Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Kỳ 7: Đi tìm võ trạng nguyên trong truyện Kim Dung – vòng loại

Chào mừng đến với cuộc thi Võ Trạng Nguyên của chúng tôi! Trước khi đến với các trận đấu nảy lửa kịch tính, mời quý độc giả cùng dạo một vòng quanh khán đài và cùng ban giám khảo chúng tôi bình phẩm:

Kỳ 6: Những quy ước trước cuộc khảo thí
Kỳ 7: Vòng loại lần 1

Và bây giờ, mời quý khán giả đến với các ứng viên đầy tài năng của chúng ta:

Thiên Long Bát Bộ

Cao thủ võ lâm trong Thiên Long Bát Bộ nhiều lắm, vì truyện đề cập đến nhân vật của 5 quốc gia: Tống, Liêu, Đại Lý, Tây Hạ, Thổ Phồn, ngoài ra còn có Tiên Ti và Kim. Cao thủ hạng nhất của Tống thì có Hư Trúc và các nhà sư hàng chữ “Huyền” của chùa Thiếu Lâm. Đại Lý có Đoàn Diên Khánh, Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự. Đại Liêu có cha con nhà Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong. Thổ Phồn có Cưu Ma Trí. Tiên Ti có cha con nhà Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục… Ngoài ra còn có những nhân vật thuộc phái Tiêu Dao như Tô Tinh Hà, Đinh Xuân Thu, Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy. Thật là tập trung toàn các đại hành gia võ học làm nức lòng nhân sĩ võ lâm.

Ta hãy xét những nhân vật bản lãnh kinh người nhất.

Hai lão già Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác: Hai người này có thể đứng đầu danh sách với võ nghệ tuyệt luân và kinh nghiệm thực chiến phong phú. Tuy vậy, tuổi tác đã lớn, khí lực suy giảm, lại mang trọng bệnh trong người do tham luyện võ nên đi lạc đường tà. Do vậy, hai thí sinh này bị loại.

Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí: Ông này cũng mắc sai lầm giống như Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, thậm chí còn mê sâu hơn. Một kẻ thông minh quán thế, võ nghệ siêu quần do tâm tham danh dấy động đã biến thành hồ đồ, mang cả tâm bệnh và thân bệnh. Mời độc giả xem bình Kim Dung kỳ 2. Thí sinh này cũng bị ban giám khảo loại.

Các cao thủ khác không thể sánh tầm với 3 nhân vật này, trừ Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc.

Bình Kim Dung (Kỳ 7): Ai mới thực sự là 'võ Trạng nguyên' công phu cao cường nhất? (2)
Ba anh em Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. (Ảnh: youtube.com)

Hãy nói về Đoàn Dự: Bản tính trong sáng, thiện lương, không ham danh, không hiếu võ nhưng tình cờ có được nội công khủng khiếp, lại được truyền môn Lục Mạch Thần Kiếm chính tông của nhà họ Đoàn. Đây là môn võ khiến Tiêu Phong cũng phải ngán ngại. Tuy vậy, một đời Đoàn Dự mỗi khi phải động võ đều bất đắc dĩ, võ công lúc dùng được lúc không, nó còn tùy theo tâm trạng của anh chàng. Chỉ có môn chạy trốn Lăng Ba Vi Bộ thì anh chàng thạo nhất, hễ dùng là như ý.

Chỉ có hai chốn phù hợp nhất với Đoàn Dự: Một là ngồi sóng vai với những người đẹp như Vương Ngữ Yên chẳng hạn để ngắm nhìn cảnh sắc thơ mộng mà nói lời tình tự mê người, chỉ trăng chỉ sao mà thề thốt yêu đương. Hai là ngồi giữa đám mọt sách mà bàn luận văn chương thi từ cùng đạo lý thánh hiền. Võ đài là một nơi chàng hết sức khinh ghét. Do vậy, Đoàn Dự cũng bị loại.

Hư Trúc: Một chú tiểu chùa Thiếu Lâm tư chất tài mạo bình thường nhưng gặp duyên may mà được truyền tuyệt kỹ Bắc Minh thần công của phái Tiêu Dao, lại được dồn ba luồng nội lực của ba đại cao thủ phái này. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực chiến chưa có nhiều, lại cũng thiếu quyết đoán, chưa tự tin vào bản lãnh kinh người của mình. Trận chiến với Đinh Xuân Thu thể hiện rất rõ điều đó. Cho nên anh chàng chưa thể qua vòng loại.

Tóm lại, tác giả bài viết này chọn Tiêu Phong vì những phẩm chất: Năng khiếu võ học trời cho với chưởng pháp kinh người Hàng Long Thập Bát Chưởng, trí tuệ hết sức cơ biến lại là thủ lĩnh xuất sắc của Cái Bang – bang hội lớn nhất giang hồ, ắt có mưu lược và quyết đoán. Tiêu Phong có kinh nghiệm thực chiến rất phong phú, nội lực kinh nhân lại đang tuổi tráng niên sung sức, con người bên ngoài trông thô hào nhưng tâm tư lại hết sức tinh tế, mỗi khi xuất hiện lại có khí thế uy chấn quần hùng.

Xạ Điêu Tam Bộ Khúc

Xạ Điêu Tam Bộ Khúc bao gồm Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, và Ỷ Thiên Đồ Long Ký.

Năm nhân vật đứng đầu võ lâm hay Võ Lâm Ngũ Bá đã thiết lập tiêu chuẩn võ công cho hai bộ truyện đầu. Trong năm nhân vật này, ngoại trừ Vương Trùng Dương đã sớm tạ thế, còn lại mỗi người đều có sở trường riêng, thật khó mà chọn được ai là người có võ công cao nhất.

Bắc Cái Hồng Thất Công sở trường với lối đánh dương cương. Chưởng pháp nổi tiếng của ông là Hàng Long Thập Bát Chưởng và còn có Đả Cẩu Bổng Pháp tức là phép dùng gậy đánh chó, những tuyệt kỹ chấn bang của Cái Bang trong nhiều đời. Chưởng lực của Bắc Cái cương mãnh, chân thực, dù đối phương có lối đánh biến ảo thế nào thì Hàng Long Thập Bát Chưởng đều có thể đối phó. Hồng Thất Công tâm tư linh mẫn, lịch duyệt giang hồ, thật khó mà lừa nổi ông ta.

Bình Kim Dung (Kỳ 7): Ai mới thực sự là 'võ Trạng nguyên' công phu cao cường nhất? (2)
Bắc Cái Hồng Thất Công. (Ảnh: youtube.com)

Tây Độc Âu Dương Phong có công phu dùng độc rất cao minh, lão lại tàn độc và giảo quyệt. Ngoài ra, lão có chưởng pháp Hàm Mô công cực kỳ lợi hại mà chỉ có Nhất Dương Chỉ của Nam Đế Đoàn Trí Hưng hoặc Tiên Thiên Công của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương là có thể khắc chế được. Sau này lão lại luyện nghịch hành Cửu Âm Chân Kinh nên các kinh mạch đảo ngược, khó mà điểm huyệt được lão, lão lại luyện thành một môn võ công quái dị ít người nắm bắt được.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là vua nước Đại Lý có chưởng lực thuần chính của võ công Phật gia. Nhà họ Đoàn có công phu gia truyền mà võ lâm Trung Nguyên hết sức e ngại là Nhất Dương Chỉ. Võ công của họ tự lập ra một lối riêng. Đoàn vương gia xuất chưởng mà vẫn không mất vẻ đường bệ, đế vương. Có thể nói là vừa hùng hậu vừa sắc bén lại từ bi. Thật xứng đáng là một đại tôn sư võ học.

Đông Tà Hoàng Dược Sư là kẻ tinh thông bác học nhất trong 5 đại tôn sư. Tự lão sáng tạo ra nhiều môn võ hết sức lạ, biến ảo, đẹp mắt và khó đối phó, nghiêng về những chiêu hư, lừa miếng hơn là tấn công trực diện. Các môn tuyệt kỹ của lão là Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp, Đàn Chỉ Thần Công, Lan Hoa Phất Huyệt Thủ, Hoàng Phong Tảo Diệp Thoái Pháp và Bích Hải Triều Sinh Khúc. Thông minh tuyệt đỉnh, cao ngạo, cô độc, quái dị, vừa bác học lại vừa tinh quái nên thiên hạ rất ít người có thể làm đối thủ của Hoàng Dược Sư.

Bốn người này công lực tương đương nhau, trí tuệ đều cao, độ lịch duyệt giang hồ cũng vô cùng dày dặn, ứng biến cực nhanh. Khó có thể nói ai là võ công đứng đầu, tóm lại không thể chọn được ai.

Ở cuối truyện Thần Điêu Hiệp Lữ, khi Hồng Thất Công và Âu Dương Phong đã tạ thế thì hai vị trí đó được thay thế bởi Quách Tĩnh và Dương Quá, gọi là Bắc Hiệp và Tây Cuồng.

Có một nhân vật cực kỳ hiếu võ, bản lãnh cao siêu không kém Ngũ Lão đó chính là người sư đệ của Vương Trùng Dương là Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông. Sở dĩ tên gọi như vậy là vì lão già đầu mà tính tình vẫn hồn nhiên như trẻ nít. Châu Bá Thông cũng là một đại tôn sư võ học, tác giả của 72 đường Không Minh Quyền và môn “Song thủ hỗ bác” mỗi tay sử dụng một môn chưởng pháp khiến uy lực giống như hai người cùng chiến đấu. Châu Bá Thông thay thế cho vị trí Vương Trùng Dương trong Ngũ Bá ở Hoa Sơn luận kiếm lần ba và được gọi là Trung Ngoan Đồng.

Bình Kim Dung (Kỳ 7): Ai mới thực sự là 'võ Trạng nguyên' công phu cao cường nhất? (2)
Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông. (Ảnh: youtube.com)

Ngoài ra còn có Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận, nổi danh với môn Thiết Chưởng và khinh công cao siêu. Đẳng cấp võ học của ông ta ngang tầm với Ngũ Bá nhưng không có cơ hội tham dự các kỳ Hoa Sơn Luận Kiếm.

Còn một dị nhân khác là lão Tạng Tăng Kim Luân Pháp Vương với bản lĩnh không thua kém gì Ngũ Bá của Trung Nguyên, thậm chí ở cuối bộ Thần Điêu Đại Hiệp, lão đã luyện được lên tới tầng 11 của môn Long Tượng Bát Nhã Công, một môn võ có uy lực và khó luyện nhất xứ Tây Tạng. Vũ khí của lão là một bộ 5 cái luân vàng bạc đồng sắt thép. Lão quả là một dị nhân ngoại tộc.

Đó là những nhân vật có võ công đứng đầu Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ.

Vậy ta thử bình chọn xem ai xứng đáng làm người có võ công cao nhất trong những người này.

Như đã nói, trong Ngũ Bá thời kỳ đầu trừ Vương Trùng Dương, ta không thể tìm ra người có võ công cao nhất.

Châu Bá Thông có võ công rất cao. Người khác học võ là để bảo hộ thân thể, hoặc để báo thù hoặc để tranh bá với thiên hạ. Còn lão thì thực sự si mê võ công như nhà khoa học say mê nghiên cứu. Võ công là cả cuộc đời lão, người như thế võ công ắt phải giỏi. Nhưng lão hồn nhiên lắm, không bao giờ ham danh hiệu “võ công đệ nhất thiên hạ”. Điều này đã có Hoàng Dược Sư và quần hùng trên đỉnh Hoa Sơn xác nhận (cuối truyện Thần Điêu Hiệp Lữ).

Độc giả ắt hẳn còn nhớ chuyến đột kích của Châu Bá Thông vào giữa lều da của Hốt Tất Liệt hay trò đùa của lão với “lão râu dài” Phàn Nhất Ông ở Tuyệt Tình Cốc. Toàn nơi đầm rồng hang hổ, cao thủ nhiều như mây mà lão ra vào như chốn không người thì thấy con người Châu Bá Thông chỉ sử dụng bản lãnh nghiêng trời lệch đất để làm trò chọc phá như con nít. Rõ là lão chẳng ham gì danh hiệu võ trạng nguyên đâu. Vậy thôi, ta hãy đừng làm phiền cuộc sống tiêu dao khoái lạc của lão nữa. Hãy để lão tiếp tục nuôi ong trong Bách Hoa cốc và nghiên cứu võ học đến hết đời.

Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận thì đã thất bại sau cuộc chiến một ngày một đêm với Kim Luân Pháp Vương.

Kim Luân Pháp Vương thì công lực cực mạnh, võ công quái dị, vũ khí cũng quái dị như võ công, nhưng rốt cuộc bị Dương Quá dùng kỳ chiêu đánh ngã từ trên đài cao xuống đất, thương nặng rồi bị Châu Bá Thông ôm vứt vào trong lửa chết.

Dương Quá thì công lực dồi dào như nước triều dâng, lại có cây Huyền thiết trọng kiếm cực kỳ uy lực, tuổi trẻ trung khí đầy rẫy. Tuy vậy, môn võ đắc ý nhất mà tự chàng sáng tạo ra là Ám nhiên tiêu hồn chưởng lại mất tác dụng khi tâm tình vui vẻ, hạnh phúc trong tình yêu. Mặt khác, chiến đấu bằng một tay với các siêu cao thủ võ lâm cũng là một điều bất lợi.

Bình Kim Dung (Kỳ 7): Ai mới thực sự là 'võ Trạng nguyên' công phu cao cường nhất? (2)
Ám nhiên tiêu hồn chưởng của Dương Quá rất lợi hại nhưng lại mất tác dụng khi tâm tình vui vẻ, hạnh phúc trong tình yêu. (Ảnh: youtube.com)

Chỉ có Quách Tĩnh tuổi chưa quá lớn, công lực vô cùng hùng hậu, lại là truyền nhân của Hồng Thất Công về công phu Hàng Long Thập Bát Chưởng, lại biết cả Cửu Âm Chân Kinh, có thuật bắn tên phi phàm của người Mông Cổ, thật là sức mạnh như rồng như cọp. Con người ông lại khảng khái quyết đoán, không bị vướng bận bởi tình riêng nhỏ mọn. Ông xứng đáng làm một đại diện cho xóm Xạ Điêu Tam Bộ Khúc vào thi đấu ở vòng sau.

Vượt qua những Tứ Đại Hộ Pháp “Tía, Bạch, Kim, Thanh” và tả hữu sứ Dương Tiêu, Phạm Dao của Minh giáo cùng các hào kiệt của Võ Đang, Nga Mi và Thiếu Lâm… anh chàng đào hoa Trương Vô Kỵ xứng đáng làm một đại diện thứ hai của Xạ Điêu Tam Bộ Khúc vượt qua vòng loại để đi tiếp.

Trương Vô Kỵ có nội công cực kỳ hồn hậu từ việc luyện Cửu Dương Chân Kinh của Thiếu Lâm, chàng lại luyện được môn Càn Khôn Đại Nã Di đến lớp cao nhất, một môn võ hết sức biến ảo của Minh Giáo Ba Tư. Chỉ mình anh chàng là có thể cầm cự với ba siêu cao thủ của chùa Thiếu Lâm là Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn. Do vậy, đồng đạo võ lâm trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký đồng lòng cử chàng làm đại diện đi tiếp vào vòng sau. Ban giám khảo chúng tôi cũng lấy làm nhất trí.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Các cao thủ trong bộ truyện này nhiều như mây. Nhưng nhóm dẫn đầu gồm có Phương Chứng đại sư – phương trượng chùa Thiếu Lâm, Xung Hư đạo trưởng – chưởng môn phái Võ Đang, Tả Lãnh Thiền – chưởng môn của kiếm pháp Tung Sơn, Nhậm Ngã Hành – giáo chủ đời trước của Nhật Nguyệt thần giáo và Lệnh Hồ Xung – nhân vật nam chính của truyện. Ngoài ra còn có Phong Thanh Dương – tiền bối cao nhân của phe Kiếm tông Hoa Sơn, đồng thời là truyền nhân môn Độc Cô Cửu Kiếm của Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại. Tuy nhiên lão nhân gia là cao nhân thế ngoại không muốn xuất đầu lộ diện, như con rồng lẫn vào trong mây, không nên làm phiền lão bằng những cuộc đua tranh vô vị chốn giang hồ.

Chúng ta hãy nói về Lệnh Hồ Xung trước. Lệnh Hồ Xung trong mình vốn đã có 6 luồng chân khí của Đào Cốc Lục Tiên, thêm của hòa thượng Bất Giới, rồi sau thêm cả của Phương Chứng và Phương Sinh đại sư chùa Thiếu Lâm. Chỉ có điều sau khi vô tình học được Hấp tinh Đại pháp của Nhậm Ngã Hành thì chàng mới sử dụng được những nguồn năng lượng ấy. Sau này lại được Phương Chứng đại sư truyền thụ Dịch Cân Kinh vừa để chữa bệnh, vừa tăng công lực. Do vậy, về nội lực Lệnh Hồ Xung quyết không thua cao thủ nào trong truyện. Còn về kiếm thuật thì ngoài Phong Thanh Dương, người truyền cho chàng Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại, kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung là vô địch thiên hạ.

Lệnh Hồ Xung cũng cực kỳ thông minh cơ biến trong võ học, là đối thủ khó chơi nhất… khi trong tay chàng cầm kiếm.

Nhưng khi không có kiếm, thì quyền cước của Lệnh Hồ Xung cũng tầm thường, còn thua bà vợ ăn dấm chua của Bất Giới đại sư. Đó là một khiếm khuyết rất lớn với người học võ. Thế thì làm võ trạng nguyên sao được?

Tiếu Ngạo Giang Hồ
Lệnh Hồ Xung. (Ảnh: youtube.com)

Nếu để vợ chàng – Nhậm Doanh Doanh kèm thêm về công phu quyền cước thì chắc thêm một thời gian nữa, ban giám khảo chúng ta vì tình riêng cũng có thể nhân nhượng đưa chàng vào vòng chung kết được. Tuy vậy, chỉ e đôi uyên ương hồ điệp này lấy nhau xong rồi sẽ chia tay võ lâm, tìm chốn đào nguyên nào đó để cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Thôi, chúc hai vị hạnh phúc và sinh 6 đứa con đẹp hơn Đào Cốc Lục Tiên.

Nhậm Ngã Hành: Nhậm Ngã Hành xứng đáng là kẻ sĩ kiêu hùng, văn võ toàn tài, lại cơ trí mưu lược đầy quyết đoán. Chỉ kiếm pháp của lão mới có thể đấu nghiêng ngửa hồi lâu với Lệnh Hồ Xung. Về công phu quyền cước cũng như nội lực lão cũng quyết không thua ai. Cao thủ tỷ đấu nội lực với lão chỉ có thiệt vì lão có thể dùng Hấp tinh Đại pháp để hút công lực của họ. Nhưng cũng chính Hấp tinh Đại pháp cũng có nhiều bất trắc trong lưu chuyển nội lực khiến lão gặp rủi ro trong các cuộc tranh tài đỉnh cao mang tính sinh tử. Cho nên, trừ khi Nhậm Ngã Hành khắc phục được nhược điểm ấy, lão sẽ không có tên ở vòng sau.

