Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 13/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau: 

Bão Sanba giật cấp 10 sẽ vào Biển Đông 30 Tết

Hiện tại, bão Sanba còn cách bờ biển miền Nam Philippines hơn 150km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.

Đến chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, trên đất liền miền Nam Philippines, sức gió giật tăng lên 1 cấp.

Những giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, tăng tốc lên 30km/h. Đến chiều mai, bão Sanba sẽ nằm trên vùng biển phía Đông đảo Palawan, Philippines, giữ nguyên cấp 8, giật cấp 11.

Sau đó bão sẽ di chuyển chậm lại theo hướng Tây, đi vào Biển Đông nước ta. Đến 16h ngày 15/2 (30 Tết), vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Bưởi Tết Tài – Lộc bán nửa triệu đồng một quả vẫn cháy hàng

Đó là vườn bưởi của gia đình anh Trần Thanh Quang (trú xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đây là năm đầu tiên tiến hành làm thử nên gia đình chỉ tung ra thị trường 200 cặp bưởi hình thỏi tiền vàng có khắc chữ Tài – Lộc. Mỗi quả bưởi có trọng lượng trung bình từ 1,2-1,5kg, theo Thời Đại.

“Mấy năm trước sau khi trồng cam thất bại thì tôi bàn với vợ nên chuyển đổi sang loài cây khác, biết đâu may mắn hơn. Thời điểm này đang rộ lên việc trồng bưởi nên chúng tôi cũng thử làm theo. Nhưng nếu làm giống họ thì khó lắm nên chúng tôi thử chọn giống bưởi hồng về trồng tại trang trại của mình”, anh Quang kể.

Vì là năm đầu tiên nên gia đình anh chỉ trồng khoảng 200 gốc bưởi. Khi vườn bưởi bắt đầu cho trái, anh Quang nảy ra ý định làm bưởi thờ để thắp hương dịp tết. Anh lên mạng tìm hiểu cách để tạo hình quả bưởi rồi vào các vựa bưởi ở khu vực phía nam để tham quan và tìm mua khuôn tạo chữ.

“Sau khi tìm hiểu, tôi phải vào các tỉnh phía Nam mua khuôn bằng nhựa với số tiền 100.000 đồng/chiếc và tìm hiểu cách ép bưởi vào khuôn và chăm sóc. Vụ đầu tiên, gia đình tôi làm thử nghiệm khoảng 200 quả và hiện cho kết quả khả quan”, anh Quang nói.

Để tạo ra hình, trước tiên anh Quang chọn những quả và cành bưởi khỏe, đẹp bỏ vào khuôn khi quả đang còn bằng quả cam, rồi lấy bao ni lông đen bọc phía trên đầu quả để tránh bị cháy nắng.

Hiện tại, mỗi cặp bưởi hình thỏi vàng có khắc chữ Tài – Lộc của gia đình anh Quang được bán với giá 1 triệu đồng/cặp. Dù giá cao gấp nhiều lần so với quả bưởi thường nhưng rất nhiều người đặt mua dẫn đến cháy hàng.

Ngoài bưởi tạo hình năm nay vườn của gia đình anh Quang cũng cung cấp hàng trăm quả bưởi thường để thắp hương dịp tết. Tết này, gia đình anh Quang cũng thu được khoảng 150 triệu đồng.

Năm đầu tiên anh Quang chỉ thử nghiệm khoảng 200 quả. (Ảnh: Thời Đại)

Anh Quang dự định, Tết Nguyên đán 2019 sẽ cho ra lò hàng nghìn quả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hà Giang, Phó chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Hiếu cho hay, mô hình của gia đình anh Trần Thanh Quang được Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn đánh giá cao, đã có nhiều hộ nông dân trong huyện đến học tập để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Nhiều tài khoản ngân hàng bỗng dưng mất tiền trong đêm 26 Tết

Sáng 12/2, khi vừa mới ngủ dậy, một số khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Thái Nguyên đã tá hỏa khi nhận được một loạt tin nhắn thông báo biến động số dư trong tài khoản của mình, theo Zing.

Các giao dịch đều diễn ra khoảng 2-5h sáng 12/2 với cùng một phương thức. Thông báo đầu tiên các khách hàng này nhận được là thông báo xem số dư trong tài khoản, sau đó là liên tiếp các giao dịch rút tiền, với số tiền 3 triệu đồng/lần giao dịch cho tới khi hết tiền trong tài khoản.

Có ít nhất 10 khách hàng tại Thái Nguyên bị đánh cắp tiền trong tài khoản. (Ảnh chụp màn hình)

Chị Phương Dung, một chủ thẻ bị mất hơn 23 triệu đồng cho biết, toàn bộ số tiền trong tài khoản của chị đã bị đánh cắp đêm 11/2.

“Sáng nay mình ra ngân hàng làm thủ tục giải quyết thì cũng gặp nhiều trường hợp tương tự”, chị Dung cho biết.

Một khách hàng khác là anh Duy Tùng cho biết, anh bị mất gần 12 triệu đồng trong tài khoản trong khi thẻ vẫn cất trong ví. Tại ngân hàng, anh là trường hợp đầu tiên trình báo tại nhà băng này. Tuy nhiên, khi lên mạng xã hội chia sẻ, anh biết nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự.

“Số tiền cũng khá lớn, người vài triệu, nhiều thì vài chục triệu và cùng một phương thức tra soát xong với rút tiền từ cây ATM của BIDV”, anh Tùng cho biết.

Anh Văn Huy cũng mất toàn bộ số tiền hơn 7 triệu đồng trong tài khoản vào đêm 11/2 cho biết, sau khi phát hiện mất tiền anh có làm như quy trình là đến ngân hàng viết phiếu rà soát. Ra chi nhánh, anh được làm việc với nhân viên Vietcombank. Phía ngân hàng cho biết phải ra Tết mới có thể giải quyết cho trường hợp của mình.

Anh Huy nói thêm, một số khách hàng như anh bị rút tiền từ cây ATM của BIDV còn tài khoản của anh là bị rút từ cây ATM của Vietcombank.

Đầu giờ chiều ngày 12/2, một số khách hàng của Vietcombank cho biết, họ đã được nhà băng hẹn hoàn trả lại tiền muộn nhất vào ngày mai (13/2). Đây là ngày làm việc cuối cùng của nhà băng trước khi nghỉ Tết Mậu Tuất.

Sáng 12/2, Đại diện Vietcombank thông tin, chi nhánh Thái Nguyên tiếp nhận 2 trường hợp khách đến báo về việc mất tiền trong tài khoản.

Chi nhánh này đã báo cáo về Hội sở và xin phép hoàn trả giao dịch trong 12/2 hoặc chậm nhất là ngày 13/2 để khách hàng yên tâm đón Tết. Việc trình báo và làm việc với cơ quan chức năng liên quan đến điều tra tội phạm công nghệ cao được tiến hành đồng thời.

Trong khi đó, phía BIDV cho biết, họ cũng nhận được thông tin về giao dịch bất thường tại máy ATM của nhà băng này đêm 11/2 sử dụng thẻ ngân hàng Vietcombank. BIDV đang phối hợp cùng Vietcombank để kiểm tra, rà soát, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Hàng nghìn hành khách vạ vật ở ga Sài Gòn vì tàu ‘delay’

Ngày 12/2, nhiều đoàn tàu khởi hành từ ga Sài Gòn trễ giờ so với dự kiến khiến hàng nghìn hành khách chờ đợi, nằm la liệt, vạ vật ở sân ga.

Được biết, sự cố xảy ra từ sáng đến trưa cùng ngày, các đoàn tàu SE26, SE6, SE20 bị dời giờ khởi hành, chậm nhiều giờ. Hành khách ùn ứ, tập trung rất đông ở sảnh và cả khu vực chờ tàu phía trong ga. Nhiều hành khách mệt mỏi đã trải chiếu nằm ở sân ga.

Tàu trễ nhiều giờ, người lớn, trẻ nhỏ bơ phờ ngồi ở Ga Sài Gòn. (Ảnh: Đức Phú)

Tuy nhiên, hành khách không rõ lý do các chuyến tàu trễ giờ khởi hành. Một hành khách đi tàu về Ga Diêu Trì (Bình Định) cho biết, giờ tàu khởi hành là 10h20 nhưng gần 14h tàu vẫn chưa đi.

“Xưa nay chỉ nghe máy bay “delay” chứ chưa bao giờ thấy tàu cũng “delay”. Ga Sài Gòn cũng không có thông báo chính thức lý do mà chỉ thông báo tàu SE26 chưa về đến ga Sài Gòn”, vị hành khách này nói.

Thậm chí, có hành khách than vãn đợi chờ tàu mấy tiếng, không nhà vệ sinh, không quay ra được nhà ga, nhiều người lớn đành cho con đi vệ sinh ngay trên đường ray. “Trong khu vực nhà chờ như thế này mà không có nổi một nhà vệ sinh công cộng”, hành khách này cho hay.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, lúc 0h45 sáng nay, tàu hàng bị trật bánh tại Km 1695+500 (khu gian Hố Nai – Biên Hòa). Sự cố khiến cho nhiều chuyến tàu về Ga Sài Gòn chậm hơn dự kiến, ảnh hưởng dây chuyền, các đoàn tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn cũng chậm hơn dự kiến, theo Zing.

Theo ông Văn, từ chiều đến tối nay, các đoàn tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc sẽ khởi hành đúng giờ.

Từ ngày 20-29 tháng Chạp, mỗi ngày có 18-20 đoàn tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn, chở khoảng 22.000 hành khách ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.


Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Khôi Minh