Khi đến tuổi trung niên, con người thường cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là những người có công việc áp lực lớn, thường xuyên thức khuya, đôi khi họ cảm thấy tư duy của mình không đủ linh mẫn. Y học cổ truyền Trung Hoa tin rằng điều này có liên quan đến sự suy giảm chức năng thận. Con người muốn khỏe mạnh trường thọ, thì phải chú ý bảo vệ thận, dưỡng thận và bồi bổ cơ thể từ tuổi trung niên trở đi.

Kinh điển Trung y “Hoàng Đế Nội Kinh” nói rằng, tinh hoa của thận là cơ sở của sinh mệnh, quyết định sức sống của sinh mệnh con người. Thận suy sẽ dẫn đến khí huyết toàn thân (là vật chất năng lượng) không đủ, sản sinh cảm giác mệt mỏi. Hệ thống năng lượng của thận cũng chi phối xương và não. Thận kém không chỉ khiến con người dễ bị loãng xương, mà còn có thể ảnh hưởng đến đại não, khiến con người tư duy trì độn, dễ cảm thấy mệt mỏi. Thông thường phụ nữ ở tuổi 35, nam giới ở tuổi 40 bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thận khí suy giảm.

Muốn duy trì sức khỏe và hoạt lực của thận, trước tiên bạn phải loại bỏ 4 thói quen xấu gây hại cho thận, đồng thời, bạn cũng có thể thử các phương pháp tự nhiên như ăn kiêng, mát-xa huyệt vị, và vận động để bổ thận dưỡng thận.

4 thói quen xấu gây hại cho thận, bạn mắc phải bao nhiêu trong số đó?

1) Áp lực cao và thức khuya

Các nghiên cứu đã phát hiện, thiếu ngủ có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh protein trong nước tiểu, những người thời gian ngủ quá ngắn có tỷ lệ mắc bệnh thận mãn tính tương đối cao hơn.

Thức khuya sẽ làm tổn thương gan thận, cản trở quá trình bài độc, cộng với áp lực công việc sẽ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của thận. Kiến nghị bạn từ nay trở đi, mỗi ngày hãy đi ngủ sớm hơn 10 phút, dần dần thay đổi thói quen đi ngủ muộn. Khi đó bạn sẽ phát hiện, bạn không chỉ trở nên trắng trẻo, xinh đẹp hơn, mà còn tràn đầy sức sống.

2) Uống thuốc không kê đơn và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe một cách bừa bãi

Dùng thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe trường kỳ cũng sẽ tạo thành gánh nặng rất lớn cho thận, gây suy thận. Kiến nghị bạn trước khi dùng bất kỳ loại dược phẩm hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào, trước tiên hãy hỏi bác sĩ đáng tin cậy, không nên sử dụng một cách tùy tiện.

Dùng thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời gian dài cũng tạo thành gánh nặng cho thận và gây suy thận. (Shutterstock)

3) Thói quen nhịn tiểu

Một số người thường xuyên nhịn tiểu vì công việc bận rộn hoặc bất tiện, khiến thận bị quá tải, chức năng thận bị lão hóa, thậm chí gây ra các vấn đề như đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, tiểu són v.v. Bạn nên tập thói quen đi tiểu thường xuyên để thận không phải chịu khổ.

4) Không thích uống nước mà thích uống đồ có đường

Nước là chất tẩy rửa tốt nhất cho thận. Uống đủ nước mới có thể giúp thận bài chất thải và độc tố khỏi cơ thể. Nhưng nếu bạn uống quá nhiều đồ uống có đường, đường fructose trong đồ uống đó cần được gan và thận chuyển hóa, trường kỳ như thế cũng có thể gây hại cho thận. Vì vậy, kiến nghị bạn từ nay bắt đầu bằng cách uống ít đồ uống có ga hơn mỗi tuần, uống nhiều nước lọc nhất có thể để bổ sung nước, và uống ít đồ uống có đường nhất có thể.

Học hỏi 3 phương pháp tự nhiên để dưỡng thận của bạn

Phương pháp 1. Liệu pháp ăn uống

(1) Dùng thực phẩm có màu đen

Bạn thường có thể ăn nhiều thực phẩm màu đen hơn như đậu đen, vừng đen, đồng thời bạn cũng có thể ăn nhiều khoai mỡ hơn. Đậu đen có tác dụng làm đen tóc, bổ thận, giảm sưng tấy; hạt vừng đen có tác dụng chống thiếu máu, cải thiện tình trạng tứ chi vô lực, hoa mắt chóng mặt; khoai mỡ có tác dụng bổ thận, dưỡng khí, đặc biệt tốt cho sức khỏe nam giới.

Khí, theo Trung y nói, là năng lượng sinh mệnh của cơ thể người, ngoài khí tiên thiên trời phú từ khi sinh ra, còn cần bổ sung bằng các chất dinh dưỡng hấp thụ trong chế độ ăn uống và hít thở oxy. Nếu khí hư, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, dễ sinh bệnh.

Nhiều loại thực phẩm có thể bổ thận, tăng cường chức năng thận, trong đó quan trọng nhất là ăn nhiều thực phẩm màu đen. (Shutterstock)

(2) Trà thích ngũ gia (trà acanthopanax)

Trà thích ngũ gia có tác dụng bổ khí, chống mệt mỏi, thích hợp cho người làm việc có áp lực tinh thần cao. Acanthopanax và nhân sâm đều thuộc họ Araliaceae, đều có tác dụng bổ khí, cải thiện tình trạng mệt mỏi do thiếu oxy của cơ thể. Trà thích ngũ gia không có hương vị thuốc bắc mà chỉ có vị ngọt nhẹ nên rất thích hợp để uống hàng ngày. Loại thuốc thảo dược này thường có thể được mua ở các hiệu thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.

Cách thực hiện: lấy một lượng nhỏ trà thích ngũ gia, khoảng 3-4g, cho vào túi lọc, sau đó cho vào cốc, đổ nước nóng, ngâm trong 5 phút rồi uống.

Tạp chí Dân tộc Dược lý học (Journal of Ethnopharmacology) đã công bố một nghiên cứu đánh giá vào năm 2021, đúc kết các nghiên cứu có hệ thống về thích ngũ gia toàn cầu trong thời gian từ năm 1965 đến năm 2020. Acanthopanax đã được sử dụng trong y học cổ truyền để bổ gan dưỡng thận, bổ khí, tăng cường xương và cơ bắp, tăng cảm giác thèm ăn và cải thiện trí nhớ. Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng phát hiện rằng nó có lợi cho tim mạch, hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch.

(3) Súp thịt cừu, đương quy và gừng

Canh đương quy, gừng với thịt cừu có tác dụng bổ huyết, trừ hàn, thích hợp cho người có sắc da kém, mệt mỏi, chóng mặt, hen suyễn, có thể giúp giảm mệt mỏi do thiếu máu.

Thịt cừu là nguồn quan trọng cung cấp sắt có hoạt tính sinh học cao – sắt huyết hồng tố, rất có ích cho người thiếu máu thiếu sắt; Đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết; gừng có tác dụng trục hàn, làm ấm cơ thể, làm ấm toàn thân, sau khi uống, tay chân sẽ không bị tê cóng. Người ăn chay có thể thay thế thịt cừu bằng đậu phụ và nấm.

Một nghiên cứu đánh giá cho thấy loại thảo dược đương quy có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống tiểu đường, làm trắng da và bảo vệ gan. Đương quy có thể cải thiện bệnh thận mãn tính, giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính.

“Súp thịt cừu với gừng và đương quy”. (Ảnh: ET)

Phương pháp 2. Xoa bóp huyệt Dũng Tuyền

Ngoài liệu pháp ăn kiêng, tự mình xoa bóp huyệt Dũng Tuyền cũng có thể giúp dưỡng thận. Huyệt Dũng Tuyền nằm ở chỗ lõm ở chính giữa 1/3 phía trước lòng bàn chân, là điểm khởi đầu của kinh thận, xoa bóp có thể giảm đau, cũng có thể vận chuyển khí huyết đến chân tóc, cải thiện vấn đề rụng tóc hoặc tóc bạc.

Phương pháp cụ thể: Dùng 4 ngón tay nắm vào mu bàn chân, sau đó dùng ngón cái ấn vào huyệt Dũng Tuyền, đồng thời xoa bóp theo vòng tròn để loại bỏ mỏi thận.

Y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng cơ thể con người vận chuyển các chất năng lượng như khí và máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống kinh mạch, khi một cơ quan nào đó không đủ khí và máu sẽ xảy ra bệnh tật hoặc các vấn đề khác. Châm cứu hoặc ấn vào một số huyệt vị đặc biệt trên các kinh lộ sẽ có thể trị liệu bệnh tật ở tạng phủ tương ứng.

Huyệt Dũng Tuyền. (Sức khỏe 1+1/ET)

Phương pháp 3. Vận động: Củng cố cơ tứ đầu

Trung y cho rằng thận chủ quản xương, sức khỏe của chức năng thận có liên quan trực tiếp đến chất lượng của xương, điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện, bệnh thận mãn tính sẽ làm ác hóa chất xương và lượng xương. Chứng loãng xương và gãy xương rất phổ biến ở bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ gãy xương ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính cao hơn ít nhất bốn lần so với người bình thường, và tỷ lệ gãy xương gia tăng khi chức năng thận xấu đi.

Người ta sẽ mất đi lượng cơ và sức mạnh theo tuổi tác, điều này có liên quan đến sự suy giảm chức năng thận. Chúng ta phải bắt đầu tăng cường lực cơ bắp càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ loãng xương và gãy xương. Người cao tuổi nên đặc biệt cẩn thận với tình trạng gãy xương hông, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong trong vòng 365 ngày sau khi gãy xương hông lên tới 28,2%.

Vậy làm thế nào có thể ngăn ngừa được vết gãy chết người này? Một bài tập đơn giản có thể tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu (cơ ở phía trước đùi) và tăng cường khả năng hỗ trợ của hông.

Cách thực hiện: Ngồi trên ghế.

(1) Nhấc một chân lên, duỗi thẳng, giữ nguyên từ 1 đến 2 giây, đặt xuống rồi đổi sang chân kia, lặp lại 20 lần, mỗi lần khoảng 3 phút.

(2) Duỗi thẳng một chân rồi nhấc lên. Nhấc lên vài lần rồi đặt xuống. Thực hiện luân phiên cả hai chân. Khi thực hiện, bạn sẽ cảm nhận được lực ở khớp háng. Mục đích của động tác này là để bảo vệ khớp hông.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Từ Khóa: