Vì sao con trẻ không biết giữ gìn sự tôn nghiêm của người lớn? Ấy là bởi chúng ta quá nuông chiều…

Bà nội rất cưng chiều cháu, thường hay dẫn cháu tới quán mì bò ăn sáng. Mỗi lần tới quán ăn, bà đều gọi hai bát mì bò. Hơn nữa, trước lúc ăn bà đều dùng đũa gắp hết phần thịt bò trong bát của mình sang cho đứa cháu trai yêu quý, sau đó hai bà cháu mới bắt đầu dùng bữa. Cậu bé lần nào cũng được ăn hết phần thịt bò của bà nên rất vui vẻ, còn bà nội nhìn thấy cháu ngon miệng cũng nở nụ cười ấm áp trong lòng.

Quán mì là do ông chủ một mình tự tay nấu nướng, lại không có người phục vụ nên thường là khách sẽ tới quầy bê bát về bàn ăn.

Một hôm, vẫn như thường lệ, bà nội lại dẫn cháu trai tới quán ăn mì bò. Trước lúc bê hai bát mì về bàn, bà thuận tiện gắp luôn phần thịt bò ở bát của mình sang cho cháu. Ông chủ nhìn thấy cảnh tượng như vậy định nói điều gì đó nhưng lại chỉ lắc đầu ái ngại rồi thôi.

Không ngờ, khi bà nội vừa đặt hai bát mì xuống thì đứa cháu trai ngó sang bát của bà rồi nhíu mày nói: “Bà nội, hôm nay bà không gắp thịt bò cho cháu à?”.

Bà nội nói: “Có mà, trước khi bê bát về bàn là bà đã gắp phần thịt bò sang cho cháu rồi”.

Cậu bé một mực không tin và bắt đầu gào thét: “Bà gạt cháu, nhất định bà đã giấu thịt bò đi rồi!”. Cậu bé vừa kêu gào vừa dùng đũa bới bát mì của bà nội để tìm thịt bò.

Bà nội ngượng ngùng nói: “Bảo bối của bà, sao cháu không nghe lời bà thế?”.

Cậu bé vừa giãy giụa vừa kêu khóc: “Nhất định là bà đã ăn vụng rồi, đấy là thịt bò của cháu mà, sao bà lại ăn của cháu. Cháu không ăn nữa! Không ăn nữa!”. Cậu bé làm náo động cả quán mì, mọi người xung quanh đều nhìn bà với ánh mắt ái ngại.

Ông chủ quán đứng gần đó, cũng cố gắng nói lời khuyên giải: “Cháu bé, cháu hãy bình tĩnh lại, đừng để bà khó xử như vậy ở chỗ đông người này!”.

Cậu bé lúc này càng làm ầm thêm, vung tay ra và gân cổ nhìn bà. Bà nội bất đắc dĩ đành ngồi xuống bên cạnh cháu trai và nói: “Bà thực sự không ăn vụng đâu, thịt bò của bà đều đã gắp cho cháu cả rồi!”. Sau đó cậu hất đổ cả hai bát mì xuống sàn nhà, đùng đùng bỏ chạy ra khỏi quán. Bà nội trả tiền cho chủ quán và không ngớt nói lời xin lỗi, sau đó lại dùng hết sức lực đuổi theo đứa cháu trai.

Mọi người xung quanh nhìn hai bà cháu với ánh mắt vừa thương hại vừa khiển trách, sao bà lại có thể cưng chiều con trẻ để nó hư hỏng như vậy nhỉ?

Không lâu sau, cậu bé dẫn đến một người đàn ông, nhìn dáng vẻ có thể đoán đây là bố của đứa bé, theo sau là bà nội đang lau nước mắt. Người đàn ông vừa bước vào cửa tiệm bèn đi thẳng về phía chủ quán, nói: “Mau làm cho tôi ba bát mì!”. Sau đó, ông tức giận ngồi xuống.

Chủ quán không nói lời nào, làm cho ba người ba bát mì. Ba bát mì vừa đặt xuống, người đàn ông liền gắp toàn bộ số thịt bò trong hai bát kia vào trong cái bát trước mặt con trai. “Ông chủ, qua đây!”. Chủ quán bước đến gần, người đàn ông lấy tay đập mạnh xuống bàn, nói: “Mấy bát mì này là tôi bỏ tiền mua, tôi thích ăn như thế nào thì ăn như thế đó. Tôi thích cho con trai tôi ăn thì gắp cho nó ăn, ông xem, tôi đã gắp hết cả cho con trai tôi rồi này. Bây giờ chúng tôi không còn muốn ăn mì của ông nữa!”.

Nói xong, ông móc ra 100 nghìn đồng ném xuống bàn rồi dắt con trai đi.

Chủ quán giận đến chảy nước mắt, ông chỉ mong có thể khiến cậu bé ý thức được lỗi lầm, vậy mà lòng tốt của ông cuối cùng lại bị đối xử như vậy.

Chúng ta đang quá chiều chuộng trẻ mà quên cho trẻ tự lập (Ảnh: Netlife)

Người lớn chúng ta vì quá yêu chiều và bao bọc con cái, mà mọi thứ đều dành cho trẻ nhỏ. Chúng ta không ngại hy sinh tất cả, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc của bản thân, đây là điều đáng sợ nhất mà cha mẹ dành tặng cho con trẻ. Ảnh hưởng phụ diện mà món quà này tạo thành chính là xem trọng tài năng, coi nhẹ đạo đức. Biểu hiện của nó là bố mẹ đối với con trẻ chiều chuộng thành thói, chỉ xem trọng việc bồi dưỡng năng lực một cách phiến diện.

Dạy cho con trẻ biết làm người như thế nào là trách nhiệm không thể thoái thác của mỗi một phụ huynh. Để dưỡng thành thói quen phẩm cách tốt đẹp cho trẻ, cha mẹ cần bước ra khỏi những cái khung sai lầm trước kia. Dưới đây là 10 hình thức “điển hình” phổ biến trong việc cưng chiều con trẻ:

1. Đãi ngộ đặc biệt

Địa vị của con trẻ trong gia đình cao hơn người lớn một bậc, đâu đâu cũng nhận được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, như ăn riêng một mình, có gì ngon đều một mình hưởng thụ. Ông bà nội có thể không tổ chức sinh nhật, còn sinh nhật của chúng thì phải mua một cái bánh kem thật to, tiền mừng tuổi, quà tặng chất đầy bàn…

Con trẻ như vậy sẽ cảm thấy mình thật đặc biệt, quen ở cao hơn người khác một bậc, tất nhiên sẽ trở nên ích kỷ, không có lòng cảm thông, cũng sẽ không quan tâm đến người khác.

2. Chú ý quá mức

Cả nhà lúc nào cũng quan tâm chăm lo cho trẻ, bầu bạn với trẻ. Ngày lễ ngày tết, người thân bạn bè thường cười cợt đùa giỡn, có lúc người lớn vây thành một vòng để trẻ ở giữa, không ngừng cỗ vũ con trẻ biểu diễn tiết mục, vỗ tay không ngớt.

Con trẻ như vậy sẽ cảm thấy mình là trung tâm, quả thật đã trở thành “ông trời con”. Người trong nhà đều phải chuyển động quanh nó, hơn nữa một ngày từ sáng đến tối không được yên thân, sức chú ý cũng phân tán. Hễ có khách khứa đến chơi nhà, chúng sẽ nổi khùng lên, thậm chí quậy đến mức khiến người lớn không thể nói chuyện.

3. Dễ dàng thỏa mãn

Con trẻ muốn gì thì cho nấy. Có những cha mẹ khi con trẻ theo học mẫu giáo và tiểu học cứ luôn cho chúng rất nhiều tiền tiêu vặt, dễ dàng thỏa mãn đòi hỏi của con trẻ.

Trẻ con như vậy rất dễ dưỡng thành thói quen không biết quý tiếc tài vật, coi trọng hưởng thụ vật chất, lãng phí tiền bạc và không biết quan tâm đến người khác, hơn nữa thiếu tính nhẫn nại và không có tinh thần chịu khổ.

Chiều chuộng, muốn gì cho nấy làm trẻ nẩy sinh tâm lý được một đòi hai (Ảnh: Eva)

4. Cuộc sống lười nhác

Ngày thường để mặc cho con trẻ ăn uống vui chơi, học tập không có quy luật, muốn thế nào thì như thế ấy: Ngủ nướng, không ăn cơm, ban ngày vui chơi phóng đãng, buổi tối xem ti vi đến tận đêm khuya.

Con trẻ như vậy sau khi lớn lên sẽ thiếu tinh thần cầu tiến, thiếu tâm hiếu kỳ ham học hỏi, làm người thì qua loa cho xong, làm việc thì cẩu thả thất thường, có đầu mà không có đuôi.

5. Cầu khẩn van xin

Ví như vừa dỗ dành con trẻ ăn cơm đi ngủ, hứa sẽ kể chuyện, hay mua bánh kẹo cho mới chịu ăn xong cơm.

Tâm lý của trẻ nhỏ sẽ là, bạn càng dỗ dành cầu xin, thì trẻ càng làm quấy, không những không biết phân rõ đúng sai, không bồi dưỡng được tinh thần trách nhiệm mà còn thoải mái phóng khoáng cho trẻ, như vậy uy tín trong việc dạy dỗ cũng trở nên vô ích.

6. Một thân ôm đồm mọi việc

Con trẻ đã 4 tuổi rồi mà không biết mặc quần áo, bố mẹ còn phải đút cơm cho ăn. Con trẻ 5, 6 tuổi rồi mà còn không biết làm bất cứ việc nhà nào, không biết niềm vui trong lao động và trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ để giảm bớt đi phần nào gánh nặng. Cha mẹ cứ một mình ôm đồm hết như vậy, tất nhiên sẽ mất đi một đứa con siêng năng, tốt bụng, giàu lòng nhân ái — Đây tuyệt đối không phải là chuyện ngày một ngày hai.

7. Lo sợ quá mức

Vốn dĩ “con nghé mới sinh không sợ hổ”, con trẻ lúc đầu vốn không sợ nước, không sợ bóng tối, không sợ té ngã, không sợ ốm đau bệnh tật. Sau khi té ngã rồi, thường thường sẽ tự mình lặng lẽ bò dậy tiếp tục chơi.

Về sau, tại sao lại có những đứa trẻ nhát gan sợ sệt thích khóc? Đây thường thường là do người lớn, khi con trẻ có bệnh thì biểu hiện hoảng hốt lo sợ. Kết quả sau cùng của việc nuông chiều quá mức là con trẻ không thể rời xa cha mẹ một bước. Những đứa trẻ này đã khắc sâu dấu ấn của sự nhu nhược yếu kém.

8. Tước bỏ quyền tự do

Con trẻ như vậy sẽ trở nên nhu nhược bất tài, thiếu mất tự tin, dưỡng thành tâm lý ỷ lại, còn dễ dàng trở thành “tiểu bá vương” trong nhà. Trong nhà hoành hành ngang ngược, còn khi ra ngoài thì lại nhút nhát, tạo thành khiếm khuyết nghiêm trọng trong tính cách.

9. Sợ trẻ quấy khóc

Con trẻ từ nhỏ đã luôn được chiều theo ý muốn của mình. Con trẻ những lúc không được như ý thường hay quấy khóc vật vã, không chịu ăn cơm để áp chế bố mẹ. Bố mẹ cưng chiều chỉ còn biết cách dỗ dành, đầu hàng, thuận theo và chiều ý con.

Bố mẹ sợ con quấy khóc là bố mẹ vô năng; con trẻ đánh mắng cha mẹ sẽ là đứa con ngỗ nghịch vô tình. Trong tính cách đã gieo mầm ích kỷ, phóng túng buông thả và thiếu năng lực tự kiểm soát bản thân.

Quá nhìn vào trẻ, nâng nui làm trẻ nhu nhược, không tự tin dễ dàng trở thành ” Tiều bá vương” trong nhà (Ảnh: 105.net)

10. Bênh vực lỗi lầm của con

Con trẻ như vậy đương nhiên là không thể dạy được rồi! Bởi vì nó hoàn toàn không có quan niệm phân biệt thị phi, hơn nữa tâm lý lúc nào cũng đã có sẵn “ô dù” và “nơi lánh nạn”, hậu quả của nó không chỉ là tính cách méo mó, có lúc còn khiến cho gia đình bất hòa.

Những đứa trẻ được cưng chiều quá mức sẽ cảm thấy người lớn làm hết thảy mọi chuyện đều là lẽ đương nhiên. Chúng không biết suy nghĩ cho người khác, cũng không biết trân trọng những vất vả và phó xuất hy sinh của người lớn.

Hết thảy chúng đều lấy bản thân mình làm trung tâm, tính cách tự tư tự lợi, ngang ngược hống hách, không biết khoan dung, càng không chịu được ủy khuất. Con trẻ thậm chí không biết lễ phép, trong mắt không có ai, không biết giữ gìn sự tôn nghiêm của người lớn.

Đây có phải hoàn toàn là lỗi của con trẻ hay không? Con trẻ nhà người ta sao lại hiểu chuyện đến thế, còn con trẻ nhà mình lại hống hách càn rỡ đến vậy? Thiết nghĩ từ một đứa bé ngây thơ trong sáng không hiểu chuyện đến khi trở thành kẻ ngang ngược vốn không phải chuyện chỉ trong một ngày. Khi con trẻ đã quen với việc đòi hỏi, chúng đã quên đi cảm ơn mà chỉ mong người khác cấp tiện nghi cho mình, chứ không nghĩ đến bản thân sẽ phải làm điều gì đền đáp công ơn của ông bà cha mẹ. Vậy nên, nếu thật lòng thương yêu con trẻ, hãy dạy cho chúng biết cách chia sẻ, biết cảm ân ngay từ hôm nay.

Thuận An

Từ Khóa: