Nhân gian có thời không song song được gọi là tiên cảnh, ngẫu nhiên mở cửa, tình cờ để người tiến vào nhìn thấy thế giới đào nguyên, trong những thời đại khác nhau đều từng phát sinh những sự tình như vậy. 

Động Tiên Cô vào đầu triều Thanh

Một sự kiện đã được ghi lại trong “Hiếu Cảm huyện chí” vào năm Khang Hy thứ 34, mô tả một thế giới động thiên độc đáo – động Tiên Cô. Huyện chí là những ghi chép lịch sử đầu tay do địa phương biên soạn, nhân sĩ địa phương trực tiếp lấy tài liệu từ đương địa, vì vậy độ tin cậy khá cao.

Động Tiên Cô nằm ở phía đông thị trấn Phương Phán, huyện Đại Ngộ, thành Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, là một hang động rất sâu, lòng hang dài ngoằn ngoèo, chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ ngoằn ngoèo, có rất nhiều cột đá được hình thành bởi nhũ đá lấp lánh, hình thù kỳ lạ. Tên ban đầu của hang động này là động Hiếu Cảm, và người dân địa phương cũng gọi nó là “động Tiên Cô”. Cái tên này ra đời như thế nào? Có một câu chuyện như vậy xảy ra vào những năm cuối của triều đại nhà Minh. Trong chiến loạn, một gia đình vô tình tiến vào động Hiếu Cảm, bất ngờ tiến nhập vào một không gian khác.

Cuốn sách cổ “Thu Đăng Tùng Thoại” của nhà Thanh ghi lại: vào cuối thời nhà Minh, có một gia đình họ Dương trốn vào hang động này để tránh chiến loạn trong thời kỳ thay đổi triều đại. Bọn họ men theo con đường đá quanh co khúc khuỷu, cao cao thấp thấp, nhấp nhô lên xuống bên trong hồi lâu, chợt nhìn thấy trước mặt có một cánh cửa đá, cửa đá mở ra, xuyên qua cửa đá có một tia sáng mờ nhạt. Họ rất tò mò, liền bước vào bên trong. Họ đi tiếp khoảng một dặm nữa, và ánh sáng mạnh dần lên, như thể sắp đến một lối ra ở đầu bên kia. Cuối cùng, họ đến một nơi có ánh mặt trời chiếu sáng rực rỡ, xa xa lâu đài đình các lung linh, đâu đâu cũng có hoa và chim, tất cả đều mỹ lệ đến mức không giống bất cứ thứ gì trên thế gian. Sau đó, họ nhìn thấy một thiếu nữ trẻ đang ngồi trên chiếc giường đá phía trước. Thiếu nữ nói với nhà họ Dương: “Thế gian chiến loạn đã qua rồi, nơi đây không phải là nhân gian, mọi người không thể lưu lại đây lâu, nếu không sẽ không thể quay về.”

Động Tiên ở Tuyên Quang

Nhà họ Dương nghe điều này, vô cùng kinh ngạc. Vì vậy, họ lập tức men theo con đường ban đầu để quay trở lại, khi ra khỏi hang, họ liền nhìn thấy quê hương của mình diện mạo đã thay đổi rất nhiều so với trước khi tiến vào hang. Nhà họ Dương hỏi những người khác, mới biết rằng đã cải triều hoán đại, lúc này đã là những năm Khang Hy của nhà đại Thanh. Họ cảm thấy rằng từ khi vào hang đến khi ra khỏi hang chỉ có thời gian một ngày, mà tại nhân gian đã hơn bốn mươi năm đã trôi qua. Sau khi kinh nghiệm của họ được lan truyền, mọi người cho rằng những gì họ đã gặp trong hang có lẽ là một tiên nữ, vì vậy họ gọi hang là “động Tiên Cô”.

Vào năm Khang Hy thứ 34 của triều đại Thanh, “Hiếu Cảm huyện chí” đã ghi lại sự việc này. Câu chuyện người nhà họ Dương từ trong động trở về hiện thực rất tương tự với các sự kiện không gian song song từng xảy ra ở thời hiện đại, người dân địa phương để lại ghi chép của họ trong huyện chí, điều này khiến mọi người tin rằng sự tồn tại của thế giới thần tiên không phải là một lời nói dối! Có bao nhiêu cổng không gian thời gian như vậy trên Trái Đất?

Người triều Hạ trong động tiên

Chàng Văn ngỡ ngàng trước cảnh thần tiên trong hang! (Pixabay)

Huyện Nguyên Lăng, thành Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam hiện tại, là nơi sở tại của huyện Thần Khê vào thời cổ đại, thuộc quản hạt Thần Châu. Từ Thần Châu ngược dòng nước trăm dặm, ở bờ bắc sông có thôn Đằng. Vào năm Nguyên Gia thứ 26 của Tống Văn Đế ở Nam triều, ở thôn Đằng có một nam tử tên là Văn Quảng Thông. Một ngày nọ, một con lợn rừng đột nhập vào ruộng của chàng, ăn hết nông sản. Phát hiện ra, Văn Quảng Thông lập tức dùng cung tên bắn chết con lợn rừng, con lợn rừng trúng tên bị thương nhưng trốn thoát. Văn Quảng Thông lần theo vết máu của con lợn rừng hơn mười dặm, cuối cùng, vết máu biến mất trước cửa một hang động. Chàng Văn không muốn phí công, vì vậy liền bước vào hang, vừa bước vào, đột nhiên nhìn thấy giống như thiên đường, trong tâm vạn phần kinh dị.

Động sâu đến mức Văn Quảng Thông đi hơn ba trăm bước vẫn chưa thấy điểm cuối. Đột nhiên trước mắt sáng rực, hiện ra hàng trăm ngôi nhà phía trước. Có người đang hành tẩu trên con đường nhỏ, thoạt nhìn trông không có gì khác biệt, nhưng cảnh tượng ở đây tao nhã và yên tĩnh, trong đời chàng chưa từng gặp mỹ cảnh nào như vậy, không khỏi cảm thán, quả là thế giới thần tiên. Rồi chàng nhìn thấy con lợn rừng đó, nó chạy vào chuồng lợn của một gia đình trong thôn, liền bước đến tìm.

Khi bước vào nhà của gia đình đó, đột nhiên có một ông lão bước ra, nói với Văn Quảng Thông: “Ngươi là người đã bắn con lợn của ta phải không?” Văn trả lời: “Tôi không vô duyên vô cớ làm tổn thương nó, nhưng con lợn này ăn hết mùa màng của tôi.” Ông lão nói: “Một con lợn giẫm đạp lên mùa màng của người khác là sai, nhưng có người muốn bắt cả con lợn đi còn sai hơn.” Văn Quảng Thông bị ông lão thức tỉnh, lập tức quỳ xuống xin lỗi. Ông lão nói: “Biết lỗi mà sửa, vậy là tốt rồi, con heo trong mệnh đáng bị báo ứng lần này, không cần đền tội.”

Lúc này, ông lão khách khí mời Văn Quảng Thông vào nhà. Chàng Văn thấy trong phòng khách tràn ngập sách thơm, có hơn chục thư sinh, họ đều y phục như nho sĩ, đầu đội mão chương phủ, thân mặc áo rộng tay. Trên chiếc trường kỷ hướng về phía nam, một ông lão đang giảng “Lão Tử”. Đồng thời, từ phòng bên truyền tới nhạc âm của đàn cầm, giai điệu rất vui tai. Một lúc, một cậu bé đã mang thức ăn và rượu đến, ông lão mời Văn Quảng Thông cùng ăn cơm uống rượu vui vẻ, chàng Văn ăn uống no nê, cảm thấy thân thể thập phần dễ chịu.

Văn Quảng Thông nhân cơ hội hỏi cậu bé gác cổng: “Đây rốt cuộc là nơi nào?” Cậu bé đáp: “Trong phòng, những thư sinh đều là hiền nhân, họ đến đây vào cuối thời nhà Hạ để thoát ly sự thống trị của bạo quân Hạ Kiệt, học Đạo mà thành thần tiên. Vị tiến sĩ đang giảng ‘Lão Tử’ chính là Hà Thượng Công. Còn tôi là người huyện Sơn thời nhà Hán, tôi tên là Vương Phụ Tự. Tôi đến đây hướng Hà Thượng Công mong được thỉnh giáo một số nghi vấn trong ‘Lão Tử’. Tôi đã làm đầy tớ quét dọn trong 120 năm dưới môn hạ của Hà Thượng Công, hiện tại tôi mới được làm người gác cổng, nhưng tôi vẫn không cách nào đắc được yếu quyết Đạo Kinh.”

Văn Quảng Thông thực sự muốn ở lại đây, nhưng ông lão không đáp ứng. Lão ông phái phái người gác cửa dẫn chàng Văn rời đi, đồng thời dặn đóng cửa không cho người ngoài vào. Khi Văn Quảng Thông đi theo cậu bé Vương Phụ Tự đến lối ra của hang động, chàng miễn cưỡng nói lời cáo biệt với cậu bé tới ba lần, nghĩ rằng sau lần chia tay này, sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Khi Văn Quảng Thông bước ra khỏi hang, liền phát hiện cung tên mà mình mang theo đã cũ đi một cách kỳ lạ. Sau khi trở về làng, dân làng đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chàng. Người nhà gặp lại chàng càng vui mừng khôn xiết, hóa ra chàng đã mất tích mười hai năm, người nhà đã sớm lo tang lễ. Trong chuyến đi ngắn ngủi đến động tiên, mà mười hai năm đã trôi qua như một mũi tên bên ngoài động.

Ngày hôm sau, Văn Quảng Thông và một số dân làng hiếu kỳ lại tìm đến động tiên. Chàng đi đến cửa động tiên, nhưng chỉ thấy một tảng đá lớn chặn cửa hang, không cách nào đẩy nó ra. (Nguồn: “Thần tiên cảm ngộ truyền”)

Tác giả: Hoài Nhẫn Nhẫn, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Từ Khóa: