Tăng huyết áp phần lớn do thói quen và lối sống không lành mạnh của chúng ta tạo thành, nhưng có những nguyên nhân không thể tránh khỏi như di truyền, tuổi tác, thu nhập thấp…

Theo Tiền Phong, huyết áp không phải luôn giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Thậm chí chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, ăn mặn, bị xúc động… cũng sẽ làm huyết áp tăng lên. Hiểu biết về các yếu tố làm tăng huyết áp sẽ giúp mọi người biết cách giữ huyết áp ổn định, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Huyết áp là áp lực máu trong động mạch, là một thông số nhận biết tình hình sức khỏe. Chỉ số cao huyết áp là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp:

Sống trong khu vực ồn ào

Khu vực bạn sinh sống được bao quanh bởi tiếng ồn, đặc biệt là vào ban đêm, cho thấy liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp. Điều này là do tiếng ồn lớn gây căng thẳng, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Ngủ kém là một yếu tố gây nguy cơ đối với tăng huyết áp, đó là lý do tại sao bạn nên ngủ trong môi trường im lặng và thoáng mát.

(Ảnh minh hoạ: Môi trường Đô thị).

Thu nhập thấp

Nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè lên vai mỗi người trưởng thành, nhất là đàn ông trong gia đình. Có thể cơ chế gây ra tăng huyết áp do công việc căng thẳng đi kèm mức lương thấp là stress hay căng thẳng không được kiểm soát. Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến tăng huyết áp, ngay cả khi bạn bị stress trong một thời gian ngắn, cũng có thể làm tăng huyết áp.

Sự tăng đột ngột huyết áp cũng có thể làm tăng nhịp tim và các biến cố tim mạch. Ngoài ra, căng thẳng mãn tính làm mức đường trong máu của bạn tăng lên, ngay cả khi bạn không bị bệnh đái tháo đường, sẽ có sự gia tăng mức đường trong máu khi bạn bị stress.

Tuổi tác

Khi tuổi càng cao, thành mạch máu càng lão hóa và xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi nên áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên. Từ đó, huyết áp ở người lớn tuổi sẽ cao hơn lúc còn trẻ.

Theo đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của căn bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu biết cách hạn chế được các yếu tố làm tăng huyết áp khác, sẽ phần nào giúp ổn định được huyết áp bền vững theo thời gian.

(Ảnh minh hoạ: Người Lao Động).

Di truyền

Nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy rằng, con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp nói riêng hay các bệnh lý tim mạch khác nói chung sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.

Như vậy tương tự tuổi tác, tiền căn gia đình cũng là yếu tố không xóa bỏ được. Các đối tượng này cần tích cực thăm khám để phát hiện sớm nhằm phòng tránh các biến cố tim mạch trước khi để xảy ra một cách đáng tiếc.

Thường xuyên ăn mặn

Theo Sức Khoẻ Gia Đình, người hay ăn mặn nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp càng cao, bởi muối có nhiều natri chlorure gây tác động xấu cho huyết áp. Người dân ở vùng ven biển có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn so với người dân ở vùng đồng bằng và miền núi. Ở những gia đình có tiền sử tăng huyết áp, có thói quen ăn nhiều muối ngay từ khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ tăng huyết áp khi trưởng thành.

Bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần thực hiện chế độ ăn giảm bớt muối thì có thể phòng và điều trị được bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nếu thực hiện chế độ ăn nhạt dưới 6gr muối mỗi ngày, có thể làm giảm được huyết áp trung bình 4-8 mmHg.

(Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ Gia đình).

Hút thuốc

Trong thuốc lá có nhiều chất kích thích, đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, khi một người hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tối đa và kéo dài trong khoảng thời gian 20-30 phút.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu bạn bỏ qua sở thích này thì khả năng mắc bệnh tăng huyết áp của bạn sẽ giảm xuống đáng kể.

Uống nhiều bia, rượu

Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, việc uống bia, rượu qúa mức hoặc người bị nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ huyết áp, làm cho bệnh tăng huyết áp càng nặng hơn.

Ngoài ra, việc uống bia, rượu quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác, từ đó gián tiếp làm tăng huyết áp. Vì vậy, uống ít bia, rượu có thể phòng được bệnh tăng huyết áp.

(Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ Gia đình).

Lười vận động thể lực

Những người có thói quen sống tĩnh tại và lười vận động thể lực cũng được xem là một nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Việc vận động thể lực hàng ngày đều đặn trong khoảng thời gian 30-45 phút sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong biện pháp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.

Chế độ ăn giàu chất béo

Trên Sức Khoẻ Đời Sống, chế độ ăn và lối sống sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Ngoài lượng chất béo bạn ăn thì loại chất béo cũng rất quan trọng. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa rất nguy hiểm đối với cơ thể.

Thừa cân – béo phì

Cân nặng của cơ thể cũng có mối tương quan với chỉ số huyết áp. Hàng loạt các quan sát đã chứng minh rằng người có khối lượng cơ thể càng tăng thì huyết áp cũng sẽ càng tăng. Cụ thể, bệnh lý này phát hiện với tỷ lệ khá cao trong nhóm dân số thừa cân – béo phì.

Như vậy, song song với việc tập luyện thể lực, cần phải chú ý duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hình thành thói quen đo cân nặng mỗi ngày để tìm cách giảm cân khi phát hiện dư cân.

(Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ Gia đình).

Giới tính

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn phụ nữ. Điều này không có nghĩa là phụ nữ không cần lo lắng vì nguy cơ của bạn cũng không hề thấp. Vì vậy, nên giữ gìn lối sống và thói quen ăn uống lành mạnh.

Thuốc ngừa thai

Theo một nghiên cứu mới đây, uống thuốc ngừa thai thường xuyên hay khẩn cấp đều có thể làm căn bệnh cao huyết áp tiến triển nhanh.

(Ảnh minh hoạ: Người Lao Động).

Rối loạn lipid máu

Hậu quả của tình trạng rối loạn lipid máu được thể hiện gián tiếp trên những bệnh lý khác. Khi nồng độ mỡ trong máu cao, chính hệ thống động mạch chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Do luôn phải chịu áp lực dòng máu lớn, lớp nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương và xơ cứng, lắng đọng các mảng xơ vữa, giảm mất khả năng đàn hồi, từ đó làm huyết áp tăng lên.

Vì vậy, thực hiện lối sống và chế độ ăn kiểm soát lipid máu là vô cùng cần thiết, bằng cách giảm tiêu thụ các chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như chất béo có trong thịt đỏ, những sản phẩm sữa nguyên chất béo, nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản,…; bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày là một cách trì hoãn xơ cứng mạch máu, ổn định huyết áp.

Căng thẳng, lo âu quá mức

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những người bị căng thẳng thần kinh, lo âu quá mức hay bị stress sẽ làm tăng nhịp tim. Dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là adrenalin, noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp.

Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, kiên nhẫn và luôn luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

(Ảnh minh hoạ: Ngôi Sao).

Bệnh lý đi kèm

Bệnh lý tăng huyết áp thường thấy trong dân số là tăng huyết áp nguyên phát (vô căn). Tỷ lệ này chiếm hơn 90%. Gần 10% số lượng bệnh nhân có huyết áp cao còn lại là do mắc các bệnh lý như bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận hoặc các bệnh lý nội tiết khác như cường Aldosteron tiên phát (hội chứng Conn), hội chứng Cushing, bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên… Một số sản phụ được ghi nhận tăng huyết áp khi có thai.

Đối với các trường hợp này, ngoài việc kiểm soát huyết áp, cần phải tích cực tìm kiếm nguyên nhân và điều trị. Khi đó, huyết áp sẽ mau chóng ổn định hay thậm chí còn được chữa khỏi.

Triệu chứng bệnh cao huyết áp

1. Đau đầu

Đau đầu là triệu chứng phổ biến liên quan mật thiết tới bệnh cao huyết áp. Hầu hết bệnh nhân cao huyết áp đều than phiền về những cơn đau đầu liên tục.

2. Hồi hộp

Giảm cung cấp oxy là nguyên nhân khiến tim tăng cường hoạt động, cùng với tăng huyết áp sẽ gây ra cảm giác hồi hộp. Hồi hộp, tim đập nhanh là do tim hoạt động bất thường.

(Ảnh minh hoạ: Sức Khoẻ Đời Sống).

3. Chóng mặt, hoa mắt

Khi mắc bệnh cao huyết áp, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt. Triệu chứng đầu tiên là choáng và mất thăng bằng. Ở giai đoạn sau có thể gây chóng mặt.

4. Song thị (nhìn đôi)

Ở giai đoạn sau của bệnh cao huyết áp bạn có thể bị song thị. Song thị là tình trạng nhìn một thành hai. Khi bệnh tiến triển nặng, cao huyết áp cũng gây nhìn mờ.

5. Buồn nôn, ói mửa

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cao huyết áp là buồn nôn, ói mửa kèm theo đau đầu. Mức độ triệu chứng xảy ra ở mỗi bệnh nhân không giống nhau.

Video xem thêm: Thanh niên 23 tuổi mắc bệnh Gút khiến bàn tay bị biến dạng, vì thói quen chỉ ăn thịt và uống nước ngọt!

videoinfo__video3.dkn.tv||c225fbf5e__