Bộ Tài chính vừa đưa ra quyết định truy thu gần 2000 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi phát hiện đơn vị này hạch toán sai dẫn đến doanh thu và lợi nhuận năm 2015, 2016 giảm.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2015 là 88,2 tỷ đồng; thuế TNDN năm 2016 là 969,6 tỷ đồng; thu nộp lợi nhuận sau thuế năm 2015 số tiền 887,4 tỷ đồng. Theo Thanh tra Bộ Tài chính, việc EVN hạch toán vào chi phí năm 2015 số tiền 1.341 tỷ đồng (khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – TPHCM giai đoạn 2012-2015) là không đúng với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Trước đó, vào tháng 12/2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dấn khí Phí Mỹ – TPHCM, Bộ Công Thương cho biết chi phí ước tính khoảng 60 triệu USD. Do chưa có nguồn dự phòng (giai đoạn trước năm 2015) để thanh toán chi phí này nên EVN đề nghị cho phép được phân bổ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo, dự kiến từ năm 2016, theo báo Nông nghiệp.

Sau đó, phía bộ Công Thương cũng đề xuất cho EVN được phân bổ 85,26 triệu USD tiền chênh lệch cước phí đường ống dẫn khí Phú Mỹ – TPHCM giai đoạn năm 2012 – 2015 trong 2 năm 2016, 2017.

EVN bị truy thu gần 2000 tỷ đồng vì
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán khoản chênh lệch cước phí như nêu trên.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công Thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ. Cụ thể, năm 2015 EVN hoạch toán hơn 1.341 tỷ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỷ đồng.

Hạch toán sai đã “giúp” EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỷ đồng. Do đó, để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỷ đồng.

“Dù hạch toán tới 70% khoản chênh lệch cước phí này từ năm 2015 nhưng EVN vẫn báo cáo Bộ Công Thương xin Chính phủ được phân bổ vào năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã nói một đằng làm một nẻo. Sai về nguyên tắc tài chính” – một lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Cùng với việc hạch toán sai hơn 1.341 tỷ đồng như nêu trên, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN chưa hạch toán hơn 4.847 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016. Đây là khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016, theo Nguoiduatin.

Qua đó, Công ty mẹ EVN phải kê khai, bổ sung và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 với lãi chênh lệch tỷ giá nêu trên là trên 969 tỷ đồng (20% x 4.848 tỷ đồng).

Trên cơ sở thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện sai sót này của EVN và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền 969,5 tỷ đồng. Phần tiền còn lại sau khi nộp thuế TNDN là 3.878 tỷ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, cho hay quyết định truy thu EVN được đưa ra trên cơ sở thanh tra tài chính EVN. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng phương án xử lý trường hợp này để truy thu và kịp bổ sung vào ngân sách trong những ngày cuối năm 2017.

NguyễnThu