Vào cuối thời nhà Thanh, có một Nho sinh tên là Lã Cư Hàn, là người Bác Bình, Đông Xương (nay là thành phố Liêu Thành, phủ Đông Xương, tỉnh Sơn Đông). Cha chàng là Lã Nhân Tế, từng làm lang trung Bộ Hộ, qua đời khi đang đương chức. Mẹ chàng, phu nhân Tiết, cũng là người đức hạnh tài năng, giáo dục chàng vô cùng nghiêm khắc. Ở tuổi hai mươi, Lã Cư Hàn bác thông kinh sử. Vào những năm cuối cùng của triều đại Quang Tự, theo sự tiến cử của một vị quan nào đó, Lã Cư Hàn làm bộ lang, thường đến đình Đào Nhiên ở Bắc Kinh du ngoạn, đến tối mới về nhà.

Một ngày nọ, chàng gặp một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, người này có vẻ hơi say rượu, vô tình giẫm phải chân một con chó bên đường. Con chó lập tức tru lên dữ tợn, người đàn ông hơi chỉ về phía con chó, dùng đầu ngón tay bắn ra một luồng gió, vừa chạm vào con chó, con chó lập tức ngừng kêu và lùi lại, như bị một nắm đấm khổng lồ đánh trúng, chân bị què không thể đi lại, nằm co ro dưới tấm bia đá.

Lã Cư Hàn ngạc nhiên, đi tới trước mặt vị khách để hành lễ, hỏi thăm danh tính. Người đàn ông cho biết tên mình là võ sư Hoàng Hổ Tam. Võ sư Hoàng cũng có hiểu biết chút ít về thi luật, có thể đọc thuộc lòng thơ Đường, khi nhìn thấy Lã Cư Hàn viết thơ lên tường, cảm thấy rất bội phục. Lã Cư Hàn nhân cơ hội thỉnh ông ấy truyền thụ chút ít thuật võ công cho mình. Võ sư Hoàng muốn kiểm tra khí lực của Lã sinh, bảo Lã sinh thử di chuyển một khối đá lớn dưới đình. Lã Cư Hàn nhấc tảng đá lớn lên khỏi mặt đất được vài tấc. Thấy vậy, võ sư Hoàng đồng ý với lời đề nghị của Lã sinh.

Võ sư Hoàng yêu cầu Lã sinh đến sở quán tại chùa Quán Âm để gặp ông ấy. Phía sau chùa này có một khu vườn bỏ hoang, Lã sinh mỗi ngày đến đây học kiếm pháp với võ sư Hoàng. Bốn tháng sau, võ sư Hoàng đã truyền thụ cho chàng võ thuật Thiếu Lâm. Tám tháng sau, chàng lại học pháp ném đá. Sau tám tháng khổ luyện, bản lĩnh ném đá của Lã Cư Hàn đã vượt qua thầy của mình. Ngày thường, khi mẹ Lã sinh hỏi chàng đã ở đâu, chàng chỉ trả lời qua loa. Đó là vào tháng 7 năm 1911, võ sư Hoàng nhận được thư của gia đình, được tin mẹ đổ bệnh, liền khăn gói trở về quê.

Vào tháng 9, sự kiện Vũ Xương nổ ra, Bắc Kinh đại loạn, rất nhiều người chuyển đến Thiên Tân hoặc xuống phía Nam. Lã Cư Hàn cũng cầu xin mẹ đi tránh loạn, mẹ chàng nói: “Nhân tâm hoang tàn, nhà cửa đổ nát, nhưng không còn nơi nào để đi. Nếu quân cách mạng muốn cứu dân thì không cần phải tránh; Nếu họ là hại dân thì đến đâu cũng tránh không nổi. Trong hoàng cung và kinh sư còn tương đối yên tĩnh, nhà chúng ta nghèo khó, không cần phải vội vàng tránh loạn.” Lã sinh đã thuận tòng ý tứ của mẹ.

Một hôm trời mưa to, tường sập, qua cửa sổ, chàng mơ hồ nhìn thấy một thiếu nữ giữa khóm liễu nhà hàng xóm. Thư phòng của Lã Cư Hàn đối diện với khóm liễu.

Hai gia đình bên khóm liễu tương trợ nhau lúc khó khăn. (Shutterstock)

Nữ bộc già nhà hàng xóm tới bái kiến phu nhân, nói: “Nữ chủ nhân của nhà tôi, Dương thị góa chồng đã nhiều năm, chỉ còn hai đứa con một trai một gái. Hiện tại gặp cảnh chiến tranh binh hoang mã loạn này, không thể di cư, Dương phu nhân mỗi ngày nghe tiếng thư sinh nhà ta đọc sách, trong lòng mừng rỡ. Nay mưa đã làm sập bức tường ngăn cách giữa hai gia đình, phu nhân muốn qua bái kiến Tiết phu nhân, hy vọng tìm được nơi nương tựa.”

Tiết phu nhân sẵn sàng đồng ý. Dương phu nhân và con gái sau bữa tối đến thăm Tiết phu nhân. Dương phu nhân khoảng năm mươi tuổi, con gái bà tầm mười chín tuổi, xinh đẹp như tranh. Sau khi hai người gặp nhau, họ trò chuyện về cuộc sống hàng ngày của mình.

Nguyên lai con gái của nhà họ Dương tên là Phó My Sử, nàng rất thích đọc sách, rất giỏi vẽ tranh, thật là một tài nữ. Phu nhân Tiết rất vui khi gặp nàng, liền gọi Lã sinh ra ngoài gặp mặt. Phu nhân Dương khi thấy Lã Cư Hàn anh tuấn, trắng trẻo và đầy chất thơ, thì hết lời khen ngợi. Hai vị phu nhân ước định hai nhà sẽ dùng một cái lỗ trên tường làm cửa nhỏ để dễ dàng ra vào, có gì khó khăn thì hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó về sau, hai gia đình mỗi ngày đều gặp mặt.

