Một đứa trẻ xếp hạng cao và có thành tích học tập tốt ở trường chưa hẳn là điều quan trọng, điều quan trọng là trẻ có thực sự cảm thấy vui vẻ và hứng thú với những gì mình học được hay không?

Lựa chọn là một năng lực quan trọng

Cha mẹ luôn hy vọng trẻ làm được những điều tốt nhất, nhưng lại không yên tâm về năng lực của trẻ nên luôn muốn làm thay trẻ. Trẻ học gì, chơi gì, thi vào trường học nào, thậm chí trẻ ăn gì, mặc gì đều do cha mẹ sắp đặt, lo liệu. Ngay cả khi con đã trưởng thành, chuyện kết hôn, sự nghiệp của con cha mẹ cũng muốn can thiệp và muốn quyết định thay con. Cha mẹ thường lấy nguyện vọng của mình áp đặt vào con mà quên mất mong muốn thực sự của trẻ. Điều này khiến trẻ mất đi cơ hội và quyền lựa chọn của bản thân mình. Một nhạc sĩ nổi tiếng đã nói rằng, cách áp đặt cuộc sống cho người khác như vậy rất “dã man”.

Sự “chủ động” này của cha mẹ rất bất lợi cho trẻ. Nếu như sự lựa chọn của cha mẹ là đúng thì trẻ sẽ ngồi yên và hưởng thụ thành quả, không thể có được sự trải nghiệm bổ ích, cũng không biết cách hưởng thụ giá trị niềm vui mà bản thân thực hiện được. Còn nếu cha mẹ chọn sai thì chẳng khác nào đã đánh mất một tài năng, khiến trẻ mất đi cơ hội và điều này khác gì hủy hoại đi tiền đồ của trẻ.

Khi cha mẹ tước mất quyền lựa chọn của trẻ, giết chết sự nhiệt huyết trong con người trẻ thì cũng khiến trẻ trở thành người thụ động. Một đứa trẻ như vậy khi làm bất cứ việc gì cũng đều tỏ ra nhút nhát, không tự quyết định được cho mình, chỉ có thể làm theo ý kiến của người khác mà không có chủ kiến của riêng mình. Điều này ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống sau này của trẻ.

Lựa chọn là một năng lực quan trọng
Khi cha mẹ tước mất quyền lựa chọn của trẻ, sẽ khiến trẻ trở thành người thụ động. (Ảnh: hjenglish.com)

Chủ tịch Hội đồng Thống đốc cục dự trữ liên bang Hoa Kì, ông Alan Greenspan là nhà tài chính nổi tiếng thế giới. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Mỹ, nhưng khi còn nhỏ ông lại theo học âm nhạc.

Mẹ của Alan Greenspan là một nghệ sĩ Violon. Từ nhỏ Greenspan đã theo mẹ học âm nhạc, lớn lên ông thi vào học viện âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp, ông đã theo dàn nhạc đi biểu diễn ở khắp nơi. Nhưng càng ngày ông càng phát hiện ra mình không có năng khiếu âm nhạc, mà chỉ có đam mê với tiền tệ. Vậy là, ông quyết định rời xa âm nhạc để đến một trường đại học lớn ở New York để học tài chính. Sau khi tốt nghiệp, ông đã đến phố Wall để khởi nghiệp.

Tự do lựa chọn của Alan Greenspan đã giúp ông tìm được cho mình con đường phát triển phù hợp. Có thể vì thế mà ông mới trở thành chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ và có những đóng góp lớn trong lĩnh vực tiền tệ.

Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, lựa chọn là một năng lực quan trọng. Năng lực đó ở mỗi người đòi hỏi phải được nuôi dưỡng ngay từ nhỏ. Đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ đã sai lầm cho rằng, khi trẻ lớn lên mới được tự do lựa chọn. Còn khi còn nhỏ thì cha mẹ hoặc vô tình hoặc cố ý quyết định thay cho trẻ, tước đi quyền được lựa chọn của trẻ. Dần dần trẻ cũng không biết rằng mình có quyền được lựa chọn mà sẽ sống ỷ lại vào người khác và cho rằng sự lựa chọn của mình không tốt bằng người khác.

Vai trò của cha mẹ trong sự lựa chọn của con

Một nhà tâm lý học tiến hành cuộc khảo sát tại một trường trung học với chủ đề về tính tự chủ của học sinh. Trong số những học sinh được hỏi câu: Khi gặp khó khăn trong quá trình học tập và cuộc sống thì sẽ làm thế nào? Tất cả học sinh đều có chung câu trả lời là sẽ nhờ cha mẹ giải quyết hộ. Không ai trả lời tự mình suy nghĩ, khi không tìm ra cách mới nhờ cha mẹ giúp đỡ. Còn khi được hỏi sau này sẽ làm nghề gì thì có đến 70% các em được hỏi nói là phải đợi hỏi ý kiến cha mẹ đã rồi mới trả lời.

Nhà tâm lý học này sau khi tổng kết cuộc khảo sát đã nói: Mất đi tính tự chủ, làm tê liệt sự lựa chọn của bản thân, cũng là điểm yếu không thể xem nhẹ của thanh niên hiện nay.

Trẻ không thể lựa chọn và tự quyết định, trách nhiệm chủ yếu thuộc về cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ quyết định cho mọi việc, khi lớn lên thiếu sự phán đoán, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn không có trách nhiệm với bản thân.

Vai trò của cha mẹ trong sự lựa chọn của con
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ quyết định cho mọi việc, khi lớn lên thiếu sự phán đoán, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn không có trách nhiệm với bản thân. (Ảnh: pinterest.com)

Nguyễn Lân (1906 – 2003) là một nhà giáo xuất sắc của Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho giáo dục và ông cũng là người có công trong việc xây dựng bộ môn tâm lý học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm. Điều đáng nói nhất là 8 người con của ông đều là những nhà khoa học thành danh trên nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, vi sinh vật học, lịch sử, bác sĩ… Họ đã có những đóng góp to lớn cho khoa học, cho xã hội.

Ngay từ khi các con còn nhỏ, ông đã tôn trọng sở thích và lựa chọn của con. Dù các con có lựa chọn lĩnh vực nào chăng nữa thì ông cũng có sự ủng hộ và để con tự do theo đuổi đam mê của mình.

Người phương Tây có câu: “Thiên tài thì ở đâu cũng là thiên tài bởi họ luôn lựa chọn cho mình con đường phát triển thích hợp nhất”. Cha mẹ có trách nhiệm định hướng cho trẻ nhưng nhất định không được ép trẻ theo ý của mình, không được thay trẻ lựa chọn, càng không nên vì thực hiện lý tưởng của cha mẹ mà làm những việc trẻ không muốn hoặc ép buộc trẻ phải hy sinh bản thân.

Cha mẹ tốt chính là người thầy tốt, cũng là người bạn tốt của trẻ. Bởi vậy, cha mẹ nhất định không được đánh giá thấp cách nghĩ và khả năng phán đoán của trẻ. Trẻ dần dần lớn lên, cha mẹ nên tách mình ra buông tay cho trẻ tự lập, để chúng phát huy tối đa trí tuệ của mình và tự chủ được trong mọi việc. Cha mẹ tôn trọng lựa chọn của trẻ chính là một cách yêu thương đúng đắn.

Làm thế nào để giúp trẻ có lựa chọn tốt?

1. Để trẻ lựa chọn trong phạm vi khả năng của mình

Khi trẻ bắt đầu có khả năng lý giải, hãy để trẻ thông qua việc lựa chọn để bồi dưỡng khả năng phán đoán của mình. Như vậy, khi lớn lên trẻ  sẽ tự tin với sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý là để trẻ lựa chọn trong phạm vi kiểm soát của mình để tránh những việc nguy hiểm không an toàn bởi vì trẻ chưa hiểu hết những việc có hại.

Làm thế nào để giúp trẻ có lựa chọn tốt?
Cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ sự lựa chọn trong khả năng của mình (Ảnh: photographytalk.com)

2. Giúp đỡ trẻ kịp thời

Tự do lựa chọn không có nghĩa là thích gì chọn nấy, lựa chọn một cách mù quáng. Trước khi trẻ đưa ra quyết định quan trọng, cha mẹ có thể giúp trẻ thu thập thông tin, phân tích cho trẻ những mặt lợi, mặt hại của những thứ mà mình muốn lựa chọn. Cha mẹ nên cùng con đánh giá, phân tích vấn đề đó từ nhiều chiều, nhiều góc nhìn để trẻ tìm hiểu trước vấn đề rồi mới đưa ra quyết định.

Cha mẹ cần lưu ý một điều, những phân tích và kiến nghị của cha mẹ không thể thay thế sự lựa chọn của con. Nếu trẻ đã xem xét sự việc kỹ lưỡng trước đó rồi mới đưa ra quyết định thì cha mẹ cần ủng hộ trẻ và tôn trọng quyết định của trẻ. Bởi vì, ở bất kỳ lĩnh vực nào muốn thành công thì cũng cần có niềm đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực hết mình. Hãy cho trẻ được sống với niềm đam mê của mình.

3. Dạy trẻ biết cách đánh giá chính xác bản thân

Có rất nhiều người khi đứng trước sự lựa chọn không biết phải làm như thế nào, nguyên nhân là vì họ không hiểu bản thân, không biết khả năng của mình đến đâu. Bởi vậy, khi trẻ còn nhỏ cha mẹ cần phát hiện những đặc tính, đặc điểm, sở thích… của trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Sau đó, cha mẹ hãy giúp trẻ nhìn nhận bản thân một cách toàn diện.

4. Tôn trọng lựa chọn của trẻ

Nhiều cha mẹ do lo lắng trẻ lựa chọn sai nên không dám trao cho trẻ quyền được lựa chọn. Nhưng nếu từ nhỏ đã không được lựa chọn, thì khi lớn lên trẻ sẽ không bao giờ biết lựa chọn.

Tôn trọng lựa chọn của trẻ
Tôn trọng lựa chọn của trẻ, sẽ giúp trẻ có thể trải nghiệm có trách nhiệm và sống tự lập. (Ảnh: pixabay.com)

Trước khi cho trẻ quyền lựa chọn, cha mẹ có thể giúp trẻ phân tích các khả năng, đồng thời nói rõ cho trẻ biết nếu lựa chọn sai thì tự mình phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp đó, dù trẻ có chọn sai thì cũng là một bài học đáng giá.

Có một vị phụ huynh đưa con đi đăng kí học ở cung thiếu nhi, đầu tiên phụ huynh có ý định cho con học piano, nhưng sau khi phát hiện thấy con chăm chú nhìn vào lớp học múa và muốn học. Vị phụ huynh ấy đã đăng ký cho con học múa nhưng yêu cầu con phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, nhất định phải học tốt môn này.

Cha mẹ đã cho con cái sinh mệnh, nhưng sinh mệnh ấy không thể lặp lại y hệt cha mẹ. Vì tương lai của trẻ, cha mẹ hãy cho con một môi trường rộng mở để trẻ học được cách lựa chọn.

videoinfo__video3.dkn.tv||df040b74e__