Năm 1872, các công nhân xây dựng, trong khi đào một cái hố để chôn cột rào gần bờ hồ Winnipesaukee, thuộc khu vực New England, Mỹ, đã phát hiện được một cục đất sét, bên trong chứa một hiện vật hình quả trứng, nằm dưới mặt đất khoảng 1,8 m…

Được đặt tên là ‘Hòn đá bí ẩn’ (Mystery Stone), đây là một trong những di vật gợi tò mò và ít được biết đến ở bang New Hampshire. Trong hơn một trăm năm qua, các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp và nghiệp dư đã đưa ra nhiều phỏng đoán về nguồn gốc của hiện vật kỳ lạ này , nhưng vẫn chưa thể tìm ra một câu trả lời xác đáng.

Loại đá này không phổ biến ở bang New Hampshire và không một tạo vật nào khác với những họa tiết hay thiết kế tương tự từng được phát hiện trên nước Mỹ. Nhiều khả năng đây là sản phẩm của những người nào đó sống trên một vùng đất cách xa Châu Mỹ vào một thời kỳ vô cùng xa xưa, bởi chưa từng tìm thấy một sản phẩm nào được các bộ lạc thổ dân da đỏ tạo ra có thể thể hiện được một tay nghề điêu luyện như vậy.

102Veazy_Pano1-300x142
Hồ Winnipesaukee ở New Hampshire, Mỹ. (Ảnh: blog.nicolewatkins.com)

Miêu tả quả trứng đá bí ẩn

Quả trứng đá bí ẩn này có chiều dài xấp xỉ 10,2 cm, chiều dày 6,4 cm, cân nặng 510,3 g, cùng với một tông màu tối. Cứng như đá gra-nít, hòn đá này có kích cỡ và hình dạng của một quả trứng ngỗng. Đây là loại đá thạch anh, có nguồn gốc từ đá sa thạch, hay đá mylonite, một loại đá mịn được hình thành nhờ sự dịch chuyển của các lớp đá dọc theo các đới đứt gãy. Có các lỗ khoan ở cả hai đầu hòn đá và nó được khoan thông từ đầu bên này sang đầu bên kia bằng các công cụ có kích thước khác nhau, rồi được đánh bóng dọc theo bề mặt.

Ngoài thiết kế và tạo hình khác thường, hòn đá này còn được in dấu những nét chạm khắc kỳ lạ, từ các biểu tượng thiên văn cho đến một khuôn mặt người dọc theo các mặt bên trơn nhẵn của quả trứng đá. Trên một mặt bên của quả trứng, có những biểu tượng trông giống các mũi tên ngược, Mặt Trăng cùng hai chấm tròn và một hình xoắn ốc. Mặt bên kia có chạm khắc một hình bắp ngô với 17 hạt ngô trong một hàng. Bên dưới bắp ngô là một vòng tròn với 3 biểu tượng khác nhau bên trong; một trong số đó trông giống một cái chân nai, cùng với một loài động vật có đôi tai to. Mặt bên “thứ ba” hiển lộ một cái lều có bốn cây cọc, một hình bầu dục và một khuôn mặt người. Khuôn mặt được khắc trũng xuống với phần mũi không trồi lên quá bề mặt quả trứng, kèm theo một đôi môi dường như mang đến cho khuôn mặt một nét biểu cảm có chủ đích.

Details of carvings on two of the sides of the stone (Noahsage) Các họa tiết được chạm khắc trên hai mặt bên hòn đá. (Ảnh: Noahsage)
Các họa tiết được chạm khắc trên hai mặt bên hòn đá. (Ảnh: Noahsage)

Lịch sử của quả trứng đá ở hồ Winnipesaukee

Chính Seneca A. Ladd, một thương nhân địa phương, là người đã thuê các công nhân đào hàng rào, từ đó khám phá ra món cổ vật thú vị này. Khi lần đầu tiên được tiết lộ cho công chúng, tạp chí American Naturalist đã miêu tả món cổ vật này như “một di vật đặc biệt của những người thổ dân da đỏ”. Các tài liệu và bài báo đã chỉ ra rằng vào năm 1872, ông Seneca Ladd là người sở hữu quả “trứng” này và vào năm 1885, nó đã đủ sức hấp dẫn để được lưu danh vào trong cuốn sách lịch sử của hạt. Ông Ladd qua đời vào năm 1892 và vào năm 1927, một trong những người con gái của ông, bà Frances Ladd Coe, ở Center Harbor, đã tặng hòn đá cho Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử bang New Hampshire (New Hampshire Historical Society) ở Concord, thủ phủ tiểu bang này. Tại đây, quả trứng này đã được tách riêng khỏi những hiện vật văn hóa của Thổ dân da đỏ vào giai đoạn những năm 1800 cùng những vật phẩm thu hút khách tham quan khác.

Seneca A. Ladd. (Cowhampshire) Chân dung ông Seneca A. Ladd. (Ảnh: Cowhampshire)
Chân dung ông Seneca A. Ladd. (Ảnh: Cowhampshire)

Những giả thuyết gây tranh cãi về nguồn gốc của quả trứng kỳ lạ

Về mục đích của quả trứng đá, đã có những nỗ lực của các nhà sử học trong những năm vừa qua nhằm đưa ra một cách giải thích cho hòn đá bí ẩn này.

Thông qua các cách diễn giải ban đầu, người ta đã đưa ra một câu trả lời đơn giản nhất. Tháng 11/1872, tạp chí American Naturalist đã đưa ra một giả thuyết cho rằng hòn đá này là “vật kỷ niệm cho một hiệp ước nào đó được ký kết giữa hai bộ lạc”. Tuy nhiên, ý tưởng này không thể trụ vững về lâu dài. Sau đó có một giả thuyết khác được đưa ra cho rằng hòn đá này là một loại công cụ từ thời cổ đại.

Cũng có những ý kiến cho rằng quả trứng này có thể bắt nguồn từ người Celtic hoặc người Inuit (hay Eskimo), và vào năm 1931, một bức thư được gửi tới Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử bang New Hampshire gợi ý rằng đây là một hòn “lôi thạch” (thunderstone). Cũng được gọi là “lưỡi tầm sét” (thunderbolt) hay “rìu sét” (thunder axe), lôi thạch là một công cụ lao động bằng đá, thường có hình dạng giống một lưỡi rìu, được cho là sẽ “từ trên trời rơi xuống”. Các câu chuyện kể về lôi thạch có thể được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, và thường được liên hệ với vị Thần sấm. Tác giả của bức thư tiếp tục nói rằng những vật thể như vậy “luôn luôn cho thấy dấu vết đã được gia công bằng tay hoặc bằng máy: chúng thường bắt nguồn từ sâu trong lòng đất, được vùi trong nhiều lớp đất sét, hoặc thậm chí được lớp đá rắn chắc hoặc san hô bao bọc xung quanh”.

Các lỗ khoan tròn trịa

Một chi tiết thú vị đáng chú ý khác là hai đầu hòn đá có hai lỗ khoan với kích thước hơi khác biệt. Mỗi lỗ khoan đều thẳng, không phải thuôn nhọn. Các rãnh khía ở lỗ khoan bên dưới cho thấy hòn đá này đã được đặt trên một trục kim loại và được tháo dỡ một vài lần, theo một phân tích được giới chức bang New Hampshire tiến hành vào năm 1994. Richard Boisvert, một nhà khảo cổ của bang, tin rằng các lỗ khoan này rất cân đối. “Tôi đã từng nhìn thấy một số lỗ khoan trên đá với trình độ công nghệ có thể sẽ khiến chúng ta liên tưởng tới nền văn minh Bắc Mỹ vào thời tiền sử. Nhưng những lỗ khoan vào thời đó có một số chỗ bất cân xứng nhất định, nhưng cái lỗ khoan [trên quả trứng] này lại cực kỳ cân đối từ trong ra ngoài. Điều chúng tôi không thể tìm ra là các chỗ biến dạng trên bề mặt quả trứng, vốn tương thích với một mốc niên đại giả thuyết vào khoảng vài trăm năm trước đây”, ông cho hay.

Ông Boisvert tiếp tục đề xuất rằng các lỗ này đã được khoan sử dụng các công cụ chạy điện  chứ không phải các kỹ thuật truyền thống của những người thổ dân da đỏ. Ông nói thêm rằng rất có thể các lỗ khoan này đã được tạo ra trong thế kỷ 19, nghĩa là cổ vật này đã bị tác động về sau này. Giả thuyết này khiến một số người tin rằng bí ẩn về hòn đá hồ Winnipesaukee chỉ đơn giản là một trò bịp bợm khá công phu.

Một điều duy nhất dường như khá chắc chắn, hoặc ít nhất đã có nhiều sự đồng thuận, là hòn đá này đã được tạo ra nhờ sử dụng một loại máy móc nào đó. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết được ai là người đã tạo ra vật thể này, từ bao giờ và vì lý do tại sao. Có một thời điểm, hòn đá này đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học, với việc Viện Smithsonian ở Washington D.C. đề nghị gửi một tấm bản đồ tới ông Seneca A. Ladd để làm một bản đúc của quả trứng. Hiện nay, hòn đá đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử bang New Hampshire, bao quanh bởi những chiếc gương để làm nổi bật những nét đặc trưng của nó.

The face on the Lake Winnipesaukee mystery stone, New Hampshire, USA (Noahsage) Khuôn mặt được chạm khắc trên hòn đá bí ẩn ở hồ Winnipesaukee, bang New Hampshire, Mỹ. (Ảnh: Noahsage)
Khuôn mặt được chạm khắc trên hòn đá bí ẩn ở hồ Winnipesaukee, bang New Hampshire, Mỹ. (Ảnh: Noahsage)

Tác giả: Bryan Hill , Ancient Origins
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm: