Tự cổ chí kim, bậc quân vương có được thiên hạ là nhờ nhân đức, mà đánh mất thiên hạ cũng là bởi không có lòng nhân…

Mạnh Tử nói: “Thời Tam Đại đắc được thiên hạ là bởi nhân đức, mất thiên hạ là bởi bất nhân. Quốc gia hưng thịnh, suy bại, hay tồn vong cũng như thế. Thiên tử bất nhân, không thể giữ được quốc thổ khắp bốn biển. Chư hầu bất nhân, không giữ được xã tắc. Khanh đại phu bất nhân, không giữ được tông miếu. Sỹ thứ dân bất nhân, không giữ được tứ thể. Ngày nay ghét tử vong mà lại thích bất nhân, cũng như ghét say mà lại thích uống rượu vậy”.

Trong đoạn văn trên, Mạnh Tử nói: Ba triều đại nhà Hạ, Thương, Chu có được thiên hạ là do thi hành nền chính trị nhân đức. Ba triều đại đó bị mất thiên hạ là do không thi hành các chính sách nhân đức. Các quốc gia chư hầu suy bại hay hưng thịnh, sinh tồn hay diệt vong, cũng là đạo lý như thế. Thiên tử không có nhân đức thì không giữ được thiên hạ. Chư hầu không có nhân đức thì không giữ được lãnh thổ quốc gia. Khanh đại phu không có nhân đức thì không giữ được từ đường dòng tộc. Kẻ sỹ (trí thức) và bách tính không có nhân đức thì không bảo toàn được sinh mệnh của bản thân. Ngày nay, chán ghét tử vong mà lại yêu thích bất nhân, thật giống như chán ghét say rượu mà vẫn cứ cố uống rượu vậy.

Đối với cá nhân, thi hành nhân nghĩa và thúc đẩy đạo đức sẽ khiến việc tu dưỡng đức hạnh được nâng cao, từ đó mà cảm hóa những người xung quanh. Như vậy, hoàn cảnh sinh tồn của bản thân sẽ tường hòa và tốt đẹp. Mở rộng ra, nếu toàn bộ quốc gia đều yêu chuộng đạo đức nhân nghĩa thì xã hội sẽ hưng thịnh giàu mạnh, dân chúng sẽ yên ổn giàu có. Chúng ta có thể tham khảo từ một số câu chuyện được ghi chép trong các thư tịch xưa.

Yến Tử can gián Tề Trang Công

Vua nước Tề là Trang Công muốn thảo phạt nước Tấn, bèn hỏi ý kiến quan đại phu Yến Tử. Yến Tử nói: “Việc này không được. Những thứ ngài có được đã rất nhiều rồi, vậy mà dục vọng vẫn chưa thỏa mãn. Dục vọng không ngừng tăng thì ý chí cũng không ngừng kiêu ngạo và phóng túng. Người đã có được nhiều thứ mà dục vọng vẫn lớn thì sẽ gặp nguy hiểm. Người dục vọng tăng và ý chí kiêu ngạo phóng túng sẽ sa vào cảnh khốn cùng. Ngày nay, ngài trọng dụng kẻ sỹ vũ dũng, tấn công nước Tấn là minh chủ của chư hầu. Nếu việc tiến đánh nước Tấn bất thành thì đó là phúc của quốc gia. Quân chủ không có đức hạnh mà lại có công tích, thì nỗi lo buồn ắt sẽ đến thân”.

Yến Tử thẳng thắn can gián Tề Trang Công. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Trang Công mặt biến sắc, cảm thấy không hài lòng. Yến Tử biết vậy bèn từ quan về quê quy ẩn nơi hoang dã, quanh nhà cỏ mọc um tùm, trước cửa mọc đầy cây gai.

Trang Công cuối cùng vẫn dùng binh sỹ vũ dũng tiến sang phía tây đánh nước Tấn, đánh được Triều Ca, tiến tới Thái Hành Sơn và Mạnh Môn. Trên đường trở về, Trang Công còn đánh nước Cử, đi qua đường hầm đất Thả Vu. Một năm sau, bách tính ly tán, Trang Công bị Thôi Trữ giết hại. Thôi Trữ đuổi hết các công tử, công thất nước Tề.

Trang Công không nghe lời can gián của Yến Tử, không coi trọng đức hạnh mà lại tôn sùng vũ lực, tuy tạm thời có được công tích, nhưng công tích đó giống như xây nhà trên cát, chẳng qua nổi thử thách, sụp đổ chỉ sau một đêm. Bản thân Trang Công cũng bị giết hại thê thảm.

Yến Tử can gián Tề Cảnh Công

Tề Cảnh Công là em của Tề Trang Công, kế ngôi vị sau khi Trang Công qua đời.

Cảnh Công chuẩn bị đem quân đi đánh nước Lỗ, bèn đến hỏi ý kiến Yến Tử. Yến Tử đáp rằng:

“Việc này không được. Vua Lỗ tôn sùng nhân nghĩa nên được bách tính ủng hộ và yêu quý. Quân chủ tôn sùng nhân nghĩa thì quốc gia yên định. Quân chủ được bách tính ủng hộ và yêu quý thì quân dân hài hòa. Phong khí trị quốc của Bá Cầm vẫn còn, do đó không nên tấn công nước Lỗ. Tấn công một quốc gia tôn sùng nhân nghĩa ắt sẽ gặp vận xui, gây nguy hại cho bách tính, khiến quốc gia vốn yên định tường hòa nay ắt sẽ rơi vào ách vận.

Thần còn nghe nói, quân chủ nếu có thể đánh được nước khác, thì nghĩa là đức hạnh của bản thân đủ khiến cho quốc gia yên định, chính trị cũng đủ khiến cho quân dân hài hòa. Vậy trước hết cần làm cho quốc gia yên định, quân dân hài hòa, sau đó mới có thể đem quân đi thảo phạt các nước bạo loạn.

Ngày nay ngài thích uống rượu và hành vi kỳ quặc, nên không đủ đức hạnh để khiến cho quốc gia yên định. Thuế khóa nặng nề và hiệu lệnh cấp thiết, về chính trị không thể khiến cho quân dân hài hòa. Không đủ đức hạnh để khiến cho quốc gia yên định thì sẽ gặp nguy hiểm, chính trị không thể khiến cho quân dân hài hòa thì sẽ có loạn lạc. Tự thân còn chưa tránh được nguy hiểm và loạn lạc mà lại muốn đem quân đánh quốc gia vốn yên định và hài hòa, vậy thì việc này không thể được. Tốt nhất ngài hãy trị sửa chính trị nước Tề, đợi đến khi nước Lỗ hỗn loạn, lúc đó quân chủ và thần dân nước Lỗ trở nên ly tán, quân chủ oán hận bề tôi, sau đó ngài mới có thể thuận theo thế mà thảo phạt nước Lỗ, sẽ vì nhân nghĩa sâu đậm mà làm lợi cho dân chúng. Khi nhân nghĩa sâu đậm thì kẻ địch sẽ ít, lợi cho dân chúng thì bách tính đều vui mừng”.

Cảnh Công nói: “Ngài nói rất đúng”, bèn từ bỏ ý định đánh nước Lỗ.

Cảnh Công cảm khái trước lời khuyên sâu sắc của Yến Tử. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Từ câu chuyện của Trang Công và Cảnh Công có thể thấy, đạo đức nhân nghĩa quan trọng biết nhường nào đối với sự thịnh suy tồn vong của một quốc gia.

Theo Minh Huệ Net
Kiến Thiện biên dịch