Đường Nạp, chồng cũ của Giang Thanh, trở lại Bắc Kinh vào năm 1978, bí mật diện kiến Diệp Kiếm Anh, phó chủ tịch Trung ương ĐCSTQ. Ba mươi năm sau, thân phận chân thực của Đường Nạp nổi lên mặt nước, gây chấn động ngoại giới. 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào tháng 12 năm 1978, Mã Thiệu Chương, chủ sở hữu người Hoa của khách sạn Thiên Kiều ở Paris, bay từ Paris đến Bắc Kinh, nơi ông được phó chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nguyên soái ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh tiếp kiến.

Đương thời, ngoại giới đều không biết cho đến mãi 30 năm sau, vào ngày 18 tháng 12 năm 2008, tờ “Phương Nam cuối tuần” đăng một bài báo giới thiệu về cuộc đời của Diệp Kiếm Anh, và “nhân tiện” đăng bức ảnh Diệp Kiếm Anh tiếp kiến Mã Thiệu Chương.

Mã Thiệu Chương là ai? Ông ta được biết đến nhiều hơn với cái tên Đường Nạp, và thân phận được biết đến nhiều hơn – là chồng cũ của vợ Mao Trạch Đông, Giang Thanh.

Tại sao Đường Nạp trở lại Bắc Kinh vào cuối năm 1978? Tại sao Diệp Kiếm Anh lại tiếp kiến ông ta? Tại sao chuyến đi của ông ta đến Bắc Kinh được giữ bí mật nghiêm cẩn?

Hôm nay, chúng tôi sẽ nói chuyện về quá khứ ít được biết đến của Đường Nạp và thân phận đặc thù của ông ta.

Đường Nạp và Giang Thanh

Vào những năm 1930, Đường Nạp là một nhà phê bình phim nổi tiếng ở Thượng Hải. Ông đặt chân vào chuyên mục phê bình phim của nhiều tờ báo như “Tin tức buổi sáng”, “Thân báo”, “Tân văn báo”. Người ta gọi những bài phê bình phim của ông dành cho phim và diễn viên là “Một lời khen ngợi, vinh hoa cuồn cuộn. Một lời chê bai, nghiêm như búa rìu”. Ngoài ra ông ta cũng từng diễn kịch, từng làm biên kịch, viết ca từ v.v.

Khi đó, Giang Thanh đang là diễn viên ở Thượng Hải, lấy nghệ danh là Lam Bình.

Đường Nạp bắt đầu say mê Lam Bình khi xem cô ta đóng vai chính trong “Na Lạp” tại Nhà hát Kim Thành. Trong bài phê bình phim của mình, Đường Nạp tán dương Lam Bình là một phụ nữ thời đại mới kiên nghị dũng cảm, rằng cô ấy chắc chắn sẽ trở thành một ngôi sao nữ sáng chói trong tương lai.

Năm 1935, hai người gặp nhau trên phim trường “Phong quang đô thị”, Đường Nạp là nam diễn viên chính, và Lam Bình là nữ diễn viên phụ, trong mối quan hệ hàng ngày, họ đã nảy sinh tình ý, và bắt đầu chung sống với nhau.

Vào ngày 26 tháng 4 năm 1936, ba cặp đôi Đường Nạp và Lam Bình, Triệu Đan và Diệp Lộ Thiến, Cố Nhi Dĩ và Đỗ Tiểu Quyên tổ chức đám cưới tập thể trước tháp Lục Hòa ở Hàng Châu. Đương thời, phương thức kết hôn này rất tân kỳ, gây xôn xao dư luận không ít, rất nhiều tờ báo đã đăng ảnh cưới của 6 người.

Tuy nhiên, cuộc sống sau hôn nhân không ngọt ngào như tưởng tượng, Đường Nạp và Lam Bình thường xuyên cãi vã vì những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống, thậm chí có lúc đánh nhau. Hạ Kỳ Ngôn, bạn thân của Đường Nạp, từng kể lại với nhà văn Diệp Vĩnh Liệt, rằng một lần tại chính nhà ông, Lam Bình đã túm tóc Đường Nạp và đập đầu chồng vào tường.

Không chỉ vậy, Lam Bình liên tục có những mối tình lãng mạn: đầu tiên, cô ta nối lại tình xưa với Hoàng Kính và bỏ trốn theo trai, sau đó, cô ta chung sống với đạo diễn Chương Mẫn, dẫn đến Chương Mẫn vợ con ly tán. Đường Nạp hai lần tự tử vì Giang Thanh. Tháng 5 năm 1937, hai người tuyên bố ly hôn.

Vào thời điểm đó, cuộc hôn nhân phong ba bão táp của Đường Nạp đã nhất thời gây chấn động ở Thượng Hải, thường trở thành chủ đề nóng hổi được các tờ báo và tạp chí định kỳ theo dõi.

Sau khi Lam Bình phá tan gia đình Chương Mẫn, danh tiếng của cô ta khét tiếng ở Thượng Hải, không thể ở lại đó được nữa, chỉ có thể cao chạy xa bay, tìm đến Diên An ở bắc Thiểm Tây. Tại đây, cô ta đổi tên thành Giang Thanh, không lâu sau trở thành vợ thứ tư của lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông.

Đường Nạp và Trần Lộ

Sau khi chia tay với Giang Thanh, Đường Nạp trở thành phóng viên chiến trường của “Đại công báo”, sau đó qua Vũ Hán đến Trùng Khánh.

Vào tháng 3 năm 1938, Đường Nạp gặp nữ diễn viên Trần Lộ, yêu và kết hôn trong chớp nhoáng. Tháng 10 cùng năm, hai người qua Hồng Kông trở về Thượng Hải, Đường Nạp viết kịch bản, Trần Lộ làm diễn viên. Ngày 1 tháng 5 năm 1940, Trần Lộ sinh con trai, Đường Nạp rất vui mừng và đặt tên con là Mã Quân Thực, Mã là họ thật của Đường Nạp – Đường Nạp là nghệ danh.

Theo bài báo “Thân phận bí ẩn của Đường Nạp”, sau kết hôn, Trần Lộ cảm thấy Đường Nạp thường hành tung bí ẩn, có một lần Đường Nạp nói với cô: “Nếu anh bị bắt và liên lụy đến em, em có thể nói: ‘Tôi sớm đã ly hôn với Đường Nạp’.”

Đây là chuyện gì vậy? Theo khảo chứng, Đường Nạp khả năng vào năm 1936 đã từng là đảng viên ngầm của ĐCSTQ.

Tháng 12 năm 1942, Đường Nạp đến Trùng Khánh, còn Trần Lộ ở lại Thượng Hải với con. Một ngày nọ, cảnh sát Pháp bất ngờ ập đến nhà Trần Lộ, và đưa cô đến đồn cảnh sát.

Viên cảnh sát hỏi: “Cô có phải là vợ Đường Nạp không?” Trần Lộ cảm thấy có gì đó không ổn, nhanh chóng nói theo chỉ dẫn của Đường Nạp: “Tôi đã ly hôn với Đường Nạp, tôi không còn là vợ Đường Nạp nữa”. Viên cảnh sát liên tục hỏi: “Đường Nạp ở đâu?” Trần Lộ nói không biết. Thấy rằng thực sự không có gì để hỏi, cảnh sát đành phải thả cô ấy về.

Mãi cho đến nhiều năm sau, Trần Lộ mới phát hiện ra Đường Nạp đã tham gia vào các hoạt động đảng ngầm của ĐCSTQ.

Đường Nạp và Trần Nhuận Quỳnh

Ngay sau chiến thắng của Kháng chiến chống Nhật Bản, Đường Nạp trở lại Thượng Hải và làm phó tổng biên tập của tờ Văn Hối Báo theo lời mời của Từ Chú Thành, phó tổng biên tập của tờ báo.

Tháng 8 năm 1947, Wedemeyer, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, tổ chức họp báo tại Thượng Hải, Đường Nạp được mời tham dự. Khi đó, một nữ phóng viên của “Tự do luận đàn” đã thu hút sự chú ý của Đường Nạp. Nữ phóng viên này nói tiếng Anh lưu loát, tiếng Pháp cũng rất trong sáng, phong thái trang nghiêm, tài năng và xinh đẹp. Theo cách nói của Đường Nạp, “Quả là người trời”. Cô ấy là Trần Nhuận Quỳnh, con gái thứ ba của Trần Lục, cựu công sứ Pháp của Chính phủ Quốc dân.

Đường Nạp đã yêu Trần Nhuận Quỳnh ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng Trần Nhuận Quỳnh không có tình cảm với ông ta. Sau đó, Đường Nạp bắt đầu miệt mài theo đuổi. Năm 1949, Trần Nhuận Quỳnh đến Hồng Kông làm việc, Đường Nạp cũng đi theo cô và trở thành phó tổng biên tập tờ “Văn Hối Báo” của Hồng Kông. Tháng 2 năm 1949, Trần Nhuận Quỳnh được cử đến làm việc tại UNESCO ở New York, và Đường Nạp cũng theo cô đến New York.

Tuy nhiên, Đường Nạp đến New York không chỉ vì tình yêu.

Đến New York với nhiều mục đích

Đầu tháng 2 năm 1949, Đường Nạp đã nói rất rõ điều đó trong một lá thư từ Hồng Kông gửi cho người bạn Trịnh Quân Lý. Ông ta viết: “Đại lục sắp được giải phóng, nguyện vọng của chúng ta đã thành hiện thực. Các đồng nghiệp của tôi ở Văn Hối Báo đều ‘tuổi trẻ cùng nhau hồi hương’, nhưng tôi không thể quay lại Thượng Hải. Thời kháng chiến, A Bình (ám chỉ Giang Thanh) từng bí mật đến Trùng Khánh để chữa răng, thậm chí còn gọi tôi đến gặp cô ta ở nhà hàng ‘Khải Ca Quy’, nhưng tôi đã thẳng thừng từ chối. Về phương diện của tôi, đã là xong rồi”.

“Hôm kia tôi đi xem bói, thầy bói phán tôi ‘uyên mộng trọng ôn, hung đa cát thiểu’ (hâm nóng lại tình duyên cũ thì lợi ít hại nhiều). Tôi tin lời thầy, giờ tôi rất cam chịu số phận. Không có ai yêu thương A Bình hơn tôi, tôi từng suýt tự tử vì cô ấy ra đi; cũng không ai hiểu cô ấy hơn tôi, cô ấy tàn nhẫn và cô ấy có thể làm bất cứ điều gì. Tạm biệt tổ quốc, tạm biệt Thượng Hải, tạm biệt thanh xuân, tạm biệt bạn bè”.

Ngoài việc tránh mặt Giang Thanh, Đường Nạp còn có một “sứ mệnh đặc biệt” ở New York. Trang China News từng tiết lộ, rằng có những tài liệu chứng minh rằng Đường Nạp đã được “phái ra hải ngoại” bởi Phan Hán Niên, lãnh đạo cơ quan tình báo của ĐCSTQ, và đó là “một động thái nhằm thiết lập một mạng lưới hoạt động tình báo ở nước ngoài”.

Sau khi đến Mỹ, Đường Nạp lần đầu tiên làm việc cho “Nhật báo New York” và sau đó làm việc tại một công xưởng in ấn Trung văn cho Liên Hợp Quốc. Năm 1951, Trần Nhuận Quỳnh đến Paris, và Đường Nạp cũng đến Paris. Ông ta tặng hoa cho Trần Nhuận Quỳnh mỗi ngày, đồng thời gửi một bức thư tình được viết bằng những nét chữ nhỏ nắn nót. Sự si tình kéo dài này cuối cùng đã khiến Trần Nhuận Quỳnh cảm động. Vào năm đó, họ kết hôn ở Paris.

Sau đó, cả hai bỏ văn chương mà chuyển sang kinh doanh, mở nhà hàng. Từ “Minh Minh Hotel” ban đầu đến “Kinh Hoa Hotel” rồi đến “Thiên Kiều Hotel”, công việc kinh doanh ngày càng phát đạt.

Đường Nạp đổi tên thành “Mã Thiệu Chương”. Khi đó, người Hoa ở Paris chỉ biết Mã Thiệu Chương là “con rể” của Trần Lục, nguyên công sư Pháp của chính phủ Quốc dân đảng, mà không biết ông ta cũng là chồng cũ của Giang Thanh, “Đệ nhất phu nhân” của ĐCSTQ.

Thân phận thực sự của Đường Nạp

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ năm 1966, Giang Thanh trở thành tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương.

Vì lo lắng tương lai chính trị của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi những vụ bê bối ở Thượng Hải những năm 1930, Giang Thanh không ngại làm bất cứ việc gì, dốc toàn lực quét sạch tất cả những người trong cuộc. Những người bạn của Đường Nạp như Quân Lý, Triệu Đan, Cố Nhi Dĩ v.v. đều bị bức hại một cách vô tình. Đường Nạp đã may mắn trốn thoát ra nước ngoài mới tránh được nạn.

Vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, Giang Thanh và “Tứ nhân bang” khác bị bắt, Đường Nạp cuối cùng đã có thể trở về Trung Quốc. Tháng 12 năm 1978, ông ta bay về Bắc Kinh với tư cách Hoa kiều tại Pháp, nhưng đơn vị tiếp đãi lại là Cục Điều tra Trung ương ĐCSTQ, từ năm 1955 đến năm 1983, Cục Điều tra Trung ương là cơ quan tình báo đối ngoại cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Theo khảo chứng của nhà văn Diệp Vĩnh Liệt, Đường Nạp trên danh nghĩa là chủ sở hữu của khách sạn Thiên Kiều ở Paris trong những năm cuối đời, nhưng trên thực tế, ông ta không chỉ là đảng viên đặc biệt của ĐCSTQ, mà còn là một nhân viên tình báo bí mật của Cục Điều tra Trung ương ĐCSTQ trụ ở Paris. Nói cách khác, Đường Nạp là một đặc vụ cấp cao của ĐCSTQ tiềm phục ở Paris.

Diệp Vĩnh Liệt viết: “Đường Nạp mở khách sạn Thiên Kiều ở Paris, Pháp, khách sạn là nơi những người nổi tiếng tụ tập, Đường Nạp có tấm biển Quốc dân đảng của bố vợ làm vỏ bọc, bất kể là nghề nghiệp hay thân phận, đó là sự lựa chọn tốt nhất đối với công tác tình báo, không ai nghi ngờ rằng Đường Nạp là một cán bộ tình báo cấp cao của Cục Điều tra Trung ương ĐCSTQ, nhiều nhất chỉ là chế nhạo quá khứ của ông ta với Lam Bình”.

Lúc đầu chúng tôi đã đề cập, rằng sau khi Đường Nạp trở về Bắc Kinh, ông ta được Diệp Kiếm Anh, nguyên soái của ĐCSTQ tiếp kiến. Tham dự cuộc họp có La Trường Thanh, cục trưởng Cục Điều tra Trung ương và những người khác. Cuộc họp đó diễn ra vô cùng bí mật, thậm chí vợ của Đường Nạp, Trần Nhuận Quỳnh, cũng không thể đi cùng.

Đường Nạp đã đề xuất với Cục Điều tra Trung ương rằng ông muốn gặp người bạn cũ Hạ Kỳ Ngôn và những người khác. Khi đó, Hạ Kỳ Ngôn là phó bí thư đảng ủy kiêm phó tổng biên tập tờ “Nhật báo Giải phóng” của Thượng Hải.

Các quan chức của Cục Điều tra Trung ương đã nhanh chóng sắp xếp và thông báo cho Hạ Kỳ Ngôn rằng chuyến đi của Đường Nạp phải được giữ bí mật tuyệt đối với ngoại giới. Một quan chức của Cục Điều tra Trung ương cũng nói với Hạ Kỳ Ngôn: “Đường Nạp lại gia nhập đảng”. Từ “lại” có nghĩa là Đường Nạp trước đây là một đảng viên của ĐCSTQ, đã bỏ đảng giữa chừng, và bây giờ “lại gia nhập đảng”. Các quan chức của Cục Điều tra Trung ương đã ra lệnh: Khi bạn diện kiến Đường Nạp, hãy gọi anh ấy là “tiên sinh Mã”.

Tại Thượng Hải, Hạ Kỳ Ngôn rất vui khi gặp lại người bạn cũ của mình. Nhưng ông thấy Đường Nạp dường như đã là một con người khác, không mạnh dạn thẳng thắn như trước mà trở nên thận trọng trong lời nói và việc làm, chỉ nói về quá khứ và tình bạn cũ, ít khi đả động gì đến cuộc sống ở Pháp. Đường Nạp có rất nhiều bạn bè trong ngành điện ảnh và báo chí ở Thượng Hải, nhưng ông ta chỉ gặp một vài người bạn cũ như Hoàng Thần, vợ của Trịnh Quân Lý.

Hạ Kỳ Ngôn cho biết, trong thời gian Đường Nạp và vợ ở Thượng Hải, họ chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Đường Nạp vẫn rất yêu thích phim Trung Quốc, nhưng theo quy định của Cục Điều tra Trung ương, ông ta không thể đến rạp chiếu phim xem, chỉ có thể tại phòng chiếu nhỏ nội bộ của Nhà khách Đông Hồ chiếu phim cho ông ta và vợ.

Từ ngày 1 tháng 7 năm 1983, Cục Điều chỉnh Trung ương của ĐCSTQ được đổi thành Bộ An ninh Quốc gia. Vào tháng 9 năm 1985, khi Đường Nạp trở lại Trung Quốc một lần nữa, toàn bộ quá trình đã được Bộ An ninh Quốc gia tiếp đãi và sắp xếp.

Ngày 23 tháng 8 năm 1988, Đường Nạp qua đời vì bệnh ung thư phổi ở Paris.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch