Có một vụ án sát nhân ly kỳ xảy ra trong lịch sử của ĐCSTQ: không qua Cục Công an trinh sát, không có Viện Kiểm sát khởi tố, cũng không trải qua tòa án phán quyết, mà một thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã xử tử một cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khác chỉ bằng cách hạ lệnh nhẹ như lông. Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ? 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Trong lịch sử ĐCSTQ, đã xảy ra một vụ án giết người ly kỳ: không qua Cục Công an điều tra, không qua Viện kiểm sát truy tố, không qua tòa án phán quyết, mà một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã xử tử một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác chỉ bằng một mật lệnh nhẹ như lông. Chuyện gì đã xảy ra?

Hôm nay, dựa trên bài báo “Câu thẩm: Lệnh hành quyết bí mật do Khương Sinh ký năm 1969” và các thông tin khác đăng trên tạp chí “Lịch sử Đảng” số 10 năm 2008, chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về sự kiện quá khứ này.

Lệnh hành quyết bí mật

Một ngày tháng 11 năm 1969, một số quan chức Bộ Công an ĐCSTQ vội vàng đến Cục Công an Thượng Hải. Khi đó, Cục Công an Thượng Hải nằm dưới sự lãnh đạo của Hội quân quản Công Kiểm Pháp thành phố, các quan chức Bộ Công an đã trình một văn kiện mật cho đại biểu quân sự của Cục: Mệnh lệnh hành quyết do Khương Sinh đích thân ký.

Khương Sinh là ủy viên đứng thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ lúc bấy giờ, chỉ đứng sau Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Chu Ân Lai và Trần Bá Đạt, ông ta cũng đồng thời là “côn đồ chính trị” quan trọng nhất của Mao Trạch Đông trong việc thanh trừng những đối thủ chính trị trong Cách mạng Văn hóa. Lệnh hành quyết do Khương Sinh ký là dành cho Lô Phúc Thản, 78 tuổi, đã bị giam 18 năm.

Người phụ trách Cục Công an Thượng Hải bối rối: Tại sao một ông già tàn niên héo hắt lại bị xử tử đặc biệt? Tuy nhiên, chữ ký của Khương Sinh trên mệnh lệnh là không thể nghi ngờ, nên họ không dám lơ ​​là, lập tức thu xếp bố trí. Các quan viên Bộ Công an cũng đề xuất yêu cầu đặc biệt: trước khi hành quyết “phạm nhân”, họ hy vọng sẽ dùng biện pháp bịt miệng, không cho ông ấy nói.

Cục Công an Thượng Hải cảm thấy xấu hổ vì Lô Phúc Thản tuổi đã cao, thân thể yếu nhược, không có năng lực phản kháng, lẽ ra không nên gây chuyện phiền phức lớn, dùng bạo lực đối với một ông già như vậy có vẻ không thích hợp. Tuy nhiên, họ không dám trái lệnh cấp trên. Cuối cùng, họ dùng biện pháp thỏa hiệp, lấy cớ “mời ăn” cho phạm nhân “uống rượu”, chuốc say trước khi bắn. Kết quả là Lô Phúc Thản sau khi ăn no uống đủ, trong tình trạng say rượu mơ mơ hồ hồ thì bị quân cảnh bắn chết.

Lô Phúc Thản là ai?

Xuất thân của Lô Phúc Thản là gì? Ông sinh ra ở Thái An, Sơn Đông vào năm 1890. Thời còn trẻ, ông từng làm công nhân tại Công ty Lỗ Đại ở huyện Tri Xuyên, Sơn Đông, năm 1926, ông gia nhập ĐCSTQ sau khi được Vương Tận Mĩ, một trong những người sáng lập công ty này giới thiệu. Sau đó, Lô Phúc Thản từng giữ các chức vụ bí thư Thành ủy Thanh Đảo, bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, bí thư Tỉnh ủy Thuận Trị, bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ủy viên trưởng Liên đoàn Công đoàn Thượng Hải, bí thư đảng đoàn Tổng Công hội Toàn quốc Trung Hoa. Đương thời, ĐCSTQ là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ĐCS Liên Xô. Việc bổ nhiệm, miễn chức quan cao, việc chế định đường lối, phương châm, chính sách của ĐCSTQ đều do ĐCSLX quyết định.

