“Bách thiện hiếu vi tiên”, trong hàng trăm đức thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Bởi vậy, những người con hiếu thảo sẽ có thể cảm động lòng Trời, được Thần Tiên bảo hộ.

Trong Tiền Định Lục có câu chuyện kể về một chàng trai nhờ tấm lòng hiếu thảo mà được Thần Tiên giúp đỡ.

Trong mộng gặp Thần Tiên

Viên Hiếu Thúc là người quận Trần, sớm mồ côi cha từ nhỏ. Chàng nổi tiếng gần xa bởi lòng hiếu thuận đối với mẹ. Mẹ chàng từng mắc một căn bệnh lạ khiến thần trí hoảng hốt, đã lâu ngày chạy chữa mà không khỏi. Một hôm trong giấc mơ Hiếu Thúc gặp một ông lão thân hạc tóc mây, nét mặt hiền từ. Cụ già nói: “Bệnh của mẹ con có thể chữa được”.

Hiếu Thúc hỏi: “Xin cụ cho biết quý danh, cụ sống ở đâu ạ?”.

Cụ già không tiết lộ tên tuổi nơi chốn, chỉ nói với Hiếu Thúc rằng: “Ngày mai đến Thạch Đàn đón ta, ta sẽ cho con thuốc”.

Sau khi tỉnh giấc, Hiếu Thúc tìm khắp nơi xung quanh, phát hiện ra cách nhà chừng 10 dặm có một đạo quán bỏ hoang, bên trong có một cái Thạch Đàn cổ (đàn tế lễ bằng đá), và cụ già trong giấc mộng đang ngồi ở trên Thạch Đàn. Hiếu Thúc mừng lắm, cung kính đón cụ già về nhà. Cụ già lấy từ trong túi ra một viên cửu linh đan cho mẹ Hiếu Thúc uống, hôm sau bệnh của mẹ Hiếu Thúc đã khỏi hoàn toàn.

Thần Tiên rời đi để lại quyển sách tiên tri

Hiếu Thúc vô cùng cảm kích, muốn dùng tiền và tài sản để tạ ơn cụ già, nhưng cụ già nhất mực từ chối. Sau này mỗi tháng cụ già lại đến một lần, nhưng Hiếu Thúc vẫn không biết cụ sống ở nơi nào. Hiếu Thúc cho rằng cụ là bậc cao nhân biết xem toán mệnh nên luôn muốn hỏi cụ, nhưng lại không dám mở miệng. Một hôm cụ già đến nói với Hiếu Thúc rằng: “Ta phải đến nơi khác, do đó sẽ chia tay con ở đây”.

Nói rồi, cụ già lấy từ trong ngực áo ra một quyển sách rồi đưa cho Hiếu Thúc và nói: “Thọ mệnh và công danh của con đều ở trong đó, mọi việc nhất định sẽ diễn ra như thế. Hiện nay con người thế gian đều tranh đoạt giành giật công danh, nhưng hết thảy đều nhọc công vô ích. Còn con luôn sống thuận theo tự nhiên, không tranh không đoạt, đó là điều đáng quý. Nay ta trao cho con cuốn sách này, con hãy cất giữ cẩn thận, nhớ là không được mở sách ra xem trước, mỗi lần được bổ nhiệm thì mới được mở một trang. Nếu không sẽ không có lợi cho con”.

Hiếu Thúc quỳ xuống hai tay dâng cao đón nhận sách, sau đó cụ già chia tay rời đi.

Thần Tiên rời đi để lại quyển sách tiên tri. (Ảnh minh họa: qiao88.com)

Cả đời Hiếu Thúc thuận theo an bài trong sách tiên tri

Một lần Hiếu Thúc mắc bệnh nằm trên giường, dường như không phương thuốc nào chữa khỏi được. Người nhà bèn hỏi: “Bệnh lão gia trầm trọng đã lâu, các thầy thuốc đều bó tay, xin hỏi lão gia an bài hậu sự như thế nào?”.

Hiếu Thúc nói: “Ta được Thần Tiên truyền thị một quyển sách, chưa từng mở ra, cớ sao phải hỏi chuyện hậu sự?”.

Quả nhiên sau đó mười mấy hôm Hiếu Thúc đột nhiên khỏi bệnh. Sau này Hiếu Thúc nhờ ảnh hưởng của gia tộc nên được làm Huyện úy huyện Chư Thành, Mật Châu, sau đó lại lần lượt được bổ nhiệm 5 lần, làm Huyện lệnh huyện Lâm Tấn, Bồ Châu. Mỗi lần được bổ nhiệm, Hiếu Thúc lại giở một trang xem sách Thần Tiên để lại. Ngày tháng, chức quan trong sách viết hoàn toàn không sai dù chỉ một li so với thực tế. Sau này đến hết nhiệm kỳ, Hiếu Thúc về cư trú ở quê nhà tại huyện Văn Hương (Hà Nam ngày nay). Một hôm ông trở dậy lúc sáng sớm, vừa định chải đầu thì bỗng nhiên có một vật rơi vào chiếc gương, trông giống như con rắn nhưng lại có 4 chân. Hiếu Thúc kinh sợ ngã lăn xuống nền nhà. Sau đó Hiếu Thúc không nói được nữa, sau vài hôm thì qua đời.

Sau một tháng, vợ Hiếu Thúc sắp xếp di vật của chồng, phát hiện ra quyển sách mà cụ già để lại, dường như còn nửa cuốn vẫn chưa được mở ra. Vì vậy vợ Hiếu Thúc mới than rằng: “Lời Thần Tiên nói cũng có lúc không chuẩn, sách vẫn còn chưa xem hết mà người đã chết rồi”.

Thế là vợ Hiếu Thúc mở sách ra xem, thấy nửa sau quyển sách chỉ là những tờ giấy trắng, trên có vẽ một con rắn cuộn tròn trên một chiếc gương.

Câu chuyện trên đã hé lộ một Đạo lý, chính là người làm việc tốt thì sẽ được phúc báo, như Hiếu Thúc vì hiếu kính mẹ già nên được Thần Tiên để mắt giúp đỡ. Nhưng con người có đức thì cũng có nghiệp, có phúc thì có nợ, có thiện duyên thì cũng có ác duyên. Cái chết của Hiếu Thúc rất có thể là để trả món nợ nghiệp với con rắn từ tiền kiếp. Cho nên người xưa nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, hết thảy đều là nhân duyên của thiện ác.

Người xưa nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, hết thảy đều là nhân duyên của thiện ác… (Ảnh: ibaotu.com)

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch