Việc hành tây có tác dụng tốt đối với sức khoẻ là điều mà các chuyên gia y học và những người đã sử dụng đều không thể phủ nhận.

Bạn còn nhớ bộ phim đình đám “Cô nàng xinh đẹp”, trong phim, khi nữ chính Kim Hye Jin (Hwang Jung Eum đóng) bị cảm lạnh, chàng phó tổng Ji Sung Joon (Park Seo Joon đóng) đã rất lo lắng và tìm nhiều cách để mong cô khỏi bệnh. Sau khi tìm hiểu trên MXH thì anh chàng có biết, hành tây có thể kháng khuẩn và giúp người cảm lạnh nhanh khỏe vì vậy đã để một củ hành tây trên bàn của cô. Hye Jin đã cảm động đặt củ hành tây lên cốc nước để nó ra rễ, mọc mầm. Chiếc mặt người tự vẽ trên thân củ hành tây cũng trở thành người bạn an ủi mỗi khi cô gặp khó khăn. Và trào lưu trồng hành tây đã bắt đầu từ đó…

Thì mới đây, trên Facebook Nguyễn Thị Hoài có đăng tải thông tin về chống bệnh của người xưa bằng củ hành tây với ba bước thực hành đơn giản đã nhận được nhiều lượt tương tác từ cư dân mạng.

” Cách khử trùng – Phòng vi khuẩn bệnh dịch cúm từ củ hành tây!

1. Mua mấy củ hành tây tươi.

2. Lột vỏ hoặc không tùy bạn rồi đặt lên 1 ly/cốc nước cho rễ hành phát triển.

3. Đặt củ hành ở cửa ra vào phòng và 4 góc phòng/ phòng khách/ phòng bếp/phòng ngủ/toilet. Khi nào nó héo khô thì thay củ khác (nếu bạn không bỏ nước vào cốc).

(Thông tin tham khảo – mẹo chống bệnh của người xưa).

….”

Và trào lưu trồng hành tây lại được rần rần với tác dụng phòng vi khuẩn bệnh dịch cúm. Vậy điều này có thực sự đúng?

Ảnh chụp màn hình Facebook Nguyễn Thị Hoài.

Câu chuyện về hành tây trong phòng chống đại dịch

Đó là câu chuyện được báo Sức khoẻ Gia đình đăng tải, kể về việc một gia đình sống trong ngôi làng ở Tây Ban Nha đã phòng chống được đại dịch vào cuối thế kỷ 14 nhờ đặt củ hành tây trong nhà.

Năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, theo ước tính, khoảng 50 – 100 triệu người đã bị chết. Đại dịch cúm được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần 2/3 số dân châu Âu vào thế kỷ 14. Đối với giới y học lúc này, dịch cúm là cơn ác mộng không gì có thể khống chế được.

Tuy nhiên, trong một lần bác sĩ đến thăm và khảo sát tại một làng quê thì thấy có một gia đình nông dân vẫn sống khỏe mạnh trong khi những nhiều gia đình xung quanh họ đã nhiễm bệnh và chết do cảm cúm.

Khi được hỏi về bí quyết phòng chống cúm, người nông dân đã chỉ vào một củ hành tây không lột vỏ để trên bàn. Mỗi phòng đều có một củ như vậy. Không thể tin vào điều đó, người bác sĩ đã xin củ hành tây về soi dưới kính hiển vi. Thật ngạc nhiên, bên trong củ hành tây bám đầy siêu vi trùng.

Điều đó lý giải vì sao gia đình bác nông dân đều sống khỏe mạnh. Đơn giản vì củ hành tây đã hút hết siêu vi trùng vào trong nó nên những người trong gia đình không còn bị nhiễm bệnh.

Các chuyên gia y học nói gì?

Qua câu chuyện về gia đình bác nông dân thì hành tây là khắc tinh của vi trùng, cho nên đã giúp gia đình bác nông dân thoát đại dịch. Câu chuyện đó cũng được đăng tải, lưu truyền cho đến nay và cũng có trào lưu trồng hành tây vào cốc nước rồi đặt trong nhà, bàn làm việc ở công ty giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm, nghẹt mũi hiệu quả được chị em văn phòng hưởng ứng khá rầm rộ…

Ảnh chụp màn hình Eva.

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết trên báo Khoa học Đời sống rằng, đúng là hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và Salmonella. Hành tây có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các chứng bệnh do cảm cúm, cảm lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt siêu vi, cảm gió, cảm sốt kèm hắt hơi, sổ mũi… Chính vì những đặc tính kể trên nên hành tây được xem là thần dược trong việc phòng chống đại dịch cúm ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 14.

Bên cạnh đó, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam chia sẻ về vấn đề này, trong các sách về Đông Y chưa thấy có đề cập cách trồng củ hành tây vào trong lọ thủy tinh cho mọc rễ và lá có thể ngăn ngừa được cảm cúm. Tinh dầu của hành có ở trong củ chứ không ở trong lá và chúng không phát tán ra không khí trong quá trình trồng.

Nhưng về bản chất, hành tây có tác dụng phòng và giải cảm hiệu quả. Có thể dùng hành tây luộc chín và ăn cả phần cái cũng như uống nước luộc. Tuy nhiên, mức nước cho vào luộc vừa phải để không bị mất đi độ cay của hành tây. Làm hành tây như cách trên có thể có tác dụng giải cảm hiệu quả và phòng ngừa cảm cúm nhất là những ngày lạnh. Tuy nhiên, nếu dùng cho trẻ nhỏ nên ở mức vừa phải, không quá cay, lượng vừa phải và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Món ăn bài thuốc từ hành tây

Tuy không phải là phương pháp chữa được triệt để dịch bệnh đang hoành hành, nhưng hành tây có tác dụng tốt đối với sức khoẻ là điều nhiều người không thể phủ nhận. Theo Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội dược liệu Tp. HCM chia sẻ trên báo VnExpress, trong hành tây chứa một hoạt chất sinh học là hormon prostaglandine A, giúp điều hòa huyết áp và thành phần máu, ngăn chặn việc hình thành các cục huyết khối và sự xuất hiện của bệnh ung thư máu.

Hành tây có tác dụng kích thích, lợi tiểu, hòa tan, làm giảm urê và các chlorua, làm dễ tiêu hóa, sát khuẩn, chống nhiễm khuẩn, trị ho, giúp an thần nhẹ, chống đau nhức, mệt mỏi, bổ thần kinh, bổ dưỡng cơ thể, giúp phòng ngừa huyết khối, đái tháo đường, các bệnh ngoài da…

Hành tây thường được khuyên dùng trong các trường hợp như: Suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đi tiểu ít, phù thũng, thừa urê huyết, tăng chlorua huyết, đầy hơi, giảm nhu động ruột, viêm nhiễm đường tiết niệu – sinh dục, suy giảm sinh dục, đái tháo đường, béo phì, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, ký sinh trùng đường ruột, cảm cúm, nhức đầu…

Một số món ăn với hành tây, bạn có thể tham khảo nhé:

Bò xào hành tây

Nguyên liệu: Thịt bò phi lê 100g, đậu đũa 50g, cà rốt xắt mỏng 50g, cà chua bi 50g, hành tây 50g, hành tím xắt nhỏ 1 muỗng cà phê, nghệ tươi 1 củ, tỏi băm, hạt nêm, đường, dầu hào, tương ớt, dầu ăn lượng vừa đủ dùng.

Cách làm: Gọt vỏ nghệ, giã nhỏ vắt lấy nước. Xắt vuông thịt bò, ướp với nghệ, hành, tỏi băm, dầu hào, tương ớt. Đun nóng dầu, phi thơm hành, tỏi, cho thịt bò vào đảo nhanh tay, nêm gia vị. Đun chút dầu khác, xào cà rốt, đậu đũa cắt khúc, hành tây cắt vuông, cà chua bổ đôi, cho thịt bò vào đảo đều, nêm gia vị. Dùng nóng trong bữa cơm.

Công dụng: Đây là món ăn rất ngon miệng lại có lợi cho sức khỏe, có tác dụng bổ huyết, thông khí, giảm đau, tăng cường thị lực.

Món gan heo nướng hành tây 

Cách làm: Dùng 300g gan heo tươi, khứa nhiều khía rãnh nhỏ trên gan, 250g hành tây tươi giã nát, bọc quanh gan.

Lấy lá cây chuối hột bọc kín lại. Nướng chín trên bếp than cháy đỏ. Dùng với nước chấm hoặc muối tiêu.

Công dụng: Giúp mạnh khí lực, bổ huyết, tăng cường thị lực.

Canh cua đồng, hành tây

Cách làm: Cua đồng 500g, rửa sạch, để ráo, giã nhỏ, cho vào tấm vải lược vắt lấy nước, bỏ bã để làm riêu cua. Hành tây 200g tươi. Nấu canh riêu cua với hành tây. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Công dụng: Món ăn này có ích cho những người bị té ngã gãy xương, đau lưng, đau các khớp, vận động khó khăn. Những người bị sỏi đường tiết niệu thì không nên dùng.

Bếp Đại Kỷ Nguyên đã chắt lọc lại thông tin chữa bệnh của củ hành tây, mong mang đến cho độc giả kiến thức hữu ích để mỗi ngày sẽ có những bữa cơm vừa ngon lại tốt đối với sức của gia đình bạn!

Video xem thêm: Khỏe mạnh với 6 loại thực phẩm bổ thận

videoinfo__video3.dkn.tv||9c0262d7e__