Loài hổ là vua của muôn thú, là chúa muôn loài, khi con người gặp cũng sợ hãi vô cùng. Nhưng trong quá khứ rất nhiều cao tăng đắc đạo lại có thể chế ngự, điều khiển những ‘vị vua’ này và còn làm bạn với chúng nữa, điều gì lại có tác dụng như vậy? Chẳng phải, đó là do họ có một trái tim thiện lương hay sao?

Theo “Thần Tiên thập dị” ghi chép, Quách Văn là người ở Lạc Dương. Trong cuốn sử ký Tấn Thư thời nhà Đường viết lại rằng, ông sống trong một động đá tại núi Thiên Trụ. Thái Hòa Chân Nhân đã đến động đá này và dạy cho ông phương pháp tu đạo là: “xung đạm hư tĩnh, dưỡng chân tu tính”. Từ đấy trở đi Quách Văn càng chuyên tâm tu luyện và không ra ngoài, con người thế gian cũng không biết ông ở đâu và làm gì.

Đã từng có một con hổ già đến trước mặt Quách Văn và há miệng ra, hình như nó đang cầu xin ông làm việc gì đó. Quách Văn bèn đưa tay vào cổ họng của con hổ, thì ra có một miếng xương đang nằm trong cổ họng nó, ông đã gắp miếng xương ra giúp nó. Ngày hôm sau, con hổ đó đã mang một con hươu đến ‘tặng’ cho Quách Văn. Từ đấy về sau, con hổ này thường xuyên đến chỗ Quách Văn. Ông có thể tùy ý vuốt ve nó hay dắt nó đi dạo.

Nếu như Quách Văn xuống núi, con hổ nhất định phải đi theo ông. Có lần đi tới một thành nọ, rất đông dân chúng, con hổ cũng tỏ vẻ giống như một chú chó hay một con dê ngoan ngoãn cúi đầu cùng Quách Văn đi dạo, chưa bao giờ tỏ ra hung dữ. Có khi Quách Văn còn khắc chữ lên thẻ tre đặt lên lưng hổ, cho nó vác đi. Quách Văn khi đi hái quả rừng, lá trúc, cũng để cho con hổ mang cái sọt đi theo, trên đường có thể đổi lấy gạo và muối.

Sau khi nghe được câu chuyện về Quách Văn, nhà vua mới triệu ông vào cung và hỏi về phương cách thuần phục hổ. Quách Văn bèn trả lời:

“Tôi chỉ thuận theo quy luật của tự nhiên mà làm thôi, con người trong lòng không muốn hại loài vật, thì loài vật cũng sẽ không làm hại con người, sao cần phải dùng tới phương thuật nào chứ? Người chăm sóc bảo vệ cho hổ thì hổ sẽ thuận theo người. Ngược lại, người ngược đãi hổ thì người và hổ sẽ trở thành thù địch, lúc đó bách tính sẽ biến thành hổ. Việc cai quản bách tính và thuần phục hổ có chỗ nào khác biệt đâu?”

Nhà vua cảm thấy những lời của Quách Văn vô cùng có đạo lý, muốn ông ở lại làm quan, nhưng Quách Văn đã từ chối, và vào núi Ngao Đình ẩn cư, sau này đắc đạo trở thành bậc Thần Tiên.

Rất nhiều con vật cưỡi của Thần Tiên đều là sư tử hay hổ… họ không như chúng ta coi những con vật ấy là hung dữ ghê rợn. Họ dùng từ bi của Thần để cảm hóa chúng!

Theo NTDTV

Nam Quân biên dịch

Xem thêm: