Không chỉ người dân đầu tư điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí, mà nhiều nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại… cũng đua nhau lắp điện mặt trời.

VTV News chiều qua (29/5) thông tin, theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 1 năm qua, đã có hàng trăm nhà đầu tư đề xuất làm điện mặt trời với tổng công suất lên tới 26.000 MW, bằng hơn một nửa tổng công suất toàn hệ thống điện quốc gia. Chưa kể, khối doanh nghiệp sản xuất khác và người dân cũng tham gia vào phát triển điện mặt trời.

Hàng trăm hộ dân ở TP. Phan Thiết, Bình Thuận đã chủ động lắp điện mặt trời để ổn định sinh hoạt. Những công trình điện áp mái mọc lên ngày càng nhiều trong các khu phố ở Thủ Dầu Một. Hàng trăm hộ dân cũng đang lắp đặt để hưởng ưu đãi giá trước 30/6.

Với lợi thế về thời tiết, ở TP. HCM, rất nhiều hộ dân sử dụng loại điện năng lượng mặt trời để thay thế một phần cho điện lưới quốc gia.

Một dự án điện mặt trời tại Tây Ninh vừa được đóng điện hòa lưới. (Ảnh: NA/Tuổi Trẻ)

Trên báo Pháp luật TP. HCM, ông Phan Minh Chính, Phó giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), cho biết, tính đến ngày 14/5, Điện lực Bình Thuận đã tiếp nhận được 82 giấy đề nghị bán điện và đã ký hợp đồng mua bán điện. Tổng 82 dự án có công suất lắp đặt 616 kWp, tổng sản lượng đã phát lên lưới đến nay là 99.099 kWh.

Hiện nay, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và bán điện lại cho ngành điện đang tăng cao, công ty đã chủ động dự trù công tơ 2 chiều để lắp đặt cho khách hàng.

Việc chạy đua của các nhà máy điện mặt trời là bởi nếu kịp phát điện trước 30/6, các dự án sẽ được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm. Với các dự án vận hành sau thời điểm này, giá điện sẽ giảm xuống dự kiến ở mức 6,67-7,09 cent/kWh tùy từng vùng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Khôi Minh (tổng hợp)