Một trong những thắng lợi của Việt Nam khi đàm phán CPTPP là hầu hết các nước đều cắt giảm thuế sớm cho Việt Nam, kể cả hàng nông sản. Như vậy, những lĩnh vực thế mạnh được giảm thuế sớm sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường các nước thành viên CPTPP.

Theo tờ Doanh nghiệp Việt Nam, khi thực hiện hiệp định CPTPP, mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của hàng hóa Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP giảm từ 1,7% xuống còn 0,2%.

Với thị trường gần 400 triệu dân của 11 nước trong CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng từ 4-7%. Các nước Canada, Nhật Bản, Australia, Malaysia… là những thị trường rộng lớn.

Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu nhiều sản phẩm như: Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may… Ngoài ra, những thỏa thuận khác về thương mại điện tử, đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, thủ tục hải quan… chắc chắn sẽ góp phần tạo điều kiện để thu hút đầu tư và công nghệ hiện đại.

gia nhap cptpp hang hoa viet nam co loi the duoc giam thue som

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thế giới đánh giá CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm từ 1,1-3,5% đến năm 2030. Khi kinh tế phát triển sẽ tạo nền tảng để tăng thu nội địa, vì cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự gia tăng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và tăng tiêu dùng của người dân.

Một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, thủy sản, dệt may sẽ được hưởng lợi về thuế từ CPTPP.

Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng được lợi thế về giá để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, để một sản phẩm được chấp nhận cần rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là giá cả, chẳng hạn như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…

CPTPP thúc đẩy dịch vụ tài chính

Là hiệp định đối tác toàn diện, CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách một số dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực nóng như hải quan, thuế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn. Trong các thỏa thuận của CPTPP có thỏa thuận riêng về dịch vụ tài chính, quản lý hải quan, hàng rào phi thuế quan…

Những thỏa thuận trên đều được thống nhất trên nguyên tắc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo sự thuận lợi cho việc cung ứng và sử dụng các dịch vụ tài chính, cung ứng lao động… Chẳng hạn như trong thỏa thuận về quản lý hải quan và hợp tác về hải quan, CPTPP quy định tạo sự thuận lợi trong xác định trước xuất xứ hàng hóa, về việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong thông quan hàng hóa…

Khi thực hiện CPTPP, các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ buộc phải tháo gỡ những rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại và đầu tư quốc tế. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay từ các thủ tục về thuế, hải quan khi xuất khẩu hàng hóa và được hưởng thuận lợi khi làm thủ tục nhập khẩu ở các nước thành viên CPTPP.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đổi mới mạnh mẽ và nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực để có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Quang Minh tổng hợp