Ông La Văn Hào (49 tuổi, Thái Nguyên) nhập viện trong trình trạng đau bụng cấp, buồn nôn do nhiễm liên cầu lợn. Sau 2 ngày điều trị, sáng 1/6, bệnh nhân đã không qua khỏi. 

Theo TTXVN, bệnh nhân Hào được chuyển từ bệnh viện huyện Đồng Hỷ đến viện Trung ương Thái Nguyên vào khoảng 22h ngày 30/5. Người nhà bệnh nhân cho biết, không biết rõ trước khi mắc bệnh, nạn nhân đã ăn gì và có tiếp xúc với động vật hay không.

Bệnh nhân nam ở Thái Nguyên chết do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Bệnh nhân Hào tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Trước đó, ngày 27- 28/5, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh Ma Đình Du (34 tuổi) và Ma Doãn Vàng (49 tuổi) được chuyển đến từ bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa.

Hai ca bệnh được các bác sĩ xác nhận nhiễm khuẩn liên cầu lợn, do trước đó tiếp xúc với thịt dê đã chết. Hiện, sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định.

Bệnh nhân nam ở Thái Nguyên chết do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Ảnh minh họa.

Bệnh liên cầu lợn gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis), lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp như chăm sóc, vận chuyển lợn bệnh, hay ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…). Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ diễn biến thành 2 thể bệnh chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, liên cầu lợn có thể tồn tại trên dê, ngựa… tuy nhiên rất hiếm gặp.

Hai bệnh nhân ở Thái Nguyên là một trong những trường hợp hy hữu mắc liên cầu lợn vì ăn thịt dê. Ngoài ra, thức ăn để ngoài trong quá trình chế biến rất dễ nhiễm nhiễm liên cầu khuẩn do nguyên liệu, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chú ý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn.

H.H