Ngày 26/01/2019, tờ Daily Telegraph viết: “Nếu sinh học được định nghĩa như một khoa học về sự sống, thì nó đã thất bại”. Tại sao lại thất bại? Sự sống là gì? Để có một câu trả lời thỏa đáng, chúng ta nên học hỏi từ các nhà khoa học hàng đầu xem họ nghĩ gì về bản chất sự sống …

Bài báo trên tờ Daily Telegraph của Anh ngày 26/01/2019, có một tiêu đề dài dòng khó hiểu: “I predict a great revolution’: inside the struggle to define life”[1] (Tôi dự đoán một cuộc cách mạng lớn: bên trong cuộc đấu tranh nhằm định nghĩa sự sống).

Nhưng chịu khó đọc sẽ nhận ra nội dung cơ bản của nó là hy vọng sẽ có một cuộc cách mạng lớn trong nhận thức về bản chất sự sống, nếu các nhà vật lý có thể giúp các nhà sinh học khám phá ra nguồn gốc nẩy sinh mã DNA (DNA Code).

Niềm hy vọng đó bắt nguồn từ nỗi thất vọng sâu xa của các nhà sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên, tức các nhà sinh học tiến hóa, rằng mã DNA bắt nguồn từ đâu.

Câu hỏi “mã DNA bắt nguồn từ đâu?” là câu hỏi “chết người” đối với thuyết tiến hóa, kể từ năm 1953 đến nay, vì kể từ đó, bài toán nguồn gốc sự sống quy về bài toán nguồn mã DNA.

Nhưng không ai biết mã DNA bắt nguồn từ đâu. Khoa học thuần túy động lực học, tức vật lý và hóa học, bất lực trước câu hỏi về nguồn mã DNA, vì:

  • Thông tin là thực thể phi vật chất, không bao giờ bắt nguồn từ vật chất
  • Thông tin luôn luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh, tức người sáng tạo ra thông tin đó!  

Vậy AI viết ra mã DNA – chương trình kiến tạo và duy trì sự sống – nếu không phải là Đấng sáng tạo ra sự sống, hoặc Đấng lập trình sự sống?

Nhưng chủ nghĩa tự nhiên không chấp nhận bất cứ một thế lực phi tự nhiên nào có thể tác động tới tự nhiên, do đó họ bế tắc trước câu hỏi “ai viết ra mã DNA?”. Bài báo trên Daily Telegraph cho biết nhà vật lý Paul Davies hy vọng sẽ tìm ra một quá trình vật lý nào đó sản sinh ra mã DNA. Dù cho Paul Davies rất nổi tiếng, có thể nói ngay rằng hy vọng của ông là hão huyền, trái với nguyên lý cơ bản của thông tin mà Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về nguồn gốc sự sống ở Mainz, CHLB Đức ngày 10-15/07/1983 đã khẳng định, rằng thông tin là một thực thể phi vật chất, không bao giờ nảy sinh từ bản thân vật chất.

Tóm lại, câu hỏi về nguồn mã DNA đã đẩy chủ nghĩa tự nhiên tới giới hạn cứng, buộc khoa học thuần túy vật chất phải dừng lại. Lối thoát duy nhất của sinh học là từ bỏ chủ nghĩa tự nhiên để bổ sung một tiên đề mới, thừa nhận vai trò thiết yếu của Đấng sáng tạo. Nhưng các nhà sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên nhất định không chịu từ bỏ “đức tin” của họ, do đó sinh học của họ lâm vào bế tắc. Tờ Daily Telegraph đã mô tả thực tế đó bằng một ngôn ngữ thẳng thắn bộc trực và hoàn toàn chính xác, rằng sinh học “đã thất bại”.

Sinh học “thất bại” ấy là sinh học nào? Sinh học của ai?.

Đó là sinh học của Lamarck và Darwin, tức sinh học tiến hóa, sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên – nền sinh học coi sự sống chỉ đơn giản như những cỗ máy thuần túy vật lý và hóa học. Bất chấp những cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất sự sống do Louis Pasteur, Gregor Mendel, Thomas Morgan, …  gây ra, sinh học tiến hóa vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay, gây ra những hiểu lầm, hiểu sai và bế tắc trong nhận thức về bản chất sự sống. Vì thế, để có một cái nhìn về sự sống đúng đắn hơn, nên tìm hiểu những biến thiên trong tư tưởng của các nhà khoa học từ đầu thế kỷ 19 cho tới nay. Lịch sử hơn hai thế kỷ qua về nhận thức bản chất sự sống sẽ được tóm tắt trong một lược sử tối giản thông qua 10 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn sau đây:

