Sau một thời gian thí điểm thiết bị thông minh M-GATEWAY (loa phường kiểu mới), nhiều ý kiến cho rằng thiết bị này nhỏ gọn, dễ lắp đặt, tiết kiệm điện… nhưng, điều thích nhất là không còn bị ép nghe “loa phường kiểu cũ” nữa.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (Thành Công – Hà Nội) chia sẻ trên Báo Lao Động: “Ngày trước, tôi bị ốm hay đau đầu mà đúng giờ phải nghe tiếng loa phường là khó chịu lắm. Loa kiểu mới này dễ chịu hơn hẳn, có thể di chuyển trong nhà như điện thoại vậy. Tôi vừa làm việc nhà vừa nghe để cập nhật thông tin phường xã”.

Ông Phạm Ngọc Cơ (tập thể A2 Thành Công, Ba Đình) đánh giá: “Nếu phát loa phường thì tôi đang ở ngoài, đi tập thể dục cũng nghe được. Nhưng dùng thiết bị thông minh nếu lúc phát tôi không ở nhà thì không nắm được thông tin. Hơn thế, thiết bị treo cố định một chỗ, nếu là nhà nhiều tầng thì chỉ tầng có thiết bị nghe được”.

nguoi dan noi gi ve loa phuong kieu moi o ha noi
Ông Phạm Ngọc Cơ đánh giá cao hiệu quả của thiết bị sau gần một năm thí điểm. (Ảnh: VnExpress)

Tuy nhiên, để thuận tiện sử dụng vẫn cũng cần các thiết bị khác hỗ trợ như máy tính bảng, điện thoại thông minh mà “những cái đó thì không phải ai cũng có điều kiện mua và sử dụng thành thạo”.

M-GATEWAY ngoài chức năng chính là phát trực tiếp các bản tin của phường đến từng hộ dân còn có thể kết nối để mua thẻ điện thoại, thanh toán các loại hóa đơn internet, điện, nước, truyền hình…

Theo ông Cơ, phường Thành Công có 34/38 tổ dân phố đã thực hiện thiết bị thông minh nhưng chưa thấy ai trong phường sử dụng để thanh toán các loại phí.

nguoi dan noi gi ve loa phuong kieu moi o ha noi
M-GATEWAY ngoài chức năng chính là phát bản tin của phường còn có thể kết nối thanh toán các hóa đơn, giám sát an ninh gia đình. (Ảnh: Lao Động)

Đồng tình với chủ trương sắp xếp lại hệ thống loa phường của Hà Nội, ông Võ Xuân Tui – Tổ phó dân phố số 7 (phường Yên Hoà, Cầu Giấy) lo ngại về chi phí sau thí điểm.

VnExpress dẫn lời ông Tui: “Nếu thành phố trang bị miễn phí cho người dân thì tốt, nếu mất chi phí người dân sẽ băn khoăn vì hiện có rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin khác như truyền hình, báo chí… Tôi đã tham khảo ý kiến những người dân xung quanh, ai cũng bảo nếu mất tiền để được dùng thiết bị thì không hào hứng tham gia”.

Trước việc thực hiện lắp đặt trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Dũng (ở Tổ dân phố số 11, phường Yên Hóa, Cầu Giấy) đánh giá không khả thi.

Theo ông Dũng, khi lắp đặt thì phải thu phí ban đầu, rồi phí hàng tháng. Trong khi đó, “lúc miễn phí người dân còn lắc đầu, nếu sau này triển khai rộng mà tính phí sẽ khó được họ đón nhận”.

Từ tháng 10/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh M-GATEWAY với kỳ vọng thay thế chức năng của loa phường tại 200 hộ dân ở bốn phường (Kim Mã, Thành Công, Tràng Tiền, Yên Hòa) thuộc ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy.

Ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng việc thiết bị thay thế không phù hợp, người dân không để ý.

nguoi dan noi gi ve loa phuong kieu moi o ha noi
Tỷ lệ người dân cho ý kiến về loa phường trong đợt lấy ý kiến lần đầu của Sở TT&TT Hà Nội. (Ảnh: Zing)

Theo Zing, ông Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, thiết bị thông minh thay thế loa phường không phát huy tác dụng.

“Thực tế có nơi thuê cả người bán báo dạo phát loa thông tin về phòng chống dịch bệnh”, ông Phong nói.

Tháng 10/2018, Hà Nội lần thứ hai khảo sát ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (Hanoi.gov.vn), thời hạn kết thúc là ngày 25/10.

Tùng Anh (Tổng hợp)