Hàng nghìn công nhân ở Đồng Nai buồn bã, thất thần vì công ty nợ lương, có người phải ăn mì tôm cho qua bữa, đón Tết tại phòng trọ. Còn ở Quảng Ninh, 37 công nhân bị chủ thầu quỵt tiền, bơ vơ nơi đất khách. Tết năm nay với họ thật buồn, không hẳn vì nghèo, mà bởi sự bất tín của những người mang danh “ông chủ”.

Công nhân ăn mì gói cầm cự, đón Tết ở phòng trọ

Theo Đời sống & Pháp lý, gần 2.000 công nhân Công ty KL Texwell Vina (có vốn đầu tư nước ngoài) tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) bị nợ lương tháng 1/2018. Chiều qua 9/2, sau 1 ngày đêm tập trung trước cổng công ty để đòi quyền lợi nhưng không được, nhiều công nhân buồn bã trở về phòng trọ. Không chỉ nợ lượng, các công nhân còn bị công ty này nợ bảo hiểm, nên không thể rút sổ bảo hiểm để chuyển sang công ty khác.

Chị Nguyễn Thị Sinh (32 tuổi, quê Thái Bình) trở về phòng trọ tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) với vẻ mặt thất thần, bước chân nặng trĩu âu lo khi Tết đến không còn tiền để chi tiêu, ăn uống. Tháng trước, chị Sinh nhận được 5 triệu đồng tiền lương nên đã gửi về cho gia đình ở quê 3 triệu đồng. Số tiền còn lại chị để trả tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt mỗi ngày. Chị Sinh nói, những ngày này cuộc sống của chị vô cùng bế tắc, ăn không dám ăn vì trong túi chỉ còn vỏn vẹn 200.000 đồng.

Tết buồn đâu phải vì nghèo, mà bởi lòng người bất tín
Chị Sinh phải ăn mì gói cầm cự cho qua Tết vì hết tiền (ảnh: Văn Dũng).

“Số tiền này tôi để mua đồ ăn, sống cầm cự đến Tết để chờ lương. Hôm nay, nghĩ đến việc khó lấy được tiền nên tôi không dám mua cơm mà mua bó rau nhỏ, một gói mì tôm để ăn qua ngày. Bữa trưa ăn tôi ăn nửa gói, còn nửa gói dành cho buổi chiều”, chị Sinh nói.

Không riêng gì chị Sinh, nhiều công nhân cũng không có tiền mua vé xe về quê nên họ phải ở lại đón Tết trong phòng trọ chật chội nơi đất khách. Họ rơi vào tình cảnh khánh kiệt vì nợ chồng chất, lại tiền chi tiêu Tết không biết xoay xở vào đâu. Một công nhân chia sẻ: “Giờ tôi như người vô gia cư, không có tiền về quê đã đành. Nay ở lại mà cũng không có nổi khoản tiền nhỏ để mua sắm chút hoa quả, đồ lễ cúng đêm Giao thừa ở phòng trọ đây”.

Một công nhân tên Nam thổ lộ: “Năm nay không có tiền về quê, không có tiền tiêu Tết nhưng tôi còn may mắn vì được bạn đồng hương cưu mang”.

Chủ thầu bỏ rơi, không biết đi đâu về đâu

Không riêng gì những công nhân ở Đồng Nai, những ngày cuối năm, 37 công nhân thi công công trình xây dựng tại Cái Dăm, phường Bãi Cháy, Tp. Hạ Long bị chủ thầu bỏ trốn không thanh toán tiền lương, khiến họ lâm vào cảnh khốn khó không có tiền về quê ăn Tết.

Ông Lê Hữu Toan (60 tuổi) công nhân người Quảng Ninh cho biết, chủ thầu tên Sơn – người xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu (Nghệ An) Tết đến không trả lương, thưởng cho công nhân mà bỗng dưng biến mất. Trong đó, có 13 người Điện Biên, đa phần là dân tộc thiểu số, 20 người Nghệ An, 4 người ở Quảng Ninh, theo VTC News.

Tết buồn đâu phải vì nghèo, mà bởi lòng người bất tín
Gần Tết, 37 công nhân bị chủ thầu bỏ trốn, không có tiền về quê ăn Tết (ảnh: VTC News).

37 công nhân này đều ít học, ngoài chủ thầu tên Sơn, họ không biết thông tin gì về công ty của Sơn và bất kỳ ai liên quan. Họ cũng không có hợp đồng lao động, bảo hiểm hay các chính sách theo Luật Lao động. Chính vì vậy, họ chỉ biết vùi đầu vào làm và hàng tuần chờ Sơn thanh toán tiền công.

Nhóm công nhân chỉ cam kết với Sơn, mỗi ngày chấm một công sẽ nhận được số tiền 300.000 đồng. Song từ tháng 6/2017 tới nay, Sơn liên tục thất hẹn và không trả tiền theo đúng thỏa thuận. Từ khi làm cho Sơn, ông Toan mới chỉ được trả 6,7 triệu đồng. Người này còn thiếu của ông 57 công, khoảng hơn 10 triệu đồng. Song ông Toan vẫn may mắn hơn vì nhiều người còn chưa được nhận đồng tiền công nào. Đến bây giờ Sơn mất tích luôn cùng với số nợ nhóm công nhân khoảng 450 triệu đồng.

Tết buồn đâu phải vì nghèo, mà bởi lòng người bất tín
Chỗ ở tạm bợ của 37 công nhân, tối ngày 9/2, nhóm công nhân bị cai thầu trốn nợ đã được hỗ trợ tiền về quê ăn Tết (ảnh: Bạn đọc cung cấp).

Những công nhân chỉ cung cúc tận tụy vùi đầu vào làm cho Sơn. Họ sống trong khu vực được xây dựng tạm bợ thuộc tổ dân phố Cái Dăm, phường Bãi Cháy (Hạ Long) trong những “túp lều” được lợp vài tấm nhôm thủng lỗ chỗ và xung quanh vá víu bằng những tấm bạt hoặc túi nilon để chắn gió cho đỡ lạnh. Ngày mưa rét, gió thổi vào thông thống nên các công nhân phải đốt củi để sưởi ấm và nằm ngủ co ro. Bữa ăn của họ cũng chỉ toàn rau với dưa, khi nào được Sơn ứng tiền mới cải thiện thêm thịt hay cá. “Tuy nhiên, lâu rồi Sơn không chu cấp cho mọi người, tiền lương cũng thất hứa liên tục, chúng tôi hết tiền chẳng biết kêu ai. Cũng may, có bà con lối xóm biết chuyện nên thi thoảng cho gạo, cho thịt cho chúng tôi được sống”, ông Toan nói.

Theo VOV, riêng tiền lương 3 tháng cuối năm, Sơn nói sẽ thanh toán vào dịp Tết để công nhân có tiền về quê nhưng bây giờ họ không thể liên lạc với người này qua điện thoại và cũng không có tiền để ăn uống, sinh hoạt.

Một số công nhân đã lùng sục khắp Tp.Hạ Long để tìm Sơn đòi tiền. Sáng ngày 9/2, họ bất ngờ tìm thấy chủ thầu này ở trên đường, tuy nhiên, Sơn dẫn họ đến một công ty bảo đứng đợi ngoài cổng chờ để vào thanh toán rồi trả tiền, sau đó người này đã tẩu thoát ra khỏi công ty đó từ cửa sau.

Ông Toan cho hay, nhóm công nhân bị quỵt tiền có 13 người đến từ Điện Biên, họ là người dân tộc thiểu số, ít học, có người không sõi tiếng Kinh. Trong nhóm công nhân có người đàn ông tên Sìn (người H’Mong) không rõ tuổi, không biết địa chỉ chính xác quê mình ở đâu, chỉ biết ở vùng nào đó ở Điện Biên nhưng cho tiền cũng không biết đường về. Sìn chỉ bập bẹ nói: “Nhà tôi trên núi, nghèo lắm, có vợ con rồi”.

Hiện cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận thông tin ban đầu về nhóm công nhân. Có hai đơn vị ủng hộ 37 công nhân mỗi người 1,3 triệu đồng. Sáng ngày 10/2, toàn bộ công nhân đã về quê ăn Tết.

Ông Toan nhắn nhủ: “Tôi không biết ngày mai có đòi được tiền không hay như thế nào, nhưng Sơn có đọc được tâm sự của chú thì đến đây ngay. Không có tiền thì trả ít nhiều cũng được, hoặc ít nhất nên trả cho nhóm công nhân Điện Biên để họ còn về quê ăn Tết với gia đình, chú hay những người khác trả sau cũng được. Nhìn họ khổ lắm rồi”.

Mỹ Duyên