Vụ nổi loạn của Wagner đã làm nổi bật sự khác biệt căn bản giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc kiểm soát quân đội. 

Tại Trung Quốc, ĐCSTQ và tổng bí thư có quyền tuyệt đối với lực lượng quân đội, cho nên tư nhân hóa quân đội sẽ đe dọa độc quyền bạo lực của Đảng. 

Báo Le Figaro của Pháp hôm 05/07 cho rằng, vụ nổi loạn của ông trùm Yevgeny Prigozhin của nhóm Wagner đã làm nổi bật sự khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Nga về việc kiểm soát quyền lực.

Chuyện này không thể xảy ra ở Trung Quốc, vì quân đội tư nhân và sở hữu vũ khí bị cấm.

Ông Tập đã tìm cách tránh nảy sinh một “Prigozhin Trung Quốc”, nên mặc dù các công ty an ninh tư nhân đã xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng đều bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.  

Trong 10 năm qua, ông Tập đã tìm cách ngăn ngừa mọi đối kháng thông qua chiến dịch chống tham nhũng. 

Khác với Tổng thống Putin dựa trên các nhóm lính đánh thuê tư nhân để bù đắp những khiếm khuyết của quân đội, ngay từ nhiệm kỳ đầu, ông Tập đã lo “đả hổ”. Những con cọp lớn như tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) – 2 phó chủ tịch của cơ quan Quân ủy Trung ương đầy quyền lực, đều bị bắt. Ông Quách Bá Hùng bị xử án chung thân, còn ông Từ Tài Hậu chết trước khi ra tòa.

“Ông Tập dùng cách tập trung quyền lực vào trung ương để tránh mọi nguy cơ đảo chính”, Evan Laksmana, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nhận định. 

Khi ông Tập lên ngôi năm 2012, Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) đã bị rơi vào tấm lưới chống tham nhũng của ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) – người trung thành của ông Tập.