Chiều ngày 23/2 (mùng 8 Âm lịch), rất đông người đổ về chùa Phúc Khánh tham dự lễ cầu an. Nhiều người không kịp chen chân phải đứng trên cầu vượt Ngã tư Sở vái vọng.

Từ cuối giờ chiều ngày 23/2, hàng nghìn người đổ về chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) dự lễ cầu an và dâng sao giải hạn đầu năm. Cả một đoạn đường Tây Sơn phủ kín người.

Quanh khu vực Ngã Tư Sở có nhiều điểm trông xe miễn phí cho người dân do lực lượng tự quản phường phụ trách. Lực lượng chức năng cho biết xử lý mạnh tay với các điểm trông xe tự phát với giá “cắt cổ”.

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân đi lễ chùa ở những điểm đông người nên tự tìm cách hợp lý để bảo quản tư trang.

Biển người đổ về chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn, một kiểu cầu an ảo
Cảnh sát lập hàng rào bảo vệ trật tự ở chùa Phúc Khánh. (Ảnh: Giang Huy)

Nhiều tổ trinh sát được bố trí mặc thường phục để quan sát, ngăn chặn tình trạng móc túi, trộm cắp lộng hành lúc đông người. Bên cạnh đó, nhằm tránh tình trạng xả rác như mọi năm, hàng nghìn ghế nhựa phát cho người dân ở bên cạnh cổng chùa để ngồi trong thời gian diễn ra lễ cầu an.

Biển người đổ về chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn, một kiểu cầu an ảo
Người phụ nữ không vào được chùa phải đứng trên cầu vượt Ngã tư Sở vái vọng. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Công an quận Đống Đa cho biết, đơn vị đã điều 13 đội nghiệp vụ, công an 16 phường để bảo vệ an ninh trật tự. Hơn 200 cảnh sát cơ động cũng được huy động tạo vòng chốt chặn ở các điểm.

Biển người đổ về chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn, một kiểu cầu an ảo
Bên trong chùa, người dự lễ ngồi chen chúc tham dự lễ dâng sao giải hạn. (Ảnh: Trí thức trẻ)
Biển người đổ về chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn, một kiểu cầu an ảo
Những người đến thật sớm mới có được một chỗ ngồi phía bên trong chùa. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Không chỉ chùa Phúc Khánh mà rất nhiều chùa khác cũng rất đông người đến làm lễ dâng sao giải hạn, kéo dài từ sau Tết đến qua rằm Tháng Giêng.

Tuy nhiên, Các nhà tu hành cho rằng, trong giáo lý nhà phật không có việc cúng sao giải hạn, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ rằng, khi con người tin trên đời có sao tốt, xấu, ngày đẹp, ngày xấu sẽ đánh mất niềm tin vào luật nhân quả. Việc cúng sao giải hạn là một quan niệm sai lầm, theo Zing.

Việc tin có sao xấu, tốt, ngày giờ đẹp, xấu đồng nghĩa với mọi người tự ‘cấy’ nỗi sợ hãi vào bản thân. Từ đó, họ phải cúng bái mới được bình an. Họ đang bỏ tiền ra mua sự trấn an tâm lý.

Biển người đổ về chùa Phúc Khánh làm lễ giải hạn, một kiểu cầu an ảo
Người dân chen nhau xin lộc. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, việc cúng sao giải hạn của một bộ phận người dân hiện nay giống như vung tiền mua sự an ủi ảo.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng khẳng định, đạo phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan. “Nhưng hiện nay vẫn còn một số cư sĩ phật giáo tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm”, Thượng tọa nói.

Thế Tam