Tả Lãnh Thiền: Con người Tả Lãnh Thiền cũng mưu mô như Nhậm Ngã Hành. Kiếm pháp Tung Sơn của lão đứng đầu trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Tuy vậy nếu so với kiếm pháp của Nhậm Ngã Hành hay kiếm pháp Võ Đang của Xung Hư đạo trưởng thì có phần sút kém, càng không thể so với Độc Cô Cửu Kiếm của Lệnh Hồ Xung. Về quyền cước võ nghệ, có thể nói lão cũng xấp xỉ Nhậm Ngã Hành, nhưng chiến đấu lâu dài thì sẽ thua. Lão tự thấy Đại tung dương chưởng của mình không thể sánh được thứ chưởng pháp mới nhìn thì vụng về nhưng thực ra rất tinh xảo của Nhậm Ngã Hành. Cuộc đấu của hai kẻ này tại chùa Thiếu Lâm đã chứng tỏ điều đó. Vả lại Hàn băng chân khí của lão độc địa thì có độc địa nhưng cũng có khiếm khuyết lớn gây nguy hiểm cho chính chủ nhân của nó. Nếu đã loại Nhậm Ngã Hành, thì Tả Lãnh Thiền cũng không thể đi tiếp.

Xung Hư đạo trưởng: Vị chưởng môn phái Võ Đang Thái Sơn Bắc Đẩu võ lâm này là người có kiếm thuật cao cường chỉ sau Lệnh Hồ Xung. Nội công phái Võ Đang truyền từ tổ sư Trương Tam Phong là danh chấn thiên hạ. Về quyền cước có thể nói so với Thiếu Lâm mỗi bên có chỗ sở trường khó phân cao thấp. Cao thủ Võ Đang tỷ thí võ công theo nguyên lý “tứ lạng bạt thiên cân” hết sức nhàn nhã mà lại hiệu quả. Tuy nhiên, Xung Hư đạo trưởng cũng chỉ xuất chiến một lần với Lệnh Hồ Xung trong một cuộc tỷ kiếm điểm tới là dừng. Chúng ta không biết được trong các cuộc chiến sinh tử thì công phu của đạo trưởng ra sao. Trường hợp này hơi khó kết luận nên xin đạo trưởng thông cảm dừng bước. Chắc cao nhân đắc Đạo như ngài cũng chẳng coi việc đó làm trọng. Ngăn chặn ma giáo thôn tính võ lâm khiến sinh linh đồ thán mới là việc mà khiến “lão mũi trâu” phải quan tâm thôi.

Phương Chứng đại sư: Cũng chỉ động thủ một lần trong cuộc đấu với Nhậm Ngã Hành nhưng chúng ta phải thực sự khâm phục công phu và nội lực tinh thuần của phương trượng chùa Thiếu Lâm. Như Lai thần chưởng của nhà sư ly kỳ biến ảo, liên miên bất tuyệt khiến các cao thủ hạng nhất chứng kiến cuộc đấu phải tự nhận là thua kém. Bản thân Nhậm Ngã Hành cũng úy kỵ võ công của nhà sư và Hấp tinh Đại pháp của hắn cũng không hút được một tí nội lực nào của Phương Chứng. Nội công Dịch Cân Kinh của ngài cũng hết sức thâm hậu tinh thuần, là độc bá thiên hạ. Võ công Thiếu Lâm cũng là toàn diện nhất về binh khí, quyền chưởng, nội lực. Phương Chứng thật xứng đáng đứng đầu danh sách 4 người mà Nhậm Ngã Hành, một kẻ tự thị tài năng áp chế quần hùng cũng phải khâm phục. Mà Nhậm Ngã Hành đã khâm phục thì sao chúng ta không thể khâm phục? Do vậy, tác giả mạo muội lựa chọn ngài làm nhân vật đi tiếp vào vòng sau của cuộc thi võ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ
Phương Chứng đại sư. (Ảnh: youtube.com)

Nhưng tác giả trong ngày đã chứng kiến quá nhiều màn biểu diễn cao siêu cũng đã hơi hoa mặt chóng mày. Chưởng lực cương mãnh của các đại cao thủ cũng tạo áp lực ra không gian xung quanh khiến ban giám khảo thấy khó thở. Chắc các khán giả cũng cảm nhận điều tương tự. Vậy vòng loại xin tiếp tục vào kỳ sau trước khi lựa chọn được võ trạng trong vòng chung kết.

Y Hoàng

Từ Khóa: