Trong lịch sử Trung Hoa, hoàng đế Khang Hy được xem là một trong những bậc quân vương vĩ đại nhất, người đã đưa xã hội cổ đại Trung Quốc lên đỉnh cao mới, mở ra thời hoàng kim Khang Hy – Ung Chính – Càn Long.

Hoàng đế Khang Hy (1654-1722) tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp, là vị hoàng đế thứ tư của triều đại nhà Thanh. Ông trị vì 61 năm, là bậc quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong ba đời đế vương, đồng thời cũng là vị hoàng đế có trí dũng trời ban, tài trí mưu lược, một đời hiển hách, công danh rạng ngời.

Huyền Diệp tư chất thông minh, từ nhỏ đã cần mẫn học tập, thông thạo các thánh hiền tâm học, lục kinh yếu chỉ. Dân gian truyền rằng, mỗi một bài văn ông đều đọc 100 lần, sao chép 100 lần và học 100 lần. Bởi vậy mà hoàng đế ngay từ nhỏ đã dưỡng thành một tính cách dũng mãnh kiên cường, là bậc quân vương văn võ song toàn, đa tài đa nghệ, đặt định nền tảng vững chắc cho việc xử lý các công việc quốc gia đại sự sau này.

Năm 6 tuổi, một lần Huyền Diệp và các hoàng huynh tới vấn an vua cha là hoàng đế Thuận Trị. Thuận Trị yêu cầu từng người nói về chí hướng của mình, Huyền Diệp đáp rằng: “Đợi sau này lớn lên con sẽ học theo phụ hoàng”. Câu nói ấy khiến hoàng đế Thuận Trị vô cùng kinh ngạc.

Huyền Diệp kế vị khi vừa tròn 8 tuổi, tổ mẫu Hiếu Trang hoàng thái hậu hỏi rằng, sau khi làm hoàng đế con có nguyện vọng gì? Huyền Diệp trả lời: “Con chỉ mong thiên hạ yên bình, an dân lạc nghiệp, cùng nhau hưởng phúc thái bình mà thôi”.

Và quả thực, tiểu hoàng đế Khang Hy đã khiến các quan đại thần trong triều phải nể phục. Khi Khang Hy đích thân nắm việc triều chính vào năm 14 tuổi, quan đại thần Ngao Bái lợi dụng hoàng đế nhỏ tuổi đã gây dựng vây cánh khắp nơi, tỏ ý lộng hành, tác oai tác quái trong triều. Khang Hy đã quyết tâm trừ bỏ mầm họa này. Và bằng mưu lược tài trí, sau 2 năm trị vì ông đã bắt Ngao Bái phải nhận tội, giải quyết được vấn nạn nhức nhối nhất trong triều mà không cần đổ một giọt máu.

Tiểu Hoàng Đế Khang Hy. Ảnh dẫn theo yeah1.com

Cũng trong những năm trị vì, Khang Hy còn lập nên nhiều chiến công hiển hách như bình định loạn quân Tam Phiên, thu hồi vùng lãnh thổ bị Nga chiếm cứ, thống nhất vùng sa mạc phía Tây Bắc, bình định Tây Tạng, mở rộng lãnh thổ nhà Thanh hơn bất cứ triều đại nào trước đó, đưa Trung Hoa bước vào thời kỳ thịnh trị lâu dài.

Vậy, bí quyết nào đã giúp hoàng đế Khang Hy trị vì một cách sáng suốt, xứng danh là bậc “Thiên cổ nhất đế” của Trung Hoa?

Sử dụng thời gian hiệu quả

Hoàng đế Khang Hy thức dậy từ rất sớm, khoảng 5 giờ sáng. Trong 2 tiếng đầu tiên sau khi dậy và 4 tiếng trước khi đi ngủ, ông giữ cho tâm trí của mình thật tĩnh lặng để có thể thiết triều vào buổi sáng và xử lý việc quốc gia đại sự một cách sáng suốt. Ông thường tập trung đọc sách, liên tục học các cuốn thánh hiền cổ thư, trong khi vẫn bày tỏ sự tôn kính với Đất Trời.

Mỗi buổi sáng sớm, hoàng đế bắt đầu ngày mới bằng việc đọc lại nhật ký và các bản tấu trình rồi mới lên điện gặp mặt tể tướng và các quần thần. Sự tập trung của ông trong suốt buổi lễ đầu tiên trong ngày là để ý tưởng sáng tạo được thăng hoa và có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Vào buổi chiều, hoàng đế không giải quyết bất cứ vấn đề cụ thể nào, thay vào đó, ông đọc chọn lọc những bài thơ tiêu biểu và xem nhạc kịch để thư giãn.

Làm việc ít và nghỉ ngơi nhiều hơn

Trái với suy nghĩ của chúng ta là các bậc đế vương phải tập trung toàn lực cho chính sự, hoàng đế Khang Hy lại khuyến khích các triều thần và người hầu cận hãy nghỉ ngơi nhiều hơn.

Những buổi thiết triều hàng ngày của hoàng đế kéo dài không quá một tiếng rưỡi, ông yêu cầu mọi công việc phải được hoàn thành trước buổi trưa. Ông dành phần còn lại của ngày để thưởng thức âm nhạc và vũ đạo, sáng tác thi ca, hoặc đọc sách thánh hiền. Trong những năm tại vị, hoàng đế Khang Hy đã sưu tập 900 tập “Đường Thi”, sáng lập ra cuốn “Từ điển Khang Hy” với hơn 49.000 từ, và là tác giả của nhiều công trình khác nữa.

Trái với suy nghĩ của chúng ta là các bậc đế vương phải tập trung toàn lực cho chính sự, hoàng đế Khang Hy lại khuyến khích các triều thần và người hầu cận hãy nghỉ ngơi nhiều hơn. Ảnh ĐKN

Luôn luôn đọc

Cuộc sống của hoàng đế Khang Hy là liên tục học hỏi và tự trau dồi bản thân. Ông đặc biệt quan tâm tới nền văn hóa cổ xưa của người Hán, đã học qua các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, Sử ký, Hán thư, Tư trị thông giám… Ông luôn coi những tư tưởng Nho gia như Tam cương ngũ thường, trung hiếu tiết nghĩa là nền tảng trị quốc. Việc áp dụng các tư tưởng thánh hiền là một bí quyết giúp hoàng đế thống nhất Trung Hoa, đồng thời hòa giải các mâu thuẫn dân tộc. Ngoài việc giữ thông lệ khoa cử cũ, ông còn mở ra chế độ khoa cử mới, có tên là “bác học hồng từ khoa”, thu hút các nhân tài trong dân gian tham gia vào việc triều chính.

Ngủ thật ngon

Hoàng đế Khang Hy ngủ 8 tiếng. Bữa trưa của ông và giờ nghỉ buổi chiều kéo dài trong 3 tiếng. Ngủ và nghỉ ngơi được hoàng đế coi trọng để củng cố trí nhớ, tăng cường sự tập trung và duy trì một tâm thái tích cực.

***

Đương thời, một giáo sĩ phương Tây từng làm việc bên cạnh Khang Hy kể lại rằng:

“Hoàng đế là người tầm thước, hiền từ, chín chắn, cử chỉ đoan trang. Ông có bề ngoài uy nghiêm bất kể nhìn từ phương diện nào… Ông là người … hiểu biết rất nhiều lĩnh vực khoa học, hàng ngày đều dốc sức tìm tòi nghiên cứu, lại phải giải quyết công việc trong nước, vì thế buổi sáng và buổi tối ông đều định ra một thời gian nhất định để học tập”.

Dưới thời cai trị của Khang Hy, vương triều Thanh mới thành lập có cả thành tích văn và võ, củng cố cơ sở vững chắc cho người cháu nội là Càn Long tiếp tục trị vì đất nước Trung Hoa trong thời kỳ thịnh trị, được các sử gia gọi là “Khang Càn thịnh thế”.

Linh Nguyễn

Xem thêm: