Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Kỳ 9: Đi tìm võ trạng nguyên trong truyện Kim Dung – vòng chung kết

Chào mừng đến với cuộc thi Võ Trạng Nguyên của chúng tôi! Trước khi đến với các trận đấu nảy lửa kịch tính, mời quý độc giả cùng dạo một vòng quanh khán đài và cùng ban giám khảo chúng tôi bình phẩm:

Kỳ 6: Những quy ước trước cuộc khảo thí
Kỳ 7: Vòng loại lần 1
Kỳ 8: Vòng loại lần 2
Kỳ 9: Vòng chung kết

Một sự kiện quá lớn khiến chúng tôi khó có thể tường trình đôi ba lời là có thể xong hết. Do vậy, mong quý độc giả thông cảm nếu phải theo dõi hơi nhiều.

Những sự kiện ngoài lề trước vòng chung kết

Thưa quý vị, đến lúc này chúng tôi mới thấm thía việc đóng vai ban giám khảo cho một cuộc thi lớn như thế này nó gian nan ra sao. Sở dĩ như vậy vì cao thủ võ lâm quá nhiều và quá tài giỏi mà chúng tôi không thể lựa chọn hết được. Bỏ người nào, giữ người nào đối với chúng tôi quả là một quyết định khó khăn. Chưa chắc người được giữ lại là có võ công cao cường nhất, cũng như người bị loại đã có bản lãnh kém hơn.

Chính vì vậy, chúng tôi đã có lời trước rằng, bình chọn của chúng tôi dù cố gắng khách quan hết mức, vẫn có thể có sự thiên vị theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, không phải nhân sĩ võ lâm nào cũng hài lòng với giải thích ấy. Mà quý vị biết rồi, nhân sĩ võ lâm nhiều người tính nóng như lửa, nói đôi ba câu đã có thể động thủ động cước.

Mới đêm qua thôi, chúng tôi cũng đã gặp ác mộng, tỉnh dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi lạnh.

Chả là Nhậm Ngã Hành tiên sinh, giáo chủ Triêu Dương thần giáo có hiện về sang sảng mắng chúng tôi rằng:

“Các ngươi đừng tưởng lão phu đã tạ thế trên đỉnh Hoa Sơn là lão phu không biết các ngươi đang làm gì đâu nhé. Tại sao các ngươi lại chọn lão tăng Phương Chứng vào vòng chung kết mà không chọn chàng rể đông sàng Lệnh Hồ Xung của lão phu? Kiếm thuật của nó thông thần như thế, lão phu còn chưa chắc là đối thủ. Còn lão già Phương Chứng đã bại dưới tay lão phu ở chùa Thiếu Lâm thì còn gì để nói? Lão phu đã đem đứa con gái bảo bối gả cho nó thì ắt nhìn ra nó có chỗ hơn người. Lão phu không có con trai, cơ nghiệp của Triêu Dương thần giáo sau này không trông vào tay nó làm cho hưng vượng thì còn trông vào ai? Nó có làm được võ trạng nguyên mới có thể tiến lên một bước làm minh chủ võ lâm để nhất thống giang hồ chứ?”.

Một đám giáo đồ trên Hắc Mộc Nhai đi theo Nhậm Ngã Hành nghe vậy quỳ mọp xuống đồng thanh:

“Thánh giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ. Hàng ngày bọn thuộc hạ chỉ cần được nhìn thấy thánh thể, nghe được kim khẩu của thánh giáo chủ là lại cảm thấy tinh thần phấn khởi, làm việc rất hăng say, toàn thân rạo rực, tưởng chừng công lực trong người tăng lên bằng mười năm tu luyện. Thánh giáo chủ đã nói điều gì là không mảy may sai lầm. Sao các ngươi còn không mau quỳ xuống để thánh giáo chủ phát lạc?”.

Chúng tôi nghe vậy cũng toát mồ hôi. Biết giải thích với Nhậm Ngã Hành ra sao? Chẳng lẽ bảo là con gái và rể yêu của lão không có chí nhất thống giang hồ để muôn năm trường trị hay “quang vinh muôn năm” gì đó. Họ đã kéo nhau lên Hoa Sơn để tiêu dao khoái lạc rồi, ngày ngày chàng thổi tiêu, nàng đánh đàn và chăm bầy con nhỏ.

Vả lại lúc Triêu Dương thần giáo đã “nhất thống giang hồ, quang vinh muôn năm”, biết đâu những sinh hoạt như thế này sẽ bị kiểm duyệt? May mà lúc ấy chúng tôi sực tỉnh mộng.

Những sự kiện ngoài lề trước vòng chung kết
Lệnh Hồ Xung võ công tuyệt thế nhưng lại bị loại từ vòng trước, đây cũng là điều hối tiếc của chúng tôi và nhiều người khác nhất là ông Nhậm Ngã Hành. (Ảnh: youtube.com)

Thế đã hết đâu. Hôm kia, tại khách điếm nơi Phương Chứng đại sư ở trọ xuất hiện 6 cái quái thai mặt dơi tai chuột. Chắc quý độc giả đọc truyện Kim Dung cũng đoán được là ai. Bọn Đào Cốc lục tiên tự nhận là hảo bằng hữu của Lệnh Hồ Xung nên muốn đả bại Phương Chứng để giành lại vị trí cho chàng. Chúng lại bổn cũ soạn lại, bốn đứa nắm hai tay hai chân của đại sư để xé toang. Chẳng ngờ đại sư trổ công phu Sư tử hống khiến Đào Cốc lục tiên ngã quay cu lơ. Chúng tôi lại phải cho người giúp khiêng vào để Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ chạy chữa.

Mấy ngày trước, một lá thư được người của Phước Oai tiêu cục chuyển cho chúng tôi. Nội dung lá thư phản đối sự phân biệt đối xử với người khuyết tật trong võ lâm, nêu câu hỏi nghi ngờ: Tại sao họ lại bị loại? Trong thư có mấy câu: “Không phải đâu là không phải đâu”. Chắc thư này do Bao Bất Đồng chắp bút.

Những người ký tên gồm toàn nhân vật lẫy lừng chốn giang hồ: Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá, Bạch Y sư thái Cửu Nạn, Thái tử Đại Lý Đoàn Diên Khánh, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn của Minh Giáo, Vô Trần đạo trưởng của Hồng Hoa Hội, v.v. quý độc giả xem truyện chắc cũng hiểu vì sao. Chúng tôi lại phải nặn óc nghĩ cách trả lời sao cho thỏa đáng, họ đều là người có danh vọng.

Còn hôm qua thì cô nương Quách Phù phi con tiểu hồng mã hộc tốc từ thành Tương Dương tới đây thông báo: Quân Mông Cổ của Hốt Tất Liệt đang kéo đến chân thành đông nghịt, thành Tương Dương rất nguy ngập. Mời đại hiệp Quách Tĩnh về gấp. Nguy quá, thiếu Quách Tĩnh thì còn ra cuộc thi võ trạng gì nữa? May mà sau đó nghe nói, Dương Quá đã thống suất các đầu lĩnh võ lâm đốt phá kho lương của quân Mông Cổ nên chúng đã rút về.

Đại khái vì cuộc thi võ trạng, không khí ở đây đang hết sức là huyên náo. Quần hùng nườm nượp từ khắp nơi kéo về. Ban giám khảo chúng tôi cũng hết sức vất vả để đón tiếp và giữ gìn trật tự cho cuộc thi.

Và đã đến lúc các đấu thủ lên võ đài.

Thể lệ thi đấu

Chắc quý vị khán giả, độc giả còn nhớ: Chùa Thiếu Lâm sát hạch đệ tử của họ bằng trận pháp Thiết La Hán trong đường hầm. Ai đi qua được dàn Thiết La Hán ấy thì mới được công nhận và có thể xuống núi. Vậy vòng chung kết của chúng ta cũng áp dụng hình thức ấy. Để cho công bằng, mọi người dùng chung một thước đo như vậy.

Chỉ khác ở chỗ, thay vì dùng Thiết La Hán, chúng tôi sẽ sử dụng những người máy tinh vi hơn với võ công và trí tuệ tinh xảo của những cao thủ võ lâm ngoại hạng. Tạm gọi chúng là T1000 (tên gọi lấy cảm hứng từ người máy T1000 của bộ phim “Kẻ hủy diệt”). Những người máy này được lập trình, trong bộ nhớ của chúng có lưu hết mọi ưu điểm, nhược điểm về võ công, về tâm lý của các thí sinh.

Ai bị hạ gục không đứng lên nổi, hoặc bị văng ra khỏi võ đài hoặc tự nhận thua sẽ bị tính là thua cuộc.

Đánh hòa với người máy thì cũng bị loại.

10 thí sinh sẽ chia làm hai nhóm để thi đấu với người máy. Hai người trụ lại cuối cùng của mỗi nhóm sẽ thi đấu trực tiếp với nhau.

Nhóm thứ nhất gồm: Tiêu Phong, Trương Vô Kỵ, Hồ Nhất Đao, Hồng An Thông, Thạch Phá Thiên.

Nhóm thứ hai gồm: Quách Tĩnh, Phương Chứng Đại Sư, Huyết Đao Lão Tổ, Trần Gia Lạc, Viên Thừa Chí.

Thí sinh đầu tiên: Trương Vô Kỵ

Bản lĩnh của Trương Vô Kỵ có thể một địch ba với các nhà sư võ nghệ tuyệt luân Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn thì chắc hẳn một người máy không thể làm gì được chàng. Trớ trêu thay, khi sử dụng Càn Khôn Đại Nã Di lên đến lớp thứ 7 để dồn đối thủ vào góc võ đài thì chàng bất chợt nhìn thấy Chu Chỉ Nhược mặc áo dài trắng tha thướt đang thì thầm nhỏ to hết sức vui vẻ với Tống Thanh Thư ở dưới khán đài. Thế là cơn ghen mù quáng nổi lên khiến trước mắt chàng tối sầm lại và bị đánh văng ra khỏi võ đài. Vì có Cửu Dương Chân Kinh hộ thể nên Trương Vô Kỵ cũng không bị trọng thương, nhưng như vậy là chàng đã thua rồi. Bất chợt Trương Vô Kỵ sực nhớ ra điều gì đó nên trổ khinh công chạy vội đi đến mức không kịp xỏ giầy. Té ra đã đến giờ chàng phải về nhà vẽ lông mày cho cô vợ Triệu Minh. Chúng ta vẫn nhớ rằng điểm yếu của Trương Vô Kỵ không nằm ở võ công của chàng mà do các cô gái đẹp nắm giữ, một điều mà mẹ chàng – Hân Tố Tố đã tiên tri từ hồi nhỏ.

Thí sinh đầu tiên: Trương Vô Kỵ
Anh chàng Trương Vô Kỵ võ công cao cường này, lúc nhỏ đã được mẹ dạy bảo rồi mà vẫn phong lưu đa tình quá. (Ảnh: youtube.com)

Thí sinh thứ hai: Phương Chứng đại sư

Phương Chứng là đại diện duy nhất cho Thiếu Lâm nên mặc dù không ham danh hiệu võ trạng nguyên nhưng ngài phải bảo vệ vị thế Thái Sơn Bắc Đẩu cho Thiếu Lâm trên giang hồ. Vì vậy, Phương Chứng đại sư vừa lên võ đài đã giở Như Lai Thần Chưởng múa loang loáng, mỗi chưởng đánh ra nửa vời đã biến đổi thành mấy phương vị, thật là một thứ chưởng pháp biến ảo phi thường.

Dưới khán đài xôn xao tiếng bàn luận của Đào Cốc Lục Tiên.

Đào Cán Tiên nói: “Hôm nọ, nể mặt Lệnh Hồ công tử, anh em chúng ta đã tha mạng cho lão Phương Trượng, nếu không anh em ta mà xé lão ra một thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười lăm, mười lăm thành ba mươi… thì hôm nay lão làm sao có thể múa may thế kia được?”.

Đào Diệp Tiên nói: “Đại ca nói sai rồi, tám thành mười sáu, mười sáu thành ba mươi hai chứ?”.

Khi chúng đang cãi nhau nhặng xị những chuyện vô vị như thường lệ ngay dưới khán đài thì ở phía trên đầu chúng, người máy T1000 đã nhanh tay vỗ vào đỉnh đầu Đào Thực Tiên. Đòn này khiến Phương Chứng đại sư hốt hoảng nhảy vọt lên vung song chưởng đánh vào sau gáy của T1000. Đó là kế Vây Ngụy Cứu Triệu của nhà sư.

Có ngờ đâu đó chỉ là hư chiêu mà tên người máy lặp lại mưu gian của Nhậm Ngã Hành. Hắn thu chưởng về rồi lại không xoay tay đón đỡ, hắn nhằm chụp vào huyệt đản trung của nhà sư. Tiếp theo hắn đưa một ngón tay phải điểm vào huyệt tâm phòng của đối phương. Phương Chứng đại sư thân hình đang lơ lửng trên không nên không thể biến chiêu, bị điểm huyệt toàn thân nhũn ra té nhào xuống đất.

