tránh xa họ, Thần linh hộ vệ. Mọi việc họ làm đều thành công. Họ có thể hy vọng trở thành Thần Tiên…”

Vậy những điều Thiện đó là gì?

23 điều Thiện nên thực hành, phúc báo vô lượng

1- Phàm sự việc nếu hợp với lẽ phải thì nên tiến mà đốc hành, trái lại nếu nghịch với đạo lý thì hãy lui tránh.

2- Đường đường chính chính, không tự dối mình, không dối người, hành động quang minh lỗi lạc.

3-  Phải tích lũy công đức.

4-  Phải có lòng từ bi lân mẫn đối với muôn loài.

5-  Trung thành với tổ quốc; Hiếu thảo với cha mẹ; Hòa mục với anh em.

6-  Tu thân sửa mình để cảm hóa người.

7-  Thương xót cứu giúp cô nhi và quả phụ.

8-  Kính trọng người già và an ủi vỗ về trẻ nhỏ.

9-  Không tổn hại côn trùng và cây cỏ.

10-  Phải thương hại kẻ ác.

11-  Phải vui mừng chia sẻ với người hành thiện.

12-  Giúp người trong lúc cấp bách.

13-  Cứu người trong lúc nguy nan.

14-  Thấy người được như mình được.

15- Thấy người mất mát như mình mất mát.

16-  Không phô bày sự kém cỏi của người.

17-  Không khoe khoang cái hay của mình.

18-  Không kể đến điều xấu của người; Biểu dương điều thiện của người.

19-  Khi phải chia chác đồ vật, nhường người phần nhiều và giữ cho mình phần ít.

20-  Gặp nhục không oán.

21-  Được sủng ái phải sợ.

22-  Giúp người chớ mong báo đáp.

23-  Cho ai vật gì rồi thì đừng nghĩ lại mà hối tiếc.

Trong lịch sử đã ghi lại rất nhiều câu chuyện hành Thiện đắc phúc báo ứng với những điều viết trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Dưới đây là một trong số đó.

Bán hết gia sản nộp thuế thay dân, thiên hạ tôn kính, con cháu hiển đạt

Lưu Khải là một vị quan thanh liêm thời nhà Thanh. Năm Khang Hy thứ 37, khi Lưu Khải bắt đầu đảm nhiệm chức tri châu tại Ninh Khương, tỉnh Thiểm Tây thì xảy ra nạn đói. Trong châu không tồn trữ lương thực, ở nơi núi non trùng điệp ấy vận chuyển rất khó khăn.

Lưu Khải thỉnh cầu triều đình cho phép vay lương thực tại kho quan của ấp lân cận và hứa với bách tính rằng: Ai có thể cõng được một đấu lương thực về tới nơi sẽ được cấp ba bò lương thực. Nhờ đó, chưa đầy 10 ngày đã vận chuyển được 30 nghìn đấu lương thực. Đại quan các tỉnh cứu tế cho các ấp lân cận cũng làm theo cách của ông, mọi người đều ca ngợi cách làm này rất tiện lợi.

Năm Khang Hy thứ 41, Lưu Khải phải để tang mẫu thân nên từ chức. Do phải trả xong thuế giúp bách tính, ông dặn em trai thay mình bán đi toàn bộ gia sản. Nhưng vẫn chưa đủ tiền, em trai ông lại bán nốt gia sản của mình để hoàn trả tiền thuế. Bách tính biết chuyện tranh nhau nộp tiền trợ giúp, Lưu Khải đều từ chối không nhận.

Sau đó, Lưu Khải làm quan giám sát tỉnh Giang Tây và quan lớn Bố Chính Sử tỉnh Tứ Xuyên.

Năm Khang Hy thứ 55, hoàng đế Khang Hy hỏi chín vị đại thần xem trong triều có vị nào khí tiết thanh liêm, có thể sánh cùng trời đất? Chín vị đại thần tiến cử bốn người, trong đó có Lưu Khải.

Lưu Khải bán gia sản, nộp thuế thay cho bách tính, cuối cùng đắc được thiện báo. Con cháu ông sau này đều làm quan: Con trai ông là Lưu Thống Huân, cháu là Lưu Dung, chắt Lưu Hoàn đều được tôn xưng là những danh thần lúc đương thời. Bộ phim truyền hình “Tể tướng Lưu gù” chính là câu chuyện kể về Lưu Dung, cháu của Lưu Khải.

Trong lịch sử thế giới đương đại cũng xuất hiện rất nhiều kỳ tích về người tu Thiện được giải trừ tai hoạ, đắc phúc báo. Quý vị độc giả quan tâm xin mời xem thêm loạt bài Vẻ đẹp Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Kỷ Nguyên.

(Nguồn tham khảo: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Minh Huệ Net)

Video: Trước Phật Pháp, mọi chúng sinh đều bình đẳng, ai tín Phật có thể thoát khỏi bể trầm luân

videoinfo__video3.dkn.tv||8721d3b1a__