Hàng trăm năm qua, người Ấn Độ luôn tôn sùng Mahatma Gandhi như “quốc phụ” (người cha của dân tộc). Những bài học đạo đức mà ông để lại cho hậu thế chứng minh rõ rằng chỉ có yêu thương và thiện lương mới cải biến được thế giới này. 

Biểu tượng của Ấn Độ 

Chưa từng nhận bất kỳ giải Nobel nào nhưng Mahatma Gandhi (1869 – 1948) vẫn được đánh giá là một trong những nhân vật gây ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Tạp chí Time xếp ông chỉ đứng sau Albert Einstein. Gandhi vang danh khắp thế giới sau khi giành được nền độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh chỉ bằng nguyên tắc “bất bạo động”. 

Nguyên tắc này được ông gọi là “Chấp trì chân lý”, phản đối tất cả các hình thức bạo lực, khủng bố, chỉ theo đuổi những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Ông nói: “Người chấp trì chân lý không làm tổn thương đối thủ. Ông ta không tìm cách huỷ diệt người ấy. Một người chấp trì chân lí không bao giờ dùng súng. Không có lòng sân ác hoặc bất cứ tâm bất thiện nào khác khi ứng dụng chấp trì chân lí”. Người Ấn Độ trân trọng gọi ông với danh xưng “Mahatma”, nghĩa là “Linh hồn lớn”, “Đại nhân”. 

Tuy nhiên, điều khiến hậu thế ngưỡng vọng Gandhi chính là lối sống giản dị đến mức khổ hạnh. Ông ăn chay, tuyệt dục, ăn mặc giản tiện nhất có thể. Ông và các môn đệ tự se chỉ, dệt vải, may quần áo. Người ta cũng thường thấy Gandhi xuất hiện trong một bộ quần áo hết sức sơ sài, đôi khi chỉ quấn một chiếc khăn choàng, đôi khi cởi trần. 

Gandhi tự tay se chỉ, may quần áo. Ảnh: Thoughtco.com

Khi Gandhi sang thăm nước Anh, yết kiến nhà vua và hoàng hậu ở hoàng cung, thấy ông chỉ khoác mỗi một chiếc áo choàng, có người hỏi: “Ông mặc như thế chẳng thấy lạnh sao?”. Gandhi cười đáp: “Nhà vua mặc nhiều áo như vậy đã đủ ấm lây sang tôi rồi!”. 

Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn về phẩm chất đạo đức cao thượng của “Quốc phụ” Gandhi.

Một lần, trong lúc vội vã bước lên xe lửa, Gandhi chẳng may đánh rơi một chiếc dép xuống đường ray. Đó là đôi dép mới mua. Hành khách xung quanh ai cũng nhìn ông ái ngại. Nhưng Gandhi vẫn điềm tĩnh như không, cúi xuống rút nốt chiếc dép còn lại rồi liệng ra bên ngoài. Hành động lạ lùng ấy khiến ai cũng ngạc nhiên, khó hiểu.

Vài người tò mò, gặng hỏi ông: “Thưa ngài, tại sao ngài lại làm như vậy?”. Gandhi chỉ mỉm cười đáp: “Thứ nhất, đôi dép mất một chiếc sẽ chẳng còn tác dụng gì. Chúng là một cặp, nên được ở gần nhau. Thứ hai, nếu chẳng may có người nghèo khổ nào ngoài kia nhặt được, ít nhất anh ta cũng sẽ có đủ hai chiếc để đi”. Nghe Gandhi nói, tất cả đều lặng người cảm phục.

Gandhi trên một chuyến tàu hoả. Ảnh: Pinterest

Cả đời Gandhi luôn theo đuổi thực hành nguyên lý thiện lương ấy. Ông dành trọn yêu thương của mình cho lớp người dưới đáy cùng xã hội, những người luôn bị dè bỉu và đối xử bất công. Chỉ một hành động nhỏ đó của Gandhi đã cho thấy lòng từ bi của một trái tim vĩ đại.

Tình yêu có thể cứu vớt thế giới

Con người hiện đại dường như đã quá quen với việc dùng bạo lực, sức mạnh để cải biến thế giới, tự nhiên. Nhưng cú đấm tung ra từ tay mình có lực bao nhiêu, người ta cũng phải chịu nhận lại “phản lực” mạnh dường ấy. Ta làm hại người khác, và cũng tự tay khiến bản thân bị thương tổn.

Gandhi đã dạy chúng ta một bài học khác. Cả cuộc đời ông là minh chứng cho chân lý này: Yêu thương có thể hàn gắn thế giới, từ bi có thể cứu vớt nhân loại. Gandhi từng nói: “Linh hồn bao gồm trí huệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một ai đó tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương”.

Gandhi trong một cuộc gặp gỡ với Tagore. Ảnh: Metromirror

Chúa Jesus từng dạy các con chiên của mình không dùng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào. Đối với kẻ ác bức hại mình, đức Chúa dạy: “Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho họ nữa!”. Ngài cũng nói: “Ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho họ cả áo choàng nữa”. Chúa Jesus dạy người ta yêu thương ngay cả chính kẻ thù của mình.

Phật gia cũng giảng về lòng từ bi với chúng sinh và họ giảng: “Từ bi vi bổn” (lấy từ bi làm gốc). Từ bi là một thứ tình cảm còn cao hơn cả yêu thương thông thường của nhân loại. Từ bi là cảm nhận nỗi đau của người khác như chính nỗi đau của mình, là muốn cứu vớt chúng sinh từ bể khổ bất chấp “núi đao biển lửa”.

Xã hội đang ngày càng phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật cũng ngày càng tấn tốc đi lên. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, con người có vẻ như càng sống ích kỷ hơn, càng vị tư hơn, nghĩ cho mình nhiều hơn. Con người hiện đại đã quen lấy những câu như: “Người không vì mình trời tru đất diệt” hay “Không ăn được thì đạp đổ” làm phương châm sống. Bất kể chuyện gì xảy ra, lợi ích thiết thân của cá nhân luôn là điều họ bảo vệ đầu tiên.

Ảnh dẫn qua: vuonhoaphatgiao.com

Đối đãi với người khác bằng thiện tâm, lòng từ bi cao thượng cũng chính là một cách cứu rỗi linh hồn của ta.

Trong tâm đầy hận thù, oán hận và những ý nghĩ ích kỷ, xấu xa, thử hỏi người ấy có thực sự là người hạnh phúc? Những thứ tâm lý tiêu cực ấy cũng giống như bùn bẩn, lắng cặn trong bạn, chỉ cần khuấy nhẹ lên nó sẽ vấy bẩn đục ngầu tâm hồn bạn.

Người ta cứ mải miết đi tìm hạnh phúc và sự bình yên. Đôi khi họ tưởng có thể tìm ra nó ở trong bạc tiền, vật chất, nhà lầu, xe hơi… Nhưng không, sự bình yên lớn nhất lại xuất phát từ trong chính tâm hồn.

Người hạnh phúc nhất không phải là người có nhiều tiền nhất, mà là người có nhiều tình yêu nhất, có thể bao dung được nhiều người nhất.

Văn Nhược