Nhà sư một lần nữa vì lòng từ bi mà bị kẻ địch ám toán. Đành lắc đầu cười khổ rời khỏi võ đài.

Thí sinh thứ hai: Phương Chứng đại sư
Phương Chứng đại sư xuất thân nơi cửa Phật, những việc tranh đấu nơi võ đài đúng là không hợp, thôi đành tiếc thay cho ông. (Ảnh: youtube.com)

Thí sinh thứ ba: Hồ Nhất Đao

Với Hồ Nhất Đao, tên người máy dùng chính Hồ Gia Đao Pháp để đánh chàng. Còn Hồ Nhất Đao lại sử dụng kiếm pháp của Miêu Nhân Phượng truyền cho để khắc chế. Hai bên đang chiến đấu hăng say thì tên người máy bất thần xuất chiêu “Sa âu lược ba” vốn là phải chém xuống trước, rồi chém ngược lên sau, nhưng hắn lại biến ngược đi, tức là chém lên trước, rồi bổ xuống sau.

Hồ Nhất Đao nói: “Sai rồi”. Tên người máy bất ngờ đáp: “Xem nữa đây”. Lần thứ hai đáng lẽ ra đao bổ xuống thì lại chém thốc ngược lên làm Hồ Nhất Đao không ngờ bị chém trọng thương nơi tay. Hồ Nhất Đao chợt nhớ lại cảnh chiến đấu với Miêu Nhân Phượng cũng bị đối phương dùng chiêu này để lừa. Chàng bất thần vung chân đá một cước trúng vùng huyệt “Kinh môn” ở vùng thắt lưng tên người máy. Đó là đòn dự phòng trong Hồ Gia Đao Pháp mà chàng đã áp dụng với Miêu Nhân Phượng.

Cú đá ấy vốn có thể hạ gục Miêu Nhân Phượng vì y là một con người, nhưng với tên người máy thì làm gì có huyệt đạo, nên vô dụng. Khi Hồ Nhất Đao chợt nhớ ra điểm này thì cánh tay phải đã không thể vung lên được nữa. Đành nhận thua.

Thí sinh thứ tư: Huyết Đao Lão Tổ

Huyết Đao Lão Tổ chắc mẩm lão sẽ dùng kỳ mưu đánh bại đối thủ. Nhưng không may cho lão, trên võ đài không phải trong sơn cốc đầy tuyết để lão đánh bẫy khiến đối thủ cụt chân. Với tên người máy cũng chẳng thể chơi đòn tâm lý mà dọa dẫm như với Hoa Thiết Can, hắn lại cũng cầm một thanh đao sắc bén hệt như thanh Huyết đao của lão. Thế nên, đánh nhau hồi lâu mà lão không tìm ra phương sách gì để chiến thắng. Bỗng “keng” một tiếng, hai thanh đao chém vào nhau tóe lửa. Hổ khẩu lão tê chồn, thanh đao rơi xuống đất. Bất ngờ đối thủ cũng vứt đao, vận “Thần Chiếu Công” đạp vào bụng lão giống như Địch Vân, khiến lão văng ra khỏi võ đài thua trận. “Thần Chiếu Công” quả là khắc tinh của lão, và với tên người máy thì đừng hy vọng hắn si tình mất cả sáng suốt giống như Đinh Điển.

Thí sinh thứ năm: Hồng An Thông

Hồng An Thông đứng sừng sững trên sàn đấu vững chãi như một quả núi. Tên người máy thấy khí độ của lão như vậy cũng ngần ngại. Sau đó, hắn tiến lên hai bước khẽ đập vào mu bàn tay lão rồi vươn tay trái ra nắm lấy. Nửa người trên hắn ngả về phía sau, không để cho ngón tay lão đụng vào ngực mình. Hồng An Thông nhanh như cắt vặn người qua mé tả, nhảy lên thúc khuỷu tay xuống lưng tên người máy một cái. Ðoạn lão xoạc hai chân bước qua đầu hắn, đồng thời hai ngón tay cái ấn vào huyệt thái dương tên người máy, ngón trỏ đè lên lông mày, ngón giữa chỉ vào mắt hắn. Đây chính là một trong “anh hùng tam chiêu” lão đã dạy Vi Tiểu Bảo.

Khi tên người máy chỉ còn chờ chết thì Hồng An Thông bất ngờ buông hắn ra nhảy vọt ra khỏi võ đài vào giữa đám đông bên dưới.

Té ra Hồng An Thông nhìn thấy Vi Tiểu Bảo đang đứng ở dưới chỉ trỏ huyên thuyên. Hóa ra lão đến đây đâu phải là vì danh hiệu võ trạng nguyên. Lão hy vọng Vi Tiểu Bảo cũng đến xem náo nhiệt để tóm hắn, bắt hắn khai ra kho tàng núi Lộc Đỉnh. Như vậy Hồng An Thông tự bỏ cuộc. Ta mặc kệ lão và Vi Tiểu Bảo tự xử lý với nhau. Đằng nào thì cả hai cũng chẳng phải người tốt.

Thí sinh thứ năm: Hồng An Thông
Võ công của Hồng An Thông tuy cao nhưng ham tiền tài, chúng ta để kệ cho hắn đi vậy. (Ảnh: youtube.com)

Thí sinh thứ sáu: Trần Gia Lạc

Khi ban giám khảo chúng tôi vừa xướng lên tên Trần Gia Lạc và mời chàng lên thi đấu thì có một thư sinh cầm cây sáo vàng mặt mũi đầy sẹo trông phát khiếp tiến vào võ trường đưa cho chúng tôi một phong thư. Chàng giới thiệu mình tên là Kim Địch Tú Tài Dư Ngư Đồng, một thành viên của Hồng Hoa Hội. Thư viết:

“Tại hạ là Trần Gia Lạc của Hồng Hoa hội, xin đa tạ quý vị ưu ái lựa chọn làm ứng cử viên tranh chức võ trạng.

Tại hạ từ khi Hương Hương công chúa mất đi trong lòng luôn rầu rĩ u sầu. Lý Bạch tiên sinh có câu: “Hoàng kim vạn lượng dung dị đắc. Thế lượng tri kỷ tối nan cầu”. Hồng nhan tri kỷ trong sáng thánh thiện như Hương Hương công chúa còn khó tìm hơn nữa. Tại hạ cũng nhân dịp này muốn rời Hồi Cương cho khuây khỏa, nhưng càng đi lại càng đến gần nơi tại hạ đã vui chơi cùng công chúa trong cái ngày cuối cùng đầy kỷ niệm ấy. Cảnh cũ còn đây mà người xưa đã khuất rồi. Giờ đây tại hạ không còn lòng dạ nào để tham gia thi đấu nữa. Mong quý vị lượng thứ.

Kính thư,

Phế nhân Trần Gia Lạc.”

Thí sinh thứ bảy: Thạch Phá Thiên

Thạch Phá Thiên tay cầm một cây đao đứng trên võ đài. Chả là dù đã học được võ công trên vách động ở đảo Long Mộc, chàng vẫn tự nhận mình ở phái Kim Ô của Sử bà bà. Tất nhiên là với võ công và nội lực của chàng, tên người máy không thể là đối thủ. Chàng dồn cho hắn luống cuống cả chân tay. Bỗng trong phút khẩn yếu ấy, Thạch Phá Thiên lại nhớ lại lời của cô người yêu Bạch A Tú: “Ta tha được người hãy tha ngay”. Nó gần như một phản xạ có điều kiện của chàng khi giao đấu. Lời nói của A Tú là mệnh lệnh với chàng.

Ta biết rằng Thạch Phá Thiên dù rất thông minh nhưng hơi ngố.

Thế là chàng “chém bên trái một đao, bên phải một đao, trên một đao, dưới một đao”. Quý vị nhận ra chứ? Chiêu Bàng Xao Trắc Kích để giữ thể diện cho đối thủ. Chàng quên rằng mình đang thi đấu trong cuộc thi giành chức võ trạng, và với một tên người máy không cần biết thể diện là gì cả. Tại thói quen thế rồi.

Chúng tôi đành phải tuyên bố: hai bên hòa.

Thí sinh thứ bảy: Thạch Phá Thiên
Anh chàng Thạch Phá Thiên đúng là có tình có nghĩa, trong khi giao tranh vẫn không quên lời của cô người yêu Bạch A Tú. (Ảnh: youtube.com)

Thí sinh thứ tám: Viên Thừa Chí

Viên Thừa Chí vốn cũng chẳng có lòng dạ nào để thi đấu. Chàng chỉ lấy cớ đi thi võ trạng nguyên để đỡ phải nghe Ôn Thanh Thanh hờn mát ghen bóng ghen gió, nhất là ghen với mối tình xưa A Cửu của chàng. Ai ngờ lúc đang đứng trên võ đài trổ khinh công “Thần Hành Bách Biến” chạy quanh tên người máy thì chàng nhác thấy một hình bóng quen thuộc: Một nữ tu cụt một tay mặc quần áo trắng muốt đứng đằng xa xem chàng thi đấu. Chẳng phải A Cửu năm xưa của chàng kia sao? Chàng nhảy phắt xuống võ đài, la lớn: “A Cửu, nàng đấy ư?”. Người nữ tu áo trắng mắt long lanh ngấn lệ nói rằng: “Xin lỗi, đại gia nhận nhầm người rồi. Tôi không phải A Cửu…”. Chẳng biết tâm nguyện của Vi Tiểu Bảo dành cho sư phụ A Cửu của hắn: Mong cho “cái gì vỡ lại lành”… có thành được không?(1) Nhưng Viên Thừa Chí đã tự bỏ cuộc. Sự xuất hiện của thầy trò Vi Tiểu Bảo thật là tai hại.

Thí sinh thứ chín: Tiêu Phong

Tiêu Phong giờ đây đang làm Nam Viện Đại Vương cho vua Liêu Gia Luật Sở Tài nhưng chàng thực sự rất nhớ những người anh em cũ ở Cái Bang và hai chàng ngố dễ thương Đoàn Dự, Hư Trúc – anh em kết nghĩa của chàng. Nên nhân cơ hội này, chàng xin Gia Luật Sở Tài cho chàng được tham gia thi đấu với tư cách một con sói xanh người Liêu.

Trong bộ nhớ của tên người máy, Tiêu Phong là một đối thủ nguy hiểm nhất vì dường như chàng chẳng có một sơ hở nào cả.

Về chưởng lực: Hàng Long Thập Bát Chưởng mạnh kinh hồn, có thể đập tan bia vỡ đá. Quyền chưởng đối phương có nhiều hư chiêu thế nào chàng cũng chống lại được.

Về kỹ thuật chiến đấu: cực kỳ điêu luyện, có thể nói là hoàn hảo. Tiêu Phong đọc sách không giỏi nhưng cực kỳ có năng khiếu võ thuật. Chàng học võ một lần bằng người khác học dăm bảy lần.

Về độ quyết đoán và sự dũng mãnh: Cứ xem mấy lần chàng liều mình một địch trăm giữa quần hùng ở Tụ Hiền Trang hay xông vào đám quân trăm vạn để bắt cóc Gia Luật Sở Tài hay Sở Vương thì biết.

Về kinh nghiệm chiến đấu và độ già dơ: Chẳng ai có thể lừa gạt nổi Tiêu Phong trong chiến đấu. Kể cả khi một địch ba với các cao thủ độc địa như Đinh Xuân Thu, Du Thản Chi và Mộ Dung Phục.

Về tâm lý chiến: Tiêu Phong dù đau đớn khi mất A Châu nhưng chưa bao giờ có ai thấy chàng để nó ảnh hưởng trong các cuộc chiến.

Những điều ấy nói thì lâu, chứ thực ra trong bộ nhớ của tên người máy thì trong nháy mắt là xong. Hắn cân nhắc xong rồi lắc đầu nhận thua. Tiếc rằng chúng ta không được xem trận đấu đã biết trước kết quả.

Thí sinh thứ chín: Tiêu Phong
Tiêu Phong nổi tiếng trượng nghĩa hào hiệp võ công lại cao cường xuất chúng, đúng là không tìm được điểm yếu nào của chàng. (Ảnh: youtube.com)

Thí sinh thứ mười: Quách Tĩnh

Cả đời Quách Tĩnh vì dân vì nước, chàng chẳng màng sống chết của bản thân và cả của người thân. Nên Quách Tĩnh chẳng bao giờ có trở ngại tâm lý nào.

Nhưng hôm trước, chàng đã lo thành Tương Dương không chống nổi quân đội của Hốt Tất Liệt. May mà Dương Quá đã hóa giải nỗi lo cho chàng. Vậy là cơ hội duy nhất tên người máy có thể chiến thắng được chàng đã qua đi.

Khả năng thực chiến và độ dũng mãnh của Quách Tĩnh có nhiều điểm giống Tiêu Phong. Hai người đều rất điêu luyện về môn Hàng Long Thập Bát Chưởng. Quách Tĩnh cũng có thể một mình địch lại số đông cả trăm người kết thành trận pháp như lần chàng đại triển thần oai trên núi Chung Nam.

Quách Tĩnh học võ không nhanh bằng Tiêu Phong, nhưng bù lại chàng rất kiên trì. Chàng cũng có cơ thể tự nhiên thuộc loại xương rắn thịt dày, mình đồng da sắt nên chịu đòn rất giỏi.

Tính cách Quách Tĩnh khẳng khái, mạnh mẽ, trung hậu nên luôn có một khí thế uy võ nhiếp phục đối phương.

Và chúng ta không phải đợi lâu. Tên người máy chịu được hai đòn Phi Long Tại Thiên, Kiến Long Tại Điền của chàng. Nhưng đến đòn Kháng Long Hữu Hối thì hắn bị đánh bay vù ra khỏi khán đài. Quách Tĩnh thắng thật nhanh gọn.

Trận chung kết Tiêu Phong – Quách Tĩnh:

Dưới khán đài xôn xao, không ai ngờ được hai cao thủ có liên quan trực tiếp đến Cái Bang với tuyệt kỹ Hàng Long Thập Bát Chưởng cuối cùng lại vào đến chung kết và giao đấu với nhau.

Cả hai người đều là anh hùng, vừa võ nghệ trùm đời, vừa yêu nước thương dân lại rất có nghĩa khí giang hồ, nên hào kiệt Trung Nguyên hết sức kính ngưỡng.

Tiêu Phong vòng tay cười ha ha: “Tiêu Phong này trước khi tỷ thí cùng Quách đại hiệp phải uống một trận thật say. Người đâu?”.

Trận chung kết Tiêu Phong – Quách Tĩnh:
Theo phong cách gặp được anh hùng, Tiêu Phong lại muốn uống vài chén trước khi động thủ. (Ảnh: youtube.com)

Lời vừa dứt, thập bát thiết vệ của Tiêu Phong tới tấp mang những túi rượu đeo bên mình ngựa đến đổ vào bát cho hai người. Họ cười ha hả rồi cùng nhau cạn chén.

Bỗng Quách Tĩnh lên tiếng: “Xin ban giám khảo cho chúng tôi được vào trong trò chuyện một lát cho thỏa lòng ngưỡng mộ”. Nghe vậy, chúng tôi cũng đành để hai vị vào trong Đại Yến sảnh để trò chuyện.

Hồi lâu, không thấy hai vị trở ra, mọi người bắt đầu sốt ruột đoán già đoán non. Chúng tôi chạy vào trong chẳng thấy hai vị đâu cả. Chỉ thấy trên bức tường đại sảnh có dòng chữ:

“Bọn tại hạ nhân cuộc thi này mà gặp được nhau để bày tỏ ý chí của nhân dân hai nước Tống – Liêu. Chúng tôi người vì Đại Tống, người vì Đại Liêu, nhưng quyết không gây chiến lẫn nhau để khiến sinh linh đồ thán. Còn cuộc tỷ võ hôm nay, đành làm quý vị thất vọng. Thành thật cáo lỗi.

Vì nước vì dân mới là bậc đại hiệp (2).

Ký tên:

Tiêu Phong – Quách Tĩnh”

Chúng ta biết văn chương chữ nghĩa của hai vị này có hạn nên đừng mong họ có thể viết hay hơn nữa. Nhưng câu “vì nước vì dân mới là bậc đại hiệp” đã đủ nói lên quá rõ ý tứ của họ rồi.

Quần hùng tuy cụt hứng, nhưng lại rất khâm phục hai vị đại hiệp. Chúng tôi cũng thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả đã không tìm ra được một vị võ trạng nguyên nào như đã hứa. Có lẽ, chúng ta đành bằng lòng với vị võ trạng nguyên trong tim mình vậy.

Y Hoàng

  • (1): câu nói của Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký. Vi Tiểu Bảo vô học nhưng hay thích nói chữ thành ra có khi nhớ lõm bõm hắn vẫn nói. “Gương vỡ lại lành” thì hắn không nhớ được đầy đủ, đành nói: “Cái gì vỡ lại lành”.
  • (2): Câu nói tâm đắc của Kim Dung, được Quách Tĩnh tuyên ngôn trong “Thần Điêu Hiệp Lữ”.
Từ Khóa: