Mộc nhĩ là loại thực phẩm bình dân, quen thuộc với hầu hết gia đình Việt. Tuy nhiên, công dụng của mộc nhĩ đối với sức khoẻ con người thì không hề “bình dân” chút nào.

Theo trang Cây Thuốc Dân Gian, thành phần dinh dưỡng trong mộc nhĩ rất đa dạng phong phú. 100g nấm mộc nhĩ có chứa 293,1 Kcal, 0,2g chất béo, 10,6g protein, 65g đường, 5,8g tro, 185mg sắt, 375mg canxi, 201mg phốt pho và 0.03mg caroten. Nhờ vậy, mộc nhĩ có nhiều tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể và điều trị bệnh.

Mộc nhĩ và tác dụng phòng chữa bệnh

Báo Sức Khoẻ Đời Sống cho hay, mộc nhĩ đen chứa nhiều loại men và những chất kiềm thực vật có thể tác động lên dị vật thâm nhập vào cơ thể gây bệnh, đặc biệt là ở bộ máy hô hấp (viêm mũi, họng, phế quản phổi) và bệnh tim mạch cho những người sống và lao động trong môi trường bụi (công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy gạch, dệt bông vải sợi, len, thảm…).

Vì lẽ đó, mộc nhĩ là món ăn đứng đầu bảng đã được các dân tộc phương Đông sử dụng lâu đời, đặc biệt là người dân vùng mỏ.

Dưới đây là một số món ăn – bài thuốc từ mộc nhĩ được trang Cây Thuốc Dân Gian chia sẻ, mời các bạn cùng tham khảo cho gia đình mình, đặc biệt là cho những bậc cao tuổi nhé!

Chống nghẽn mạch, giảm mỡ máu

Cách làm: 50g thịt nạc, 10g mộc nhĩ, 3 lát gừng, 5 quả táo tàu đen với khoảng 800ml nước, sắc đến khi còn khoảng 1/4, nêm thêm muối ăn ngày 1 lần, ăn liên tục trong 1 tháng sẽ giúp giảm mỡ máu đối với người có mỡ máu cao.

Hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não, chống đông máu

Lấy 100g nấm tuyết, 100g mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, xé nhỏ, 50g dưa chuột thái lát. Nấm chần với nước sôi, dội với nước lạnh để ráo nước, rưới lên dầu ăn, nêm gia vị vừa ăn, ăn ngày 1 lần.

Điều trị bệnh mạch vành, huyết áp cao

10g ngân nhĩ, 10g mộc nhĩ ninh cho nhừ rồi thêm đường phèn vào, ăn trước khi đi ngủ mỗi ngày.

Trị xơ cứng động mạch, chảy máu võng mạc

Ngâm 30g mộc nhĩ trong nước cho nở ra, rửa sạch để ráo rồi hấp với đường phèn trong khoảng 2 tiếng, ăn mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Mộc nhĩ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng (ảnh: Hương Rừng).

Để có hiệu quả tốt nhất, bạn cần thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng các món ăn – bài thuốc trên đây, cũng như duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và tinh thần tích cực.

Lưu ý khi dùng mộc nhĩ

– Những trường hợp không nên ăn mộc nhĩ: Phụ nữ có thai, người tiêu hoá kém và người bị dị ứng với một số nấm.

– Không ăn mộc nhĩ tươi: Mộc nhĩ tươi còn chứa chất morpholine rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu ăn mộc nhĩ tươi và tiếp xúc với ánh sáng có thể gây ngứa, phù nề, thậm chí hoại tử da.

– Không ngâm mộc nhĩ trong nước nóng: Đây là cách làm phổ biến nhằm giúp mộc nhĩ nở ra nhanh chóng, tuy nhiên việc làm này tiếp tay cho chất độc morpholine có trong nấm có cơ hội phát triển. Do đó, cần ngâm trong nước lạnh để hòa tan chất độc này, đồng thời giúp cho vị mộc nhĩ tươi ngon hơn khi nấu.

– Không ngâm mộc nhĩ quá lâu trong nước, vì sẽ khiến nấm mộc nhĩ biến chất và gây độc. Chỉ nên ngâm trong nước lạnh khoảng 15-20 phút là được.

Video xem thêm: Bác sĩ: hành trình chữa bệnh cho chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||4b87923ab__