Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kết thúc chuyến thăm 6 ngày tới Nga và trở về nước bằng chuyến tàu đặc biệt vào ngày 17/9. Theo truyền thông Nhật Bản, việc ông Kim chọn Nga cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau đại dịch Covid là một động thái khéo léo để bày tỏ sự không hài lòng của ông đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Triều Tiên.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên ngày 17/9 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào ngày 16/9 đã đi thăm quan những chiếc máy bay ném bom chiến lược, tên lửa siêu thanh và tàu chiến có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

Trong chuyến thăm đến thành phố Vladivostok, ông Kim cũng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sân bay vũ trụ Vostochny để thảo luận về các vấn đề quân sự, về cuộc chiến ở Ukraina và tăng cường hợp tác song phương giữa 2 nước. Ông Kim cho biết chuyến đi diễn ra vào thời điểm “lịch sử phát triển quan hệ giữa Triều Tiên và Nga đã mở ra một thời kỳ hoàng kim mới của tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác”.

Chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un kéo dài 6 ngày, là chuyến thăm nước ngoài dài nhất của ông kể từ khi ông nhậm chức.

Tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, đã đưa ra so sánh về chuyến Nga và các chuyến thăm khác của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc.

Theo đó, ông Kim Jong-un, người nhậm chức vào năm 2012, đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 3/2018. Khi đến thăm Bắc Kinh, ông nói: “Việc tôi chọn Thủ đô Trung Quốc làm chuyến thăm đầu tiên của mình là điều đương nhiên”.

Vào năm 2018, trước và sau cuộc nói chuyện của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông cũng đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì vậy, ban đầu có suy đoán rằng ông Kim Jong-un sẽ đến thăm Bắc Kinh trước sau khi đại dịch Covid kết thúc. Tuy nhiên, ông lại chọn cách thăm nước Nga trước. Điều này, theo tờ Asahi Shimbun, có thể là để bày tỏ sự không hài lòng của Triều Tiên với sự hỗ trợ kinh tế và các khía cạnh khác của Trung Quốc.

Tờ báo cũng cho rằng, Trung Quốc là nước đang gây ảnh hưởng đằng sau Triều Tiên, nên có thể cũng không hài lòng với chuyến thăm Nga của ông Kim.

Được biết, từ khi nhậm chức cho đến tháng 1/2020 khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì dịch Covid, ông Kim Jong-un đã đến thăm Trung Quốc 4 lần và chỉ đến thăm Nga một lần.

Một tờ lớn khác của Nhật Bản là Yomiuri Shimbun cho rằng, việc ông Kim Jong-un chọn Nga làm chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đại dịch Covid có thể được hiểu là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đang suy giảm.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu Triều Tiên và Nga tăng cường hợp tác quân sự và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, thì hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có thể được tăng cường hơn nữa, như thế lại là điều bất lợi cho Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, để thể hiện ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên, Trung Quốc có thể sẽ mời ông Kim Jong-un và các quan chức lãnh đạo khác của Triều Tiên tới thăm Trung Quốc.

Cha Doo-hyun, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc, nói trên tờ Yomiuri Shimbun rằng mục đích chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un là nhằm kiềm chế liên minh Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản. Trung Quốc đã thể hiện cảnh giác trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn-Nhật, nhưng đối với Triều Tiên, Trung Quốc đã phản ứng một cách thụ động trước liên minh 3 nước kia.

Sự thiếu hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc đối với chính quyền Bình Nhưỡng diễn ra khi nền kinh tế của Triều Tiên đang gặp khó khăn. Ước tính khoảng 240 người ở Triều Tiên chết đói từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay.

Đã 17 năm liên tiếp Triều Tiên nằm trong danh sách quốc gia cần hỗ trợ lương thực từ cộng đồng quốc tế.

Theo một báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc (UNHCR) vào tháng 3 năm nay, 42% dân số Triều Tiên bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực.