Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

7 tội lỗi này mà Gandhi đưa ra là một danh sách hoàn chỉnh những hành vi của con người đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với xã hội. Với niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh tối cao của đạo đức, Gandhi đã tạo ra bản danh sách 7 điểm này để cảnh báo toàn xã hội về những yếu tố cội nguồn gây ra sự suy yếu của xã hội con người.

Đạo đức là một tập hợp các giá trị bao gồm những đức tính thuộc về đức tin, công dân và gia đình. Gandhi giới thiệu danh sách này với mong muốn tạo nên một hướng dẫn cho người dân tránh khỏi những tại họa tất yếu sẽ xảy đến nếu rời xa đạo đức chân chính. Hãy cùng điểm lại 7 loại hình tội lỗi xã hội này với con mắt hướng vào chính bản thân mình, từ đó chọn lựa được cách sống đúng đắn hơn, dừng việc góp sóng thành bão trong sự xuống dốc của xã hội hiện thời.

1. Kinh doanh nhưng không mang theo đạo đức trong tâm

Tham vọng của con người là một trong những thành tố quan trọng tạo nên những tội lỗi xã hội. Khi là một người kinh doanh chỉ để ý tới lợi ích cá nhân, bạn có thể tìm ra tất cả các lý do để bao biện cho những hành động của mình. Sự thành công của cá nhân trở thành một lời biện hộ cho những quyết định và những hành động không thể chấp nhận.

Thậm chí rất nhiều người nghĩ rằng họ là những nhà kinh doanh “tốt”. Tuy nhiên, họ đều kết thúc bằng việc đầu hàng vô điều kiện cái gọi là “phải thực tế”. Họ coi những người làm kinh doanh lấy đạo đức và sự thành tín làm trọng là những kẻ viển vông và ngây thơ. Nhưng những ý tưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của “lợi ích cá nhân”, hay “tính thực tế” sẽ đốt cháy ranh giới mong manh giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác. Đồng thời những tư tưởng này chính là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cái gọi là “luật rừng”.

Kinh doanh từ nền tảng đạo đức mới tạo nên thành công bền vững nhất (Ảnh minh họa: tiki)

Thật đáng buồn khi người ta không nhận ra rằng tội ác này đang phát triển rất mạnh mẽ trong xã hội chúng ta. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng nhái dù có thể mang tới nguy hại cho người tiêu dùng nhưng vẫn được sản xuất buôn bán rộng khắp trên thị trường.

2. Tìm cầu hạnh phúc thư thái mà quên mất lao động chăm chỉ

Lao động không đơn giản chỉ mang ý nghĩa là phương tiện để bạn kiếm tiền, nó còn mang đến cho bạn cả Phẩm giá. Sống dựa trên tiền bạc của người khác sẽ dần thui chột những khả năng và ý chí của bạn, đồng thời biến bạn trở thành một thành phần “ăn bám” của xã hội.

Những tiện ích mà bạn thụ hưởng nên đến từ sự lao động chân chính. Bởi nếu thiếu đi một mục tiêu để hướng đến trong cuộc sống, con người sẽ rất dễ rơi vào cảm giác chán nản bản thân mình. Họ cũng sẽ nhanh chóng rơi vào cảm giác cuộc sống nhàm chán, vô vị và chông chênh. Sự chăm chỉ mang lại ý nghĩa lớn cho cuộc sống của con người.

Sự chăm chỉ mang lại ý nghĩa lớn cho cuộc sống của con người (Ảnh minh họa: curiosfera)

Nhìn ở một góc độ khác, tội lỗi này cũng tương ứng với những trường hợp con cái sinh ra và sống trong gia đình giàu có nhưng lại không nhận được sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Sinh ra đã sống trong những điều kiện vật chất tốt nhất, lại không được cha mẹ dạy về giá trị của những của cải trong gia đình, nên những đứa trẻ con nhà giàu này thường rơi vào sự ăn chơi xa đọa. Họ cũng là đối tượng dễ dàng rơi vào những cạm bẫy của xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc.

3. Giáo dục nhưng không đề cao phẩm cách

Giáo dục là một quá trình toàn diện và nếu không được chú trọng đúng mực, nó có thể dẫn đến một tội lỗi xã hội khác nghiêm trọng không kém. Tội lỗi này sẽ đến khi con người chỉ coi giáo dục đơn thuần là việc nhồi nhét những kiến thức, tri thức mới vào tâm trí con người, với mục đích biến người đó trở thành chuyên gia nhưng lại quên mất trang bị cho họ những kiến thức nền tảng về “phẩm giá của con người”.

Người việt có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là mang ý nghĩa này. Việc dạy dỗ con trẻ cần là quá trình song song giữa trang bị tri thức và rèn luyện tính cách. Steven Covey, một tác giả nổi tiếng của người Mỹ có một hình dung rất cụ thể về vấn đề này. Theo ông việc bỏ quên sự rèn giũa nhân cách, phẩm giá cho học sinh sẽ giống như đặt một chiếc xe đua mạnh nhất vào tay một đứa trẻ vị thành niên vừa hút ma túy. Nó sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được.

