Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 16/9 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau: 

TP. HCM đã dừng chương trình Công nghệ giáo dục từ năm 2000

Từng áp dụng rộng rãi chương trình Công nghệ Giáo dục ở nhiều trường, nhưng đến năm 2000 TP. HCM đã chấm dứt thực hiện chương trình này.

Sở GD&ĐT TP. HCM vừa có thông tin chính thức về việc có áp dụng chương trình Công nghệ Giáo dục (CNGD) tại thời điểm này hay không, VnExpress đưa tin.

Trên thực tế, chương trình CNGD đã được áp dụng thí điểm từ năm học 1985-1986 và tiếp tục thực hiện tự nguyện rộng rãi ở các trường đến trước năm 2000.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình). (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Cụ thể, năm học 1985-1986, với tên gọi chương trình Thực nghiệm (sau này là CNGD) được thí điểm với 2 lớp 1 của trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1).

Các năm học tiếp theo được mở rộng sang trường tiểu học Thực nghiệm (sau này là trường tiểu học Văn Hiến); Tiểu học Lương Định Của (quận 3); Bàu Sen (quận 5); Đinh Tiên Hoàng (quận 9) và Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình).

Không chỉ môn Tiếng Việt, tại các trường trên, môn Toán và Giáo dục lối sống được giảng dạy từ lớp 1 đến hết lớp 5.

Đến năm 1989-1990, trường tiểu học ở 23/24 quận huyện (trừ quận 4) đều thực hiện chương trình tự nguyện, không bắt buộc với học sinh lớp 1, chủ yếu là môn Tiếng Việt.

Khi sách giáo khoa năm 2000 của Bộ Giáo dục triển khai rộng rãi cả nước thì chương trình không còn được thực hiện tại TP. HCM.

Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT có đề nghị tiếp tục dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD ở các địa phương có nhu cầu và trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường.

(Xem chi tiết)

Thủy điện Hoà Bình, Bản Vẽ điều chỉnh mực nước, ứng phó với mưa lũ

Thủy điện Hòa Bình và thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) tiếp tục điều chỉnh việc đóng, mở cửa xả đáy hồ, đảm bảo mực nước chứa an toàn, đối phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn sau bão số 6.

Vào hồi 7h ngày 16/9, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình ở cao trình 116,11m, lưu lượng đến hồ 3.420m3/s, tổng lưu lượng xả 3.991m3/s (bao gồm lưu lượng qua 1 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện), TTXVN đưa tin.

Căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và diễn biến tình hình thời tiết những ngày tới, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 10h sáng nay (16/9).

Đồng thời, tổ chức theo dõi diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo để có quyết định điều hành phù hợp.

thuy dien hoa binh ban ve dieu chinh muc nuoc ung pho voi mua lu
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. (Ảnh: VOV)

Tại hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương – Nghệ An), ngày 15/9, lưu lượng nước về hồ thủy điện là 468 m3/s. Trong 24-72 giờ tới, dự báo lưu lượng nước về lòng hồ tăng từ 800 – 1.000 m3/s.

Để đối phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn sau bão số 6, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, (Tương Dương – Nghệ An) đã vận hành xả hồ chứa để đón lũ với lưu lượng 600m3-800m3/s.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và Công ty thủy điện Bản Vẽ theo dõi chính xác tình hình mưa lũ để xả nước hồ chứa, đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất ngập lụt hạ du.

(Xem chi tiết)

Nguyên chánh án tỉnh Phú Yên bị bắt về tội tham ô

Trong quá trình tại chức từ năm 2012 -2016, ông Lê Văn Phước (chánh án TAND Phú Yên) đã cùng 3 nhân viên kế toán, thủ quỹ lập chứng từ khống, tham ô số tiền 1,3 tỷ đồng. 

Ngày 15/9, công an Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Phước (60 tuổi, nguyên chánh án TAND tỉnh) và bà Ngô Thị Phương Thảo (nguyên kế toán TAND tỉnh) về tội Tham ô tài sản, theo VnExpress.

Theo hồ sơ, TAND Tối cao mỗi năm đều hỗ trợ kinh phí tập huấn hội thẩm, xét xử lưu động, tiền lương… cho tòa án Phú Yên. Từ năm 2012 -2016, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chánh án Phước đã cấu kết với Thảo, ông Trương Công Lộc (58 tuổi, phụ trách kế toán) và bà Huỳnh Thị Thanh Nhàn (nguyên thủ quỹ) nâng khống chứng từ, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng, chia nhau tiêu xài cá nhân.

Theo Zing, tháng 8/2017, nhân viên ở TAND tỉnh đã phát hiện khuất tất về tài chính, kế toán của cơ quan nên gửi đơn tố giác. Tháng 9/2017, ông Lộc bị khởi tố về tội Tham ô tài sản. Mở rộng điều tra, bà Nhàn bị khởi tố cùng hành vi vào tháng 3/2018.

Tháng 12/2017, ông Phước gửi đơn xin nghỉ hưu sớm với lý do chữa bệnh và được chấp thuận vào đầu năm nay.

(Xem chi tiết)

25 học viên cai nghiện ở Cà Mau trốn khỏi trung tâm

Trong lúc đi lao động, 25 học viên cai nghiện ở Cà Mau đã mở cửa trốn vào rừng. 17 người trong số đó đã được tìm thấy.

Vào khoảng 13 giờ chiều 15/9, 25 học viên đã bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau), theo Dân Trí.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã truy tìm. Đến khoảng 18 giờ tối cùng ngày, đã có 17 học viên đã được đưa về, còn 8 học viên vẫn đang lẩn trốn.

Cơ sở cai nghiện Cà Mau. (Ảnh: Dân Trí).

Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Cà Mau thông tin trên VnExpress: “Nhóm học viên này trước đó cai nghiện rất tốt, được cho phép ra khu vực phía sau trồng rau”.

Sau khi bỏ trốn, các học viên này cũng không có hành động gây rối hay đập phá bên ngoài.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau trước đây là Trung tâm giáo dục lao động xã hội, hiện có 394 học viên.

(Xem chi tiết

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News