Khi bà Nghĩa đến Cơ quan CSĐT Công an H.Trảng Bàng để nhận kết quả khám nghiệm tử thi của mẹ bà thì được giải thích đây là “văn bản mật” nên không thể cung cấp (?!).

Chiều 22/4, bà Nguyễn Thị Nghĩa (61 tuổi, ngụ ấp Hòa Hội, xã An Hòa, H.Trảng Bàng, Tây Ninh) phán ánh cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh liên quan cái chết bất thường của mẹ bà đã 14 tháng nay, nhưng không làm được giấy khai tử, mặc dù trước đó Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo về vụ việc này.

Trước đó, ngày 6/2/2017, cụ bà Nguyễn Thị Trí (88 tuổi) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Trảng Bàng với triệu chứng nôn ói, đau bụng. Sau khi được nhân viên y tế chăm sóc thì cụ Trí choáng váng, co giật và tử vong. Do nghi ngờ có điều bất thường trong chuyên môn dẫn đến cái chết không bình thường của mẹ nên gia đình yêu cầu được giám định pháp y.

Nội dung đơn kêu cứu của bà Nghĩa. (Ảnh: Giang Phương)

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an H.Trảng Bàng phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cùng cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kết luận cụ Trí tử vong do bệnh lý (nhồi máu cơ tim cấp – xơ hóa động mạch vành, viêm phổi…). Do đó, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự do không có dấu hiệu phạm tội.

Sau đó, gia đình bà Nghĩa đến xã An Hòa, H.Trảng Bàng đăng ký khai tử cho cụ Trí nhưng không được do không có kết quả giám định pháp y. Tuy nhiên, khi bà Nghĩa đến Cơ quan CSĐT Công an H.Trảng Bàng để nhận kết quả thì được giải thích đây là “văn bản mật” nên không thể cung cấp (?!).

Trước dư luận báo chi phản ánh vụ việc, thì ngày 8/11/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương giải quyết ngay việc đăng ký khai tử cho gia đình bà Nghĩa theo đúng quy định và báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước ngày 25/11/2017.

Tuy nhiên, bà Nghĩa cho biết ngày 17/11/2017, theo thư mời làm việc, bà đến xã An Hòa để thực hiện thủ tục đăng ký khai tử cho mẹ. Trong biên bản làm việc, đại diện Sở Tư pháp Tây Ninh đề nghị gia đình đăng ký khai tử cho cụ Trí với phần nguyên nhân chết để trống, sẽ bổ sung sau nhưng bà Nghĩa không đồng ý.

Về phương án công an sẽ cho gia đình bà Nghĩa xem các kết quả giám định pháp y để gia đình làm thủ tục đăng ký, tuy nhiên khi bà Nghĩa đề nghị được mang kết quả giám định này về để người nhà cùng xem rồi đăng ký sau thì không được chấp nhận với lý do đây là tài liệu mật. Do đó, bà Nghĩa đã từ chối khai tử theo cách này. Từ đó đến nay, tất cả đều rơi vào im lặng.

Luật sư Đinh Thái Hoàng (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh) khẳng định việc gia đình bà Nghĩa yêu cầu được cung cấp kết luận giám định pháp y là yêu cầu chính đáng để tiến hành khai tử. Luật sư Hoàng cho rằng cơ quan công an cần phải tuân thủ pháp luật được quy định tại điểm d, khoản 2, điều 4, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.

“Giấy kết luận giám định pháp y không phải là tài liệu mật, đây là tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được công khai để đảm bảo tính công bằng và minh bạch”, luật sư Hoàng nói.

Đức Huy