Năm người đến dự buổi phỏng vấn xin việc làm đã được hẹn trước. Khi đến nơi, họ được mời vào ngồi chờ trong một căn phòng khá sang trọng, có vẻ như một căn hộ của ai đang ở.

Một người đàn ông lớn tuổi bước vào, nói:

– Tôi là người sẽ phỏng vấn các bạn theo lịch hẹn, nhưng bất ngờ con gái tôi nhập viện nên tôi phải chạy đến bệnh viện xem thế nào đã. Các bạn cứ ngồi chơi ở đây chờ tôi nhé. Đồ ăn thức uống có đủ trong tủ lạnh kia, các bạn cứ thoải mái tự nhiên. Xin lỗi vì tôi không làm việc và tiếp đãi các bạn đúng như dự tính.

Rồi người phỏng vấn vội vã ra đi. Năm người dự tuyển ngỡ ngàng nhìn nhau. Lát sau họ hỏi tên nhau, làm quen với nhau, rồi đi quanh xem căn nhà, lấy thức uống ra mời nhau uống, lấy các gói bánh kẹo mời nhau ăn, rất tự nhiên đúng như lời dặn dò của ông phỏng vấn.

Qua khỏi giờ cơm trưa ông phỏng vấn mới về, mời năm người qua phòng phỏng vấn, có các bàn cá nhân giống như bàn học sinh. Ông phát cho mỗi người giấy và nói:

– Về các thông tin cá nhân như bằng cấp, kinh nghiệm, nguyện vọng, mức lương yêu cầu… thì các bạn đã ghi rõ trong thư xin việc rồi nên chúng tôi không hỏi lại. Bây giờ thì mời các bạn viết một đề tài theo yêu cầu, viết bằng tiếng Anh được thì tốt, không thì bằng tiếng Việt cũng được. Hoặc viết pha lẫn cả hai ngôn ngữ cũng được. Đề tài được ghi trên tờ giấy rồi, đó là, từ sáng giờ ở trong căn phòng đó, bạn có cảm nghĩ gì.

Các ứng viên chưng hửng và rất bất ngờ. Thì ra chẳng có bệnh viện gì cả, chỉ là một loại trắc nghiệm tâm lý. Thay vì họ ngồi hỏi lần lượt từng người, họ cho cả đám ở chung trong phòng và đánh giá thái độ. Ai nấy lo lắng vì không biết sáng giờ bị theo dõi ra sao, mình có làm gì khiến họ phật ý không. Rồi mọi người cắm đầu viết bài, đề tài cũng chưa từng có trong thế giới nhỏ bé này.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, ông phỏng vấn quay lại thu các bài viết đem đi. Lại một tiếng trôi qua, ông trở lại, nói:

– Thưa các bạn, thật ra công ty cần 5 người làm trong các vị trí khác nhau. Xét thư xin việc thì các bạn đã đáp ứng gần đủ các tiêu chuẩn công ty cần. Tuy nhiên, dù sao cũng cần phải có một buổi phỏng vấn trực tiếp. Chúng tôi cho rằng có ngồi phỏng vấn thì các bạn cũng sẽ trả lời bằng những câu mà mấy tỉ người đã nói mãi rồi, nên chúng tôi phỏng vấn cách khác, mục đích tìm hiểu các yếu tố tâm lý của các bạn có thích hợp với việc làm của công ty hay không. Dĩ nhiên chúng tôi có quay hình các bạn ở trong phòng từ sáng, mà điều này chúng tôi đã thông báo trong thư mời dự phỏng vấn là buổi phỏng vấn có ghi hình. Khi các bạn bước vào đây ký tên ở bàn tiếp tân thì cuộc ghi hình đã bắt đầu.

Ảnh minh họa: Davidlee770924 / Pixabay.

Chúng tôi theo dõi các bạn ở trong phòng và đọc bài viết cảm nghĩ của các bạn, để phân loại mỗi người nên được đưa vào vị trí nào thích hợp. Kết quả thì ban giám đốc đã đánh giá bạn Trung là cao nhất vì các lý do sau đây:

  • Bạn Trung viết nguyên một bài cảm nghĩ bằng tiếng Anh rất chuẩn về ngữ pháp và phong phú về từ vựng.
  • Bạn ấy viết về những việc cần phải làm để cho căn nhà được hoàn hảo hơn, từ cách bố trí không gian, thiết bị, vật dụng và cả biện pháp an toàn. Viết rất chi tiết và hợp lý. Chúng tôi rất cần những người tìm thấy việc cần phải làm để đề xuất ý kiến. Còn người chờ chỉ thị rồi mới động não tìm cách thi hành thì nhiều lắm. Chúng tôi cần cái đầu để tìm ra phương thức kinh doanh trên thương trường, những cái đầu biết việc cần phải làm mà các công ty khác chưa kịp nhìn thấy.
  • Bạn Trung nói không biết là ai ở căn nhà này, nhưng đã quan sát căn nhà và đánh giá về chủ nhân rất thú vị, nhưng dĩ nhiên đây là nhà công vụ tiếp khách của công ty nên nó không có chủ riêng. Trung đánh giá rất đúng về người bài trí căn nhà. Trung rất giỏi đánh giá con người.
  • Bạn còn bày tỏ sự nghi ngờ về việc chúng tôi lấy lý do con bị bệnh để các ứng viên sống tự do trong căn nhà này với chủ đích gì đó. Trung rất cẩn trọng và cảnh giác.
  • Chúng tôi quan sát trên camera và thấy thái độ bạn Trung rất thân thiện, nhường nhịn, quan tâm đến mọi người.

Ban giám đốc quyết định nhận cả 5 bạn, riêng bạn Trung thì sẽ được tập huấn để vào bộ phận nhân sự cấp cao ngay từ đầu luôn.

Xin cám ơn và chúc mừng các bạn đã trở thành nhân viên của công ty chúng tôi.

***

Muốn có cái bản lĩnh để nhìn thấy việc cần phải làm thì đạo đức lại là yếu tố chính. Chính đạo đức làm cho ta có tinh thần trách nhiệm với bất cứ nơi nào mình có mặt. Mình có mặt ở đâu, đều muốn cho nơi đó tốt thêm lên, đều không bằng lòng với những bất tiện gây cho mọi người. Người có tinh thần trách nhiệm đó dễ dàng phát hiện ra những sơ xuất, khuyết điểm cần phải được bù đắp, hoặc nhanh chóng có sáng kiến để tạo ra những điều mới mẻ, có ích cho mọi người.

Để rèn luyện cái bản lĩnh quý giá này, bây giờ ta phải ngồi yên lại, nhìn chung quanh mình xem có việc gì cần phải làm không, thì làm nhanh đi. Nếu ngồi nhìn mãi mà vẫn chưa tìm ra việc gì cần làm thì ta tự đánh giá mình hơi bị.. kém, phải quyết tâm vượt lên rèn luyện lại. Luôn có việc gì đó cần phải được làm, chỉ tại ta chưa nhìn ra thôi.

Nền tảng đạo đức

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Đốc giả có thể đọc bài gốc tại đây

Video xem thêm: Sinh viên thời công nghệ, các bạn lựa chọn tương lai như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||e0f93260c__