Giáo dục chú trọng rèn luyện phẩm cách mới tạo nên một thế hệ trẻ có tài và có tâm (Ảnh minh họa: japo)

Nhưng giáo dục nhân cách, phẩm giá không được dừng lại ở những bài học hình thức trong nhà trường. Các thầy cô cần phải là những người có được những giá trị chắc chắn trong tâm hồn. Chỉ có vậy họ mới có thể truyền đạt và giúp học sinh rèn luyện những điều này một cách thực chất. Điều này đồng nghĩa với việc các thầy cô giáo cần là những người giữ gìn được nhân cách cao đẹp của mình.

4. Chính trị không theo nguyên tắc

Lãnh đạo cần có nguyên tắc. Những nguyên tắc này không phải do con người đặt ra. Sâu xa hơn để có thể thực hiện tốt vai trò này, các nhà lãnh đạo là những người cần phải nắm vững những chân lý – những nguyên tắc cốt lõi của sự sống. Nếu có thể hướng xã hội tuân theo những nguyên tắc này, các nhà lãnh đạo mới có được sự đồng thuận một cách tự nhiên. Nếu đi ngược lại với những chân lý này, người lãnh đạo sẽ khiến xã hội lâm vào tình trạng loạn lạc.

Những bậc vua chúa xưa tại Trung Hoa là một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc lãnh đạo đất nước dựa trên việc quan sát sự vận hành của đất trời, “thuận theo thiên ý”. Những quy luật này sẽ dẫn dắt và giúp các vị quân vương có được những quyết sách sáng suốt giúp quốc gia đạt được tình trạng “quốc thái dân an”.

Những người lãnh đạo vĩ đại nhất đều lắng nghe Thiên ý (Ảnh dẫn qua: vietnamese.cri.cn)

5. Làm khoa học nhưng không có nhân tính

Khoa học được sinh ra để phục vụ con người. Nhưng rất nhiều những thí nghiệm khoa học trong lịch sử không thực sự đạt được mục đích này. Nhiều khoa học gia đã nhân danh việc tìm ra sự thật để tiến hành những thí nghiệm đáng sợ trên chính con người và các loài động vật. Không có nhân tính rất nhiều những ý tưởng khoa học điên rồ đã được đưa ra.

Không có nhân tính, nhiều nhà khoa học cũng không có cho mình những tiêu chuẩn đánh giá nên hay không nên phát triển ý tưởng của mình. Nó biến khoa học trở thành một điều đáng sợ với cuộc sống của con người. Những thí nghiệm như ghép đầu người, những phát minh như nhựa hóa xác sống sẽ mang đến điều gì cho nhân loại? Và thử hỏi, với những thí nghiệm, mẫu vật rùng rợn ấy, khía cạnh khoa học nào được chứng minh ở đây?

6. Vui vẻ không đi kèm với trách nhiệm

Việc tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống là một điều hoàn toàn chính đáng. Mỗi con người đều có quyền đi tìm những điều mang tới sự vui thích cho các giác quan và tâm hồn của mình. Tuy nhiên, nếu bạn để cảm giác vui thú này chiếm lĩnh, khi nó trở thành khoái lạc, mọi chuyện sẽ tiến triển theo chiều hướng tiêu cực. Cùng một điều mang đến cảm giác vui vẻ ấy có thể mang tới những nỗi đau lớn.

Sự điều độ, cân bằng là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người theo Gandhi (Ảnh minh họa: wellbeingescapes)

Gandhi tin rằng sự điều độ là một trong những phẩm chất đáng quý nhất của con người. Vui vẻ nhưng có kiểm soát và đi kèm với trách nhiệm chính là khả năng kiểm soát sự cân bằng trong cuộc sống của mỗi người. Nhiệm vụ của bạn là không để sự vui thú lấn át và làm tổn hại đến những giá trị khác của bản thân mình.

Tội lỗi này dường như đang phản ảnh rõ nét trong cuộc sống hiện đại. Những người đàn ông bê tha, thích nhậu nhẹt, hoặc tình trạng ngoại tình tràn lan, phổ biến chính là những biểu hiện rõ nét cho loại tội lỗi này.

7. Tham gia tôn giáo nhưng không có sự dâng hiến

Với Gandhi điều này có thể được áp dụng cho mọi tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh. Nếu bạn giữ trong tâm trí một đức tin chân chính và mạnh mẽ bạn cần luôn sẵn sàng để biết tất cả những điều bên trong tâm trí và trái tim bạn trở thành những hành động cụ thể, nhất quán với đức tin ấy.

Có một đức tin thôi chưa đủ, bạn cần hành xử theo những điều chân chính được truyền dạy trong đó (Ảnh minh họa: tinhtue)

Tham gia tôn giáo nhưng không có sự hy sinh cũng đồng nghĩa với việc bạn có đức tin nhưng không bao giờ thực sự sống với đức tin ấy.  Đó là một tội lỗi lớn bởi vì bạn đang khiến tất cả những điều mà bạn tin mất đi hết những giá trị của chúng.

Một bộ phận lớn những nhà tu hành ở Việt Nam đang mắc phải tội lỗi nghiêm trọng này. Mọi người biết tới họ là những người mang tín tâm vào giáo lý của Đức Phật. Nhưng họ để cuộc sống của mình chìm trong những dục vọng không khác gì người bình thường khác. Họ không còn là những người khiến những điều Phật dạy hiển hiện trong cuộc sống. Con người hiện đại dần mất niềm tin vào tôn giáo, vào những điều hướng thiện và tốt đẹp cũng một phần vì lý do này.

Hy Văn