Trong số rất nhiều công chúa nhà Đường, ngoại trừ công chúa Văn Thành thanh danh hiển hách, công chúa Hà Chính cũng là một hiện tượng đặc biệt. Nàng xuất thân cao quý, nhưng không được sủng ái nuông chiều, trái lại nàng sở hữu rất nhiều mỹ đức. 

Nàng được Đường Đại Tông coi là “báu vật quốc gia”. Nhan Chân Khanh, một danh thần thời Đường, đã viết văn bia cho nàng. Trong văn chương của mình, ông không ngần ngại dùng những mỹ từ ca ngợi công chúa Hà Chính “đức ngôn dung công, nghĩa nhân hiếu trung. Ôn lương cung kiệm, kính nhượng hoành thông”, “tụ chúng mỹ ư nhất thân”. Công chúa Hà Chính, người có rất nhiều mỹ đức, đã lưu lại cho chúng ta câu chuyện gì?

Công chúa Hà Chính (728-764), không rõ tên thật, là con gái thứ ba của Đường Đức Tông Lý Hưởng, mẹ nàng là Chương Kính thái hậu Ngô Thị, công chúa và Đường Đại Tông Lý Dự là anh em ruột. Thái hậu Ngô Thị thời còn thơ ấu, cha bà làm quan ở đất Thục. Sau khi một đạo sĩ xem bói cho bà, đã kinh ngạc nói: “Cô bé này hiển quý vô cùng. Tương lai sẽ sinh hai người con, con trai sẽ làm quân vương, con gái sẽ làm công chúa, kết hôn với người họ Liễu.”

Quả nhiên đúng như đạo sĩ đã nói. Sau này, cha của Ngô Thị phạm tội, Ngô Thị bị đưa vào cung làm nô tì, sau đó được ban cho Lý Hưởng, lúc đó vẫn còn là một trung vương. Ngô Thị lần lượt sinh hạ một trai một gái, con trai sau này trở thành Đường Đại Tông, con gái trở thành công chúa Hà Chính. Trong u minh, quả nhiên ông Trời đã có chủ định.

Khi công chúa Hà Chính lên ba tuổi, mẹ nàng qua đời, nàng được Vi quý phi dưỡng dục trưởng thành. Khi còn trẻ, công chúa Hà Chính vô cùng thông tuệ, thuần hiếu hơn người, nàng đối với phụ thân cực kỳ hiếu thuận, đối với Vi quý phi, nàng cung kính phụng dưỡng như mẹ thân sinh của mình, vì vậy nàng được Lý Hưởng yêu thương. Khi lớn lên thành người, nàng không chỉ có dung mạo xuất chúng như hoa sen trên mặt nước, mà còn có phẩm đức cao thượng.

Công chúa Hà Chính đa tài đa nghệ, nàng yêu sách và hiếu học, tin tưởng Phật pháp, nghiên cứu kinh Phật. Ngoài ra, nàng có khả năng ghi nhớ tốt những gì nghe và thấy bằng tai và mắt của mình, như âm thanh của vàng, đá, lụa và trúc, kỹ xảo hội họa.

Vợ chồng ân ái

Vào mùa xuân và tháng 3 năm Thiên Bảo thứ 9 (năm 750), nàng được phong làm quận chúa (từ năm Thiên Bảo thứ 14 phong là công chúa), kết hôn với Liễu Đàm ở Hà Đông. Phò mã Liễu Đàm sinh ra trong một gia đình quan chức, người cha Liễu Sầm làm quan đến thông sự xá nhân, tặng bí thư giám (tương đương thái sử). Liễu Đàm cao lớn đẹp trai, lại có tài danh, và điều hiếm có hơn nữa là chàng rất khiêm tốn, tốt bụng và quan tâm đến người dưới, có danh tiếng tốt trong giới học giả. Chàng từng nhậm chức vương phủ hộ tào, tham quân, về sau được chọn làm phò mã, bên cạnh phụ tá thái tử.

Sau khi kết hôn, quận chúa Hà Chính và phò mã tôn kính lẫn nhau, tình cảm tốt đẹp, họ có với nhau năm con trai và ba con gái. Trong văn bia mà Nhan Chân Khanh viết cho công chúa Hà Chính có đoạn “Phượng hoàng đang bay, cây ngô đồng là nơi nghỉ”, ý tứ là phượng và hoàng sánh đôi cùng nhau bay trên không trung, tựa vào nhau trên cây ngô đồng, chính là để chỉ giữa hai vợ chồng tình nghĩa sâu nặng.

Vợ của anh trai Liễu Trừng của Liễu Đàm là chị gái thứ 8 của Dương quý phi, phu nhân Tần Quốc. So với chị dâu phu nhân Tần Quốc thích trang phục hoa văn cầu kỳ, xiêm y của quận chúa Hà Chính không hề lộng lẫy, nhưng dù y phục không có hoa văn, cũng không thể che giấu được vẻ mỹ lệ siêu phàm của nàng. Chuyện kể rằng khi còn ở nhà, nàng luôn tuân thủ mỹ đức cần kiệm tiết chế, tự tay cắt may y phục, con cái nàng không mặc lụa là phục sức.

Kính trọng chị gái góa bụa, nhường nhịn em gái, thiện đãi cháu trai

Vào năm Thiên Bảo thứ mười bốn (755), loạn An Sử nổ ra, Đường Huyền Tông và thái tử Lý Hưởng cùng hoàng thân quốc thích và đại thần trốn khỏi Trường An. Trên đường đi, quận chúa Hà Chính đã gặp đoàn tùy tùng của công chúa Ninh Quốc, người chị cùng cha khác mẹ mới góa chồng. Ngựa của công chúa Ninh Quốc chúa bị người chạy nạn cướp mất, chỉ có thể đi bộ, hơn nữa lại mới sinh bệnh, vô cùng khốn khổ.

Quận chúa Hà Chính bảo phò mã Liễu Đàm xuống ngựa, nhường ngựa cho công chúa Ninh Quốc, bỏ lại ba đứa con tự mình phải chăm sóc để chúng tự đi bộ trên đường, trong khi bản thân ở bên cạnh chăm sóc chị gái. Vì trong tâm cảm thấy có lỗi với chồng, quận chúa Hà Chính cùng đi bộ hành với phò mã Liễu Đàm. Họ mỗi ngày phải đi bộ cả trăm dặm, nhưng quận chúa Hà Chính không bao giờ phàn nàn, thay vào đó, khi họ nghỉ ngơi, phò mã Liễu Đàm đi lấy nước và đốn củi, còn quận chúa Hà Chính tự mình nấu ăn phục vụ công chúa Ninh Quốc. Bất cứ khi nào có tình huống nguy hiểm, quận chúa Hà Chính sẽ để chị gái mình đi trước, bản thân ở lại cuối cùng. Dưới sự chăm sóc của quận chúa Hà Chính và Liễu Đàm, công chúa Ninh Quốc và cả đoàn đã đến đích bình an.

Sau cuộc binh biến Mã ngôi, Huyền Tông đến đất Thục, Lý Hưởng hướng bắc thu thập tàn binh bại tướng, sau đó lên ngôi ở Lĩnh Vũ, trở thành Đường Túc Tông, từ xa tôn Huyền Tông là thái thượng hoàng. Quận chúa Hà Chính và đoàn tùy tùng theo Đường Huyền Tông đến Thục. Ở Thục, nàng được phong làm công chúa Hà Chính, trong khi Liễu Đàm thì bái phò mã Đô Úy, đại phu Ngân Thanh Quang Lộc, Thái Bộc Khanh. Không lâu sau khi đến Thục, họ phát hiện thủ lĩnh quân Thục là Quách Thiên Nhận đã phản biến, phản quân còn bao vây họ. Công chúa Hà Chính và Liễu Đàm thân chinh dẫn đầu sĩ tốt, cùng nhau chiến đấu chống quân địch, cuối cùng sống sót nhờ viện binh đến kịp.

Vào năm Chí Đức thứ hai (757), sau khi thu phục Trường An, Huyền Tông và Túc Tông lần lượt trở về kinh đô. Một ngày nọ, Túc Tông Đế lâm bệnh nặng, công chúa Hà Chính kiên trì túc trực phục vụ bên cạnh, không chịu rời đi. Túc Tông rất cảm động, nói: “Lòng hiếu thảo trong sáng của con đã đạt đến mức độ như vậy.” Vì vậy, ông đã hạ chiếu ban thưởng trang viên cho nàng, nhưng công chúa Hà Chính đã từ chối với lý do em gái của cô, công chúa Bảo Chương còn chưa được ban thưởng, hy vọng có thể ban thưởng cho công chúa Bảo Chương. Túc Tông cảm niệm tâm ý của nàng, liền ban thưởng trang viên cho công chúa Bảo Chương.

Lúc đầu, chị dâu Tần Quốc ỷ vào Dương quý phi được sủng ái, rất cao ngạo, nhưng công chúa Hà Chính chưa bao giờ lợi dụng mối quan hệ này để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Trước loạn An Sử, Tần quốc phu nhân lâm bệnh qua đời, chồng bà là Liễu Trừng cũng đã qua đời trước đó. Khi Tần phu nhân hấp hối, bà đã phó thác hai con trai mình cho vợ chồng Liễu Đàm và công chúa Hà Chính nuôi nấng dưỡng dục cháu trai như con ruột của mình.

Trượng nghĩa chấp ngôn

Kinh kịch tham quân rất thịnh hành trong triều đình nhà Đường, hoàng thân quốc thích thường tụ tập cùng nhau xem kịch, người diễn kinh kịch có diễn viên chuyên môn, cũng có người nhà của tội nhân vào hậu cung.

Một ngày nọ, trong cung lại biểu diễn một vở kịch tham quân khác, trong kịch có một nữ nhân là vợ của A Bố Tư. A Bố Tư vốn là người Duy Ngô Nhĩ, vì tội mưu nghịch mà bị giết, vợ vì thế bị đưa vào hậu cung, còn bị bắt mặc y phục màu xanh đóng kịch. Lúc đó công chúa Hà Chính cũng đang ngồi trên khán đài, nàng can gián Túc Tông: “Nếu A Bố Tư phạm tội mưu phản, vợ của ông ta không nên tiếp cận hoàng đế. Nếu vợ ông ta vô tội, cũng không nên ở bên nam diễn viên, khiến cô ấy hổ thẹn và bị người khác cười nhạo.” Đường Túc Tông cho rằng điều đó là hợp lý, nên đã tha tội cho vợ của A Bố Tư, để cô ấy xuất cung.

Quan tâm quốc gia đại sự, quyên tiền giúp nước

Loạn An Sử dần dần lắng xuống, nhưng hậu quả cuộc chiến mang lại đã quá rõ ràng, ngân khố trống rỗng, đất nước hoang phế. Công chúa Hà Chính thông minh và năng lực, đã kiếm tiền tài thông qua kinh doanh, nàng đã quyên góp rất nhiều giúp quân đội nhà Đường chống lại sự xâm lược của ngoại bang và khi xây lăng hoàng đế.

Năm Bảo Anh thứ nhất (762), Đường Huyền Tông và Đường Túc Tông lần lượt lâm bệnh qua đời, Đại Tông lên ngôi. Sau khi Đại Tông lên ngôi, công chúa Hà Chính đã nhiều lần nói với ông về những thống khổ của nhân gian và sự thăng trầm của quốc gia, Đại Tông đều lắng nghe từng lời. Một lần, Đại Tông vì công chúa không giàu có, đã định ban thưởng cho nàng, nhưng công chúa Hà Chính một mực cự tuyệt.

Đại Tông rất tin tưởng người em gái có năng lực của mình, và thường thảo luận quốc gia đại sự với nàng. Năm Quảng Đức thứ hai (764), Thổ Phiên xâm lược. Sau khi biết tin, công chúa khi đó đang mang thai, bất chấp sự lo lắng và phản đối kiên quyết của Liễu Đàm, nàng nhất quyết vào cung để bàn bạc việc chuẩn bị với Đại Tông. Nàng nói: “Việc của anh trai em cũng là việc của em, lẽ nào chồng không có anh trai sao?” Nàng phân tích lợi hại, đề xuất phương án, Đại Tông đều tán thưởng.

Lúc đó là giữa mùa hè, công chúa Hà Chính thân thể còn chưa phục hồi mà cứ bôn tẩu tới lui, cuối cùng đã ngã bệnh, Đại Tông mặc dù đã cử ngự y đến chẩn đoán và chữa trị, nhưng công chúa đã qua đời vào ngày hôm sau sau khi sinh, khi mới 36 tuổi, lúc đó là ngày 25 tháng 6 năm 764.

Những sự kiện linh dị trước khi qua đời

Khi hoàng đế Đại Tông nghe tin em gái qua đời, ông rất đau lòng và nói: “Em gái trẫm là báu vật của quốc gia mà Thượng Thiên ban cho. Trẫm đang nghĩ sau này sẽ cùng em gái hưởng hạnh phúc, nào ngờ người cứ thế mà rời đi? Lão thiên sao lại tàn nhẫn thế này, kêu trẫm phải chịu đựng thế nào đây?!” Đại Tông vì em gái mà rời triều đình ba ngày, sai nhà thư pháp một thời đại Nhan Chân Khanh viết văn bia, hậu táng công chúa Hà Chính tại Đồng Nhân Nguyên, Nghĩa Phong, huyện Vạn Niên, Trường An vào ngày 19 tháng 8.

Liễu Đàm, người có tình cảm thắm thiết với công chúa, cũng buồn bã ưu thương, chỉ muốn đi theo người vợ yêu dấu của mình. Con cái của họ thảng thốt cất tiếng gọi mẹ. Khi các quần thần trong triều nghe tin dữ, họ đều khóc thất thanh.

Công chúa Hà Chính, người sinh tiền rất tín Phật, từng nói với Liễu Đàm: “Sinh tử là lẽ thường, chẳng qua là việc trước sau. Nếu em chết trước chồng, chồng nhất định cần dùng phục trang Đạo gia để quấn xác em, chôn em trong một ngôi Phật tự, thường nghĩ về ngôn hành của em, đó chính là hoài niệm về em. Nếu chồng chết trước em, em nhất định sẽ thường xuyên sái tảo mộ phần.”

Trước và sau khi công chúa Hà Chính qua đời, rất nhiều sự kiện linh dị xảy ra: khi nàng thở dốc, con ngựa của nàng cũng chết; con bò kéo xe của nàng đã quỳ xuống đất, ba ngày không ăn uống; nàng tự nhiên nhìn thấy một số người hầu đã chết, tự tâm biết sinh mệnh của mình không còn bao lâu.

Kết ngữ

Trong văn bia do Nhan Chân Khanh viết, chúng ta thấy một công chúa Đại Đường cao quý điển nhã, dịu dàng đức độ, thông minh đảm đang và luôn có trách nhiệm, dù là vợ, là mẹ, con gái hay chị em gái, mọi người xung quanh đều cảm nhận được sự ấm áp của nàng. Một công chúa đời Đường kết hợp nhiều mỹ đức như vậy đã lưu lại một trang quý giá trong lịch sử nhà Đường, trở thành huyền thoại của Đường triều. Ngay cả Nhan Chân Khanh cũng nói rằng bản thân đã đọc không ít sử thư từ khi còn nhỏ, nhưng ông chưa bao giờ thấy một công chúa như Hà Chính trong tất cả các triều đại.

Lã Khôn, một nhà văn thời nhà Minh đã viết cuốn “Khuê Phạm” , cũng hết lời ca ngợi công chúa Hà Chính, nói rằng bà “hành thiện nhiều không thể kể hết”.

Bốn năm sau cái chết của công chúa Hà Chính, tức là vào năm 768, phò mã Lưu Đàm cũng qua đời. Con trai cả của họ, Liễu Thịnh, làm quan đến tướng tác tiểu giám; con thứ Liễu Vựng, làm quan đến ưng vương phó; con trai thứ ba, Liễu Cảo, kết hôn với công chúa Nghĩa Thanh, con gái của Đường Đại Tông; và con trai thứ tư, Liễu Dục, kết hôn với công chúa Nghi Đô, con gái của Đường Đại Tông.

Tài liệu tham khảo:《和政公主神道碑》《二十四悌》,
《新唐書·卷八十三 列傳第八 諸帝公主》,
Tác giả: Lưu Hiểu, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch