Đặc sản miền này đã được biến tấu khi mang sang vùng khác, qua mỗi tay người nấu lại có chút gia giảm. Chưa bao giờ việc ăn uống trở nên dễ dàng đến thế, nhưng để tìm được một món ăn chính gốc, nấu kiểu truyền thống cũng chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Có lẽ, lý do này khiến quán bún giò heo chả thơm mùi khói bếp của bà Sương, (Tp.HCM), ngày càng thêm đông khách…

Để ăn một tô bún giò heo chả cua đúng chất Huế, thực khách không cần vượt quãng đường xa xôi về đất cố đô, mà có thể đến ngay quán của bà Võ Thị Sương, (46 tuổi), địa chỉ 817 Tạ Quang Bửu (P.15, Q.8) để được tận hưởng tô bún ngon đúng điệu.

Bà Sương vốn là người gốc Huế, vào Sài Gòn lập nghiệp đã ngót ngét 20 năm. Lúc mở quán, mỗi ngày chỉ bán được hơn 10kg bún, đến nay đều đặn “xuất xưởng” ngày cả trăm ký bún tươi, tính ra khoảng 700 tô.

Nối nước lèo được nấu bằng bếp củi giúp tô bún mang đúng hương vị Huế, không lẫn bất cứ vùng miền nào.(Ảnh cắt từ clip)

Bí quyết của bà nằm ở trong hai chữ “truyền thống”. 20 năm buôn bán, bà Sương vẫn giữ nguyên cách nấu thủ công dùng bếp củi hầm nước lèo. Người dân Huế vẫn thường thích ăn bún của các mệ gánh đi bán dạo do họ đun củi khi nấu và khi gánh đi bán. Nước lèo xương hầm trên bếp củi, nấu càng lâu, nước sắt lại càng ngon, hòa lẫn với mùi củi đun càng tạo nên hương thơm nồng đặc biệt.

Nồi nước nước dùng cho bát bún giò heo chả cua đậm vị Huế. Ngoài nước hầm, chả tôm, chả heo và huyết heo cũng được đun trên bếp củi… giữ cho viên chả có vị ngọt còn có mùi thơm lạ. (Ảnh: Ngôi Sao)

Sợi bún trắng làm từ gạo thơm, quyện với nước lèo ngon ngọt từ xương, giò heo béo ngậy, chả cua viên quết sật sật, vài lát huyết, vài cọng rau quế thơm thơm, ăn kèm ớt sate cay xè… Tất cả hoà quyện trong bát bún bình dân khiến người Sài Gòn sẵn sàng chịu nóng xếp hàng để được thưởng thức. Muốn ăn ngon phải chờ đợi, phải chịu khổ một tí cũng có thể xem là “cái thú”.

Quán bún của bà lúc nào cũng nườm nượp khách đến thưởng thức. (Ảnh: Thanh Niên)
Nhiều người kiên trì đợi để ăn bún giò gốc Huế nấu bằng bếp củi. (Ảnh: Thanh Niên)

Bà Sương chia sẻ với Thanh Niên: “Ngày xưa ở quê, mỗi khi đến mùa gặt lúa, tôi hay nấu bún cho bà con ăn trưa, mọi người khen ngon. Khi vào Sài Gòn, tôi nấu bún giống hệt như vậy thôi. Chồng tôi trước đây khi đi bộ đội ra, có đi làm tại một cửa hàng chuyên sản xuất chả cua nên sau này mở quán thì làm được món chả thêm vào nồi nước lèo. Nhiều khi tôi tính chuyển nấu bún từ bếp củi sang bếp điện, nhưng sợ hương vị bún không giữ được đúng hương vị quê hương nên tôi vẫn nấu theo cách truyền thống”.

Giữ hương vị đặc trưng của món bún giò heo chả cua Huế, giúp bà Sương bám trụ được trên mảnh đất Sài Gòn.

Quán của bà Sương mở cửa từ 6h30-12h mỗi ngày, nhưng lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Ai ăn thấy ngon rồi mách bạn bè. Cũng vì có cái “tâm” của người làm bếp mà bà được lộc kinh doanh buôn bán. Trừ toàn bộ chi phí, mỗi tháng bà thu về tới 50 triệu đồng. Quán bún nhỏ mang nguồn thu nhập chính của cả gia đình, giúp bà trang trải cuộc sống, nuôi nấng ba người con khôn lớn.

Quán dùng loại bún tươi sợi nhỏ chứ không dùng bún sợi to. (Ảnh: Ngôi Sao)
Bát bún không thể thiếu hành tây, rau sống và một chút sa tế, để khi ăn vừa hít hà, vừa lau mồ hôi.
>
Một tô bún 35.000 đồng sẽ có chả tôm, chả heo. Khi thưởng thức sẽ ngon hơn nếu được vắt thêm ít chanh, nước mắm, hòa quện mùi khói bếp rất đặc trưng. (Ảnh: Ngôi Sao)

Minh Lan