Tháng 6 năm 1928, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của ĐCSTQ được tổ chức tại Mátxcơva. Stalin, tổng bí thư ĐCS Liên Xô, tin rằng Trần Độc Tú và Cù Thu Bạch, tổng bí thư thứ nhất và thứ hai của Trung ương ĐCSTQ, đều là xuất thân phần tử trí thức, không đáng tin cậy. Lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, tất yếu phải dựa vào giai cấp công nhân, cần mạnh mẽ đề bạt những cán bộ có xuất thân từ công nhân lên các vị trí cấp cao.

Vì vậy, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI ĐCSTQ, Hướng Trung Phát, người xuất thân là công nhân, đã trở thành chủ tịch Bộ Chính trị, chủ tịch Thường ủy Bộ Chính trị; Lô Phúc Thản, người xuất thân công nhân, trở thành ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị. Tại phiên họp toàn thể lần thứ tư của Trung ương ĐCSTQ lần thứ sáu vào tháng 1 năm 1931, Lô Phúc Thản được “bầu” làm ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ. Vào tháng 9 cùng năm, vì Hướng Trung Phát bị bắt và phản biến, Bộ Chính trị cần tuyển mới khẩn cấp, nên Lô Phúc Thản đã trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 1933, sự tình đã phát sinh biến hóa kịch tính. Lô Phúc Thản bị bắt tại Khu tô giới Thượng Hải, sau khi biết ông ấy là một thành viên trọng yếu của ĐCSTQ, đội tuần tra khu tô giới đã áp giải ông ta đến Cục Cảnh sát Thượng Hải để tạm giam. Để cứu mạng, Lô Phúc Thản đã nhanh chóng “phản biến”. Kể từ đó, ông ấy đã chuyển biến, quay lại liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ trưởng Đơn vị Hành động Đặc khu Kinh tế Từ Châu, trưởng Đơn vị Tình báo Quận Thượng Hải, trưởng Đơn vị Hành động Quận Nam Kinh và là người hướng dẫn của Văn phòng Điều hành Cám Châu và các chức vụ khác của Quốc Dân đảng.

Tại sao Khương Sinh lại khởi tâm giết người?

Tại sao Lô Phúc Thản, người từng trải qua những kinh nghiệm này, lại khiến Khương Sinh nảy ra động cơ giết người nhiều thập kỷ sau?

Khương Sinh là người Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, gia nhập ĐCSTQ năm 1925. Vào ngày 18 tháng 2 năm 1930, người đồng hương của ông ta, Vương Lạc Bình, một người truyền bá tư tưởng cộng sản ở Trung Quốc thời kỳ đầu, và là ủy viên dự khuyết của Đại hội Trung ương lần thứ hai của Quốc dân đảng, đã bị đâm chết. Vụ việc này đã gây ra sự bất bình của người dân Sơn Đông thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Thượng Hải.

Mâu Nghi Chi, người học tại trường công lập Thượng Hải, và Khương Sinh, người làm công tác đảng ngầm ở Thượng Hải, đã xuống đường biểu tình thị uy cùng những người Sơn Đông khác để phản đối vụ ám sát Vương Lạc Bình. Kết quả là cả hai người này đều bị cảnh sát bắt giữ. Mâu Nghi Chi là cháu trai của nguyên lão Quốc dân đảng Đinh Duy Phần, anh ta được thả cùng ngày sau khi được Đinh Duy Phần bảo lãnh. Sau khi ra tù, Mâu Nghi Chi yêu cầu Đinh Duy Phần bảo lãnh cho bạn mình là Khương Sinh ra khỏi tù. Đinh Duy Phần đã can thiệp và Khương Sinh được ra tù sau khi bị giam giữ 10 ngày. Nhưng trước khi ông ta xuất ngục, nhà tù nhất định yêu cầu ông ta phải hoàn thành một loạt thủ tục như “nhận tội, ăn năn, tự thú”. Loại tài liệu này nằm trong hồ sơ của Cục Cảnh sát Thượng Hải, nên có thể tra ra. Và điều này có liên quan đến Lô Phúc Thản.

