Chiếc cúp vàng World Cup không chỉ chứa đựng trong nó ranh giới của đội vô địch và những đội chơi còn lại. Vượt lên sự khác biệt thắng – thua ấy, là biểu tượng của một lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, nơi mà con người có thể tháo bỏ mọi rào cản để đến gần với nhau hơn. Một người Việt Nam, một nghệ nhân Bát Tràng đã cảm nhận trọn vẹn được tinh thần ấy khi tạo ra chiếc cup World Cup bằng … thạch cao. 

Người nghệ nhân mang trong mình tình yêu lớn với chiếc cúp vàng World Cup ấy chính là ông Vương Hồng Nhật, một chủ xưởng sản xuất gốm lâu năm tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Theo trang tin AFP của Pháp, ông Nhật đã bắt đầu thực hiện việc sản xuất cúp vàng bằng nghề làm gốm của mình từ World cup Nam Phi 2010. 

Chiếc cúp vàng nguyên bản của World Cup được điêu khắc bởi cố nghệ sĩ điêu khắc người Ý Silvio Gazzaniga (Ảnh: dẫn theo

Cúp vàng World Cup

Vì niềm đam mê với trái bóng tròn, cổ động viên kì cựu của đội tuyển Manchester United Vương Hồng Nhật đã ngày đêm nghĩ cách tạo ra phiên bản của chiếc cúp vàng vô địch thế giới bằng … thạch cao. Ông đã mày mò trên Internet, sưu tập những hình ảnh cận cảnh của chiếc cúp danh giá do cố nghệ sĩ điêu khắc người Ý Silvio Gazzaniga sáng tạo. Theo ông chia sẻ, việc tạo hình chiếc cúp là khâu khó khăn nhất. Nó quyết định vẻ đẹp và độ chân thật của chiếc cúp. 

Ông Nhật trong công đoạn chế tác cúp vàng của mình (Ảnh dẫn qua: Thể thao văn hóa)

Ban đầu, khi có ý tưởng làm chiếc cúp, mục đích của ông là để thỏa lòng đam mê với trái bóng. Nên làm được cúp là ông đem tặng lại cho anh em bạn bè. Những lần đầu, cúp làm ra vẫn chưa thật giống bản gốc và vẫn còn nhiều chỗ chưa đẹp. Nhưng qua nhiều lần thử nghiệm, ông Hồng Nhật đã dần hoàn thiện được chiếc cúp vàng của mình. 

Nghệ nhân Vương Hồng Nhật và những chiếc cúp đặc biệt của mình (Ảnh: Dân trí)

Ông Hồng Nhật chia sẻ với Vnexpress, để hoàn thành chiếc cúp cần 5 ngày để hoàn thiện các bước: Tạo hình – Chỉnh sửa – Phơi khô – Phun màu và hoàn thiện. Dần dần, nhiều người biết đến chiếc cúp vàng với tỉ lệ như phiên bản thật của ông, họ bắt đầu đặt hàng, ông Nhật cũng thương mại hóa sản phẩm cúp vàng của mình từ đó. 

Mùa World Cup năm nay, xưởng của ông lại vào mùa làm Cúp vàng mới với lượng đơn hàng sản xuất lên tới 3.000 chiếc. Với 3 nhân công và thêm cả tay nghề của ông, mỗi ngày xưởng sản xuất được 100 chiếc cúp vàng. Nhưng số lượng này cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đáng mừng hơn, có người đã đặt những chiếc cúp vàng của ông để mang sang Nga bán trong mùa World Cup này. 

Chiếc cúp được làm từ tình yêu bóng đá (Ảnh dẫn qua: Dân trí)

Những chiếc cúp của ông Hồng Nhật được người hâm mộ rất thích thú. Chỉ với 80 ngàn đồng, chiếc cúp của ông sẽ mang trọn vẹn không khí của World Cup đến với mọi nhà. Một khách hàng từ Sóc Sơn đã vượt hơn 50 cây số tới Bát Tràng để mua một chiếc cúp về đặt trong cửa hàng. Chiếc cúp vừa để ngắm, vừa để cửa hàng của ông tràn đầy không khí bóng đá dịp này.

Thêm vào đó, với những người hâm mộ bóng đá, việc được cầm chiếc cúp vàng trên tay là một cảm giác rất khác biệt. Một người hâm mộ đội tuyển Pháp đã bày tỏ cảm xúc, khi cầm chiếc cúp vàng bằng thạch cao trên tay, anh cảm nhận được cảm giác của Zidane khi ôm trên tay cúp vàng năm 1998. 

Niềm vui bóng đá về với bát Tràng (Ảnh: AFP)

Tình yêu, sự đam mê đôi khi chính là nguồn cảm hứng dồi dào cho công việc kinh doanh. Bởi, nó có thể trở thành một nhân tố tuyệt vời để gắn kết người mua và người bán.

Ông Nhật cũng không hề giấu ước mơ có thể còn rất xa của mình. Ông chia sẻ rằng, nếu một ngày nào đó, đội tuyển Việt Nam có thể nâng trên tay chiếc cúp thế giới, ông sẵn sàng phát miễn phí cho bà con tất cả những chiếc cúp ông đã làm. 

Những chiếc cúp 80 nghìn đồng được yêu thích (Ảnh dẫn qua: tinmoi24)

Trái bóng tròn đang mang niềm hân hoan đến rất nhiều người dân Việt. Thật thú vị khi nhìn thấy những hình ảnh của làng quê Việt Nam trên trang báo quốc tế, với những chiếc cúp vàng sáng chói và một tình yêu nồng hậu cho trái bóng tròn. 

Hy Văn