Hãng tin CNBC của Mỹ mới đây đã tổng kết lại quá trình Trung Quốc âm thầm xây dựng phi pháp và hoàn thiện một trong những tiền đồn quân sự quan trọng nhất trên Biển Đông.

Quần đảo Trường Sa là một điểm nóng hơn cả so với các khu vực khác thuộc Biển Đông vì có 6 bên cùng tuyên bố nhận chủ quyền.

Ở phía bắc, Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng phi pháp một tiền đồn lớn trên đảo Phú Lâm (Woody), quần đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, và là trung tâm trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoàng Sa
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: CSIS)

Bắc Kinh lần đầu tiên chiếm đảo Phú Lâm vào năm 1955. Ảnh vệ tinh trên cho thấy hòn đảo trông như thế nào vào ngày 14/12/2012.

“Đảo Phú Lâm là trung tâm hành chính và quân sự cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông”, theo ông Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), kiêm Giám đốc Sáng kiến Minh bạch về Hàng hải Châu Á (AMTI) nói với CNBC.

Trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2016, Trung Quốc đã nâng cấp đáng kể việc lắp đặt đường băng và mở rộng cơ sở hạ tầng của hòn đảo, như được thể hiện dưới đây.

Đảo Phú Lâm
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: CSIS)

Ông Poling lưu ý rằng kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã sử dụng tiền đồn này như là một khuôn mẫu cho việc nâng cấp các căn cứ của mình trên quần đảo Trường Sa.

Ông nói: “Chúng tôi cho rằng bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy ở đảo Phú Lâm rốt cuộc cũng sẽ được áp dụng ở phía nam để đe doạ trực tiếp hơn các nước láng giềng của Trung Quốc”.

Tóm lại, có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ triển khai các tiện ích như đã thấy trên đảo Phú Lâm ra các nơi khác trên khắp Biển Đông, theo CNBC.

Phú Lâm
Một máy bay chiến đấu được nhìn thấy trên Đảo Phú Lâm (Ảnh: CSIS)

Chưa đầy một năm sau, AMTI đã phát hiện máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Không rõ máy bay này có phải là máy bay duy nhất trên hòn đảo nay hay không, vì có thể có những máy bay khác ở bên trong các nhà chứa.

Theo ông Poling, đảo Phú Lâm được cho là nơi có “mức độ triển khai hiện đại nhất về các tài sản quân sự ở Biển Đông”.

Dưới đây là ảnh vệ tinh gần đây nhất của hòn đảo, được chụp vào ngày 25/1/2018.

Phú Lâm
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: CSIS)

Các nguồn lực đã được triển khai bao gồm tên lửa đất đối không HQ-9, máy bay chiến đấu J-10 và J-11, các bệ phóng tên lửa hành trình chống tàu, cũng như các máy bay chuyên chở và tuần tra quân sự. Hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc là một hệ thống phòng không tầm xa. Các máy bay đánh chặn được lắp và phóng từ một chiếc xe tải và có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Ông Poling lưu ý rằng việc Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 lên đảo Phú Lâm là một biện pháp phòng thủ được sử dụng để bảo vệ các máy bay và tàu biển gần đó.

Thanh Hoa