Sau khi Lô Phúc Thản trở thành đặc vụ của Ủy ban Thống nhất Trung ương và làm việc cho Ủy ban Thống nhất Trung ương trong 18 năm, ông có thể đã xem qua các tài liệu liên quan về tình huống cụ thể của Khương Sinh sau khi bị bắt. Sau khi ĐCSTQ nắm quyền vào năm 1949,  Lô Phúc Thản không đi Đài Loan mà ẩn náu ở địa khu Tây Nam. Ngày 24 tháng 5 năm 1951, ông bị bắt ở Côn Minh, sau đó bị áp giải về Thượng Hải và bị giam giữ bí mật. Trong tài liệu giải thích của mình, Lô Phúc Thản đề cập đến việc phản biến của Khương Sinh vào những năm 1930. Khi đó, Nhiêu Sấu Thạch, chủ tịch Ủy ban Chính trị và Quân sự Hoa Đông, đã báo cáo với Mao Trạch Đông sau khi đọc tài liệu của Lô Phúc Thản, Mao nghe xong không trả lời.

Vào những năm 1960, bộ trưởng Bộ Công an Tạ Phú Trị được lệnh đến Cục Công an Thượng Hải để xem xét các tài liệu gốc về lời thú tội của Lô Phúc Thản mà Nhiêu Sâu Thạch năm đó đã nhìn thấy, và lập biên bản. Khương Sinh không biết chuyện này, ông ta thậm chí còn không biết rằng Lô Phúc Thản vẫn còn sống. Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra năm 1966, Khương Sinh trở thành một trong những người được Mao Trạch Đông tin cậy nhất và được bổ nhiệm làm cố vấn cho Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, vì khi Mao phát động vận động chỉnh phong Diên An vào những năm 1940, Khương Sinh là trợ lý đắc lực nhất của Mao. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Trung ương ĐCSTQ lần thứ 8 vào tháng 8 năm 1966, Khương Sinh được bổ sung vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Tháng 1 năm 1967, Mao phát động cuộc đấu tranh phạm vi toàn quốc nhằm giành chính quyền của phái tư sản. Khương Sinh và Giang Thanh, tổ phó Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, đóng vai trò tiên phong trong việc đoạt quyền, một trong những thủ đoạn quan trọng nhất của họ là bắt “kẻ phản bội”.

Và đúng lúc Khương Sinh và Giang Thanh đang ráo riết truy bắt những “kẻ phản bội” ​​trên khắp đất nước thì năm 1968, cơ quan tình báo Đài Loan đã tung ra một mẩu thông tin về vụ bắt giữ và phản biến của Khương Sinh. Thông tin này được truyền đến Bắc Kinh thông qua Hồng Kông và được Khoái Đại Phú, thủ lĩnh hồng vệ binh đương thời biết được, người này đã ngay lập tức báo cáo cho Giang Thanh và Khương Sinh.

Khương Sinh vô cùng kinh ngạc khi xem tài liệu này, đây là lần đầu tiên ông ta biết Lô Phúc Thản đã thú nhận về việc “phản biến” của ông ta vào những năm 1930. Một khi chuyện này được “xác thực”, tính mạng của ông ta có thể khó bảo toàn. Bằng cách này, Lô Phúc Thản trở thành nỗi phiền toái lớn nhất của Khương Sinh.

