Không dám nổi giận là người nhu nhược, chẳng buồn nổi giận mới là người thông minh…

Bạn có bao giờ rơi vào những tình huống kiểu như vậy:

Khi bất đồng ý kiến với người trong gia đình, bạn thường tranh cãi không thôi, nóng giận không kiểm soát được, khiến không khí trong nhà trở nên ngột ngạt căng thẳng. Có những lúc rõ ràng là bản thân rất muốn nhẹ nhàng nói chuyện nhưng lại không nhịn được, thành ra lớn tiếng mắng chửi. Những lúc áp lực cuộc sống quá lớn, bạn lại trút giận lên những người và việc không liên quan. Khi gặp chuyện bứt rứt trong lòng thì trằn trọc cả đêm không ngủ được, càng nghĩ càng bực mình.

Thiền ngữ có nói: “Là con người thì ai cũng đều có thất tình lục dục; là nhân tâm đều sẽ có hỷ nộ ai lạc”.

Tức giận là một trong những cảm xúc tự nhiên của con người và là phản ứng thường gặp của chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Vậy nên rất nhiều khi đụng phải những tình huống, sự việc không thoải mái, chúng ta thường dễ rơi vào trong phiền não.

Thế nhưng, cơn nóng giận không chỉ tổn thương người khác, mà nó cũng là liều thuốc độc đang tàn phá sinh mệnh của bản thân mình. Chúng ta hãy cùng xem các mức độ của tâm thái con người đối với sự tức giận có thể ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao. Tất nhiên, dưới đây chỉ là một cách hình ảnh hóa sự phân chia, chứ không nhất định là một kết luận khoa học.

Người thường tự tìm kiếm giận dữ, gọi là tục nhân, có thể sống đến “60 tuổi”

Tục ngữ có câu: “Hoa chết vì úng, cá chết vì no, người chết vì giận”.

Từng có mấy bản tin như sau:

Một người phụ nữ lớn tuổi vì tranh cãi với đồng nghiệp mà giận dữ đến mức ngất xỉu, cuối cùng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn vô phương cứu chữa.

Lại có một người đàn ông lớn tuổi hút thuốc lá trong thang máy, được một người tốt bụng nhắc nhở nhưng ông không những không nghe, hơn nữa còn lớn tiếng tranh cãi với người ta, kết quả là trong lúc nóng giận xung lên, bệnh tim phát tác mà qua đời.

Trong chương “Linh Cữu” cuốn Hoàng Đế Nội Kinh có đoạn nói về nguyên nhân của bệnh như thế này: “Ôi, cái đầu tiên sinh ra mọi bệnh tật bắt đầu ở khô, ẩm ướt, lạnh, nóng, gió, mưa, âm dương bất hòa, vui buồn tức giận, ăn uống và nơi sinh sống”.

Vạn sự đều từ tâm mà ra, trong tâm có nóng giận nên mới nóng giận. Còn như trong tâm không có, ắt sẽ tĩnh lặng.

Đời người vốn chỉ như khách qua đường, hà tất phải vướng bận chuyện trần ai. Mọi chuyện nếu thấu tỏ, cuộc đời này chẳng phải sẽ hạnh phúc hơn sao.

Bị người khác chi phối cảm xúc, gọi là người phàm, có thể sống đến “70 tuổi”

Có người từng nói: “Bạn không thể thay đổi thời tiết nhưng có thể thay đổi tâm trạng; bạn không thể kiểm soát người khác nhưng có thể kiểm soát chính mình”.

Nếu tâm tư thường vì người khác mà cảm thấy phẫn uất, sầu khổ, chẳng khác chi tự mình làm khổ mình vậy.

Chu Du vốn là người tao nhã đức độ, cả đời bày mưu lập kế trong doanh trại, nhưng cuối cùng lại chết vì tức giận, mất hết cả thanh danh. Hay tài hoa xuất chúng như Lâm Đại Ngọc cũng vì thường quá để tâm đến mấy chuyện vặt vãnh mà tự chuốc phiền não, để rồi ngọc nát hương tan.

Một đời người vốn chẳng dài lâu, hãy sống vui vẻ từng ngày, không nên lãng phí lượng lớn thời gian vào việc giận dữ.

Giống như một nhà văn từng nói: “Khi bạn có được nội tâm điềm tĩnh và ung dung, bạn sẽ thấy được cảnh vật đẹp nhất của cuộc đời. Điều khó có được nhất trong đời chính là một trái tim trong sáng thuần phác như trẻ thơ, một niềm tin không ngừng sinh sôi nảy nở, một thân thể khỏe mạnh, và một tâm trạng tốt đẹp để tận hưởng mọi điều của cuộc sống”.

Ảnh: Shutterstock.

Người khiến người khác nóng giận còn bản thân lại điềm tĩnh như không, gọi là vĩ nhân, có thể sống đến “80 tuổi”

Có một câu chuyện hài hước như vậy:

Johann Wolfgang von Goethe – một nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ lỗi lạc người Đức, tản bộ trong công viên, lúc đi trên một con đường nhỏ chỉ đủ cho một người đi thì gặp hai nhà phê bình.

“Trước giờ tôi không bao giờ nhường đường cho kẻ ngu xuẩn” – một nhà phê bình nói.

“Vừa hay tôi thì ngược lại”, Goethe nói xong, mỉm cười lui vào ven đường.

Nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ Dale Carnegie từng nói: “Người không dám nổi giận là người nhu nhược, người chẳng buồn nổi giận mới là người thông minh”.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp vô số người hoặc việc kỳ quặc, sẽ có những lúc trong lòng cảm thấy không vui. Nhưng giận dữ không thể giúp ta giải quyết được vấn đề, hãy xem nhẹ cái tôi, đừng khăng khăng với ý kiến và suy nghĩ của mình.

Người không bao giờ nóng giận, gọi là cao nhân, có thể sống đến “90 tuổi”

Mỗi một ngày trong sinh mệnh đều là mới mẻ, mỗi một thời khắc trong cuộc đời đều vô cùng quý giá và không bao giờ có lại được.

Sống và nhìn cuộc đời với cái tâm thanh tịnh, đón nhận từng ngày với tất cả niềm vui, biết ơn cuộc sống và giải quyết mọi mâu thuẫn bằng một trái tim ấm áp, yêu thương, tâm thanh tịnh, cuộc sống theo đó sẽ thoải mái, đường đời càng đi càng rộng thênh thang, sức khỏe tự nhiên cũng khỏe mạnh, theo con người đến già.

Người không nóng giận và cũng không khiến người khác nóng giận, gọi là chân nhân, có thể sống đến “100 tuổi”

Theo một cuộc khảo sát về nguyên nhân trường thọ của những người sống đến 100 tuổi, kết quả như sau: Nhân tố di truyền chiếm 15%, nhân tố xã hội chiếm 10%, điều kiện y tế chiếm 8%, điều kiện thời tiết chiếm 7% và 60% còn lại được quyết định bởi chính lối sống của người đó.

Nguyên nhân giúp những cụ già này sống đến hơn 100 tuổi chỉ có một, không phải chỉ là ăn uống, không phải chỉ là tập luyện mà là không nóng giận!

Người đàn ông sống thọ nhất tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cụ Trương Tồn Hợp, năm nay đã gần 120 tuổi, một đời ông luôn ôm giữ cho mình tâm thái lạc quan yêu đời, bình dị dễ gần, tuy tuổi đã cao nhưng đầu óc vẫn linh hoạt, trên gương mặt rất ít da đồi mồi, trông ông giống như cụ già 70 tuổi vậy.

Một người khác là cụ Trần Đồng Thọ, năm nay cũng hơn 100 tuổi, cụ chia sẻ rằng bản thân cụ trước giờ không nóng giận, cũng không so đo tính toán, không suy nghĩ nhiều, ăn uống thoải mái, tự nhiên sẽ có được giấc ngủ ngon lành.

Trong cuộc sống muôn vàn phức tạp này, không nổi giận chính là bài thuốc tốt cho tâm hồn mỗi người.

Thời gian như nước trôi đi, mỗi ngày trôi qua đồng nghĩa với việc cuộc đời đang rút ngắn từng ngày, mỗi chúng ta hãy sống thật vui vẻ, hạnh phúc, như thế chúng ta mới có được một cơ thể khỏe mạnh cả về thể xác và tinh thần.

Chính như Hàn Sơn có hỏi Thập Đắc rằng: “Thế gian có người phỉ báng ta, lăng nhục ta, hiếp đáp ta, cười nhạo ta, khinh nhờn ta, chà đạp ta, dối gạt ta, đối xử tệ với ta, vậy phải xử trí thế nào?”.

Thập Đắc nói: “Chỉ có nhường nhẫn người ta, tránh xa người ta, chịu đựng người ta, kính trọng người ta, không để ý gì đến người ta nữa, hãy đợi qua vài năm, rồi bạn mới nhìn mặt người ta, xem lúc đó sẽ thế nào”.

Theo Wendy, Secret China
Vũ Dương biên dịch

Video: Tại sao chúng ta lại tức giận?

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__