  1. Jean Baptiste Lamarck (1744 – 1829)
  2. Charles Darwin (1809 – 1882)
  3. Louis Pasteur (1822 – 1895)
  4. Gregor Mendel (1822 – 1884)
  5. Lord Kelvin (1824 – 1907)
  6. Thomas Morgan (1866 – 1945)
  7. Francis Crick (1916 – 2004)
  8. Kurt Gödel (1906 – 1978)
  9. David Baltimore (1938, hiện 85 tuổi)
  10. Werner Gitt (1937, hiện 86 tuổi)

Với mỗi nhân vật, chúng ta sẽ được nghe một hoặc hai ý kiến phát biểu tiêu biểu của nhân vật đó, thể hiện quan điểm của nhân vật đó về bản chất sự sống. Tiếp theo là những bình luận cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề. 

Jean Baptiste Lamarck (1744 – 1829)

Sự sống chỉ là một hiện tượng vật lý. Tất cả mọi biểu hiện của sự sống đều dựa trên những nguyên nhân cơ học, vật lý, và hóa học, những nguyên nhân này mang tính chất vật chất hữu cơ[2].

Tư tưởng nói trên của Lamarck đã trở thành nền tảng triết học của sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên – chủ nghĩa cho rằng sự sống chẳng có gì khác hơn những cỗ máy thuần túy vật lý và hóa học, và do đó trước sau khoa học có thể giải thích được mọi bí mật của sự sống, nếu nắm bắt được mọi định luật vật lý và hóa học. Vấn đề chỉ là thời gian. Kiểu sinh học này đã được Darwin và rất nhiều nhà khoa học khác coi như một chân lý hiển nhiên, để từ đó họ hướng mọi nghiên cứu về sự sống vào việc nghiên cứu các tương tác vật lý và hóa học xảy ra bên trong sự sống hoặc tương tác giữa sự sống với môi trường tự nhiên xung quanh. Đó chính là sinh học theo mô hình của thuyết tiến hóa. 

Phải nói rằng ảnh hưởng của Lamarck là vô cùng sâu rộng, cả về không gian lẫn thời gian. Điển hình như Stephen Hawking, một nhà vật lý xuất sắc trong nửa sau thế kỷ 20, cũng tin hoàn toàn vào học thuyết nguồn gốc sự sống và nguồn gốc loài người của Darwin, bất chấp những sai lầm đã quá rõ ràng của cả Lamarck lẫn Darwin. Sai lầm rõ nhất là học thuyết di truyền “các đặc tính giành được” (acquired characteristics) của Lamarck và học thuyết di truyền “Pangenesis” của Darwin.

Sự di truyền là HUYẾT MẠCH của sự sống. Hiểu sai về di truyền là hiểu sai về sự sống. Cả Lamarck lẫn Darwin đều hiểu sai về di truyền, do đó các lý thuyết về sự sống của cả hai ông đều sai. Điều này đã lộ rõ từ khi các Định luật Mendel về Di truyền được tái khám phá từ đầu thế kỷ 20. Nhưng sự thật đã bị giới tiến hóa che đậy và bóp méo để tạo ra, cái gọi là “lý thuyết tổng hợp về tiến hóa”, trong đó thuyết tiến hóa Darwin được pha trộn một cách gượng ép và phản khoa học với lý thuyết của Mendel. Để biết rõ sự thật này, xin đọc hai bài báo sau đây:

  • “Phát súng ân huệ cho chọn lọc tự nhiên”[3] trên viethungpham.com 07/04/2023
  • “Ý nghĩ thật sự của Mendel về Darwin”[4] trên viethungpham.com 21/04/2023

Charles Darwin

(xem bài “The study of life / Khoa học về sự sống” (2) sẽ công bố vào ngày mai 26/07/2023)

PVHg, 25/07/2023


[1] https://www.theguardian.com/science/2019/jan/26/i-predict-great-revolution-physicists-define-life-paul-davies

[2] Life is merely a physical phenomenon. All manifestations of life are based on mechanical, physical, and chemical causes, being properties of organic matter > Philosophie Zoologique, Paris, 1809, Vol. 1, p. 104 f. > In the beginning was information, Werner Gitt, p.82 / > https://answersingenesis.org/genetics/information-theory/the-five-levels-of-the-information-concept/  > https://viethungpham.com/2020/07/19/the-nature-of-information-ban-chat-cua-thong-tin/

[3] https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[4] https://viethungpham.com/2023/04/21/mendels-real-view-of-darwin-y-nghi-that-su-cua-mendel-ve-darwin/

Thông tin diễn giả:

GS Phạm Việt Hưng

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Xem thêm: