Chốc lở là bệnh ngoài da phổ biến thường hay gặp ở trẻ em. Bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn nhưng vì dễ nhầm lần với thuỷ đậu nên đôi khi sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Đã hơn một tuần nay, bé Lan Anh, con chị Dương (ở Đan Phượng, Hà Nội) bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiều mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. Ông bà người thì đoán bị rôm, người lại bảo thủy đậu. Khi cho con tới khám và được bác sĩ da liễu chẩn đoán cháu bị bệnh chốc khiến chị rất bất ngờ, chị cứ nghĩ chốc là những mụn mủ chỉ xuất hiện ở đầu.

Trường hợp hiểu lầm như nhà chị Dương cũng là vấn đề quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ. Vậy bệnh chốc lở là gì và làm sao để nhận biết đúng bệnh? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Chốc lở là gì?

Ảnh: hellobacsi.com

Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn. Vùng da bị nhiễm bệnh xuất hiện những đám da rộp đỏ, có bọng nước khi vỡ ra sẽ thành loét. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là “chốc lây”. Bệnh có thể diễn biến thành nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Hai loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở chính là liên cầu khuẩn Streptococcus hoặc tụ cầu khuẩn Staphylococcus. Khi gặp các vấn đề da như chàm, nhiễm độc cây thường xuân, bị côn trùng cắn, bỏng… các vi khuẩn này sẽ đi vào cơ thể cho dù mắt thường chúng ta không nhìn thấy và sẽ phát bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi.

Liên cầu khuẩn Streptococcus nguyên nhân gây chốc lở (Ảnh: twitter.com)

Có hai loại chốc lở chính được phân theo hình thái thương tổn là chốc lở có bọng nước và không có bọng nước.

Chốc có bọng nước 

Loại chốc lở này thường do tụ cầu khuẩn Staphylococcus gây ra. Biểu hiện ban đầu là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm và nhanh chóng tạo thành bọng nước ở phía trên. Bọng nước nhăn nheo có quầng đỏ xung quanh và tạo thành mủ sau vài giờ. Các bọng nước sẽ bị vỡ vài ngày kế tiếp, đóng vảy, có dịch màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong.

Chốc có bọng nước do tụ cầu khuẩn Staphylococcus gây ra (Ảnh: investordaily.ru)

Vị trí thường gặp: ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không xuất hiện ở niêm mạc, tại vùng da đầu.

Biểu hiện toàn thân: viêm hạch lân cận, sốt rất hiếm gặp trừ khi chốc lan tỏa hoặc có biến chứng. Bệnh nhân có thể ngứa, gãi làm thương tổn lan rộng, chàm hóa, lan sang vùng da khác.

Chốc không có bọng nước 

Bệnh thường do liên cầu khuẩn Streptococcus gây ra. Thương tổn ban đầu là những mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bề mặt thương tổn thường có ít vảy giống như bị nấm da. Phía trên vảy da có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng bao quanh là quầng đỏ nhỏ.

Bệnh thường hay xuất hiện ở vùng mặt, đầu, tai, quanh hốc mũi, miệng và tứ chi. Hình thái này thường xuất hiện ở trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ lở hoặc một bệnh da nào đó có kèm bội nhiễm. Bệnh thường khỏi sau khoảng hai đến ba tuần nhưng cũng có thể kéo dài khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng, bị chàm hoặc thời tiết nóng, ẩm ướt.

Bề mặt chốc không có bọng nước thường có vảy giống như bị nấm da (Ảnh: snupps.com)

Ngay khi mẹ thấy bé có các triệu chứng như xuất hiện vùng da đỏ trên đầu, mặt (hoặc trên mũi, miệng) kèm với những nốt mụn, chảy mủ và viêm loét thì cần điều trị ngay. Nếu trẻ chỉ bị các triệu chứng nhẹ không viêm nhiễm nặng thì mẹ có thể lựa chọn 1 trong 5 cách chữa trị chốc lở dân gian sau để điều trị cho trẻ.

Năm bài thuốc dân gian trị chốc lở cho trẻ

Bài thuốc 1

Vị thuốc: 15g bồ công anh, 15g kim ngân hoa, 25g rau má, 10g hạ khô thảo, 10g hoa kinh giới.

Cách thực hiện: Cho vào ấm sắc với 500ml nước còn 150ml thuốc thì cho bé uống hàng ngày, liên tục từ 5 – 7 ngày là sẽ hết bệnh.

Bài thuốc 2

Vị thuốc: 8 quả bồ kết khô, 1 củ gừng tươi khoảng 7g, 25g lá chè xanh, 10g nghệ tươi.

Bài thuốc dân gian trị chốc lở cho trẻ

Cách thực hiện: Cả 3 nguyên liệu rửa sạch cho vào nồi lớn nấu nước tắm cho trẻ. Sau khi tắm xong mẹ nghiền nát 3 quả bồ kết khô, rang giòn và tán nhỏ nghệ tươi, trộn đều 2 nguyên liệu rồi rắc lên vùng da bị chốc lở. Nếu muốn tiết kiệm thời gian thì mẹ có thể tán nhỏ hạt mùi trộn với dầu vừng rồi bôi lên da trẻ. Mỗi ngày thực hiện 1 lần, làm liên tục trong 1 tuần là khỏi.

Bài thuốc 3

Vị thuốc: 30g hành hoa, mật mía lượng vừa đủ.

Cách thực hiện: Rửa sạch hành hoa sau đó giã nát trộn với mật mía đến khi thành dạng bột nhão và đắp lên vùng da bị chốc lở khoảng 15 phút. Ngày đắp 2 lần, sau 2 lần đắp mẹ nên đun nước lá trầu không tắm để mau lành tổn thương. Thực hiện cách này trong 5 ngày.

Bài thuốc 4

Vị thuốc: 100g sài đất tươi, mướp đắng, lá đào.

Cách thực hiện: Rửa sạch sài đất tươi sau đó đun với nước sôi tắm cho trẻ, nếu không có sài đất thì dùng lá đào tươi thay thế. Sau khi tắm xong giã nát quả mướp đắng thoa lên da bé. Làm liên tục trong một tuần.

Bài thuốc 5

Vị thuốc: 50g lá tía tô, 50g sài đất tươi. Rửa sạch đun lấy nước tắm. Cách này chỉ dùng trong 3 đến 5 ngày là có hiệu nghiệm.

Trên đây là 5 bài thuốc dân gian chữa chốc lở cho trẻ em an toàn và hiệu quả có thể áp dụng và điều trị cho bé tại nhà. Tuy nhiên bài thuốc chỉ có tác dụng với những trường hợp mới bị, viêm nhiễm nhẹ, nếu trẻ bị viêm nhiễm nặng mẹ nên đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.

Cách phòng bệnh

Vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày để phòng bệnh (Ảnh: earthmama.vn)
  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh do đó cha mẹ cần vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày. Thường xuyên tắm giặt, thay quần áo, cắt tóc, móng tay
  • Điều trị các vết thương, vết xước, vết côn trùng cắn trên da bằng cách rửa sạch vết thương, dùng thuốc sát khuẩn, mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn
  • Không để trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với những người mắc bệnh chốc lở. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, chăn màn, khăn tắm, chậu rửa mặt… để tránh nhiễm bệnh
  • Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh
  • Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt

Kiên Định T/h