Khương Sinh hạ độc thủ

Khi đó, Khương Sinh đã bám chết vào hai người: một người là Mao Trạch Đông, một người là vợ của Mao, Giang Thanh. Mao muốn chỉnh ai, Khương Sinh không tiếc công sức; Thậm chí trước khi Mao mở miệng, Khương Sinh đã chủ động đón trước tâm ý của Mao, hiến kế hiến sách, được Mao rất sủng ái. 

Giang Thanh sau khi bị bắt ở Thượng Hải vào những năm 1930 cũng từng “phản biến”. Đây là một trong những tâm bệnh lớn nhất của Giang Thanh. Khương Sinh hiểu được bê bối của Giang Thanh, nhưng ông ta không tiết lộ, vì ông ta muốn lợi dụng nó.

Khi Khoái Đại Phú báo cáo thông tin mình có được cho Giang Thanh và Khương Sinh, Khương Sinh ngay lập tức nói với Giang Thanh, rằng bản thân chưa bao giờ bị bắt, nói: “Nếu tôi bị bắt, tôi sẽ trở thành liệt sĩ và sẽ không sống sót đến ngày hôm nay.” Giang Thanh cảm thấy tội lỗi, không muốn làm to chuyện này, nên bà ta cũng lên tiếng thay Khương Sinh.

Khương Sinh sau khi dựa vào hai cây đại thụ là Mao Trạch Đông và Giang Thanh, bắt đầu nghĩ ra biện pháp trừ bỏ Lô Phúc Thản. Ông ta là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách công tác chính trị pháp luật nên đã đến gặp bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị và hỏi: Tại sao những kẻ phản bội như Lô Phúc Thản lại bị giữ lại từ những năm 1950 đến nay? Tạ Phú Trị biết rằng Khương Sinh là thân tín bên cạnh Mao Trạch Đông và Giang Thanh. Đối với ám thị của Khương Sinh, ông không tiện phản đối, nên nói rằng, nếu muốn Lô Phúc Thản bị xử tử, thì chỉ cần chữ ký của Khương Sinh, sẽ lập tức chấp hành. Sau đó, Tạ Phú Trị yêu cầu các quan viên thuộc hạ của mình soạn thảo mệnh lệnh hành quyết và yêu cầu Khương Sinh ký vào đó. Khương Sinh quả nhiên đã ký tên của mình.

Vào tháng 11 năm 1969, Lô Phúc Thản bị diệt khẩu. Tạ Phú Trị biết rất rõ rằng việc xử tử một cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ không phải chuyện nhỏ, là phải gánh chịu trách nhiệm. Khi đó Khương Sinh là cấp trên trực tiếp của ông, có chữ ký của Khương Sinh, trách nhiệm này chủ yếu do Khương Sinh gánh chịu. Sau khi nhận được lệnh xử tử của Khương Sinh, Tạ Phú Trị đã thận trọng và bí mật giữ một bản sao.

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, “Án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh” bị điều tra, đồng thời, Khương Sinh đã qua đời, Tạ Phú Trị đã qua đời cũng bị điều tra. Bản sao chữ ký của Khương Sinh mà Tạ Phú Trị giữ đã bị Vương Hạc Thọ, phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và những người khác nhìn thấy, có người chuẩn bị định tính Khương Sinh là kẻ phản bội dựa trên chứng cứ này.

Tuy nhiên, vì Lô Phúc Thản đã chết, nhiều hồ sơ đã bị tiêu hủy trong Cách mạng Văn hóa, hầu hết các nhân sự liên quan đều mất tích hoặc đã chết, sách vở và tài liệu định kỳ ở nước ngoài không cách nào xác minh được, nên vấn đề “kẻ phản bội” ​​Khương Sinh cuối cùng vẫn chưa có kết luận. Nhưng xét theo hành vi bất thường của ông ta khi ra mật lệnh hành quyết Lô Phúc Thản, có lẽ ông ta thực sự là một kẻ phản bội.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch