Ông Kiều Văn Chương nhận mình là người đã mua 3 cây đa cổ thụ của người dân ở Đắk Lắk với giá cao nhất 20 triệu đồng. Song, về nguồn gốc của những cây cổ thụ này đang bị tạm giữ tại Huế có một bộ hồ sơ không đúng với thực tế.  

Người tự xưng chủ 3 cây “quái thú” khai gì?

Sáng nay (7/4), Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) cho biết, đã lấy lời khai của những người liên quan đến vụ 3 cây đa “khủng” đang được tạm giữ ở phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy).

Những người được lấy lời khai gồm chủ 3 cây “quái thú” gồm: ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Tp.Hà Nội), cùng chủ doanh nghiệp vận tải là Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (trụ sở tại Quảng Bình) và các tài xế lái xe vận chuyển các cây trên.

Ông Kiều Văn Chương là người đã mua 3 cây đa của người dân ở Đắk Lắk với tổng giá trị 49 triệu do có người quen giới thiệu. Giá mỗi cây lần lượt là 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng, theo Zing.

Các hộ dân này đã làm đơn xin chính quyền xã khai thác và được đồng ý. Sau đó, ông Chương bỏ tiền thuê người khai thác cây với tiền công 7 triệu đồng/cây, chưa tính tiền xe múc đào đất khoảng vài triệu đồng/cây.

Sau khi khai thác các cây, ông Chương thuê Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây từ Đắk Lắk ra Thạch Thất (Hà Nội) với giá 35 triệu đồng/cây. Khi vận chuyển về đến Hà Nội, người này sẽ bán lại các cây cho người khác.

Vụ 3 cây "quái thú": Chữ ký "quái lạ" của Phó chủ tịch xã
3 cây đa khủng đang được cơ quan chức năng tạm giữ. (Ảnh: Zing)

Phó chủ tịch xã ký bừa thừa nhận sai sót

Chiều qua (6/4), ông Đỗ Quang Tùng – quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa báo cáo kết quả xác minh nguồn gốc 3 cổ thụ đang bị tạm giữ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đó có 1 bộ hồ sơ không đúng với thực tế, theo Người Lao Động.

Ông Kiều Văn Chương là chủ của 3 cây xanh cỡ lớn đang bị tạm giữ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến làm việc và xuất trình 3 bộ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc của 3 cây này.

Kết quả xác minh cho thấy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản của bà H’ Yôna Buôn Yă (buôn Sú, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) gồm: đơn vận chuyển, bản đăng ký khai thác, đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cổ thụ… ghi ngày 23/3.

Các loại giấy tờ này đã được bà H’Phi La Niê – Phó Chủ tịch xã Ea Hồ, ký xác nhận cùng ngày. Trong các đơn và bản đăng ký có chữ ký của bà H Yôna Buôn Yă và chữ ký, đóng dấu của bà H’Phi La Niê, song không có chữ ký của cán bộ kiểm lâm.

Tuy nhiên, ngày 5/4 Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng với bà H’ Yôna Buôn Yă có biên bản làm việc xác định, bà này không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Bà H’ Yôna Buôn Yă khẳng định, trên vườn rẫy nhà mình không có bất kỳ cây đa sộp nào.

“Như vậy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản này là không đúng với thực tế đã được Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng kiểm tra, xác minh lại”, báo cáo ghi.

Vụ 3 cây "quái thú": Chữ ký "quái lạ" của Phó chủ tịch xã
Hình cảnh cây đa (trong hồ sơ khai thác cây) ở rẫy gia đình ông Y Nô Byă trước thời điểm khai thác. (Ảnh: Người Lao Động)

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tại biên bản làm việc lần 2 ngày 5/4 với Hạt Kiểm lâm, bà H’Phi La Niê thừa nhận chữ ký trong hồ sơ là của mình nhưng do giải quyết hồ sơ cho dân nhiều nên không đọc hết nội dung các đơn và một phần chủ quan nên đã ký xác nhận đơn xin khai thác, vận chuyển cây ngày 23/3.

Bà H’Phi La Niê phân trần: “Do tôi sơ suất, không kiểm tra chứ không cố tình ký. Chữ ký và con dấu đó là thật, không phải giả”. Trước đó, bà H’Phi La Niê một mực khẳng định, bà không hề ký giấy xin khai thác cây nhà H Yôna Buôn Yă.

Ông Đỗ Quang Tùng cho biết, Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc 1 trong 3 cây không đúng theo hồ sơ. Nếu chủ hàng không chứng minh rõ ràng thì tịch thu và xử phạt. Về việc bà H’Phi La Niê ký bừa, ông Tùng cho rằng cơ quan chức năng địa phương cần phải xác minh mức độ sai phạm để xử lý trách nhiệm.

2 cây còn lại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác minh thực tế đúng với hồ sơ, đều khai thác trên đất nông nghiệp của các hộ dân. Trong hồ sơ, ngày 12/3 một cây khai thác từ đất nông nghiệp nhà ông Phạm Đình Thướng (sinh năm 1967, trú thôn 3, xã EaPil, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk). Cây này được đại diện Hạt Kiểm lâm M’Đrắk, UBND xã Ea Pil kiểm tra, xác minh thực tế vào ngày 21/3, sau đó được UBND xã Ea Pil xác nhận nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 23/3.

“Trên đất sản xuất của gia đình tôi sót lại một cây đa sộp, rất cản trở cho việc canh tác. Cây đa ảnh hưởng rất lớn đến việc cày, gieo trồng. Để thuận lợi cho việc trồng cây, tôi được biết có chủ trương của nhà nước cho khai thác tận dụng cây trên nương rẫy. Nay tôi xin đăng ký khai thác số cây nói trên để về làm cây bóng mát” – đơn ông Thướng ghi “rành rọt”.

Còn một cây có nguồn gốc trên đất nông nghiệp đã cấp sổ đỏ của ông Y Nô Byă (buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Cây này được đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, UBND thị trấn Buôn Trấp kiểm tra, xác minh thực tế.

Khôi Minh