Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…

Sau khi qua ải Chiêu Quan, trước mắt Ngũ Tử Tư vẫn là ma nạn trùng trùng. Nhưng nhờ có quý nhân phù trợ, Ngũ Tử Tư đã an toàn vượt qua.

Kỳ trước kể rằng: Ngũ Tử Tư vì muốn báo thù cho phụ thân và huynh trưởng mà phải đến nước Ngô, đến nước Ngô rồi lại phải vượt qua ải Chiêu Quan. Để bắt Ngũ Tử Tư, Sở Bình Vương đã phái binh lính tra xét những người đi đường một cách nghiêm mật. Ngũ Tử Tư không có đường để đi, một đêm lo lắng bạc hết đầu. May thay đã có Hoàng Phủ Nạp đóng giả Ngũ Tử Tư, bị binh sỹ bảo vệ quan ải bắt lại. Nhân lúc hai bên ồn ào tranh cãi, việc tra xét cũng bị buông lỏng, Ngũ Tử Tư đã mang công tử Thắng ra khỏi Chiêu Quan. Nhưng nguy hiểm không vì thế mà qua đi…

Ông lão đánh cá

Nếu quan sát bản đồ bạn sẽ thấy, xuất khỏi Chiêu Quan là đến sông Trường Giang. Sông lớn và rộng mênh mông, lại không có thuyền. Chắn ngang trước mặt Ngũ Tử Tư là nước lớn, còn phía sau là đoàn binh lính đuổi theo. Vì sợ tướng trấn thủ ở Chiêu Quan nhận ra người bị bắt không phải Ngũ Tử Tư thì sẽ đem quân truy đuổi, trong lòng ông bất an như lửa đốt.

Bỗng đâu có con thuyền chèo đến từ phía hạ lưu, một ông lão vừa chèo thuyền vừa xướng ca. Ngũ Tử Tư gọi: “Ông ơi cho tôi qua sông, ông ơi cho tôi qua sông”. Lão ngư bèn hát một bài, ý tứ đại khái rằng ở đây mà cho cậu qua sông thì sẽ bị người khác nhìn thấy, vậy cậu hãy xuống dưới kia, tới chỗ hoa sậy trú kỹ càng, tôi lại đến cho cậu qua sông. Ngũ Tử Tư mang công tử Thắng đến chỗ hoa lau sậy trú ẩn. Ông lão cho Ngũ Tử Tư và công tử Thắng lên thuyền, sau khoảng một thời thần (2 giờ đồng hồ) là qua được Trường Giang.

Sau khi qua sông Trường Giang, ngư ông hỏi Ngũ Tử Tư là ai. Lúc này đã an toàn rồi, Ngũ Tử Tư bèn thừa nhận thân phận thật sự của mình. Ngư ông nói, tôi thấy cậu là người đã đi một chặng đường rất xa, có thể bụng đã đói rồi. Nhà tôi cách đây không xa, cậu chờ một lát, tôi sẽ về nhà lấy cơm cho cậu ăn. Ngư ông đi khỏi. Ngũ Tử Tư chờ mãi chờ mãi, bên trái nhìn không thấy đến, bên phải cũng nhìn mà không thấy đến. Khi đó trong lòng ông nổi lên tâm nghi hoặc: Ngộ nhỡ ngư ông đi báo cho binh lính thì sao? Bởi vì vua Sở từng ra chiếu lệnh rằng bất kỳ ai bắt được Ngũ Tử Tư sẽ được thưởng năm vạn thạch lương thực và ban cho tước vị Khuê.

“Năm vạn thạch lương thực” là khái niệm gì? Vào triều Hán, làm đến cấp cao nhất là bộ trưởng, lương mỗi năm cũng chẳng qua là hai nghìn thạch. Cho nên năm vạn (năm mươi nghìn) thạch lương thực là rất nhiều rất nhiều vậy.

“Giữ tước vị Khuê” thì sao? Khuê là một loại ngọc khí làm bằng ngọc. Vào thời cổ đại, người có tước vị khác nhau có thể lấy các Khuê khác nhau. Phía trên của Khuê là hình tam giác, phía dưới là hình vuông. Thời cổ đại có 5 loại tước vị quy định từ thời vua Thuấn: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Tước vị khác nhau mang Khuê khác nhau. Chấp Khuê chính là phong tước cho bạn, ở vào vị trí xã hội rất cao, gọi là “quý”. Năm vạn thạch lương thực tương đương rất nhiều tiền, gọi là “phú”. Ai có thể báo cáo về Ngũ Tử Tư thì sẽ được phú quý lớn như thế. Điều ấy lý giải vì sao Ngũ Tử Tư lại hoài nghi rằng ông lão đánh cá sẽ quay lại báo quân Sở đến bắt mình, trong khi Ngũ Tử Tư và công tử Thắng vẫn còn đang trú ẩn ở chỗ lau sậy.

Sau một hồi lâu thì ông lão đánh cá quay lại. Ngư ông không thấy Ngũ Tử Tư ở chỗ hẹn, bèn hát một bài, nội dung đại khái là tôi sẽ không bán đứng cậu, đem cơm đến cho cậu rồi đây, cậu hãy ra đi ra đi. Ngũ Tử Tư ra khỏi đám lau sậy và gặp ngư ông, giải thích là mình đang lưu vong nên phải cẩn thận gấp bội. Ngư ông đưa cơm và súp bào ngư cho Ngũ Tử Tư. Sau khi ăn Ngũ Tử Tư nói với ngư ông: “Lão ông, cảm ơn ngài, hôm nay ngài đã cứu tôi một mạng và cho tôi qua sông. Lưng tôi có mang bảo kiếm, là quà Sở Trang Vương tặng cho phụ thân của tôi, trên mặt kiếm có 7 viên kim cương, giá trị tương đương trăm lượng vàng. Tôi nguyện ý đem bảo kiếm này tặng ông để báo đáp”.

Ông lão nói: “Ngay cả năm vạn thạch lương thực và tước vị Khuê tôi đều không cần, cớ sao lại cần bảo kiếm của cậu? Với lại tôi nghe nói: ‘Quân tử không có kiếm không thể tung hoành’, cậu sắp đi con đường xa như vậy thì tôi sao có thể lấy kiếm của cậu?”. Vậy là ông lão từ chối không nhận. Ngũ Tử Tư sau khi cảm tạ ông một lần nữa đã quay người bế công tử Thắng mà đi.

Sau khi đi được vài bước, Ngũ Tử Tư quay lại hỏi ông lão đánh cá: “Quý tính đại danh của lão ông là gì? Tương lai tôi phải làm thế nào để tìm được ông đây, làm thế nào có thể báo đáp ông?”. Lão ông nói: “Tôi và cậu bèo nước gặp nhau, nếu tương lai có cơ hội gặp mặt, cậu gọi tôi là ông lão đánh cá, tôi sẽ gọi cậu là ‘người trong đám lau’ là được rồi”.

Ngũ Tử Tư nói: “Tôi nhớ rồi. Tôi còn có một việc muốn nhờ ông: Nếu truy binh của nước Sở đến hỏi ông có thấy tôi không, nhờ ông nói với họ là không thấy”. Lão ông nói: “Cậu cứ đi đi”. Ngũ Tử Tư lúc này mới đi.

Sau khi đi được mấy bước, Ngũ Tử Tư bỗng nghe thấy lão ông nói ở phía sau: “Nếu quân Sở thật sự truy đuổi cậu, tôi làm thế nào mới có thể tẩy sạch sự nghi ngờ trong mắt họ? Xin lấy cái chết của tôi để tiêu trừ nỗi lo lắng của cậu”. Dứt lời ngư ông bèn lật thuyền, tự mình nhảy xuống nước. Ngũ Tử Tư chứng kiến cảnh ấy đã đau xót nói rằng: “Tôi vì ông mà sống, ông lại vì tôi mà chết, đáng buồn thay!!!”. Câu chuyện của ông lão đánh cá này trong chính sử có ghi chép lại.

Người phụ nữ giặt lụa

Ngũ Tử Tư đến nước Ngô, băng qua một nơi gọi là Lật Dương. Vừa phải mang theo đứa bé vừa gấp rút lên đường, lúc này trong bụng cả hai đã rất đói rồi. Bỗng thấy một người phụ nữ đang ở bờ sông giặt lụa, ông liền đi đến hỏi: “Người đi đường tôi đây, liệu có thể cầu cô cho tôi một bữa cơm được không?”. Người phụ nữ không ngẩng đầu, nói: “Tôi đã 30 tuổi rồi, vẫn chưa có lấy chồng. Theo ý của mẹ thì tôi luôn phải lấy trinh tiết để yêu cầu bản thân mình, không thể tùy tùy tiện tiện lấy cơm cho một người đàn ông khác được”.

Ngũ Tử Tư nói: “Tôi đang ở cảnh lao đao khốn cùng, cần cơm của cô để cứu mạng, không phải là vô duyên vô cớ mà nói với cô”. Người phụ nữ này ngẩng đầu nhìn Ngũ Tử Tư một cái rồi nói: “Tôi thấy anh đúng là người đã chịu cảnh gian nan khốn khổ lâu dài, nên sẽ đem cơm cho anh”.

Ngũ Tử Tư và công tử Thắng mỗi người một bát, sau khi ăn xong họ lại đem phần cơm còn lại đưa cho người phụ nữ. Người phụ nữ nói: “Hai người phải đi một đường rất dài, vì sao không ăn cho no? Vậy hãy ăn hết cơm đi”. Ngũ Tử Tư và công tử Thắng cảm tạ người phụ nữ một lần nữa, lại ăn cơm cho đến hết.

Ngũ Tử Tư nói: “Nếu có người hỏi hành tung của tôi, xin cô đừng nói là đã thấy tôi”. Người phụ nữ trả lời: “Tôi đã sống cùng với mẹ 30 năm nay, trước giờ chưa hề nói một câu với người đàn ông nào”. (Lại nói, hôm đó người phụ nữ ấy không chỉ cho cơm, mà khi Ngũ Tử Tư ăn, cô còn phủ trên mặt đất một chiếc chiếu rồi quỳ gối hầu hạ ông ăn cơm).

Cô nói: “Tôi làm sự việc như thế này đã là tổn hại đến trinh tiết, anh lại dặn dò tôi là không được tiết lộ hành tung của anh”. Cô nói thêm: “Anh hãy đi đi, không phải lo lắng cho tôi”. Sau đó người phụ nữ ôm một hòn đá lớn, tự trầm mình xuống sông…

Ngũ Tử Tư thấy người phụ nữ quyên sinh, bèn cắn ngón tay giữa, dùng máu viết lên đá 20 chữ: “Cô giặt lụa, tôi hành khất. Tôi bụng no, cô thân yếu. Hai mươi năm sau, ngàn vàng báo đức”. Ý là 20 năm sau tôi sẽ dùng một ngàn cân vàng (500kg) để báo đáp đức hạnh của cô. Ngũ Tử Tư sợ người khác thấy chữ, bèn dùng cát chà xát lên rồi đem hòn đá chôn xuống đất.

Câu chuyện người phụ nữ giặt lụa không ghi trong “Sử ký”, nhưng trong “Đông Chu liệt quốc chí” và “Ngô Việt Xuân Thu” đều có ghi chép lại, quyển “Trung Quốc thông sử” xuất bản ở Đại lục cũng có ghi chép.

Sự việc này làm con người hiện đại khó mà hiểu cho được. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, người ta rất xem trọng đạo nghĩa, coi đức hạnh còn quý giá hơn cả sinh mệnh. Chúng tôi trong kỳ trước từng nhắc đến câu chuyện “Triệu thị cô nhi”: Thời đó hai môn khách của Triệu Thuẫn là Trình Anh và Công Tôn Chử Cữu có một giao ước rằng: Công Tôn Chử Cữu chọn cách chết khảng khái để bảo vệ cô nhi, còn Trình Anh thì nhẫn nhịn chịu tủi nhục suốt 15 năm, nuôi dưỡng cô nhi họ Triệu thành người, cuối cùng giết Đồ Ngạn Giả, báo thù cho Triệu Thuẫn. Nhưng sau khi báo thù thành công, Trình Anh lại nói với cô nhi họ Triệu rằng: “Tôi sống không có mục đích 15 năm rồi, hiện tại thấy cậu đã báo được thù, tôi sẽ đem tin tức này xuống mồ để thưa với Triệu Thuẫn và huynh đệ của tôi là Công Tôn Chử Cữu”. Lúc đó cô nhi họ Triệu cản ông ta, nhất mực muốn báo ơn ông. Nhưng Trình Anh đã lấy kiếm tự sát. Đây là sự việc mà chúng ta rất khó lý giải. Ông đã có ơn với nhà họ Triệu, vậy mà đến cuối cùng lại quyết định ra đi.

Còn có một chuyện mọi người có thể đã biết. Trong “Tam Quốc chí”, khi Gia Cát Lượng còn khom lưng cày cấy nơi thôn dã, ông thường đọc một bài thơ tên là “Lương phủ ngâm”:

Đi ra cổng thành ngoài nước Tề
Nhìn xa thấy làng Đãng Âm.
Ở trong làng có ba ngôi mộ,
Như xếp chồng lên nhau.
Hỏi là mộ của ai,
Mộ của Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử 

Sức có thể đẩy được Nam Sơn,
Văn có thể xoay chuyển đất.
Một sớm bị sàm ngôn,
Hai quả đào giết ba kẻ sỹ.
Ai có thể vì điều đó mà bày mưu?
Chính Tướng quốc nước Tề là Yến Tử.

Trong bài thơ này Gia Cát Lượng nói rằng: Đi ra ngoài cổng thành phía Đông của nước Tề thấy một nơi gọi là Đãng Âm. Đãng Âm là nơi cách đô thành Lâm Truy của nước Tề khá xa. Ở đây có rất nhiều mộ, cái này nối tiếp cái kia. Trong đó có ba ngôi mộ, người chôn trong đó là “Điền Cương, Cổ Dã Tử”, thực ra là chôn ba người: Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiệp. Họ là ba dũng sỹ của nước Tề. Họ vốn là người “lực có thể đẩy Nam Sơn, văn có thể xoay chuyển đất trời”, chính là nói sức mạnh của họ lớn đến mức đẩy lật núi, có thể rung động mạch đất. Nhưng “Một sớm bị sàm ngôn, hai quả đào giết ba kẻ sỹ”. Có một ngày sau khi trúng âm mưu, chỉ vì hai quả đào mà ba người họ đều chết. 

“Hai quả đào giết ba kẻ sỹ” là một điển cố rất nổi tiếng, trong “Yến Tử Xuân Thu” có ghi chép lại, trong “Đông Chu liệt quốc chí” cũng ghi chép. Câu này nói lên cố sự gì? Chính là vua nước Tề khi đó là Tề Cảnh Công, trong số thủ hạ của Tề Cảnh Công có một vị là Yến Anh (tức Yến Tử). Yến Anh nổi tiếng là một vị quan hiền minh. Thủ hạ Tề Cảnh Công còn có ba vị đại tướng quân, một người tên Điền Khai Cương, một người tên Cổ Dã Tử, một người tên Công Tôn Tiệp, cả ba đều là người rất dũng cảm. Nhưng họ dựa vào sự dũng cảm bản thân mà ngang tàng phách lối, không tuân thủ lễ nghĩa quốc gia, xưng hô ngang hàng với quốc vương, lại cùng với những người họ Điền liên hợp với nhau, dấy lên mối nghi ngờ họ phạm thượng tạo phản. Cho nên nói Yến Tử đối với họ rất cảnh giác. 

Có một lần khi quốc vương ra ngoài săn bắn, bỗng đâu một con hổ xông đến, Công Tôn Tiệp xông ra. Ông không dùng binh khí, chỉ dùng quyền cước đánh chết hổ. Có một lần khi vua qua sông, ngựa vua bị con rùa lớn cắn chặt dây cương rồi lôi xuống nước. Đó là một con ô quy rất rất lớn. Cổ Dã Tử nhảy xuống nước quyết chiến với rùa. Anh không giỏi bơi lội, ở dưới nước nín thở, cứ theo ô quy như thế được 9 dặm cuối cùng đã chém được đầu nó. Cổ Dã Tử nói lúc đó ông một tay cầm đầu con rùa, tay kia cầm kéo con ngựa của vua, rồi từ mặt nước ngoi lên, người xung quanh đều tưởng ông là Thần Sông. Đây cũng là một người rất dũng cảm. Còn có một người là Điền Khai Cương. Điền Khai Cương khi đó cầm quân tấn công các nước ở xung quanh nước Tề, một nơi là nước Từ, còn có một vài nước nhỏ khác, cuối cùng các quốc gia đó đều biến thành chư hầu của Tề quốc. Cho nên ba người họ cậy mình có có công trạng trong quân, cũng coi quốc vương không là gì trong mắt. Yến Anh khi đó cảm thấy ba người ấy không thể lưu lại, nên mới nghĩ ra kế dùng hai quả đào giết ba dũng sỹ.

Khổng Tử từng giảng câu: “Văn vẻ nhiều hơn sức mạnh thể chất thì hoa mỹ phù phiếm, sức mạnh thể chất nhiều hơn văn vẻ thì thô lậu. Văn vẻ và sức mạnh thể chất cân bằng hài hoà thì sau đó mới trở thành người quân tử được”. Đây chính là nói về phương diện tu dưỡng của con người. Nếu văn hóa vượt hơn khí chất cứng cáp ban đầu thì người như thế gọi là hoa mỹ phù phiếm. Nếu khí chất cứng cáp ban đầu hay những hành vi lỗ mãng vượt ngoài sự ước thúc của văn hóa, thì người như thế chính là kẻ hoang dã. Cho nên Khổng Tử nói một người nên có “văn vẻ” lại có “sức mạnh thể chất”, chính là “văn vẻ và sức mạnh thể chất cân bằng hài hoài thì sau đó mới trở thành người quân tử được”. 

Giống như các tướng quân là Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử, Công Tôn Tiệp là “sức mạnh thể chất vượt hơn văn vẻ”. Yến Tử cho rằng những người này đối với tương lai của nước Tề chưa chắc sẽ mang lại điều gì tốt đẹp. 

Vài ví dụ nêu ra trên đây là để giúp chúng ta thấy được cái nhìn của cổ nhân về đức hạnh. Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, các giá trị đạo đức luôn được đề cao hơn hết thảy. Cho nên người xưa mới sẵn sàng quyên sinh để giữ gìn tiết hạnh, sẵn sàng xả thân vào chỗ chết để cho tròn đạo nghĩa.

Trở lại với Ngũ Tử Tư, kỳ sau chúng ta sẽ tiếp tục đàm luận rõ hơn về chặng đường rất đau thương nhưng phi thường của ông trước khi làm nên điều kỳ tích…

(Còn tiếp)

Mạn Vũ
(Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên NTDTV)