Kinh thành những ngày đó vắng tanh, bỗng có tin tuần phủ Sơn Tây bị chặt đầu. Kết quả toàn thành náo loạn, càng thêm nhiều người bỏ trốn. Lã Cư Hàn về nhà nói rõ tình huốn với mẹ, nhưng mẹ chàng vẫn nhất quyết ở lại để tĩnh tĩnh quan sát. Sau đó, Nam Bắc hòa đàm, hỗn loạn lắng xuống, một số người quay trở lại Bắc Kinh. Lã Cư Hàn và Phó My Sử cũng trở nên thân thiết với nhau. Có lần, Lã Cư Hàn bình luận về bức tranh “Hoa nhụy phu nhân cung từ đồ” của My Sử, nhìn thấy vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh, chàng khẽ hô lên: “Rặng dương liễu, hoàng hôn ngày xuân trường; đi dạo bên ao, tựa vào nhánh hoa đào”, đây chính là cảnh vật trong bức tranh. My Sử mỉm cười đáp: “Huynh trưởng rất am hiểu tam muội trong tranh, nhưng cung nhân oán xuân như thế nào thì thật khó mà khắc họa.” Nói xong, nàng mới nhận ra mình đã lỡ lời, mặt đỏ bừng. Tiết phu nhân chợt hiểu ra tình huống, dùng ánh mắt ra hiệu cho Lã Cư Hàn rút lui.

Cuối đông đầu xuân, nhà Thanh sụp đổ, Nam Bắc đính ước. Khi tình hình đang yên ổn thì đột nhiên lại phát sinh một cuộc binh biến, hàng ngàn binh sĩ trang bị súng ống chạy từ nhà này sang nhà khác cướp bóc. Họ đi đến đâu cũng lục lọi tìm kiếm vàng bạc tài vật. Một ngày, vào canh thứ tư, loạn binh tràn vào vùng phụ cận nhà họ Lã ở Đông Thành. Dương phu nhân dẫn kiều nữ của mình vào nhà Lã qua lỗ cửa nhỏ. Lã sinh nói: “Không sao đâu, hai lão phu nhân đừng sợ, cứ ngồi xuống đi. Chỉ là muội muội của ta sợ bị loạn binh vũ nhục. Bất quá, theo kế của con, phản binh sẽ không thể tới gần.” 

Tiết phu nhân không biết việc con trai mình tập luyện võ thuật, cho rằng chàng nói dối, bèn hỏi con có thể làm gì để bảo vệ an toàn cho em gái mình, Lã Cư Hàn đột nhiên rút thanh kiếm và túi đá ra và nói: “Chỉ dựa vào đây thôi!” Chàng chưa kịp nói xong thì đã có hai tặc binh phá cửa xông vào. Lã Cư Hàn bắn liên tiếp hai viên đá, trúng cả hai. Sau đó, Lã sinh một tay  tóm lấy từng người, giữ bọn họ ở ngoài cửa. Sau đó, chàng nói với mẹ: “Mẹ và Dương phu nhân, em trai hãy trốn vào bức tường nhà bên cạnh, con cõng em gái trên lưng trú ẩn trên mái nhà.” Lã Cư Hàn lưng cõng My Sử trong chớp mắt đã leo lên mái nhà, trốn vào giữa các viên ngói. Những người khác cũng theo kế đó mà làm. Một lúc sau, hơn mười tặc binh tràn vào, không tìm được ai, chúng chuẩn bị phóng hỏa, thì bị một lão binh ngăn cản, cuối cùng chúng giải tán.

Chàng cõng em gái lên mái nhà thoát khỏi nguy hiểm. (Shutterstock)

Vào lúc bình minh, loạn binh rời thành phố mang theo tài vật đã cướp phá. Trong nhà họ Lã, mọi đồ đạc bị mang đi, còn lại đều ổn. Cả hai phu nhân đều an ủi Lã Cư Hàn, chỉ có trái tim của Phó My Sử ngay từ lúc nàng lần đầu đến nhà họ Lã đã thuộc về Lã Cư Hàn. Vì vậy nàng đã nói cho mẹ biết suy nghĩ của mình, Dương phu nhân cũng đã có ý định này rồi. Bà bèn đem sự tình này kể với Tiết phu nhân.

Tiết phu nhân nói: “Đồ đạc trống rỗng, gia đình tôi rất nghèo, e là không có cách nào nuôi nổi cô dâu.” Dương phu nhân đáp: “Tôi còn có di sản vạn vàng, bữa ăn không thành vấn đề, chỉ cần bác đồng ý hôn sự là được. Anh trai tôi ở Singapore làm ăn trở nên rất giàu có, đã nhiều lần viết thư rủ chúng tôi sang đó. Tôi sợ xa xôi nên không dám đi. Bây giờ, nếu Lã Cư Hàn không cầu quan chức thì có thể đi làm ăn, chỗ tiền này cũng đủ để thành gia lập nghiệp.” Thế là hai nhà đồng ý ước định hôn sự.

Sau đó, lại có nhiều lần xảy ra biến loạn, Lã Cư Hàn không còn muốn làm quan nữa, nên đã kết hôn với Phó My Sử, hai vợ chồng vô cùng hạnh phúc. Sau đó, hai gia đình cùng nhau đến Singapore, nghe nói Lã Cư Hàn kinh doanh phát đạt, kiếm được cả chục vạn vàng.

Nguồn: “Tiểu thuyết đại quán” xuất bản năm Trung Hoa Dân Quốc thứ tư, Bao Thiên Tiểu biên tập

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch