Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

 Thái Văn Cơ, giỏi đoán đàn
Tạ Đạo Uẩn, giỏi làm thơ.
Họ là nữ, lại thông minh
Trò nam nhi, nên gắng sức.

Diễn giải

Cuối thời Đông Tấn, con gái của Thái Ung là Thái Văn Cơ có thể phân biệt cát hung trong tiếng đàn. Cháu gái của Tể tướng Tạ An là Tạ Đạo Uẩn có thể xuất khẩu thành thơ.

Họ là con gái mà tư chất thông minh sáng suốt, các bạn là con trai càng nên tự mình nhắc nhở đốc thúc, nỗ lực làm phong phú bản thân mới được.

Câu chuyện tham khảo: Tạ Đạo Uẩn văn võ song toàn

Người đời sau tôn Tạ Đạo Uẩn là một trong “Tứ đại tài nữ” của Trung Quốc. Bà xuất thân trong gia đình danh giá, là cháu gái của Tạ An – Tể tướng triều Đông Tấn, con gái của Tướng quân trấn vùng An Tây là Tạ Dịch, và là vợ của Vương Ngưng Chi – con trai của Thư Thánh Vương Hy Chi.

Tạ Đạo Uẩn nổi tiếng tài hoa hơn người, vì câu nói “Không bằng tơ liễu bay trong gió” (Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi) mà vang danh thiên hạ. Đồng thời, sự dũng cảm bà có thể sánh với nữ anh hùng Hoa Mộc Lan [1].

Trong “Thế thuyết tân ngữ” có ghi chép: Khi Tạ Đạo Uẩn 14 tuổi, có một lần gia tộc tụ họp vào mùa đông, đúng lúc tuyết rơi nặng hạt, Tể tướng Tạ An nhất thời nhã hứng muốn hỏi những hậu bối đang ngồi: “Bạch tuyết phân phân hà sở tự” (Tuyết trắng bay bay giống thứ gì?). Anh họ của Tạ Đạo Uẩn là Tạ Lãng nhanh chóng trả lời: “Tát diêm không trung sai khả nghĩ” (Muối trắng tung lên giữa khung trời). Tạ Đạo Uẩn nói tiếp: “Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi”, ý tứ là: Muối tung lên cần dùng sức người, còn ở đây tơ liễu nhờ gió thổi, hình ảnh của Tạ Đạo Uẩn ý vị hơn nhiều. Tạ An nghe xong vỗ tay tán thưởng, không ngờ cháu gái nhỏ của ông có thể đối lại bằng một câu thơ tinh tế, đẹp đẽ như vậy. Người đời sau lấy “Vịnh nhứ tài” (tài năng thể hiện qua bài vịnh về bông liễu) để ca ngợi tài năng của Tạ Đạo Uẩn.

Bà có tài năng, đồng thời cũng là người trung nghĩa, lâm nguy không sợ. Phụ thân của Tạ Đạo Uẩn là tướng quân, bản thân bà là trưởng nữ, giáo dục trong gia đình bà trọng cả văn lẫn võ. Do đó, người ta cho rằng văn chương của bà có thể sánh với Lý Thanh Chiếu [2], can đảm có thể sánh với Hoa Mộc Lan.

Năm đó, chồng của bà là Vương Ngưng Chi nhận chức Thái thú Cối Kê. Tôn Ân làm phản, chiến loạn liên miên và lan đến Cối Kê. Vì bảo vệ thành, bà đích thân chiêu mộ mấy trăm gia đinh [3] ngày ngày tập luyện. Sau khi đại quân của Tôn Ân tiến công thần tốc xông vào Cối Kê, chồng bà cùng các con đều bị giết hại. Tạ Đạo Uẩn có thể chịu được đau buồn to lớn, không chút sợ hãi, tay cầm binh khí cùng với những nữ thân quyến hăm hở diệt giặc. Cuối cùng vì ít không thể địch nhiều nên những người còn lại đều bị bắt. Tôn Ân nhất mực muốn giết cháu cháu trai của bà là Lưu Đào, nhưng Tạ Đạo Uẩn khẳng khái nói: “Chuyện nhà họ Vương có liên quan gì đến nó? Đứa trẻ này là cháu ngoại ta Lưu Đào, nếu muốn giết thêm người, chi bằng ngươi giết ta trước!”. Tôn Ân sớm đã nghe Tạ Đạo Uẩn là người tài hoa xuất chúng, hôm nay tận mắt thấy phẩm đức thật cao thượng, phong thái oai phong lẫm liệt, không chút sợ hãi của bà, nên sinh lòng cảm phục, bèn phóng thích những người nhà còn sót lại của Tạ Đạo Uẩn.

Sau này, bà không tái hôn, độc cư trong núi, sống cuộc đời ẩn sĩ thanh tĩnh và viết ra bài “Thái Sơn ngâm” nổi tiếng. Dù chồng và con đều bị giết trong họa loạn Tôn Ân, nhưng trong thơ của bà không biểu lộ bi ai như nhi nữ thường tình, mà là tâm ý to lớn cao xa. Thơ văn đã phản ánh tấm lòng và nhân cách bất phàm của Tạ Đạo Uẩn, mang đến cho người đọc cảm giác về khí tiết chính trực, tâm cảnh khoáng đạt, tình cảm tha thiết tự nhiên. Do đó, người ta kính ngưỡng chứ không chua xót cho số phận của bà. 

Mô phỏng chân dung Tạ Đạo Uẩn (ảnh: Wikipedia).

Ghi chú:

[1] Hoa Mộc Lan: là nữ anh hùng sống vào khoảng đầu thời kỳ Bắc Ngụy (386 – 534). Năm Hoa Mộc Lan 18 tuổi, dân tộc du mục Nhu Nhiên xâm phạm biên giới, quân tình khẩn cấp, toàn dân Bắc Ngụy lên đường ra trận. Hoa Mộc Lan không muốn cha già cực khổ, lén chuốc rượu cha, âm thầm lên đường tòng quân.

[2] Lý Thanh Chiếu: là nữ thi sĩ chuyên sáng tác từ (thể thơ) nổi tiếng thời nhà Tống. Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường thì Lý Thanh Chiếu là “Nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa”.

[3] Gia đinh: người bảo vệ riêng của gia đình thời xưa.

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

 蔡文姬,能辨琴
謝道韞,能詠吟。
彼女子,且聰敏
爾男子,當自警。

Âm Hán Việt 

 Thái Văn Cơ, năng biện cầm
Tạ Đạo Uẩn, năng vịnh ngâm.
Bỉ nữ tử, thả thông mẫn
Nhĩ nam tử, đương tự cảnh.

Pinyin Hán ngữ

 Cài Wén Jī, néng biàn qín
Xiè Dào Yùn, néng yǒng yín.
Bǐ nǚ zǐ, qiě cōng mǐn
Ěr nán zǐ, dāng zì jǐng.

Chú giải

(1) Thái Văn Cơ: tên Thái Diễm, con gái của danh sĩ nổi tiếng thời Đông Hán là Thái Ung. Bà lưu lại cho hậu thế “Hồ già thập bát phách” (mười tám điệu phách của kèn Hồ già) – là một thiên trong kiệt tác “Bi phẫn thi”.

Trong “Hậu Hán thư – Đổng Tự thê truyện” có nói: “Bà thông thái, có tài biện luận, lại giỏi âm luật”. Thái tử Lý Hiền triều Đường trích dẫn trong “Ấu đồng truyện”: Thái Ung chơi cổ cầm vào ban đêm, dây đàn đứt; Diễm nói: “Dây thứ hai bị đứt”; Ung nói: “Con ngẫu nhiên nghe được thôi”. Thế là ông cố ý cắt một dây trong đó để thử con gái mình, Diễm nói: “Dây thứ tư bị đứt”, quả thật Thái Ung đã cố ý cắt dây đàn thứ tư. Câu chuyện cho thấy Thái Diễm có khả năng cảm âm cực kỳ tốt, bà nghe được trong bản đàn thiếu âm của dây nào. 

(2) Năng: có thể.

(3) Biện cầm: phân biệt tiếng đàn.

(4) Vịnh ngâm: ngâm xướng thơ ca. 

(5) Bỉ: họ, ở đây chỉ Thái Văn Cơ và Tạ Đạo Uẩn.

(6) Thả: còn.

(7) Thông mẫn: thông minh và nhanh nhạy.

(8) Nhĩ: các bạn.

(9) Đương: nên.

(10) Tự cảnh: tự mình cảnh tỉnh, nhắc nhở.

Đọc sách bút đàm

Bài này đề cập đến hai trong bốn tài nữ của lịch sử Trung Quốc là Thái Diễm và Tạ Đạo Uẩn (hai tài nữ còn lại là Ban Chiêu và Lý Thanh Chiếu). Mục đích là từ góc độ hiếu học của họ mà khuyến khích các bạn nam và nữ nên chuyên cần đọc sách, tu dưỡng bản thân.

Thái Diễm và Tạ Đạo Uẩn tài năng đều hơn người nhưng tính cách lại khác nhau.

Thái Diễm, tự Văn Cơ, một đời lênh đênh lang bạt, số phận ngang trái. Người con gái mong manh ấy, sau khi kết hôn được một năm thì chồng mất, sau này bà bị bắt gả cho vua Hung Nô rồi sinh được hai người con. Sau đó, bà được Tào Tháo dùng vàng ngọc chuộc về cố quốc, chịu cảnh mẫu tử phân ly. Về sau, bà lại tái giá… Hiện tại, tác phẩm của Thái Văn Cơ còn giữ lại được chỉ là 2 bài “Bi phẫn thi”. Tuy “Bi phẫn thi” chứa tình cảm chân thật nhưng cảm xúc lại ai oán và buồn đau quá mức. Tác phẩm nhận được sự đồng cảm và thương xót của người đời, nhưng rốt cuộc không vượt ra khỏi tình cảm nhỏ hẹp của người phụ nữ.

Tạ Đạo Uẩn thì không giống vậy. Bà cũng gặp biến cố như Thái Diễm, chồng và con đều bị giết hại, nhưng tâm chí kiên cường, chính khí lẫm liệt, khiến người ta kính ngưỡng. Bà lĩnh ngộ được mục đích thật sự của việc đọc sách học tập, có can đảm thực hành trượng nghĩa, bảo vệ bách tính, không chút buồn đau oán hận. Do đó, cảnh giới tác phẩm của bà cao xa, không phủ lên cảm xúc đau buồn quá độ, chính khí lại trọn vẹn tràn đầy.

Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch

Video: Bậc thầy địa lý nổi danh nhất đất Việt, Tả Ao: Vì sao phong thuỷ không thay đổi được mệnh Trời?

videoinfo__video3.dkn.tv||70521e70e__