Người xưa có câu: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân” (một ngày chồng vợ, trăm ngày ân) để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung son sắt.

Ấy vậy mà đâu đó, mà không chỉ là “đâu đó”, ở rất nhiều nơi vẫn văng vẳng những tiếng chê rằng: “Đúng là thứ lòng dạ đàn bà!”. Lòng dạ con người khó đoán luôn là đề tài bàn đến từ xưa tới nay.

Có chăng, thứ gọi là “lòng dạ đàn bà”?

Mỗi khi nói về “lòng dạ đàn bà”, người ta thường nhắc đi nhắc lại bài hát về Sở Vương, kể rằng…

Một ngày, Sở Vương nổi hứng khoác áo thường dân, thong thả dạo chơi bên ngoài cung cấm. Ngài đang thả hồn theo mây gió thì bỗng nhìn thấy một hang cua bên dưới chiếc bàn đá vua đang ngồi. Lúc ấy hai vợ chồng nhà cua đang ở trong hang, con cái nằm lột vỏ, còn con đực ở bên ngoài canh giữ đến mức quên ăn, quên cả việc tìm mồi.

Quá hiếu kỳ, Sở Vương chăm chú theo dõi hai con cua kỳ lạ này.

Qua một vài ngày, cua vợ trở nên cứng cáp, cua chồng bèn dẫn vợ ra ngoài hang thăm thú đó đây. Sở Vương thấy cảnh vợ chồng cua âu yếm, bèn cất lời khen rằng: “Đẹp thay cho tình chồng vợ, quả đúng là nghĩa đạo tào khang. Loài vật còn nặng tình phu thê như vậy, huống chi con người?”.

Rồi ngày qua tháng lại, thấm thoắt đã đến lúc cua đực phải lột vỏ. Nhưng lúc này cua cái đi dọc về ngang, bỏ mặc chồng cô đơn nằm hiu quạnh trong nhà. Chẳng bao lâu sau cua cái lại dẫn về một “gã trai” có đôi càng lực lưỡng, rồi chúng kết liễu số phận hẩm hiu của anh chồng đang yếu ớt nằm trong hang. Sở Vương chứng kiến cảnh cua vợ tuyệt tình, không khỏi ngẩng mặt lên trời than rằng: “Hỡi ôi bể rộng trời cao, trách sao cho kẻ phụ nghĩa bạc tình!”.

Ngán ngẩm trước cái bẫy nhân tình thế thái, Sở Vương bèn trở về cung và quyết định thử lòng dạ thế nhân xem ai người đen trắng. Diễn biến tiếp theo của câu chuyện chúng tôi không tiện nhắc đến, nhưng kết quả ra sao thì có lẽ nhiều người cũng đoán ra được, thế nên người ta mới truyền tai nhau câu nói: “Đúng là thứ lòng dạ đàn bà!”.

Nhưng, câu chuyện hư cấu này sao có thể đại biểu cho một nửa thế giới, vô hình trung khiến không ít bạn nữ phải kêu oan?

lòn dạ đàn bà
Từ câu chuyện của Sở Vương mà ngày nay đề tài về lòng dạ của người phụ nữ được tô vẽ thêm nhiều cấp độ. (Ảnh: Youtube)

“Lòng dạ đàn bà” trong lịch sử…

Câu chuyện trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, quá quen thuộc tới mức có người tin là thật. Mặc dù nước Sở chẳng có vị vua nào như thế, nhưng trong lịch sử lại có một Sở Vương đã từng rơi lệ khi chứng kiến “lòng dạ” của người phụ nữ bên cạnh mình.

Chuyện xảy ra vào thời Sở Văn Vương (689-677 TCN). Lúc ấy, tại nước Tức có nàng Tức Quy đẹp xinh diễm lệ, má tựa hoa đào, xứng danh là một đại mỹ nhân tuyệt sắc thời Xuân Thu. Nàng vốn là phu nhân của quân chủ nước Tức, nên được gọi là Tức phu nhân. Sử sách chép rằng, Sở Văn Vương vì ham muốn sắc đẹp của nàng đã mang quân tiêu diệt nước Tức, ép nàng làm vợ, còn phu quân của nàng thì bị bắt về canh giữ cổng thành.

Dù được Sở Văn Vương hết mực sủng ái, nhưng Tức Quỳ vẫn lặng im gần như không nói một lời với vua Sở. Khi Sở Văn Vương truy vấn, nàng chỉ đáp rằng: “Thiếp thân là nữ tử mà bị bách lấy hai chồng, đã không thể chết được, sao có thể nói đây?”. Bậc mỹ nhân chẳng cần nói cười vẫn cứ đẹp, Sở Văn Vương trước đã say mê nhan sắc của nàng, nay lại càng thêm quý trọng tâm hồn nàng.

Một ngày nhân lúc Sở Văn Vương đi vắng, Tức Quỳ lẳng lặng chạy đến gặp chồng mình. Lúc này Tức hầu chỉ là viên tiểu lại giữ cổng thành. Đến khi bốn mắt nhìn nhau, hạnh phúc vỡ oà như trong mộng. Tức Quỳ khóc không nên lời, chỉ chạy lại ôm chầm lấy người chồng cũ.

Biết là cơ hội đoàn tụ chẳng được dài lâu, nàng nói: “Thiếp ở trong cung Sở, nhẫn nhục sống chỉ là đợi đến giây phút này thôi. Nay nguyện ước đã thành, thiếp chẳng còn gì hối tiếc nữa. Chỉ mong sao có thể tiếp nối duyên xưa với chàng ở kiếp sau”. Dứt lời, nàng lao đầu vào bức tường thành mà tự vẫn.

Khi Sở Văn Vương trở về, hay tin ái thê của mình ngọc nát hoa tàn, đến chết vẫn giữ trọn tấm chân tình, ông đã vô cùng cảm kích, bèn dùng nghi lễ an táng nàng trên núi Đào Hoa. Tương truyền nàng qua đời vào khoảng tháng 3, vì thế dân gian suy tôn nàng là Đào Hoa Phu Nhân, cũng gọi là Tam Nguyệt Đào Hoa Thần.

Kể về Tức phu nhân cũng không thể không nhắc đến nàng Lục Châu, một sủng thiếp của An Dương hầu Thạch Sùng thời Tây Tấn. Nàng xinh đẹp, hát hay, lại có tài thổi sáo. Thạch Sùng hết mực yêu chiều đã cho nàng ở trong khu vườn Kim Cốc nguy nga mỹ lệ, lại vì nàng mà xây thêm lầu các khang trang.

Lúc đó, một quan viên của nhà Tây Tấn là Tôn Tú vô cùng ngưỡng mộ nhan sắc Lục Châu, bèn đem quân lính đến vây bắt Thạch Sùng. Thạch Sùng nói với Lục Châu: “Ta vì nàng mà bị tội”. Lục Châu khóc mà rằng: “Vậy thì thiếp sẽ vì chàng mà chết”, nói rồi nàng nhảy xuống lầu Kim Cốc tự vẫn.

bậc nhi nữ
Bậc nhi nữ như Tức Quỳ, Lục Châu liều chết vì tiết hạnh và chung thủy, lòng dạ sắt son. (Ảnh: Youtube)

Mặc cho ai đó cứ chê bai “lòng dạ đàn bà”, thì trong lịch sử xưa nay, những bậc nhi nữ như Tức Quỳ, Lục Châu vẫn luôn giữ trọn danh tiết, để lại tiếng thơm muôn đời. Dẫu được sủng ái trong nhung lụa, họ vẫn không thể quên người chồng xưa cũ. Và khi đối mặt với cường quyền ác bá, họ sẵn sàng dùng cái chết để bảo toàn trinh tiết.

Đỗ Mục, vì tiếc thương cho người phụ nữ trung trinh, đã cảm khái viết bài “Kim Cốc viên”:

“Phồn hoa sự tán trục hương trần
Lưu thủy vô tình thảo tự xuân
Nhật mộ đông phong oán đề điểu
Lạc hoa do tự trụy lâu nhân”.

Dịch nghĩa:

Những việc phồn hoa đã tan theo lớp bụi thơm
Nước vô tình chảy, cỏ cứ tự tươi thắm
Chiều xuống trong gió đông nghe tiếng chim kêu ai oán
Hoa rụng như người xưa gieo xuống lầu

đức hạnh
Đời người như nước chảy hoa rơi, chỉ còn đức hạnh là để lại tiếng thơm muôn đời. (Ảnh: Dailypost.me)

Chỉ thấy người nay than thở, nào thấy người xưa có “lòng dạ đàn bà”?

Tất nhiên trong lịch sử không thể phủ nhận chuyện đổi dạ thay lòng, nhưng đó chỉ là một vài trường hợp hy hữu cá biệt, chứ không hề mang tính đại biểu. Ai ai cũng biết là vậy, nhưng đôi khi vì bức xúc cái nỗi niềm riêng mà người ta cứ thích nói như thể cả thiên hạ đều là như vậy.

Ví như nói, con người có âm thì cũng có dương, có tốt thì cũng có xấu, có kẻ thích ghẹo nguyệt trêu hoa như Sở Khanh thì cũng có bậc anh hùng hảo hán như Từ Hải. Nữ giới cũng vậy, có người may mắn làm mỹ nhân thì cũng có người chịu thiệt thòi phải làm xú nữ, có người dịu dàng yểu điệu như thục nữ thì cũng có người mạnh mẽ ngang tàng như đàn ông. Thế nên, không thể chỉ vì một Hoạn Thư mà cho rằng phụ nữ cả thế gian đều ghen tuông hay ích kỷ.

Cổ nhân giảng: “Đạo vợ, nghĩa chồng”. Vợ cư xử với chồng là đạo, mà chồng sống với vợ là nghĩa, tình cảm nam nữ xuất phát từ sự chính trực và thuần khiết, còn kết duyên vợ chồng xuất phát từ trách nhiệm, tin yêu và trân trọng lẫn nhau. Làm được như vậy, thì sống trong hoàn cảnh nào cũng có thể hạnh phúc, giàu sang không đổi vợ, mà nghèo khó cũng không phụ chồng. Đó chính là:

“Nhất dạ đồng sàng chung dạ ái,
Nhất nhật phu thê bách nhật ân”.

Hồng Liên

Xem thêm: Ý Trời chẳng thể cược, lòng người chẳng thể đoán, nhân sinh vẫn nên an phận thủ thường