Thói nịnh hót, bợ đỡ đã có từ ngàn xưa, lắm chuyện cười ra nước mắt.

“Anh quá tinh ý! Tầm nhìn xa chiến lược của anh không chê vào đâu được! Không có anh, cơ quan không biết trông cậy vào đâu!”

“Khả năng sếp còn phải ngồi cao nữa mới xứng tầm!”

“Sếp dạy lúc nào cũng chí phải!”

“Dạo này chị trẻ quá, da cứ căng đẹp mịn màng!”

“Trông chị không ai đoán đúng được tuổi!” …

Những câu tâng bốc kiểu như thế, ai nghe cũng thấy “quen quen”.

Nịnh thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc: Hòa Thân (Ảnh: Internet)
Nịnh thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc: Hòa Thân (Ảnh: Internet)

Quan huyện nhân đức

Có người hay nói nịnh. Một hôm, đến thăm quan huyện, vừa vào dinh, đã khen rối rít:

– Quan lớn nhân đức thật. Thú dữ cũng phải lánh đi nơi khác. Hôm qua, vừa bước chân vào địa hạt ta tận mắt tôi thấy cọp kéo nhau từng bầy đi sang huyện bên cạnh.

Quan nghe cũng chối tai, nhưng vẫn cười gượng. Một lúc, dân tới báo đêm qua cọp bắt mất ba mạng người.

Quan huyện quay lại hỏi khách:

– Sao ngài bảo trông thấy cọp bỏ đi cả rồi!

Người kia bí quá, nói liều:

– Chắc quan huyện bên cạnh cũng nhân đức chẳng kém gì quan lớn, nên nó không có chỗ trú chân, đành phải quay trở lại huyện nhà.

“Quản huyền chi âm, chi lan chi vị”

Chuyện cũ kể rằng: Có hai tên “nịnh sĩ” đang ngồi hầu chuyện quan lớn, bỗng quan trung tiện một cái. Lập tức một tên lắng nghe rồi thốt lên: “Y hi, quản huyền chi âm!” (nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Tên kia cũng hếch mũi hít hà rồi trầm trồ: “Phảng phất chi lan chi vị!” (thoang thoảng mùi hoa lan hoa nhài). Nhưng quan lớn tỏ ra hiểu biết, không bằng lòng: “Trung tiện mà thơm thì e tuổi thọ ta không được dài.” Nghe vậy, một tên gật gù: “Bẩm cụ, bây giờ đã có mùi rồi ạ!.” Tên kia cũng khẳng khái khẳng định: “Bẩm, bây giờ thì thối lắm ạ!” Tương truyền vì thế dân gian mới có câu rằng: nịnh thối không ngửi được.

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Nếu coi những kẻ nịnh hót kia như bùn lầy nhơ bẩn, thì trong lịch sử có không ít những bậc quân tử khí độ bất phàm như hoa sen tinh khiết, không chịu uốn lưỡi trước danh lợi cường quyền.

Nhan Súc khẳng khái không xu nịnh

Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề không chịu xu nịnh. Chuyện kể rằng khi vua Tề Tuyên Vương đến chơi nhà Nhan Súc, vua gọi: “Nhan Súc, lại đây!”, y như kiểu gọi một đứa trẻ.

Nhan Súc điềm tĩnh đáp lại: “Hoàng thượng! Lại đây!” Các quan theo hầu bèn hạch tội.

Nhan Súc giải thích: “Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh ham muốn quyền lực. Súc gọi mà nhà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ, xu nịnh quyền thề thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!”

Cao Bá Quát chơi xỏ vua

Tự Ðức vốn là ông vua sính thơ và hay khoe thơ mình. Nghĩ được câu thơ nào thường vẫn đem đọc cho quần thần nghe và lấy làm tự đắc lắm.

Một hôm sau buổi chầu, Tự Ðức nói với các quan:

– Ðêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc cho các khanh nghe!

Rồi đọc luôn:

Viên trung oanh chuyển “khề khà” ngữ,
Dã ngoại đào hoa “lấm tấm” khai.

Các quan nghe xong đều lấy làm lạ vì chưa hề được nghe lối thơ vừa chữ Hán vừa Nôm ấy bao giờ, nhất là những chữ “khề khà”, “lấm tấm” nghe thật thú vị. Còn Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, thì vẫn thản nhiên mà tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả bài tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.

Tự Ðức đang hí hửng về mấy câu thơ dở Hán dở Nôm rất độc đáo của mình, không dè bị Quát giội một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông đã nghĩ ra. Tuy nhiên, ông vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân ấy cho hả giận.

Còn đình thần cũng bực tức là Quát dám cả gan xúc phạm đến vua, và họ đang chờ một trận lôi đình; ông nọ lấm lét nhìn ông kia, không khí triều đình trở nên căng thẳng, nặng nề khác thường…

Trong lịch sử có không ít những bậc quân tử khí độ bất phàm như hoa sen tinh khiết, không chịu uốn lưỡi trước danh lợi cường quyền. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Trong lịch sử có không ít những bậc quân tử khí độ bất phàm như hoa sen tinh khiết, không chịu uốn lưỡi trước danh lợi cường quyền. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Cao Bá Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:

Bảo mã tây phương huếch hoác lai,
Huyênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển “khề khà” ngữ,
Dã ngoại đào hoa “lấm tấm” khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Nghĩa là:

Ngựa báu từ phía tây huếch hoác lại,
Người huênh hoang nhờ cậy dìu về.
Trong vườn oanh hót giọng khề khà,
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.
Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương rơi lộp bộp,
Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài.
Tứ thơ khù khờ đã nhiều người biết,
Khệnh khạng còn mang đến hỏi tú tài.

Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn Tự Ðức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục. Vua sai lấy chè và quế ban cho Quát và bắt Quát phải thú thật là đã bịa thêm sáu câu.

***

Bè lũ nịnh thần có chỗ dung thân, tác oai tác quái suy cho cùng là vì bề trên ưa nghe lời xiểm nịnh. Trong lịch sử, có không ít giáo huấn về việc này. Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân.

Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”. Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!” Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia.

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có nhiều ông vua đã nhận ra được bản chất giả dối và nguy hại của những kẻ xu nịnh. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết xuống chiếu cầu hiền: “Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu nịnh.” Dưới đây là một ví dụ:

Tề Uy Vương, Sở Trang Vương cảnh giác trước lời xu nịnh

Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công, ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân. Tề Uy Vương ra lệnh: “Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1. Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3.”

Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm.

Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương thường lo lắng việc nước, luôn hỏi han quần thần. Lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: “Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được yên.” Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh.

Tạm Kết

Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến mức ảo tưởng về mình, tan tành sự nghiệp, thậm chí mất đi mạng sống.

Người ưa nịnh thì dễ bị lợi dụng, lãnh đạo ưa nịnh thì kẻ dưới tác loạn, chính quyền ưa nịnh thì giả dối tràn lan. Nịnh bợ và giả dối là bạn đồng hành. Sự giả dối như thuốc độc, âm thầm ngấm vào từng tế bào của xã hội, từ giáo dục, y tế, thực phẩm… đều nhiễm thứ độc này. Muốn xã hội trở nên lành mạnh trở lại, có thể nào không bài trừ thói nịnh bợ và giả dối?

Mã Lương

Xem thêm: