Gần đây, bệnh viện Da liễu Trung ương, liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng do làm đẹp bằng cao trầu không. Đa số bệnh nhân tới khám, da mặt đều trong tình trạng bị kích ứng nặng, loang lổ. 

Da mặt loang lổ do đắp cao lá trầu không làm đẹp
Da mặt loang lổ do đắp cao lá trầu không làm đẹp

Theo Gia Đình và Xã Hội, do không tự tin với đốm nám lấm tấm hai bên gò má, N.T.V., 45 tuổi (Bắc Ninh) được bạn bè mách sử dụng cao trầu không để trị. Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng, da mặt chị bắt đầu đỏ ửng, vùng sạm nám không mờ đi mà còn trở nên sậm màu và lan rộng. Sau đó ít ngày, trên da xuất hiện dày đặc các đốm màu trắng to như hạt đậu xanh, khiến khuôn mặt chị trở nên loang lổ.

Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị V. bị rối loạn sắc tố, gây ra hiện tượng “mặt bản đồ” do tự ý sử dụng mỹ phẩm làm đẹp.

Da mặt loang lổ do đắp cao lá trầu không làm đẹp
Một bệnh nhân phải vào viện điều trị vì dùng cao lá trầu không trị nám. (Ảnh: Gia Đình và Xã Hội)

Trường hợp của H.T.Q., 39 tuổi (Yên Bái) cũng “tái mặt” vì dùng cao trầu không trị nám. Thời gian đầu sử dụng, Q. cảm thấy làn da trắng sáng lên trông thấy. Nhưng hơn 1 tháng sau, chị bắt đầu cảm thấy nóng rát, bốc hỏa ở vùng mặt. Các vết nám, tàn nhang ngày càng lan nhanh xuống phía cằm.

Sau 2 tháng sử dụng, Q. buộc phải nhập viện điều trị, vì vùng nám má màu nâu đã dày đậm thành mảng, lan xuống gần cằm. Các đốm trắng nhỏ cũng xuất hiện lấm tấm trên khuôn mặt.

Da mặt loang lổ do đắp cao lá trầu không làm đẹp
Ảnh minh họa.

Hiện nay, phương pháp làm đẹp từ trầu không được nhiều người áp dụng và chia sẻ trên mạng xã hội mà chưa có bằng chứng nào khẳng định tác dụng.

Trên thị trường, các sản phẩm như cao trầu không, bột trầu không… được rao bán với công dụng “thổi phồng” như trị nám, trắng da, se khít lỗ chân lông… Mỗi hộp cao trầu không có giá từ 150.000-200.000 đồng. Bột trầu không có giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg.

Da mặt loang lổ do đắp cao lá trầu không làm đẹp
Tra cứu cụm từ “lá trầu không điều trị nám” trên công cụ tìm kiếm, người ta dễ dàng thấy gần 100.000 kết quả trong thời gian chưa đến 1 giây.

TS.BS Nguyễn Hữu Quang, chuyên Khoa Da liễu, Hiệp hội Bác sĩ trị nám Việt Nam chia sẻ với Báo Phụ Nữ, đối với làn da mỏng, nhạy cảm, khi tiếp xúc với tinh chất lá trầu không sẽ gây kích ứng, bỏng rát. Sử dụng sản phẩm của lá trầu không thường xuyên sẽ khiến da bị bào mòn, mất sắc tố da và yếu đi…

ThS. BS Vũ Thái Hà cho biết, lá trầu không có chứa chất gây độc tế bào da. Nếu sử dụng lâu dài, da sẽ gặp vấn đề nghiệp trọng hơn, khó khăn trong điều trị, theo Sức khỏe và Đời sống.

Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên tự ý sử dụng sản phẩm cao, bột lá trầu và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi gây hại làn da. Khi gặp tình trạng da, mọi người nên đến gặp bác sĩ da liệu để được tư vấn và hướng dẫn cách chữa trị.

Nám da là tình trạng trên mặt xuất hiện các đốm nhỏ sạm màu do sắc tố da melanin bị kích thích sản sinh quá mức, tích tụ và phân bố không đồng đều. Nám thường xuất hiện theo từng mảng, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ lan rộng, đậm màu khó kiểm soát.

Nguyên nhân gây nám da:

– Do rối loạn nội tiết tố, di tuyền.

– Do tâm trạng, tinh thần căng thẳng, stress kéo dài lâu.

– Yếu tố môi trường: Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, khói bụi… lâu ngày.

– Sử dụng thuốc, mỹ phẩm không đúng cách.

– Lối sống không lành mạnh: Thường xuyên sử dụng đồ uống có chất kích thích, mất ngủ, ngủ muộn, ăn uống không khoa học, thiếu dinh dưỡng…

H.H