Chiều ngày 17/7, bão Sơn Tinh chỉ còn cách đảo Hải Nam khoảng 550km về phía Đông và dự báo đi vào Vịnh Bắc Bộ trong ngày mai (18/7). Hiện nhiều tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với bão.

Sáng mai bão vào Vịnh Bắc Bộ, chiều đổ bộ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh

Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương cho biết bão đang di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km, đến sáng mai (18/7) bão số 3 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Bão Sơn Tinh đổ bổ vào chiều tối mai, nhiều tỉnh thành khẩn trương ứng phó
Bão số 3 dự kiến sẽ đổ bộ vào Hải Phòng đến Hà Tĩnh vào chiều tối mai. (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương)

Đến 13h ngày mai, vị trí tâm đã nằm trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 150-180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo tới chiều tối mai vùng tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Nhiều tỉnh thành khẩn trương chống bão

Ngày 17/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng yêu nhanh chóng ứng phó với bão số 3, theo Báo Diễn Đàn doanh nghiệp.

Bão Sơn Tinh đổ bổ vào chiều tối mai, nhiều tỉnh thành khẩn trương ứng phó
Mưa lớn đã tại TP. Vinh (Nghệ An) khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Công điện cho biết, bão số 3 di chuyển rất nhanh, cường độ tương đối mạnh, đi qua vịnh Bắc Bộ là khu vực có nhiều tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch. Do đó, các tỉnh thành cần kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, đặc biệt đối với các tàu du lịch; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tùy theo diễn biến bão, các địa phương chủ động cấm biển.

Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra năm 2017.

Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn; kiên quyết thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là những nơi bão có khả năng đổ bộ và phải hoàn thành trước 17h ngày mai (18/7).

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến sáng nay đã có 7.453 tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã được các ngành chức năng và chính quyền địa phương thông báo khẩn trương vào bờ tránh trú bão. Nhiều địa phương tại tỉnh cũng đang rà soát, di dời các hộ dân đang sống ở khu vực nguy hiểm ven sông, suối, vùng thấp trũng, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, theo Báo Pháp Luật TP. HCM.

Như Quỳnh